(Bài viết dành tặng cho những người bạn du học Nhật)

22 tuổi bạn là ai? Bạn đang làm gì? Bạn vẫn ngồi tự nhìn thấy bản thân mình chẳng có gì trong tay, nhưng lại buộc phải ra đời và tập trở thành người lớn với đủ thứ trên vai.

22 tuổi nếu bạn đang ở Việt Nam có lẽ là mới tốt nghiệp ở trường đại học, kết thúc khoảng thời gian dài mài mông trên ghế nhà trường, chính thức kết thúc quãng đời học tập của cuộc đời. Bạn buộc phải ra đời lao vào công việc nào đó để làm, để kiếm tiền nuôi sống bản thân.
22 tuổi của bạn không phải là khoảng thời gian bắt đầu lao vào kiếm tiền như ở Việt Nam. Vì công việc kiếm tiền của bạn đã bắt đầu từ những ngày đầu tiên khi bạn sang Nhật. Một ngày ở tuổi 22 của bạn trôi đi như bao ngày ở cái tuổi 20, 21 trước đó, khi bạn sang Nhật với những khát vọng, với ý định riêng tìm kiếm cho mình một cái gì đó ở nước Nhật. Những ngày gần đây, bạn thấy bạn bè ở nhà chụp ảnh tốt nghiệp, bảo vệ luận văn ra trường, khoe bằng, khoe công việc mới, khoe bước ngoặt của họ. Bạn mừng cho họ và chợt nhìn lại mình, cảm giác cay cay ở sống mũi… từ ngữ chẳng tả được những gì đang diễn ra trong bạn lúc này. Nếu ngày trước bạn chăm chỉ hơn, nếu ngày trước gia đình bạn có điều kiện hơn có lẽ bây giờ bạn cũng sẽ ra trường tốt nghiệp như bạn bè cùng trang lứa.
Nhưng dù ở Việt hay ở Nhật thì chúng ta, những con người ở tuổi 22 vẫn đang mắc kẹt ở giữa cái tuổi nửa trẻ con nửa người lớn, ở cái tuổi lo chưa tới, nghĩ chưa xong nhưng đã bị cuộc sống tát vài cái vào mặt rồi. Bạn nhận ra mình chẳng còn nhiều thời gian cho cuộc đời mình nữa, bố mẹ bắt đầu già nhanh hơn. Lướt Facebook đã thấy vài đứa bạn ở quê lập gia đình. Rồi bạn giật mình nhận ra tiền không có mà tình cũng không. Thỉnh thoảng, cô đơn lạc lõng ở nước Nhật bạn cũng muốn yêu ai đó, cũng muốn có ai đó lắng nghe và chia sẻ với mình, rồi chợt nhận ra mình còn lo cho mình chưa xong, rồi bố mẹ, gia đình mình nữa….
22 tuổi vẽ ra cho mỗi chúng ta những ước mơ, những dự định cho tương lai. Cố kiếm tiền thêm vài năm nữa, lập gia đình, gánh vác giúp bố mẹ phần nào đó về kinh tế, tự có cho mình ngôi nhà nhỏ, tổ ấm riêng. Ước mơ là vậy, nhưng nhìn lại hiện tại bạn chẳng biết đi đến cái đích đó bằng cách nào. Bạn vẫn đang loay hoay vật lộn hàng ngày với những vội vàng, khi ngày ngày ngồi tàu điện ngầm đi làm, ăn vội bữa cơm, giấc ngủ vội vài chục phút, cứ lòng vòng trong vòng tròn đi học, đi làm, ăn vội, ngủ vội để lại tiếp tục đi làm. Bạn bị cuộc sống cuốn trôi rồi quên mất lý do vì sao mình sang Nhật, mình có thực sự hài lòng hay mình cần nhiều hơn hiện tại.

Gửi những bạn trẻ đang 22 tuổi, gửi những cô gái và chàng trai 22 ơi, nếu bạn muốn một cuộc sống tốt hơn hiện tại. Nếu bạn thấy mình xứng đáng để nhận được những thứ tốt hơn cho công việc, cuộc sống, gia đình và chính bản thân mình. Thì bạn phải làm khác đi, đừng chỉ vẽ ước mơ hãy vẽ cả con đường đi đến ước mơ đó. Hãy biết ưu tiên cho cái thật sự đáng và chấp nhận chi phí cơ hội cho cuộc đời mình đi. Bạn muốn tương lai về lâu về dài tốt đẹp, chứ không phải chộp dập ngắn hạn như bây giờ thì hãy xác định mình muốn làm công việc gì? Mình muốn là ai trong vài năm nữa? Bạn muốn lập gia đình năm bao nhiêu tuổi? Bạn muốn gia đình mình sống ở đâu? Bố mẹ bạn sẽ trải qua khoảng thời gian tuổi già như thế nào? Mình tin bạn sẽ tự trả lời và tìm ra được câu trả lời cho chính mình.

Và nếu xác định được mình muốn gì, lập rõ ra được con đường đi đến mục tiêu đó. Bạn sẽ biết nếu muốn xin vào một công ty Nhật có chế độ tốt thì bạn cần học tiếng tốt, cần rèn cho mình không những là kiến thức kỹ năng làm việc. Mà bạn còn phải rèn cho mình cả giao tiếp, ứng xử ở doanh nghiệp. Bạn sẽ biết các nhà tuyển dụng đang chú trọng loại bằng cấp nào, để bản thân bổ sung. Tóm lại là, khi bạn muốn và dám hành động thì bạn sẽ đi qua những bi kịch tuổi 22 này nhẹ nhàng thôi. Vẫn là câu nói: “Chỉ cần bạn thật sự muốn thì cả vũ trụ này sẽ hợp sức lại giúp bạn thôi”. Thế nên tất cả nằm ở tư duy và việc bạn có dám hành động không thôi.
Thế nhé!
P/S: Nhớ cậu nhiều cô gái cùng bàn suốt 3 năm của tớ, chúc cậu ở đất nước mặt trời mọc luôn yên vui, nhiều sức khỏe #N