BARTOMEU, PARASITE VÀ NHỮNG KẺ ĂN MÒN BARÇA
Parasite (Ký sinh trùng) là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc đang gây được sức hút cực kì lớn trong thời gian gần đây. Bộ phim có nội...
Parasite (Ký sinh trùng) là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc đang gây được sức hút cực kì lớn trong thời gian gần đây. Bộ phim có nội dung hài kịch xen lẫn sự thật xã hội, mà ở đó, địa vị, vật chất, khát vọng đổi đời cùng sự phân biệt giai cấp đã biến Parasite trở nên xuất sắc vì sự trần trụi của cuộc sống, nhưng lại đầy tính logic và cực kì tinh tế. Bộ phim kể về một gia đình ở tận cùng đáy xã hội, thất nghiệp, sống chật vật, thiếu thốn qua ngày cùng với một gia đình thượng lưu hào nhoáng, nhưng bên trong lại ẩn chứa những bí mật đen tối.
Khi bộ phim được mở ra, hai gia đình với hai tầng lớp xã hội hoàn toàn khác biệt. Trong khi nhà ông Kim nghèo khó sống dưới đáy xã hội. Không công việc, sống chật chội tối tăm, thậm chí không có wifi để sử dụng thì gia đình của giám đốc Park bề thế với căn biệt thự xa hoa. Tưởng chừng như hai gia đình này chẳng có mối liên hệ nào thì cơ hội đến với cậu con trai Ki-woo khi cậu được nhận vào làm gia sư cho nhà ông Park với bằng cấp giả. Không chỉ thế, anh còn lôi kéo cả em gái mình vào vụ lừa đảo để từ đây họ lập kế hoạch tấn công vào gia thế nhà họ Park như những con "ký sinh" ngày đêm ăn mòn đến tận cội rễ. Sự thật dần được tiết lộ, những góc tối cuộc sống bắt đầu phơi bày, những con người nghèo đói hay cả những kẻ giàu có đều mang những góc khuất đầy đen tối, để rồi yếu tố hài mất dần thay vào đó là một chút hơi hướng của thể loại kinh dị kết hợp hành động mang đến cảm giác hồi hộp, lo lắng, hoảng sợ và đầy ám ảnh.
Hình tượng “ký sinh trùng” hút máu được khắc họa chân thật với những tình huống chui rúc dưới gầm giường, chân bàn hay trong căn hầm ẩm thấp kín như bưng. Tất cả những hình ảnh này làm nổi bật lên khoảng cách người giàu và kẻ nghèo, người giàu sẽ luôn có những lời đánh giá về người nghèo theo góc nhìn riêng của họ.
Bộ phim điện ảnh này nghe có vẻ chẳng hề liên quan một chút gì đến bóng đá. Thế nhưng, ngày hôm nay, mình sẽ mang đến với các bạn một góc nhìn khác ngoài mặt chuyên môn, những góc khuất đằng sau FC Barcelona - một CLB hàng đầu thế giới mà có lẽ chưa bao giờ ta thực sự quan tâm đến điều đó.
Đầu tiên, hẳn ai trong tất cả chúng ta đều biết rằng, các CĐV Barça trên toàn thế giới đang có làn sóng phản đối chủ tịch Josep Maria Bartomeu, và kêu gọi người đàn ông này từ chức cùng khẩu hiệu #BartomeuOut sau một mùa giải có thể coi là thất bại của Gã khổng lồ xứ Catalunya. Trước trận lượt về với Liverpool ở bán kết Champions League, tương lai Barça vẫn cực kì tương sáng với chức vô địch La Liga gần như thuộc về tay họ, đặt một chân vào chung kết châu Âu với chiến thắng hủy diệt 3-0 trước The Kop, cũng như chỉ phải đối đầu với một Valencia ở chung kết Cúp nhà vua. Bên cạnh đó, là bản hợp đồng cực kì sáng giá mang tên Frenkie De Jong cũng như là đội bóng sáng cửa nhất cho việc kí kết với Matthijs De Ligt.
Để rồi, trận thua nhục nhã 0-4 trước thầy trò Jurgen Klopp là lúc quân cờ domino đổ xuống, cũng như kéo theo nhiều hệ quả cho đội bóng chủ sân Camp Nou. Barcelona đánh mất chiếc cup Copa del Rey sau khi thua 1-2 trước Valencia và tan mộng giành cú đúp quốc nội. Sau đó, những mục tiêu hàng đầu của El Blaugrana lần lượt vượt xa khỏi tầm với của họ, Luka Jovic cập bến đại kình địch lớn nhất của Barça – Real Madrid, bản hợp đồng của De Ligt dần đi vào thế bế tắc khi Barça không thể đáp ứng được kì vọng mà người đại diện Mino Raiola của De Ligt đưa ra và gần như sẽ đầu hàng trong cuộc chạy đua có được chữ kí của trung vệ tài năng sinh năm 99. Không chỉ có vậy, chứng kiến tài năng trẻ châu Á Takefusa Kubo – báu vật một thời của lò La Masia gia nhập Los Blancos, cũng như chưa hề có động thái rõ ràng nào trên thị trường chuyển nhượng, những gì chủ tịch Bartomeu làm đã khiến “giọt nước tràn ly” đối với tất cả các cule trên toàn thế giới.
Trước khi đổ mọi trách nhiệm lên cho Ernesto Valverde, hãy nhìn về người đàn ông đứng sau tất cả mọi việc tại Camp Nou – Josep Maria Bartomeu, kẻ đã, đang và sẽ dần hủy hoại truyền thống của CLB này ngay từ bên trong, cùng với một gương mặt tiền nhiệm – Sandro Rosell. Ngày chủ tịch Joan Laporta còn tại vị, Barcelona là một CLB giàu bản sắc, giàu tinh thần Catalunya, và điều họ hướng đến luôn luôn là triết lí bóng đá của Thánh Johan Cruyff. Trong giai đoạn ấy, nòng cốt của Barça được xây dựng chủ yếu bằng những cầu thủ đến từ La Masia, những cầu thủ khoác lên mình chiếc áo không có nhà tài trợ mà in logo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef). Ngày ấy, dù thua lỗ trong vấn đề kinh tế đi kèm những khoản nợ rất lớn, nhưng Barça luôn được coi là sống đúng với triết lý “Més que un club” (Hơn cả một câu lạc bộ).
Tất cả bắt đầu khi Sandro Rosell thắng cử chức Chủ tịch Barcelona vào năm 2010. Vị chủ tịch mới lại lên báo tuyên bố người tiền nhiệm đã để lại những khoản nợ khổng lồ. Thậm chí, Rosell còn cáo buộc Laporta quản lý tài chính quá kém ở CLB xứ Catalunya. Laporta từng có những chia sẻ trước báo giới về thời kì mà Rosell nắm quyền: “Mối quan tâm duy nhất của họ là hạ bệ uy tín của tôi. Tôi đã để lại một Barça xuất sắc nhất trong lịch sử. Đã bảy năm trôi qua và họ vẫn tiếp tục lời nói dối ấy để khiến tôi mang tiếng (thời điểm năm 2017). Họ bỏ logo của Unicef, dán những chữ của Qatar lên áo, hạ uy tín của tôi… Tất cả, chỉ để dọn đường làm ăn với Qatar”.
“Nhưng rồi thì mọi thứ vỡ lẽ với thông báo của FBI. Sandro Rosell từng chê bai tôi giờ đang ở tù với cáo buộc liên quan đến một nhóm vũ trang, kinh doanh bất hợp pháp và rửa tiền. Chúng tôi đã phải chịu nhiều oan ức, bất công khi để lại một Barça xuất sắc nhất lịch sử rồi bị những kẻ đó tước hết mọi công lao, thật không công bằng!”
Sandro Rosell, kẻ gặm nhấm Barça ngay từ thượng tầng của CLB đã làm mất đi bản sắc “Més que un club” của đội bóng này đã phải trả giá cho những hành động của mình. Nhưng người lên nắm quyền thay ông ta, Josep Maria Bartomeu lại cũng chẳng tốt đẹp hơn là bao. Dưới thời Bartomeu, Barça phải chi hàng đống tiền vào thị trường chuyển nhượng, nhưng hiệu quả mang lại thì chẳng thấm vào đâu. Để Neymar rời CLB vào mùa hè 2017, để rồi sau đó mang về Ousmane Dembele giá 145 triệu Euro dù anh chưa thực sự ở độ tuổi “chín”, tiếp đến là Philippe Coutinho với 160 triệu Euro và những đóng góp của cầu thủ người Brazil mùa giải vừa qua là cực kì tệ hại. Hay như thương vụ Paulinho cập bến đội chủ sân Camp Nou hè 2017 là một ví dụ về ngoài mặt chuyên môn (dù sau đó không thể phủ nhận đóng góp của cầu thủ Brazil tại Barça). Tuy nhiên, thời điểm đó, không gì có thể đảm bảo 40 triệu Euro cho một cầu thủ 29 tuổi là hàng thải của Tottenham và đang chơi bóng tại Trung Quốc là điều có thể xảy ra.
Ngoài việc giữ chức chủ tịch Barça, Bartomeu là giám đốc điều hành tập đoàn ADELTE Group, chuyên về thiết kế, sản xuất, cung cấp vật liệu, bảo dưỡng các sân bay, bến cảng và các hoạt động vận tải đường bộ. ADELTE Group có tham vọng mở rộng thị trường sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Cụ thể là đấu thầu siêu dự án Ocean Flower Island mà chủ thầu xây dựng là tập đoàn Evergrande Group. Mà Evergrande Group là chủ sở hữu Guangzhou Evergrande, CLB chủ quản của Paulinho. Có thông tin rằng đối thủ trực tiếp của ADELTE Group trong vụ đấu thầu siêu dự án Ocean Flower Island chính là tập đoàn ACS Group của Florentino Perez, chủ tịch Real Madrid. Và với việc chấp nhận mùa Paulinho với giá cao, xem như ADELTE Group đã có được dự án bạc tỷ này (vốn đầu tư 24 tỷ USD). Vì là công ty riêng của Bartomeu, dĩ nhiên chủ tịch Barça đương nhiên sẽ là người hưởng nhiều lợi ích nhất.
Ngoài vấn đề mua đắt, bán rẻ, Bartomeu cùng bộ sậu còn vô tình giết chết rất nhiều tài năng sáng giá của lò La Masia – linh hồn sống của Barça từ thời Johan Cruyff. Dự án “La Masia 360” được chủ tịch El Blaugrana tiến hành, nhưng cho đến nay nó đã hoàn toàn phá sản khi ông bổ nhiệm sai người, phí phạm tiền bạc vào dự án dù cho nó không mang lại kết quả nào. Thậm chí, những cầu thủ trẻ ở học viện còn không được đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng cách, còn đến mức dưới tiêu chuẩn cho một vận động viên thể thao.
Trong một vài năm qua, người hâm mộ El Blaugrana đang dần chứng kiến CLB của họ dưới kỉ nguyên Bartomeu đang làm suy thoái đi một La Masia từng là nhà máy sản xuất cầu thủ số một thế giới. Những Paolo Moreno, Eric Garcia, Mateu Morey, Roberto Navarro, Sergio Gomez, hay mới nhất là Takefusa Kubo – những người được cho là sáng nhất tại La Masia những năm gần đây, đều đã bị đẩy đi sang các CLB khác với mức giá rẻ mạt, thậm chí còn là 0 đồng. Để rồi blđ Barça buộc phải mua về những cầu thủ trẻ khác với tài năng tương tự cùng mức giá cao gấp vài lần. Mà đôi khi, những bản hợp đồng đó chẳng mấy tác dụng. Như việc kí hợp đồng với Mike van Beijnen – cầu thủ vừa hết hạn hợp đồng với NAC Breda, một CLB nhỏ của Hà Lan, bởi vì… cậu này là con trai người đại diện của Frenkie De Jong.
Hay việc Xavi Simons – tài năng quý giá nhất của lò La Masia hiện tại, đội trưởng của Cadet A (U17 Barcelona) đã hết hạn vào ngày 30/6. Em là cầu thủ trẻ được rất nhiều các clb lớn khác săn đón. Và đến nay, đầu tháng 7, Barça vẫn chưa đưa ra một bản hợp đồng mới nào cho Xavi Simons.
Laporta nhận xét về Bartomeu: “Gã có được Barça bằng những lời xu nịnh và giả dối. Ngoài ra, cũng có thể thấy được đó là một con rối được giật dây bởi một tù nhân (ám chỉ Sandro Rosell). Tôi nghĩ rằng đó là một nỗi nhục!"
Cựu chủ tịch Joan Laporta đã thất bại trong lần tranh cử vào năm 2015 chỉ bởi vì ông muốn tách Qatar khỏi Barça. “Tôi muốn cho thấy một cách thức vận hành không liên quan đến Qatar, đồng nghĩa nó sẽ không hủy hoại La Masia và không lao một cách thiêu thân vào thị trường chuyển nhượng. Một đội bóng có thể in logo Unicef lên áo, có thể dựa vào hệ thống đặt nền tảng từ Johan Cruyff và mục tiêu quan trọng nhất: phát triển La Masia. Đó là mô hình chúng tôi từng xây dựng và vẫn còn lại nhiều ảnh hưởng cho đến ngày nay. Thực tế quá đáng buồn, là nó lại đang bị hủy hoại, bởi những kẻ đứng đằng sau CLB với tôn chỉ “Hơn cả một câu lạc bộ” như Barcelona”.
Với nhiều người, Barça giờ đây chỉ như một công cụ của Josep Maria Bartomeu. Nơi ông ấy có thể có được mọi thứ, từ quyền lực, tiền bạc, tại một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới. Bartomeu cần Barça để tiếp tục cho những dự án của mình, những dự án mà có thể nhiều người không biết nó là gì và cũng chẳng biết kết quả liệu sẽ đi về đâu. Nếu trong bộ phim Parasite, gia đình ông Kim được xem như “ký sinh trùng” ăn mòn mọi ngõ ngách gia đình ông Park giàu có. Thì tại một nơi xa xôi hơn thế, có một kẻ đang dần “ăn dần ăn mòn” triết lí mà Barça đã gầy dựng biết bao lâu nay. Là người trực tiếp nhúng tay vào việc thay đổi đội ngũ kĩ thuật từ Andoni Zubizarreta, Raul Sanllehi, Albert Soler cho tới Robert Fernandez, Ariedo Braida, Jordi Mestre, và hiện tại là Pep Segura, Eric Abidal cùng Ramon Planes; dẫn đến hàng loạt vụ chuyển nhượng thảm họa đã xảy ra với cái giá trên trời. 650 triệu Euro được “đốt” trong vòng 4 năm, và không có bất cứ chiếc cúp Châu Âu nào. Nói không ngoa, chính Barça là đội bóng góp phần biến thị trường chuyển nhượng bóng đá trở nên loạn giá với những con số điên rồ cho những cầu thủ điên rồ.
Với Barça, hay chính xác hơn là ban lãnh đạo của đội bóng này hiện tại, kiếm tiền là yếu tố quan trọng hơn tất cả những việc còn lại, kể cả đó có là về chuyên môn, là tương lai cho đội bóng đi chăng nữa. Một loạt danh sách các cầu thủ được đẩy đi, bao gồm Andre Gomes, Dennis Suarez, Jasper Cillessen để cần đạt ít nhất 70 triệu trước ngày 30/6, khi mùa giải vừa qua chính thức khép lại, để năm tài chính của Barcelona đơn giản là… không bị lỗ.
Giờ đây, Bartomeu chẳng khác gì một kẻ đang “ký sinh” vào Barça, làm đủ mọi cách để đạt được lợi ích của mình. Một CLB lớn bậc nhất thế giới, một nơi là ước mơ cho bao nhiêu mầm non trẻ, giờ đây lại là nơi “giết chết” những tài năng tương lai của lò La Masia, nơi mà các tài năng bị chùn chân khi quyết định chọn lựa bởi họ sợ tương lai của họ rồi cũng sẽ như những cầu thủ trẻ đi trước. El Blaugrana ở thời điểm hiện tại chẳng khác gì con rối mà Bartomeu cùng bộ sậu đang điều khiển, nơi mà đồng tiền, những dự án kinh tế đã được đặt lên hàng đầu, còn giá trị, bản sắc của CLB thì bị đạp xuống vũng lầy mà chưa biết khi nào mới có thể khôi phục. Tương tự như bộ phim điện ảnh Parasite (Ký sinh trùng), những góc tối của cuộc sống dần được hé lộ. Thì tại sân Camp Nou, bức tranh u ám chưa thể có hồi kết, nếu Josep Maria Bartomeu – “ký sinh trùng” của El Blaugrana, vẫn còn ngồi trên cương vị chủ tịch CLB. May thay, trong những ngày tháng này, Leo Messi đã cứu rỗi cho Barça, cứu rỗi cho niềm tin của các culé. Nếu Bartomeu là chủ tịch của Barça giai đoạn 2003-2006, có lẽ giờ đây chúng ta đã chẳng thấy Messi tại đội bóng này.
_____________
Biên tập: Minh Tài.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất