P/s: Cân nhắc bài viết sẽ có spoil nên nếu các bạn vẫn đang tìm cơ hội để xem phim thì hãy bỏ qua bài viết này nhé. 
Barbie được công chiếu ở các rạp nước ngoài cũng gần ba tuần nên mình đã quyết định đi xem nó. Với suy nghĩ bộ phim đã được chiếu từ lâu và chắc hẳn sẽ vắng người xem, nên mình đã đã không đặt vé trước. Kết quả là ngày hôm đó hầu như mọi suất chiếu gần như bán hết, chỉ còn lại một vài vé ở dãy ngoài cùng, đành lòng mình phải dời thời gian xem phim lại gần nửa tiếng nhưng vẫn ngồi ở khoảng cách khá xa, tuy nhiên cũng đủ để thưởng thức một bộ phim dài ba tiếng. 
Barbie mở đầu với những phân cảnh hết sức “nữ quyền”. Đó là những gì mà mình cảm nhận khi một thế giới Barbie mở ra với những phân cảnh các bé gái chơi với những chú búp bê nhỏ trông như một người mẹ đang chăm con. Và rồi Barbie xuất hiện và phá vỡ những định kiến đó. Những đứa bé đập vỡ những hình mẫu vốn dĩ dành cho nữ giới như ở nhà chăm con, nội trợ, vân vân và mây mây. Dù chỉ là một món đồ chơi, nhưng Barbie đã mở ra một góc nhìn mới dành cho nữ giới, khi mà Barbie có thể là tổng thống, bác sĩ, kĩ sư, hay bất kỳ vị trí nào trong xã hội. Barbie là một hình tượng và đem đến cho mọi người một góc nhìn rằng “Phụ nữ luôn luôn xinh đẹp và có khả năng làm bất kỳ điều gì mà họ muốn”. Trong câu chuyện của Barbie, niềm vui của Barbie là những buổi tiệc “Girl's Night”, được mặc quần áo đẹp và tham gia những sự kiện quan trọng. Còn một ngày tuyệt vời của Ken - một búp bê nam chỉ đơn giản là được Barbie để mắt đến. Thật ra điều này cũng hiển nhiên vì Barbie là một món đồ chơi của những bé gái, và Barbie Land là vùng đất của trí tưởng tượng đến từ những bé gái. Nên việc ở một nơi như thế thì các bé gái có được những đặc quyền cũng là điều hết sức dễ hiểu. 
Một câu chuyện kì lạ của Barbie đã được diễn ra như thế và có lẽ nó sẽ lặp đi lặp lại mãi nếu như Barbie không đột nhiên có một bàn chân bằng phẳng (vốn dĩ những Barbie luôn có một bàn chân nhón lên để mang những đôi giày cao gót) và khiến cô phải đi gặp một Barbie kì lạ để xin sửa chữa. Barbie kì lạ là một con búp bê bị phá hoại một cách nghiêm trọng. Hình ảnh Barbie kì lạ hiện ra như một sự châm biếm cho việc những đứa trẻ không giữ gìn những món đồ chơi của mình, đồng thời cũng là hiện thân của một xã hội thực tại nơi mà chỉ có cái đẹp mới có thể khiến cho những người xung quanh để mắt đến. Barbie khi gặp Barbie kì lạ đã thảng thốt và thẳng thừng cho rằng Barbie kì lạ thật “xấu xí” chỉ vì Barbie kì lạ không theo chuẩn cái đẹp như những Barbie khác. Nhưng với một gương mặt lem luốc và mái tóc bù xù, thật khó để một Barbie như thế trở nên xinh đẹp trong mắt người khác. 
Bỏ qua câu chuyện đó, thì câu chuyện của Barbie bây giờ mới thật sự bắt đầu khi Barbie kì lạ đưa cho Barbie hai sự lựa chọn. Một là chấp nhận số phận và ở lại Barbie Land, hoặc đến thế giới thực và khám phá ra bí mật cho sự thay đổi của mình. Và đoạn này khá nổi trong phần trailer, Barbie thẳng thừng trả lời không, cô chỉ muốn cuộc sống bình thường và ở lại thế giới Barbie của mình. Nhưng dù trong phim hay ngoài đời, bạn có hai lựa chọn đi chăng nữa, thì cuộc sống này vẫn sẽ ép bạn chọn một lựa chọn không hề vui vẻ và theo ý bạn muốn. Vì đó là cuộc sống, và chắc chắn bạn phải tham gia hành trình phiêu lưu của mình dù muốn hay không. 
Thế là Barbie đã đến với thế giới thực cùng Ken, nơi mà những gì Barbie biết không hề giống một chút nào. Barbie bị quấy rối tình dục vì mặc một chiếc quần bó sát mà không một ai để ý hay lên tiếng về chuyện đó, thậm chí cả Barbie và Ken còn bị chỉ trỏ chọc ghẹo khi bộ quần áo của họ quá sặc sỡ. Nếu như vị trí của nữ giới ở Barbie Land luôn đứng hàng đầu thì ở thế giới thật nữ giới lại vẫn luôn là những người không có sức mạnh và vị trí trong xã hội, luôn đối diện với nguy cơ bị quấy rối tình dục, và chịu những ánh mắt dè bỉu khi khoác lên mình những bộ quần áo nổi bật. 
Sau khi gây náo loạn khắp nơi, Matel đã phát hiện ra sự tồn tại của Barbie và Ken ở thế giới thật, nên Matel đã không thể ngồi yên mà nhúng tay vào bắt cả hai. Ken đã về Barbie Land từ trước, còn Barbie lại vẫn đi tìm đứa bé đã chơi với Barbie để tìm ra sự thật. Nhưng sự thật mà cô có, lại chỉ là sự sỉ nhục cho việc tự nhận mình là Barbie, là hình mẫu lý tưởng của mọi cô gái nhưng trong mắt những đứa trẻ ngày nay thì lại không như thế. Barbie là một hình mẫu phụ nữ luôn xinh đẹp, buộc phải xinh đẹp và hoàn toàn không có thật. Những gì Barbie tạo ra là những định kiến xã hội về phụ nữ phải xinh đẹp và giỏi giang. Dù rằng chính Barbie đã kết thúc một chuỗi những định kiến, buồn thay chính Barbie lại là một định kiến khác. Để rồi kết thúc mà Barbie nhận được lại là câu nói:” Phụ nữ ghét phụ nữ, đàn ông cũng ghét phụ nữ. Đó là điều duy nhất mà tất cả chúng ta đều đồng ý” từ đứa bé mà cô ghĩ đó là người đã chơi với cô và gây ra sự thay đổi. Sự thật này đã khiến Barbie bật khóc, điều mà lần đầu tiên trong đời Barbie được trải nghiệm. Sau đó Matel đã nhanh chóng bắt Barbie đi, khi đến Matel, Barbie đã từng hy vọng sẽ có cái nhin khác và hy vọng nó sẽ giống với Barbie Land, nhưng nơi này lại là một thiên đường của cánh đàn ông khác. Trong phân đoạn này có một đoạn Barbie hỏi những người ở Matel là ở đây không có bất kỳ người phụ nữ nào à, thì một nhân viên nam cấp dưới đã nhỏ giọng nói :”Nếu một người đàn ông không có địa vị gì như tôi thì có thể tính là nữ giới không?” - Câu thoại này khiến mình khá ấn tượng, vì nó châm biếm cho một xã hội coi phụ nữ chẳng là gì cả, và không có bất kỳ cơ hội nào dành cho nữ giới trong công việc. Nên một người đàn ông không quyền lực mặc nhiên lại như một người phụ nữ.
Sau những lần bị sốc trước những thông tin hoàn toàn trái ngược, Barbie đã từ chối bước vào chiếc hộp nhựa của mình, như từ chối việc đóng khung những suy nghĩ của mình trong đó. Barbie đã bỏ chạy và theo chân hai người bạn đồng hành là người mẹ - người đã chơi với Barbie ở thế giới thật, và con gái cô ấy trở về Barbie Land. Nhưng Ken, người đồng hành cùng Barbie đến thế giới thật và học hỏi được “nam quyền” ở đây đã về trước và thay đổi tư tưởng của các Barbie ở đây. Khi Barbie và hai người bạn đồng hành trở về mọi thứ đã bị xáo trộn, phụ nữ về lại vị trí của họ ở thế giới thật - công cụ mua vui cho nam giới, hầu gái, và chỉ có đàn ông trong mắt. 
Sau khi biết được sự thật này, Barbie đã khóc rất nhiều và không làm gì cả. Cô ấy chỉ dừng mọi hoạt động và chìm trong nỗi buồn của chính mình. Hai người bạn đồng hành về Barbie Land với cô đã thất vọng và bỏ đi, nhưng họ suy nghĩ lại và quay trở lại để giúp Barbie có thể thay đổi Barbie Land. Nửa sau của bộ phim là hành trình thức tỉnh cho Barbie và lên kế hoạch để đoạt lại Barbie Land cho những Barbie. 
Trong phân đoạn này mình đã bật khóc khi người bạn đã chơi cùng Barbie nói ra những áp lực mà một người phụ nữ hiện đại phải đối mặt. Với người phụ nữ, đấu tranh cho quyền lợi thì vẫn luôn phải vung đắp cho gia đình, mềm mỏng nhỏ nhẹ nhưng phải đủ cứng rắn để ra quyết định, vừa phải cảm xúc lại vừa phải lý trí. Lo được việc công ty thì phải đảm cả việc nhà. Làm mẹ thì không được nuông chiều, nhưng cũng không được quá cứng nhắc. Thương con nhưng không thể suốt ngày đề cập đến con cái. Nói chung phụ nữ là người mà phụ nữ hay đàn ông gì cũng ghét. Dù Barbie là một nhân tố phá vỡ những định kiến nhưng chính Barbie cũng là định kiến cho những người phụ nữ buộc phải xinh đẹp mọi lúc mọi nơi, và làm được nhiều thứ hơn nữa. Nhưng suy cho cùng, Barbie hay Phụ nữ đôi khi cũng có thể là người là bình thường. Chỉ là một người phụ nữ bình thường với cuộc sống bình thường, công việc bình thường và trải qua những ngày không mấy đặc biệt nhưng hạnh phúc thay vì phải luôn luôn xinh đẹp và hạnh phúc như Barbie. 
Thế giới của Barbie Land trong bộ phim hay thế giới thật trong phim đều là nơi mà bình đẳng giới không tồn tại và quá nghiêng về một hướng. Quá nữ quyền đôi khi người đàn ông không biết bản thân mình là ai và cần gì, Ken trong Barbie Land còn không có một chỗ ở, còn phụ nữ ở thế giới thật lại gặp đủ bất công. Nhưng chung quy lại, ở đâu thì việc nghiêng về một phía đều tạo sự bất mãn và sự trỗi dậy để tìm kiếm bình đẳng sẽ luôn xảy ra. Sâu hơn ý nghĩa về nữ quyền, tôi nghĩ tác giả muốn truyền tải thông điệp bất bình đẳng giới sẽ luôn luôn xảy ra và đấu tranh là điều khó tránh khỏi, nhưng mọi thứ sẽ luôn quay về đúng quỹ đạo của nó tức là không bình đẳng nhưng sẽ đỡ bất công. Và ai trong bất kỳ chúng ta, dù nam hay nữ đều có quyền sống vì chính bản thân mình mà không phải vì bất kỳ một ai khác. Chúng ta sẽ có một “mojo dojo casa house” riêng của chính mình, nơi mà chúng ta phải làm việc và phấn đấu để có được. Nó không cần hoàn hảo, mà cả chính bản thân chúng ta cũng không cần hoàn hảo, dù là một người bình thường cũng không có gì đáng sợ vì vốn dĩ hạnh phúc không phải là đích đến mà là con đường chúng ta đi. 
Bộ phim Barbie công tâm mà nói không liên quan chính trị, hoàn toàn không có gì liên quan đến yếu tố chính trị. Việc bản đồ trong phim thật sự xuất hiện khá vỏn vẹn trong vài ba phút, thứ duy nhất mà tôi có thể nhìn thấy chỉ đơn giản là một tấm bản đồ nghệch ngoạc nét vẽ như của trẻ em không rõ hình dạng và chữ Asia to đùng. Có lẽ đôi khi chúng ta nên bỏ qua một vài yếu tố không quan trọng của phim mà nhìn vào nội dung mà bộ phim đang cố truyền tải. Barbie là một bộ phim kì lạ với chủ đề kì lạ mà khi bạn xem sẽ có thể cười với những mảng miếng khá thú vị nhưng vẫn có thể đọng lại những ý nghĩa sâu sắc đậm chất của đạo diễn Greta Gerwig. Mọi thứ có thể không quá mới mẻ, nhưng cách diễn và truyền đạt lại hết sức thú vị, nếu có cơ hội mình vẫn nghĩ mọi người nên xem bộ phim này để có cái nhìn rõ nét hơn về bình đẳng giới. 
-Lâm Duệ Nghi-