Nguồn: Uplash
Nguồn: Uplash

LỊCH SỬ LÂU ĐỜI CỦA HOẠT ĐỘNG GIẢI MÃ GIẤC MƠ

Mặc dù, những nghiên cứu khoa học về giấc mơ mới chỉ xuất hiện khá gần đây, nhưng thực tế, việc giải mã giấc mơ đã xuất hiện từ rất lâu trước đó, thậm chí là từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Người Ai Cập cổ đại nghĩ về giấc mơ chỉ đơn giản như một hình thái khác của sự nhìn dành cho những người được huấn luyện để mơ như một nhà tiên tri, với mục đích để lên kế hoạch cho các trận chiến đấu và đưa ra các quyết định mang tính quốc gia hay chính trị. Người Hy Lạp hay La Mã cổ đại tin rằng, những giấc mơ chính là dự báo về các sự kiện trong tương lai và cũng có thể là chuyến viếng thăm của những người đã khuất.
Và góc nhìn về giấc mơ không chỉ dừng lại ở đó, cứ đi qua mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử kết hợp với những lăng kính muôn màu muôn vẻ khác nhau của các nhà tâm lý học, giấc mơ lại tiếp tục khoác lên mình những hình hài và dáng vẻ riêng. 

GIẤC MƠ QUA GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC

Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã từng nói rằng “Phân tâm học được xây dựng nên từ việc phân tích những giấc mơ”. Đối với Freud, giấc mơ là biểu hiện của những xung đột hay ham muốn bị kìm nén, mặc dù tuyên bố này xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn nhưng bản thân Freud tin rằng nó có ý nghĩa về mặt khoa học. Theo quan điểm của Freud, tất cả các hoạt động tinh thần - bao gồm cả giấc mơ - đều được thúc đẩy bởi các kích thích nội sinh hay “xung năng” [drives]. Những động lực này chính là động cơ thúc đẩy nhận thức gắn liền với sự cấp thiết và nội dung ước muốn, tưởng tưởng hay những trạng thái xúc cảm.
Đồng thời, Freud cũng nhận ra rằng giấc ngủ là cần thiết về mặt sinh học và ông xem những giấc mơ hoạt động như thần hộ mệnh của giấc ngủ. Khi một trạng thái xung năng xuất hiện trong đêm và đe dọa giấc ngủ, những trải nghiệm thỏa mãn về ảo giác trong giấc mơ cho phép giấc ngủ được tiếp diễn.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu tâm lý học Hobson và McCarley sau đó đã phủ nhận quan điểm này của Freud. Họ cho rằng những giấc mơ thường xuất hiện trong giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), được kích hoạt trong quá trình hoạt động của thân não. Theo quan điểm này, sự kỳ lạ của giấc mơ là do sự mất khả năng tổ chức của não bộ chứ không phải do một cơ chế ngụy trang tinh vi nào đã tạo ra một kích thích nội sinh.
Hơn nữa, những cảm xúc trong giấc mơ thường khá rõ ràng, khó có thể kết luận chúng đang ngụy trang cho một cảm xúc nào khác bên dưới.

GIẤC MƠ QUA GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC TIẾN HOÁ

Nguồn: Practical Recovery
Nguồn: Practical Recovery
Một quan điểm khác về giấc mơ đến từ nhà khoa học thần kinh - nhận thức Antti Revonsuo, đến từ Đại học Skövde của Thụy Điển, người đã đề xuất học thuyết có tên gọi là “Thuyết Mô phỏng Mối Đe dọa” [Thread Simulation Theory], tranh luận rằng giấc mơ cùng với phần còn lại của cấu trúc nhận thức của con người cũng có lịch sử tiến hóa của nó. Ông tuyên bố rằng chúng ta mơ bởi vì trong bối cảnh của tổ tiên loài người, việc luyện tập liên tục về đêm để nhận thức về các mối đe dọa và rèn luyện các kỹ năng để tránh né chúng đã làm gia tăng khả năng né tránh được các mối đe dọa trong thực tế.

GIẤC MƠ QUA GÓC NHÌN NHẬN THỨC-THẦN KINH [COGNITIVE NEUROSCIENCE]

Nhà tư tưởng Crick đã đưa ra Học thuyết Xử lý Tàn dư [Garbage disposal theory] về giấc mơ vào những năm của thập niên 90 và thu hút được khá nhiều sự chú ý. Ông cho rằng chúng ta không nhớ lại được hầu hết những hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ (đến khoảng 90%), hay “chúng ta mơ để quên”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về giấc mơ hiện đại tin rằng, mọi thứ không hoàn toàn đơn giản như vậy. Các trải nghiệm từ trị liệu thông qua trò chuyện [talk therapy] đã cho thấy, không có lợi ích gì từ việc quên đi tất cả các giấc mơ của mình, ngược lại chúng ta thường nhận được rất nhiều từ việc suy ngẫm và phân tích chúng.
Dưới góc nhìn tâm lý học nhận thức, nhà tâm lý học Deirdre Barrett của Đại học Harvard cho rằng, trong giấc mơ, chúng ta sắp xếp mọi thứ thành các danh mục, so sánh chúng với những sự kiện khác, và xem xét những thông tin mà chúng ta có thể đã bỏ quên trong suốt một ngày.” Ông nói rằng: “Tôi thường nghĩ về giấc mơ chỉ đơn giản như là việc suy nghĩ ở một trạng thái sinh học khác.”
Trong một nghiên cứu ủng hộ quan điểm này được thực hiện vào năm 2010 tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess ở Boston. Trong thí nghiệm, 99 người được giao nhiệm vụ phải di chuyển qua một mê cung ba chiều. Trong quá trình tập luyện, họ được nghỉ 90 phút. Một số được yêu cầu tham gia vào các hoạt động yên tĩnh như đọc sách, những người còn lại được gợi ý cố gắng chợp mắt. Những người đã ngủ trong thời gian nghỉ và những người tình cờ mơ thấy mê cung cho thấy có sự cải thiện gấp mười lần về nhiệm vụ này trong buổi học tiếp sau đó so với những người khác.
Nguồn: Canva
Nguồn: Canva
Trong khi đó, giả thuyết kích hoạt - tổng hợp [activation-synthesis hypothesis] cho rằng những giấc mơ không thực sự có ý nghĩa, chúng chỉ là những xung điện trong não kéo những suy nghĩ và hình ảnh ngẫu nhiên ra khỏi ký ức của chúng ta. Theo lý thuyết này, con người xây dựng những câu chuyện trong giấc mơ sau khi họ thức dậy, với một nỗ lực tự nhiên để hiểu được tất cả giấc mơ đó.

CẢM XÚC, KIM CHỈ NAM CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

Mối liên hệ giữa giấc mơ và cảm xúc cũng được nhấn mạnh trong một nghiên cứu gần đây được công bố bởi Matthew Walker và các đồng nghiệp của ông tại Phòng thí nghiệm Giấc ngủ và Thần kinh ở UC Berkeley. Họ đã phát hiện ra rằng, việc giảm giấc ngủ REM (hay “mơ” ít đi) ảnh hưởng đến khả năng hiểu những cảm xúc phức tạp trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Những giấc mơ dường như giúp chúng ta xử lý cảm xúc bằng cách mã hóa và kiến tạo những ký ức về chúng. Những gì chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm trong giấc mơ của mình không nhất thiết phải có thật, nhưng những cảm xúc gắn liền với những trải nghiệm này thì chắc chắn có. Cơ chế này đóng một vai trò quan trọng bởi khi chúng ta không xử lý cảm xúc của mình, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực, nó có thể làm gia tăng sự lo lắng hay lo âu ở mỗi cá nhân.
Thực tế, tình trạng thiếu giấc ngủ REM trầm trọng có mối liên hệ làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm trí. Nói tóm lại, giấc mơ giúp chúng ta điều tiết giao thông trên “cây cầu” mỏng manh, nơi mà những trải nghiệm được kết nối với cảm xúc và ký ức ở mỗi người.
Có thể, ý nghĩa của những giấc mơ không thực sự rõ ràng như chúng ta nghĩ. Tuy nhiên từ những góc nhìn khác nhau về nguồn gốc của giấc mơ cho đến cơ chế vận hành của chúng, chúng ta có thể thấy được phần nào về vai trò của giấc mơ trong đời sống con người.
Mỗi giấc mơ như những chuyến phiêu lưu thú vị đưa ta đến với vùng đất mới, đó có thể là vùng đất của những ký ức còn sót lại, của những cảm xúc đan xen lẫn lộn hay cũng có thể là những viễn cảnh mơ hồ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến.
Việc nhìn ngắm và suy tư về những giấc mơ có thể mở ra những góc nhìn thú vị về chính tâm thức và con người mỗi chúng ta.
Tác giả: Keira Ngo, Hà Kiều Oanh
Nguồn:
Altevogt, B. M., & Colten, H. R. (Eds.). (2006). Sleep disorders and sleep deprivation: an unmet public health problem.
“Dreams: Why We Dream & How They Affect Sleep.” Sleep Foundation, 30 Oct. 2020, www.sleepfoundation.org/dreams.
Elmer, Jamie. “10 Types of Dreams and What They May Indicate.” Healthline, Healthline Media, 20 May 2020, www.healthline.com/health/types-of-dreams#other-types.
“How Long Are Dreams?” Sleep.org, 16 Mar. 2021, www.sleep.org/how-often-dreams/.
“The Characteristics of Sleep.” The Characteristics of Sleep | Healthy Sleep,http://healthysleep.med.harvard.edu/.../what/characteristics.
“The seat of meta-consciousness in the brain” Max Planck Gesellschaft, 12 Jun.2021, https://www.mpg.de/5925490/meta-consciousness-brain
Boag, S. (12 Dec. 2016) “On Dreams and Motivation: Comparison of Freud's and Hobson's Views.” Frontiers, Frontiers.
Kluger, J. (12 Sept. 2017) “What Your Dreams Actually Mean, According to Science.” Time, Time.
Linden, S. (26 July 2011) “The Science Behind Dreaming.” Scientific American, Scientific American.
Revonsuo, A. (21 Sept. 2001) “The Reinterpretation of Dreams: An Evolutionary Hypothesis of the Function of Dreaming: Behavioral and Brain Sciences.” Cambridge Core, Cambridge University Press. 
s