Bệnh "thành tích" - Nguồn ảnh: Báo Dân trí
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của nền y học, con người đã có thể chữa trị rất nhiều loại bệnh khác nhau. Những căn bệnh vốn được xem là những cơn ác mộng vô phương cứu chữa với người xưa như phong, đậu mùa, bại liệt,... thì nay đã hoàn toàn bị đẩy lùi bởi nền y học tiên tiến. Trong tương lai không xa, một thế giới nơi mà bệnh tật chỉ còn là một khái niệm xưa cũ vẫn luôn là một điều khả thi nếu y học cứ tiếp tục giữ tốc độ phát triển như thế này. Tuy nhiên, đó chỉ là với những căn bệnh mà bác sĩ có thể đo được, thấy được, khám được, còn với những căn bệnh thuộc về tinh thần, những căn bệnh mà ăn sâu vào trong tiềm thức của người mắc phải, phá dần phá mòn tinh thần và thể xác họ trong một khoảng thời gian dài. Với những căn bệnh đó, đôi khi người bệnh còn không biết mình có bệnh thì lấy đâu ra bác sĩ mà chữa trị cho được. Và hôm nay tôi muốn nói đến một căn bệnh tinh thần như thế, một căn bệnh mà đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của không ít người dân Việt Nam và âm thầm giết chết họ từng ngày, đó chính là căn bệnh "thành tích"
Vậy trước hết, bệnh "thành tích" ảnh hưởng thế nào đến người mắc phải? Lợi hại thể nào?... Để có thể giải đáp được những khúc mắc này, đầu tiên ta phải hiểu được bệnh thành tích là bệnh gì? Bệnh thành tích là từ dùng để chỉ thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói cách khác, người mắc phải căn bệnh này chỉ chăm chăm vào việc phô bày ra sự hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng bên ngoài hình thức nhưng ẩn sâu bên trong bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh. Họ chỉ mãi tìm kiếm một bảng thành tích "ảo" tốt đẹp, bất kể nó không phải là thành tích thật hay thậm sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý để đạt được mục đích mình muốn. Thành tích như một là một căn bệnh, đeo bám và ám ảnh tâm trí của họ. Bạn cần phải hiểu rằng, bản thân "thành tích" hay "mong muốn đạt được thành tích" căn bản là điều hoàn toàn tốt, con người luôn hướng tới sự phát triển và nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mình hơn. Trong quá trình tiến lên, thành tích của người này chính là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên và thành quả suy ra cho cùng cũng chính là kết quả do nỗ lực mà đạt được. Nhưng trong một xã hội nơi quá đề cao cái vỏ bọc thành tích bên ngoài thì sự xuất hiện của những phần tử muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng là một điều khó tránh khỏi. Và đáng buồn thay, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội.
Bệnh thành tích từ lâu đã tồn tại trong đời sống xã hội của nước ta, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục, nơi nó còn có một cách tên khác là bệnh "hình thức". Chắc ai cũng đã nghe qua những câu chuyện kiểu như Trường A để đua thành tích mà cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trường B mỗi kỳ tốt nghiệp tới đều hy động đội ngũ giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em,... Và còn rất nhiều nhưng câu chuyện khác chưa được kể ở đây nữa. Trong thực tế để đạt chỉ tiêu, nhiều trường cũng đã chả còn màng đến chất lượng dạy và học của bản thân trường nữa, thứ mà các cấp lãnh đạo ở đó muốn nghe là những con số đạt chỉ tiêu 100%, 99%, còn những trường chỉ đạt 95%, 96% thì cũng đã cảm thấy căng thẳng lắm rồi. Nghe thành tích thì oách thật đấy, ra gì thật đấy, nhưng thực tế bên trong thì chắc ai cũng đã rõ, trong những năm gần đây khi xảy ra những hiện tượng gian lận trong thi cử, nâng điểm,... và các công tác kiểm tra, giám sát bắt đầu được thắt chặt hơn, thì ta lại được chứng kiến sự sụt giảm thê thảm của cái bảng thi đua thành tích đó, tỉ lệ đỗ đại học trung bình cả nước cũng chỉ còn 60% – 70%. Kết quả trước và sau rõ ràng là khác nhau một trời một một vực!
Nhưng đâu chỉ có mỗi ngành giáo dục là chạy theo thành tích, nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngóc ngách của xã hội, trong các cơ quan, công ty, nhà máy hay thậm chí là trong chính bạn thân của chúng ta, rõ ràng rằng sự đề cao quá mức về thành tích của xã hội đã và đang o bế, kìm hãm sự phát triển của chính nó. Nó khiến mỗi ta không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển, dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của chúng ta, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Mà theo tôi nó chả khác nào một quả bí đỏ bị thối nát ở bên trong. Ông bà có câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nhằm răn dặn con cháu đời sau đề cao phẩm chất bên trong của một con người hơn là lớp vỏ hình thức bên ngoài của họ, nhưng nếu tình trạng này cứ tiếp tục tiếp diễn mà không bị xóa bỏ tận gốc thì sớm muộn gì cái chất gọi là nước sơn đó cũng sẽ làm lung lay cái chất gỗ bên trong, âm thầm ăn dần, ăn mòn tinh thần, thể xác người mắc phải. 
Vậy có bệnh thì ắt phải có chữa? Vậy nếu chẳng may bản thân mình cũng đang khổ sở vì căn bệnh này thì phải làm thế nào? Để chữa hoàn toàn nó thì gần như là không thể, căn bệnh này vốn đã bám rễ rất sâu trong tiềm thức của mọi người, mà nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ thói ghen ăn tức ở của con người. Khi thấy ai đó, tập thể nào đó đạt được thành tích tốt hay được tuyên dương khen thưởng thì bản thân chúng ta cũng muốn được như vậy. Đó là một điều hoàn toàn bình thường, nhưng có một số người thay vì tập trung nâng kiến thức, giá trị bên trong họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức với mong sao sớm được tuyên dương. Và cũng chính xã hội đã tạo điều kiện không nhỏ để các thói xấu này lan rộng, có 1 thì ắt sẽ có 2, có 2 ắt sẽ có 3, những lỗ hổng, sai lầm trong hệ thống xử lý, đánh giá và đặc biệt là nhưng quan điểm sai lầm trong tư tưởng của người dân đã dẫn đến sự việc như bây giờ. Bây giờ để mà nói rõ cách chữa căn bệnh này một cách hoàn toàn thì tôi cũng bó tay chịu trói thôi, đâu thể kêu mọi người hãy từ bỏ sự "GATO" đi được, vì đó là điều không thể. Nhưng nếu bạn nhận ra rõ sự nghiêm trọng của vấn đề và muốn ngăn chặn những hậu quả xấu của căn bệnh ảnh hưởng đến bạn thì dưới đây là một vài lời khuyên tôi chân thành gửi đến cho bạn:
- Ăn uống ngủ nghỉ đủ giấc vì chỉ có như vậy mới khiến cho bạn cảm thấy tốt hơn, xử lý mọi việc một cách sáng suốt và hiệu quả hơn. Tôi không tin là một người mất ngủ hay nhịn ăn triền miên có thể đưa ra một quyết định hay một ý tưởng gì đó sáng suốt. Vì vậy hãy bắt đầu việc đó trị bệnh bằng cách tập yêu bản thân hơn, ăn ngủ, nghỉ điều độ, không thừa, không thiếu và đảm bảo duy trì nó trong một khoảng thời gian dài. Khác biệt sẽ không đến ngay lập tức nhưng về lâu dài đó là một sự khác biết rõ rệt.
- Tập trung vào bản thân mình nhiều hơn, khi đã minh mẫn và sáng suốt rồi thì hãy bắt đầu hướng sự chú ý của mình về bản thân nhiều hơn. Bạn là duy nhất, là một cá thể độc lập. Bạn phải trở thành phiên bản tốt nhất của mình chứ không phải là phiên bản của bất kỳ một ai khác. Khi bạn tập trung vào bản thân mình nhiều hơn, bạn mới thật sự biết rằng mình muốn gì, cần gì và từ đó hãy đặt ra một lộ trình phát triển cho bản thân. Bản phải hiệu được mình trước khi mong phát triển được mình, và tất nhiên khi bạn có một mục tiêu cụ thể nào đó, bạn sẽ biết con đường mà bạn phải đi thay vì chạy theo những thành tích ảo để rồi kiềm chân bản thân, không giúp bản thân phát triển được.
- Có một thái độ đúng, không ai thành công mà trong đầu chỉ toàn nghĩ về những chuyện không đâu cả. Bạn cần phải hiểu rằng thái độ của bạn sẽ định hình nên con người của bạn, thành công hay thất bại cũng từ thái độ của bạn mà ra. Vì vậy, hãy có một thái độ đúng, một quan điểm đúng về việc thay đổi và rồi bạn cũng sẽ làm được mà thôi.
- Kiên trì! Kiên trì! Kiên trì! Việc nào cũng cần thời gian và sức lực cả, không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng đâu bạn ạ. Bạn phải tự lực đi trên đôi chân của mình thôi và kiên trì sẽ giúp bạn đi đến đích. Dù đích bạn có xa ngàn dặm hay ngay trước mắt thì chỉ có kiên trì và nỗ lực mới dẫn bạn đến đúng nơi. Đừng chờ vào phép màu hay điều gì cả, hãy tạo ra phép màu cho chính minh.
Còn vô vàn các yếu tố khác nhưng tôi nghĩ bạn nên xây dựng trước những yếu tố tôi liệt kê ở trên, các yếu tố về một vấn đề gì đó sẽ luôn có một liên kết chặt chẽ với nhau và khi bạn có được yếu tố này, nó sẽ là điều kiện và bàn đạp để bạn đạt được những yếu tố khác. Chỉ cần bạn tin là mình sẽ làm được thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ đạt được nó mà thôi. Tôi cũng xin gửi lời chúc đến bạn, hy vọng rằng những thứ tôi chia sẻ, không ít thì nhiều cũng sẽ giúp bạn được phần nào đó. 
-Thân chào bạn-