“BẮT TRẺ ĐỒNG XANH – J. D. SALINGER” – ÁP LỰC TỪ SỰ TRƯỞNG THÀNH THEO KHUÔN MẪU
“Bắt trẻ đồng xanh” (BTĐX) là một cuốn tiểu thuyết hay bị đánh giá là khó đọc, nhàm chán bởi lối viết và cả cốt truyện không có gì...
“Bắt trẻ đồng xanh” (BTĐX) là một cuốn tiểu thuyết hay bị đánh giá là khó đọc, nhàm chán bởi lối viết và cả cốt truyện không có gì đặc sắc. Tôi không phủ nhận điều này bởi chính bản thân mình cũng khá vật vã mới đọc xong cuốn này. Hành trình đi qua những trang sách này có thể được gói gọn là: cảm thấy thú vị với phần đầu, lê thê nhàm chán với phần giữa nhưng lại khá tâm đắc khi gần về cuối. Tôi không dám nói là mình có thể cảm nhận được những ý nghĩa sâu sắc gì trong cuốn sách này, nhưng một phần nào đó tôi hiểu được nó và nó không hề là một tác phẩm vô nghĩa.
Sự nhàm chán mà “BTĐX” vô tình gây ra cho bạn có thể xuất phát từ việc câu chuyện chỉ đơn giản là kể lại cuộc sống tẻ nhạt và khó chịu của một cậu thiếu niên trẻ tên Holden Caulfield trong những ngày từ lúc cậu bị đuổi khỏi ngôi trường đang theo học cho đến trước ngày cậu quay về nhà mình trình diện với ba mẹ. Kết hợp với giọng văn khá là bổ bã đã gây ra nhiều sự ức chế cho người đọc khi phải gồng mình lê lết qua từng trang sách hay thậm chí bỏ hẳn. Tuy nhiên, nếu đọc xong cuốn sách bạn sẽ cảm nhận được tác giả đã khắc hoạ tâm trạng của một cậu trai mới lớn luôn cảm thấy ngột ngạt, bức bối, không hài lòng với xã hội và con người xung quanh cậu. Đây là một trường hợp rất dễ gặp hoặc thậm chí là chính bạn đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Do đó, cuốn sách này không thể đánh giá là nó hay hay dở, mà bạn chỉ có thể đọc và đồng cảm, hoặc không.
-
Tuổi mới lớn hay còn gọi là “Tuổi nổi loạn” là lúc bạn vừa phải đối mặt với vấn đề tâm sinh lý trong cơ thể thay đổi, vừa phải đối mặt với câu hỏi “trưởng thành là như thế nào”. Đây là thời điểm chúng ta cực kỳ hoang mang khi đang đứng ở lằn ranh của một đứa bé vẫn đang lớn và mong muốn được bứt ra khỏi giới hạn của bản thân để trở thành một người lớn. Holden Caulfield cũng đang ở một giai đoạn như vậy. Cậu là một nhân vật có nội tâm và tính cách khá phức tạp khi liên tục bày tỏ sự khó chịu và không bằng lòng với bất cứ thứ gì, bất cứ những ai mà cậu thấy khá ra vẻ là “bộ tịch” nhưng mặt khác thì lại không quá bộc lộ điều đó ra và đôi khi còn thấy thích thú với những người đó (ở một góc độ nào đó). Tác giả kể câu chuyện dựa theo góc nhìn của Holden nhưng cái hay là lại khiến cho ta khó đoán về suy nghĩ cũng như tính cách của Holden. Thậm chí chúng ta không thể trả lời chắc chắn được Holden là kiểu người như nào và cậu thực sự thích gì và ghét cái gì. Trong chính con người Holden tồn tại rất nhiều sự mâu thuẫn. Ví dụ như cậu cực kỳ thích Jane đến nỗi đánh nhau với bạn, luôn suy nghĩ vu vơ về cô nhưng lại chưa từng bày tỏ cũng như không có hứng trong mỗi lần định gọi điện thoại cho cô. Cậu ghét cái kiểu bộ tịch và làm dáng của Sally nhưng lại nói yêu cô và muốn đi trốn cùng cô. Cậu ghét mấy thằng bạn của mình về tính cách này kia của bọn chúng nhưng lại thấy thích và nhớ chúng mỗi khi kể đến, muốn trò chuyện hay uống rượu cùng (quả thật là cậu này không thực sự ghét ai hoàn toàn). Cậu được miêu tả như một thằng khá mất dạy, lười học, côn đồ nhưng thực chất lại khá nhát gan, thông minh và ham học hỏi, không bao giờ trốn học, vẫn cố gắng ghi gì đó vào bài thi Sử để không làm ông thầy già thất vọng, giỏi môn Anh Văn và cố gắng làm tốt, sống tình cảm và rất lương thiện. Tôi thì không nghĩ tất cả những sự mâu thuẫn này có gì là lạ hay không hợp lý, bởi tôi luôn tin sâu trong mỗi con người thì không có gì là tuyệt đối mà chúng ta luôn sống theo rất nhiều cách, nhiều sự quyết định tuỳ vào hoàn cảnh, con người hay tiếng nói của con tim mình. Và những điều trên cho chúng ta thấy Holden đang ở trong một giai đoạn nhạy cảm với nhiều sự kiện, quan điểm, tình cảm rối như tơ vò. Đó chính là lúc cậu chàng bộc lộ sự bất bình khi không được trưởng thành theo cách mình muốn.
-
Tại sao tôi lại nói “BTĐX” là một câu chuyện về sự áp lực của việc trưởng thành theo khuôn mẫu? Bởi sau tất cả những câu chuyện diễn ra trong một vài ngày ngắn ngủi của Holden, ta có thể thấy cậu đang bị đồng hoá vào trong một mô hình kiểu mẫu của một người trưởng thành hoàn hảo: đi học và tìm hiểu kiến thức ở trường, tốt nghiệp (vào trường danh tiếng càng tốt), làm một công việc nào đó ổn định, lập gia đình và sống một cuộc đời bình thường. Tuy nhiên, Holden là một cá thể với những đặc điểm ngược lại hết với những chuẩn mực nói trên. Trong những đoạn cuối, ta có thể biết được Holden tuy thích đọc sách, thông minh sáng dạ và có tư duy tốt nhưng lại không thích đi học ở trường, không thích giao tiếp với những người “bộ tịch”, cậu muốn đi đến một nơi thật xa không ai biết, làm công việc gì cũng được miễn là nuôi sống được bản thân, xây một cái chòi gần rừng và sống cả đời ở đó, có thể lấy vợ sinh con và để con tự học ở chòi qua sách vở chứ không cho đến trường. Nói chung, cậu không muốn sống một cuộc đời như mọi người vẫn xây dựng lên cho mình mà muốn sống giống như mọi thứ mà cậu muốn dẫu cho nó có ra sao đi nữa.
Tuy vậy, lần thứ nhất cậu bày tỏ ý định muốn bỏ đi thì Sally là người tạt cho cậu một gáo nước lạnh: “Anh không thể nào cứ việc làm ngay một chuyện như thế”. Lần thứ hai và cũng là lần quyết liệt muốn đi nhất, cậu lại bị em Phoebe của mình níu kéo lại và từ bỏ ý định. Ở hai chương cuối của cuốn sách, mọi chuyện lại bình lặng trở lại. Nổi loạn là điểm cuối một quá trình khi người trẻ chịu ức chế trong một khoảng thời gian, nhưng nó lại có hai con đường để đi. Một là người ta sẽ đùng đùng nuông chiều theo cảm xúc của bản thân và bùng nổ mặc kệ điều gì sẽ xảy ra. Hai, người ta sẽ bình tâm lại, cảm nhận và có thể sẽ vượt qua được. Rõ ràng chúng ta có rất nhiều cách để đối mặt với nỗi đau hay thất vọng. Và đôi khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy “ồ có vẻ mọi chuyện không tệ đến thế”. Có hàng trăm triệu người trẻ trên đời đã trải qua những giai đoạn nhạy cảm như thế và họ đều ổn. “Ổn” ở đây không có nghĩa là bạn hoàn toàn buông xuôi và chấp nhận những gì cuộc đời đã sắp đặt. “Ổn” có nghĩa là bạn chấp nhận cuộc đời đôi khi có những thứ không phải lúc nào cũng như mình muốn, việc của ta là đứng dậy sống tiếp và điều chỉnh, thay đổi nó cho phù hợp với mình. Cũng như Holden, sau một ngày bùng nổ cảm xúc, cậu theo em Phoebe về nhà và cuộc sống lại tiếp tục. Tuy Holden không kể tiếp cho chúng ta nghe về những chuyện về sau, nhưng có vẻ mọi thứ đang dần trở lại quỹ đạo như bình thường.
--
Thế đó, một cuốn sách với một câu chuyện có thể gọi là “tầm phào” của một thằng đực rựa khó ở mởi lớn. Chẳng có gì đặc sắc hay ý nghĩa sâu xa đao to búa lớn gì, nhưng tôi lại khá thích thú và sẵn sàng đọc lại mỗi khi rảnh hoặc hơi down mood chẳng hạn. Đây là một cuốn sách mà tôi sẽ không nói là bạn có nên đọc hay không. Bởi đọc hay không cũng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều nếu như bạn thực sự không thể hiểu hay đồng cảm với câu chuyện của Holden. Tôi chỉ có thể nói là tôi không tiếc nuối chút nào khi đã cố lê lết mà đọc cho xong cuốn này thay vì bỏ nó giữa chừng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất