BIẾN MẢNH ĐẤT BẠC MÀU THÀNH VƯỜN RỪNG TRÙ PHÚ
Câu chuyện phép màu của nguyên thứ trưởng bộ nông nghiệp Thái Lan
Thực trạng
Nông dân bị kẹt vào vòng xoáy nghèo đói, đất đai bạc màu, nợ nần chồng chất, phụ thuộc vào hoá chất... Đó là những gì mà Tiến sĩ Wiwat Salyakamthorn - một nhà nông học và nhà lãnh đạo nông nghiệp nổi tiếng của Thái Lan - đã chứng kiến khi đi cùng vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX) thăm nhiều vùng khác nhau trên khắp đất nước.
Tác nhân lớn nhất của tình trạng này là hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại đã “vắt kiệt sức” làm việc của đất. Các phương thức trồng độc canh theo kiểu công nghiệp, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái và triệt tiêu sự sống nằm trong lớp đất mặt. Mô hình canh tác thông thường này ngày càng bị chỉ trích vì những tác động tiêu cực đến môi trường và không có khả năng nuôi sống dân số hành tinh.
Do đó, thách thức đặt ra cho các cộng đồng địa phương là làm sao để đảo ngược quá trình sa mạc hoá thông qua việc cải tạo đất, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất và nước, và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Xuất thân
Tiến sĩ Wiwat sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Chachoengsao. Nhờ nghị lực và sự cần cù nên sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành một công chức nhà nước làm việc trong Văn phòng Ban Dự án Phát triển Hoàng gia Thái Lan. Trong thời gian này, ông đã có cơ hội tiếp xúc với Triết lý Kinh tế Vừa đủ (Sufficiency Economy Philosophy) của cố nhà vua.
☘️ Triết lý này đề cao tầm quan trọng của sự tự chủ, tự túc, và sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Triết lý còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế một cách bền vững, hài hòa với môi trường và xã hội. Ban đầu, Triết lý này chỉ là một ý tưởng trên bàn giấy của vị vua. Ông bị mọi người chế giễu vì phát ngôn của ông quá lý thuyết và xa vời thực tế. Để chứng minh cho tính hiệu quả của Triết lý Kinh Tế Vừa Đủ, ông quyết định từ bỏ công việc bàn giấy ổn định để trở thành một người nông dân chân đất.
Ông đã dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu và phát triển và áp dụng Triết lý Kinh tế Vừa đủ vào thực tiễn. Đồng thời, ông tập hợp và phát triển các phương pháp nông nghiệp bền vững nhằm cải thiện chất lượng đất đai và cuộc sống người nông dân.
Sau hơn 30 năm, Triết lý Kinh tế Vừa đủ đã có được những mô hình kiểu mẫu thành công và mở ra hướng đi mới cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của người nông dân. Nhờ đó, ông được người đời tôn lên làm Ajarn (tiếng Thái: người thầy lớn) Yak và mệnh danh là "cha đẻ của nông nghiệp bền vững Thái Lan".
Mỗi lần sinh nhật, người dân khắp nơi mang đến biết bao nhiêu món quà giá trị để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và kính phục ông. Nhận thấy rằng việc này quá lãng phí và xa xỉ, ông đề xuất mọi người hãy tụ họp lại, cùng nhau nấu ăn và chia sẻ thành quả MIỄN PHÍ cho những người trong cộng đồng. Từ đó, lễ hội sinh nhật của Ajarn được tổ chức linh đình trong 3 ngày 3 đêm vào tháng 03 hằng năm.
Quá trình chuyển hoá mảnh đất
Ban đầu, Ajarn mượn từ người chị dâu một mảnh đất 1,600 mét vuông để thử nghiệm. Trước đó, người ta trồng độc canh cây mía trên đó, nên lúc đó mảnh đất trơ trọi và không có lấy nổi một chút chất dinh dưỡng nào còn sót lại. Ngay cả một con giun hay vi sinh vật cũng không xuất hiện. Đến cây cuốc cũng bị gãy khi cố gắng đào xới quá mạnh.
Để mang trở lại sự sống cho mảnh đất này, ông nhận thấy chỉ cần tập trung quản lý 2 thứ: Đất và nước.
Sự sống chẳng thể nào có mặt nếu thiếu một yếu tố then chốt khác - NƯỚC. Tự chủ nguồn nước cũng là một mục tiêu của Triết lý kinh tế vừa đủ. Nếu sử dụng nguồn nước bên ngoài thì không kiểm soát được chất lượng, và nước ngầm bơm từ giếng thì lại hữu hạn và tốn nhiều thời gian tái tạo. Để tránh bị phụ thuộc, bài toán tiếp theo ông cần giải đó là “Làm sao dự trữ nguồn nước mưa và luân chuyển hợp lý để đủ dùng quanh năm ?"
Dựa trên lý thuyết về việc bảo tồn nước của cố quốc vương, ông đã thiết kế các khu vực thu nước và phân chia khu đất hữu hiệu thành các vùng với chức năng khác nhau có tên “khok non na". Tận dụng sự hiểu biết về dòng chảy của nước, ông đào hệ thống đập/ao và kênh nước chằng chịt xung quanh mảnh đất. Hệ thống này cũng chống ngập úng mùa lũ và hạn hán vào mùa khô. Nhờ vậy mà độ ẩm trong khu vườn được duy trì ở mức thích hợp cho các loại động thực vật phát triển khoẻ mạnh. Lợi ích quan sát được còn là tăng mực nước ngầm, tránh rửa trôi đất, hỗ trợ canh tác tự nhiên sao cho đỡ tốn công sức chăm sóc nhất.
Sau khi dưỡng đất và thu được nước rồi, thì việc trồng cây trở nên dễ vô cùng. Một khi hệ sinh thái được phục hồi và đất đai trở nên màu mỡ rồi, thì cây trồng tự khắc trở nên khỏe mạnh tránh được mọi thể loại bệnh tật. “Hãy trồng những gì chúng ta cần" - Đó là lời dạy của ông cho những người trong lớp học của tôi. Các loại cây với tầng tán đa dạng được trồng xen kẽ với nhau. Sự đa dạng này giải quyết những nhu cầu cơ bản của hộ gia đình bởi chúng cung cấp: thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên liệu làm chỗ ở và làm sạch đất nước, không khí.
Sau một vài mùa vụ đầu tiên, nỗ lực cải tạo đất của ông đã đơm hoa kết trái. Những hạt lúa hữu cơ trên cánh đồng của ông thì lại thơm ngon hơn của những người hàng xóm xung quanh (mặc dù sử dụng cùng một loại hạt giống). Năng suất trên mảnh vườn của ông cũng cao hơn hẳn so với những nơi trồng độc canh sử dụng hoá chất. Những nguyên tắc thành công trên được ông đúc rút thành “Nguyên lý của nông nghiệp tự nhiên".
Mảnh đất cằn cỗi ngày xưa bây giờ trở thành một khu rừng xanh tươi mát rượi. Không những thế, nơi đây còn mở rộng thành một phức hợp khoảng 80 ha gồm trường học, cộng đồng và chùa với tên gọi Mab Eaung Agri-Nature Center. Mab Eaung được ví như một “khuôn viên trường đại học" về nông nghiệp tự nhiên khi mỗi tháng đón hàng trăm người Thái và bạn bè quốc tế đến đây học tập và nghiên cứu. Gọi là “trường đại học" vì Mab Eaung thuộc mạng lưới Nông Nghiệp Tự Nhiên Thái Lan gồm hơn 100 trung tâm tương tự trải dài trên khắp đất nước. Ajarn Yak thành lập mạng lưới này nhằm tạo nên phong trào xã hội và thử nghiệm mô hình Triết lý kinh tế vừa đủ trên nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Sau nhiều lần gặp gỡ và học hỏi từ ông, mô hình giáo dục của Mab Eaung đã truyền cảm hứng cho tôi trong việc thiết kế chương trình giáo dục thay thế của riêng mình. Mô hình nông nghiệp bền vững của Mab Ueang Agri-Nature Center cũng là một gợi ý cho những ai đang tìm kiếm một giải pháp cho những vấn đề của nông nghiệp hiện đại. Triết lý Kinh Tế Vừa Đủ cũng là một lối sống cho những ai đang cần một hướng đi thay thế trong cuộc đời của mình.
#vcilcommunity #sufficiencyeconomy #regerativeagriculture
Đọc thêm
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất