Một vị Tulku Phật giáo Tây Tạng được tái sinh ở Đài Loan. Vấn đề thú vị nhất khiến mình chọn mua cuốn sách này về đọc chính là tò mò muốn xem thái độ của chính phủ Trung Hoa Dân quốc đối với cộng đồng Tây Tạng nói riêng và chính phủ Tây Tạng lưu vong của Đạt Lai Lạt Ma nói chung.
Nguồn: Internet
Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan thời Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc không ra sức phản đối Tây Tạng độc lập vì đây chưa phải việc cấp bách nhưng không hề ủng hộ. Tây Tạng theo bản đồ của Đài Loan vẫn luôn là một tỉnh của Trung Quốc mà Quốc Dân đảng sẽ phải thu phục khi thống nhất lại một Trung Quốc. Sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, Lý Đăng Huy với tư cách là chủ tịch Quốc Dân đảng trở thành tổng thống của Trung Hoa Dân quốc trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trên đảo Đài Loan. Tuy nhiên, dù là chủ tịch của Quốc Dân đảng với mục tiêu cốt lõi là “Một Trung Quốc” nhưng Lý Đăng Huy lại liên tục có những động thái được cho là ủng hộ Đài Loan độc lập. Một trong những hành động bị coi là phản bội lợi ích đảng khi đó của Lý Đăng Huy là tỏ ra có thiện chí với chính quyền Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đạt Lai Lạt Ma được mời tới hoằng pháp tại Đài Loan; chính phủ Đài Loan và chính phủ Tây Tạng lưu vong thiết lập cơ quan ngoại giao không chính thức là “Quỹ Tôn giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma” và “Quỹ Tài trợ Giao lưu Đài Loan - Tây Tạng”. Bhumang Tulku Rinpoche được sinh ra tại Đài Loan trong bối cảnh thuận lợi như vậy.
Lobsang Jigme sỉnh ra trong một gia đình bố mẹ là người Tạng lưu vong tại Đài Loan. Đến năm 4 tuổi, cậu bé Jigme được công nhận là hài đồng tái sinh của Lochephel Rinpoche của Phật giáo Tây Tạng dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Lần đầu tiên một công dân Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan được công nhận là một vị thánh tái sinh của Phật giáo Tây Tạng. Điều này vốn rất khó để được Ủy ban Mông Tạng của chính phủ chấp thuận nếu là vào thời gian trước đó, nhưng bấy giờ đang là giai đoạn giao thoa có nhiều biến đổi tích cực trong phong trào dân chủ tại Đài Loan nên cuối cùng mọi việc đều suôn sẻ dù cho một bộ phận người dân Đài Loan không hài lòng với bố mẹ của Jigme vì để cậu đi tu khi còn quá trẻ mà không đợi sau khi lớn lên cậu tự quyết định.  
Lobsang Jigme sau khi nhận nghi lễ chứng thực trở thành Bhumang Tulku Rinpoche với tulku mang nghĩa là vị thánh tái sinh và Rinpoche là bậc đạo sư. Gia Đình Lobsang chuyển tới Nepal để tránh sự soi mói của tín đồ và truyền thông Đài Loan và cũng để tiện cho khoảng thời gian sau đó Bhumang Tulku Rinpoche theo học Phật học tại Ấn Độ. 
Trước năm 2018, chính phủ Đài Bắc thực hiện chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với tất cả nam thanh niên. Bhumang Tulku Rinpoche tuy sống ở Ấn Độ nhưng vẫn duy trì quốc tịch Đài Loan nên cũng thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nội bộ nhánh phái Drikung Kagyu và cả truyền thông Đài Loan rất quan tâm đến vấn đề này. Có ý kiến cho rằng Bhumang nên hoàn tục để tránh phạm giới trong khoảng thời gian đi nghĩa vụ nhưng bản thân vị tulku không muốn hoàn tục và cũng không muốn chọn phương án đơn giản hơn là từ bỏ quốc tịch Trung Hoa Dân quốc. Khi hỏi ý kiến của giáo chủ Drikung Kyabgon Chetsang, vị giáo chủ khuyên Bhumang nếu được yêu cầu hãy cứ thực hiện nghĩa vụ quân sự như bình thường, không có điều gì phải lăn tăn cả vì chính ngài chọn tái sinh làm công dân Đài Loan, thực hiện đúng nghĩa vụ của một công dân có thể sẽ giúp ngài hoằng giáo tốt hơn sau này. 
Trong một lần lưu trú quá hạn ở Đài Loan để chăm bố ốm, Bhumang  Tulku Rinpoche đã được yêu cầu giải trình về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vấn đề này được đưa lên Ủy ban Mông Tạng nhưng cuối cùng phía chính phủ đã quyết định đặc cách cho vị lạt ma tái sinh để ngài tiếp tục quá trình học tập mà không bị ngắt quãng hay ảnh hưởng. Có thể thấy quan hệ giữa chính quyền Tây Tạng lưu vong và chính quyền Trung Hoa Dân quốc đang rất tốt đẹp và thuận lợi.
-----------
Thông thường khi nhắc Phật giáo Mật tông Kim Cương Thừa Tây Tạng, người ta thường chỉ tập trung vào những bí thuật, những điều huyền diệu, thần thông, trì chú. Tất cả những điều đó vẫn có nhưng không hề được nhấn mạnh trong cuốn sách này. 

Những ai muốn tập trung vào mảng triết học và lịch sử của Phật giáo cũng sẽ không hề cảm thấy cuốn sách này quá màu sắc cho dù nội dung quay xoay vấn đề truyền thừa tái sinh. Thiền, quán đỉnh và những điều màu nhiệm là điểm thu hút nhiều tín đồ nhưng các lạt ma, kể cả những lạt ma tái sinh tôn kính như Bhumang Tulku Rinpoche đều phải dành phần lớn quãng thời gian đi học của mình dành cho Phật học hiển thừa, tức là những giáo lý, kinh sách, luận tạng, triết học cơ bản nhất, cùng với đó là khoa học, ngoại ngữ hiện đại, sau cùng mới là các phương pháp tu mật thừa. Tiền hiển hậu mật là con đường đi đúng đắn nhất, ngay cả đối với Đạt Lai Lạt Ma, để không bị thần thông và những điều màu nhiệm làm cho mê đắm và mê tín. Bất cứ ai biểu dương thần thông để lôi kéo tín đồ đều đi ngược lại với lời dạy của Phật Thích Ca. 
Đây chính là điểm cá nhân mình thích ở cuốn sách này khi lý giải về Phật giáo.
---------
Phật giáo Mật Tông Kim Cương thừa Tây Tạng hay được nhắc tới với 4 phái chính là:
- Nyingma: Hồng giáo hay phái mũ đỏ
- Sakya: Hoa giáo, giáo phái thống trị Phật giáo Tây Tạng trong thời kỳ Mông-Nguyên với vai trò to lớn của Quốc sư Bát Tư Ba xuất chúng dưới thời Hốt Tất Liệt. (Bát Tư Ba là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Lam Liên Hoa của Chương Xuân Di, muốn biết thêm và không quá nhạy cảm tôn giáo có thể tìm đọc)
- Gelug: Hoàng giáo hay phái mũ vàng, là giáo phái thống trị tôn giáo và chính trị Phật giáo Tây Tạng hiện đại với đại diện là vị tăng thống Đạt Lai Lạt Ma đã truyền được 14 đời.
- Kagyu: Bạch giáo hay phái mũ trắng, được chia thành 8 nhánh nhỏ với 4 nhánh chính còn duy trì là Karma Kagyu, Drikung Kagyu, Drukpa, Taklung Kagyu. Giáo chủ hiện tại của Drikung Kagyu là vị giáo chủ thứ 37 Drikung Kyabgon Chetsang. Bhumang Tulku Rinpoche thuộc nhánh phái Drikung Kagyu.