Trong bóng đá Đức, bất kể giai đoạn nào kể từ thời hoàng kim những năm 1970 có một điều không hề thay đổi, đó là Bayern Munich vẫn luôn đại diện cho một kẻ ác bá hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ ngôi vương của họ bằng bất cứ giá nào. Nhiều kẻ thách thức đã đến rồi đi, cố gắng gây bất ổn và xáo trộn Bayern, nhưng đều không dễ ra về mà có được chiến lợi phẩm trong tay. Kẻ mới nhất đưa ra lời tuyên chiến hòng hạ bệ Hùm xám Bavaria là đội bóng vàng đen, đại diện kiêu hùng bậc nhất vùng Ruhr, Borussia Dortmund.
Sự cạnh tranh giữa Borussia Dortmund và Bayern Munich là cuộc thư hùng trong mơ của những người Đức nhiều năm gần đây. Kể từ khi chiêu mộ HLV Jürgen Klopp với lối chơi quyến rũ đến rực lửa vào tháng 8 năm 2008, Dortmund như được đánh thức. Gã khổng lồ đang ngủ quên sau chiến tích Champions League 1997 bừng tỉnh và bỗng chốc trở lại với vị thế của một kẻ đe dọa với mọi kẻ ngáng đường, dù cho đó có là Bayern của xứ Bavaria.
Dưới bàn tay huấn luyện của Klopp, Dortmund nhanh chóng trở thành một đội bóng được yêu thích của NHM bóng đá toàn thế giới. Với phong cách chơi bóng lộng lẫy nhưng không kém phần mưu mẹo, Dortmund luôn biết cách chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công một cách uyển chuyển, khi mà những tài năng trẻ xuất chúng như Nuri Şahin và Mats Hummels, hay món hời mang tên Robert Lewandowski và Jakub Błasz đang có điểm rơi phong độ tốt nhất. Sau khi kết thúc mùa giải đầu tiên dưới thời Jurgen Klopp ở vị trí thứ 5, Dortmund đã khép lại kỷ nguyên của ông thầy người Đức với 2 danh hiệu Bundesliga liên tiếp, qua đó chính thức vượt qua Schalke 04 với tư cách là CLB thành công thứ 3 của bóng đá Đức ở mặt trận Bundesliga.
Tất nhiên, Dortmund cần phải có những cuộc đấu trực tiếp với Bayern Munich để khẳng định vị thế của một nhà vô địch thực thụ, của vị vua mới nước Đức trong kỷ nguyên Bundesliga. Từ năm 2010 đến 2012, quan hệ giữa hai CLB vẫn tương đối văn minh khi ông chủ của đội bóng vàng đen luôn cho thấy sự điềm tĩnh cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Mùa giải 2011/12 chứng kiến Dortmund và Bayern Munich đối đầu nhau 4 lần cả thảy, và tất cả phần thắng đều thuộc về đội bóng vùng Ruhr. Trong đó, chiến thắng tối thiểu 1-0 ngay tại Signal Iduna Park vào cuối mùa giải đã đảm bảo cho danh hiệu Bundesliga thứ 2 liên tiếp của đoàn quân Jurgen Klopp.
Hồi còi mãn cuộc vang lên, người ta hiểu ra đây chính là trận đấu cột mốc, một bước ngoặt trong lịch sử những lần chạm mặt kéo dài nửa thế kỷ giữa hai gã khổng lồ đến từ xứ Bavaria và vùng Ruhr. Với việc Lewandowski hạ sát đối thủ bằng cú đánh đầu thông minh mở tỷ số trước kình địch Munich, “Die Schwarz Gelben” liền hy vọng về một chiến thắng mà họ xứng đáng dành được. 5 phút sau, Arjen Robben của Bayern thoát xuống khu vực cấm địa của đối thủ và kiếm về cho đội nhà một quả phạt đền, trước sự giận dữ của hơn 80.000 khán giả đang điên cuồng gào thét.
Robben bước lên lãnh trọng trách thực hiện quả penalty. Nếu thành công, bàn thắng này không những có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kéo dài cuộc đua đến ngôi vô địch, mà còn cho phép các CĐV Bayern tin rằng sau tất cả, họ vẫn luôn ở thế cửa trên so với đối thủ. Nhưng bên trong sân Signal Iduna Park có một con quỷ, và áp lực từ nhiều trận thua liên tiếp trước đó đã khiến Robben tung ra cú đá quá đơn giản. Thủ thành Roman Weidenfeller dễ dàng ôm ngọn trái bóng, lập công chuộc tội sau tình huống đốn ngã tiền đạo người Hà Lan trước đó chưa lâu. Thủ quân người Đức khiến Bức tường Vàng ngay sau lưng anh trở nên bị kích động. Con Quỷ bên trong khán đài đứng trỗi dậy. Trung vệ người Serbia, Neven Subotic quyết định khiến đối thủ phải e sợ Dortmund trong suốt phần còn lại, ít nhất là hết mùa giải này.
Robben ngẩn ngơ sau cú đá hỏng ăn đáng tiếc, Subotic đã lao đến từ rìa vòng cấm và hét lớn vào mặt cầu thủ Hà Lan với sự hưng phấn tột độ, tái hiện khung cảnh khét tiếng giữa Martin Keown và Ruud van Nistelrooy tại Old Trafford năm 2003. Mối quan hệ yên ổn giữa hai bên bây giờ sẽ bị phá bỏ như chưa từng xảy ra. Thay vào đó là sự kình địch, là sự lấn át lẫn nhau một cách không khoan nhượng. Một mối thâm thù từng có ý nghĩa với chỉ mỗi Dortmund trước kia thôi, thì bây giờ, Bayern cũng sẽ không còn đội chung bầu trời với đội bóng vùng Ruhr.

Sau đó tròn 1 tháng, Dortmund đè bẹp không thương tiếc đối thủ của họ 5-2 trong trận Chung kết cúp Quốc gia Đức ngay tại thủ đô Berlin. Với nguồn cảm hứng từ cái tên Shinji Kagawa, Dortmund xé toang toác Bayern bằng một màn trình diễn tàn khốc của thứ bóng đá tấn công mang đậm thương hiệu Jurgen Klopp. Đây là thất bại đau đớn nhất ở Chung kết trong lịch sử Bayern. Họ bối rối, lúng túng khi mỗi bàn thua phải nhận đều như một cái tát đau đớn mà Dortmund hả hê vung vào. Pháo sáng ăn mừng được đốt sẵn, Bayern xấu hổ ê chề. Đây là nhà Vua mới của bóng đá Đức, kẻ thống trị đến từ vùng Ruhr, Borussia Dortmund.
Sau một thất bại thê thảm nữa trước Chelsea trong trận Chung kết Champions League 2012 trên chính sân nhà Allianz Arena, Jupp Heynckes bắt đầu công cuộc cải thiện đội hình để hướng tới những đổi mới ở đấu trường châu Âu và cả quốc nội. Tuyển thủ quốc gia Tây Ban Nha, Javi Martínez được mang về từ Ath. Bilbao với giá 40 triệu Euro. Tiếp đó, chân sút chủ lực của Wolfburg, Mario Mandžukić cũng cập bến Munich với giá 13 triệu Euro. Trong khi đó, BVB để mất Kagawa vào tay Man Utd. Tuy vậy, cậu học trò trung tín và tài năng ngày nào đã đủ lớn khôn để trở lại cống hiến. Marco Reus sau 6 năm rời xa mái nhà Dortmund đã sẵn sàng cho những hành trình mới cùng đội bóng vàng đen.
Những thương vụ chuyển nhượng đình đám trên chứng minh cho sự quyết tâm sống còn của Bayern. Họ đầu tư lớn ở cả 3 mặt trận là Bundesliga, Cúp QG Đức và Champions League. Arjen Robben là người đã gieo sầu cho đội bóng vùng Ruhr khi ghi bàn thắng duy nhất ở trận Tứ kết Cúp QG kịch tính, gặp chính đối thủ Dortmund. Ngôi sao Hà Lan liên tục vượt qua sự bám đuổi của Lucasz Piszczek, trong khi bộ đôi trung vệ Hummels và Subotić không thể ngăn lại một chiến thắng hoành tráng của Hùm xám Bavaria. Khi Neven Subotic ngồi lại trên sân, thẫn thờ y như hình ảnh về Arjen Robben 1 năm trước đó, Jerome Boateng tiến đến trước mặt trung vệ Serbia, gầm lên khiêu khích. Thế là Bayern Munich trở lại đỉnh cao vốn có.

Sau trận đấu, Klopp đã bực tức so sánh Bayern Munich với đất nước Trung Quốc trong cách làm kinh tế, khi cáo buộc Bayern Munich cố gắng sao chép lối chơi của Dortmund. Nhưng Jupp Heynckes lạnh lùng đáp lại: “Điều quan trọng nhất cho thấy bản lĩnh của một người đàn ông là thể hiện sự tôn trọng đối thủ ngay cả khi chiến thắng hay nhận thất bại, nhưng đặc biệt là khi kết quả không tốt xảy đến với anh ta. Hãy nhìn người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến của tôi xem, ông ấy … Ừm … tùy các bạn diễn giải.”
Bất chấp bản chất của sự ganh đua, sẽ có những điểm sáng được các nhà phân tích bóng đá Đức và các CĐV trung lập nhận ra. Bayern như mọi khi luôn được chọn vào vai kẻ xấu, giống như vào thời điểm cuối những năm 80 khi Werder Bremen là đối trọng lớn nhất của họ, hay Hamburg cuối những năm 70, Borussia Mönchengladbach vào cuối những năm 1960 đến đầu thập niên 70. Đối với văn hóa bóng đá Đức, Bayern Munich luôn là CLB bị cả Bundesliga thù hằn, chỉ bởi sự xuất sắc qua hàng thế kỷ của họ.
Những mẩu chuyện truyền thuyết về Bayern-Dusel (sự may mắn của Bayern) bắt đầu nổi lên kể từ kỷ nguyên thành công chưa từng thấy của họ đầu những năm 70, ở chính giải đấu quốc nội Bundesliga. Mặc cho những lần không may sẩy chân gần đây của Bayern trong những trận Chung kết UCL trước Inter năm 2010 và Chelsea năm 2012, cùng với đó là quả phạt đền hỏng ăn như đã nói của Robben, thì tâm lý của NHM về một đội bóng “thuộc về cái ác” như Bayern Munich vẫn không hề thay đổi. Ý nghĩ đó bắt nguồn từ những ngày đội bóng Bavaria vẫn bị mỉa mai châm chọc bằng cái tên FC Hollywood với những Franz Beckenbauer, hay Gerd Müller trong đội hình.
Trong khi đó, BVB lại xây dựng hình ảnh và được định hình như những chiến binh dũng cảm, luôn chiến đấu chống lại cỗ máy Bayern. Thương hiệu bóng đá đặc sắc của họ được khơi mào bởi những người hùng bất đắc dĩ của chính vùng Ruhr. Kevin Großkreutz hay Roman Weidenfeller làm sống động trí tưởng tượng của những CĐV trung lập phải cổ vũ cho họ, trong khi Jurgen Klopp lôi cuốn tất cả bằng sự nhiệt huyết và cử chỉ sôi động của ông.
Đó là một Dortmund đến từ một thành phố thuộc tầng lớp lao động, trong khi Bayern là đại diện cho những vùng trù phú nhất của xứ Bavaria. Vậy nên không khó hiểu khi Borussia Dortmund luôn tạo sức quyến rũ và sự ảnh hưởng cho những CĐV ngoài Bayern, bằng ánh hào quang của thiên thần đánh bại ác quỷ. Bóng đá nói chung, hay ít nhất là ở Đức vẫn là môn thể thao của người dân lao động, và người ta sẵn sàng sống chết vì đội bóng họ ủng hộ.

Về mặt lịch sử, bóng đá Đức từng chứng kiến một sự cạnh tranh giữa khốc liệt không năm nhiều năm về trước. Trong khoảng thời gian từ 68 đến 77, Bayern thu về phòng truyền thống 4 danh hiệu, trong khi một đội bóng cũng thuộc tầng lớp lao động ở tây bắc nước Đức giành được 5. Đó là Borussia Mönchengladbach. Họ chơi một thứ bóng đá đầy thi vị, lấy cảm hứng từ những cầu thủ vĩ đại như Berti Vogts, Günter Netzer. Trớ trêu thay, Jupp Heynckes là nhân chứng và là kẻ chủ mưu cho những cuộc tàn sát đẫm máu những đội bóng hùng mạnh. Ông từng cùng Mönchengladbach đánh bại Schalke với tỷ số 11-0 vào năm 1969.
Những đội bóng gây được tiếng vang lớn như họ đều mang biệt danh “Ngựa ô”. Tuy vậy, nhận thức của người ta về Die Roten vẫn như mọi khi. Hùm xám vẫn cứ thắng tối thiểu, đúng với cái tên “Bayern - Ăn may” của họ.
Đối với Bayern, việc truyền cảm hứng cho những cầu thủ trẻ sẽ tạo nên bộ khung tuyệt vời cho sự thành công của Tây Đức vĩ đại những năm 1970. Họ tạo ra thương hiệu bóng đá đẹp mắt và hiệu quả. Với 3.36 bàn thắng mỗi trận (so với 3.4 của Gladbach), thực tế đã chỉ ra Die Roten không chỉ biết thắng với tỷ số 1-0.
Borussia Mönchengladbach và giai đoạn hoàng kim những năm 70
Nhưng người ta vẫn cứ thích ca ngợi Gladbach, vì dưới bàn tay dẫn dắt của HLV huyền thoại Hennes Weisweiler, “Ngựa ô” vùng tây bắc đất nước sắm vai kẻ nổi loạn. Trong khi đó, Bayern lại đang sở hữu viên ngọc quý của bóng đá thế giới trong đội hình. Đó là Der Kaiser, Hoàng đế Franz Beckenbauer, một đại diện mẫu mực cho tầng lớp giàu sang phú quý, của chế độ cầm quyền.
Theo Böttiger, Gladbach so tài cùng Bayern đã trở thành một trận chiến giữa chủ nghĩa cấp tiến và cải cách của Gladbach, bên cạnh sự hiệu quả và chủ nghĩa thực dụng của Bayern. Điểm tương đồng giữa cặp kỳ phùng địch thủ ngày ấy và cặp đấu Bayern-Dortmund bây giờ vẫn nằm ở chính vai trò của từng đội: Bayern là đội bóng lý trí; còn BVB trong vai những nhà cải cách.
Bất kể là Bayern Munich hay Borussia Dortmund lên ngôi vô địch ở cuối mùa giải, trận chiến giữa hai câu lạc bộ vĩ đại này sẽ trở thành một trong những màn thư hùng đỉnh cao trong hàng loạt các cuộc cạnh tranh Bundesliga hấp dẫn nhất mọi thời đại. Chẳng còn phải hoài nghi điều gì về sức nóng lan tỏa từ các khán đài hai SVĐ Allianz Arena và Signal Iduna Park. Và dù cho có bất cứ điều gì xảy ra bên trên mặt cỏ hay cả ngoài cầu trường, Dortmund sẽ luôn là những kẻ nổi loạn dũng cảm, “những chú ngựa ô” của thế kỷ XXI, và Bayern Munich vẫn mãi là một kẻ xấu, ích kỷ bảo vệ ngôi vương cho chính mình.
-----------------------------------
Biên tập: Kinh Luân.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 02/02/2019 với title: “BAYERN MUNICH, BORUSSIA DORTMUND AND THE DICHOTOMY OF A SPORTING RIVALRY.”