Trong bối cảnh đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội Việt Nam ngày càng đa dạng với sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và các chất liệu đương đại, cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển của tư duy kinh tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, vấn đề bản quyền (quyền tác giả) ngày càng được những chủ thể sáng tạo và công chúng quan tâm. Là một trong những đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật cần nhận được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong hoạt động bảo hộ và thực thi quyền tác giả đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra.
Khi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là người khuyết tật
Ngày 30/7/1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998. Tại Điều 31 Pháp lệnh này, có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau khi Pháp lệnh này được thay thế bởi Luật Người khuyết tật 2010, ngày 18 tháng 4 hàng năm được chính thức ghi nhận là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, cứ đến những ngày giữa tháng 4, trên khắp cả nước lại diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng như giao lưu văn nghệ - thể thao, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe,... dành cho người khuyết tật. Thông qua những sự kiện đó, các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh, tượng, truyện, thơ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay các phần mềm, ứng dụng di động do người khuyết tật sáng tạo ra đã được giới thiệu, triển lãm, bày bán, đấu giá, mời gọi đầu tư. Từ đó, một vấn đề được đặt ra là rằng quyền tác giả của các tác phẩm do người khuyết tật sáng tạo ra sẽ được bảo hộ như thế nào và người khuyết tật có thể làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình?
Người khuyết tật - đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ
Theo luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật là “người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Người khuyết tật có các dạng khuyết tật cũng như các mức độ khuyết tật khác nhau. Ba mức độ khuyết tật được quy định bởi luật là người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, và người khuyết tật nhẹ. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc Hội đồng giám định y khoa thực hiện. Dựa trên kết quả giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Thực tế, người khuyết tật có thể bị hiểu nhầm là người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tuy nhiên, một người chỉ được xem là người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi họ có đủ các điều kiện theo luật định và có tuyên bố từ Tòa án. Như vậy, người khuyết tật có thể là hoặc không là các đối tượng nói trên. Và như đã nêu, một người để được xác định là người khuyết tật sẽ thông qua thủ tục chứng nhận ở Ủy ban nhân dân cấp xã, chứ không thông qua quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng một người khuyết tật không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp do không có phán quyết của tòa. Khi một người được xác nhận là người khuyết tật, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ bởi các quy định đặc thù, có thể kể đến các quy định tiêu biểu trong Luật Người khuyết tật như: Quy định về quỹ trợ giúp người khuyết tật, nghiêm cấm các hành vi gây tổn hại đến người khuyết tật (ví dụ: kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật), cùng với các quy định về vấn đề về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm, bảo trợ xã hội… dành cho người khuyết tật. Trên tinh thần đó, quyền tác giả của chủ thể là người khuyết tật cũng được ghi nhận và thực thi theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ thể của quyền tác giả
Theo Điều 4.2 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Căn cứ Điều 6, Điều 12a, Điều 13 và Điều 14 của Luật SHTT, tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Cụ thể, đối với tác phẩm, phải được trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của tác giả mà không sao chép từ tác phẩm của người khác, đồng thời, được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tại Việt Nam, có 12 loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm:
1. Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
2. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
3. Tác phẩm báo chí;
4. Tác phẩm âm nhạc;
5. Tác phẩm sân khấu;
6. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
7. Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
8. Tác phẩm nhiếp ảnh;
9. Tác phẩm kiến trúc;
10. Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
11. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
12. Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Đối với điều kiện về chủ thể, theo Điều 13 Luật SHTT, tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả, gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy, trong các quy định nêu trên, không có bất kỳ giới hạn nào về độ tuổi, trình độ nhận thức, tình trạng sức khỏe, hôn nhân gia đình của các chủ thể có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Do đó, trong trường hợp người khuyết tật là người sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm thì quyền tác giả của họ đối với các tác phẩm này vẫn được ghi nhận và bảo hộ một cách đầy đủ.
Một số vấn đề cần làm rõ liên quan đến quyền tác giả cho người khuyết tật
Để tìm hiểu về quyền tác giả nói chung và quyền tác giả cho người khuyết tật nói riêng, thứ nhất, cần nắm được thời điểm mà quyền tác giả phát sinh. Theo đó, khác với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, …) và quyền đối với giống cây trồng, quyền tác giả phát sinh không theo thủ tục đăng ký mà phát sinh tự động kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật SHTT).
Thứ hai, cần xác định việc xác lập quyền tác giả có phải là một giao dịch dân sự hay không. Theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 116, giao dịch dân sự là “hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định đồng nghĩa với việc quyền tác giả phát sinh và một giao dịch dân sự được xác lập (dưới dạng một hành vi pháp lý đơn phương).
Thứ ba, cần xác định những trường hợp người khuyết tật cần có người đại diện theo pháp luật để tiến hành các hành vi cần thiết để xác lập và bảo vệ quyền tác giả của mình. Tùy thuộc vào độ tuổi cũng như năng lực hành vi dân sự, việc xác định người đại diện theo pháp luật của người khuyết tật sẽ khác nhau. Căn cứ vào quy định tại Điều 47 và Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, có thể chia ra thành 03 trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật: Khi người khuyết tật là người chưa thành niên, còn cha, mẹ.
- Trường hợp 2: Người đại diện theo pháp luật là người giám hộ được cử hoặc chỉ định khi:
(i) Người khuyết tật là người chưa thành niên và không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
(ii) Người khuyết tật là người chưa thành niên, có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
(iii) Người khuyết tật đồng thời là người mất năng lực hành vi dân sự;
(iv) Người khuyết tật đồng thời là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.)
Khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên, người khuyết tật là đối tượng được giám hộ và người giám hộ sẽ được cử hoặc chỉ định theo quy định về giám hộ được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp không xác định được thì do Tòa án chỉ định.
- Trường hợp 3: Người khuyết tật là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người đại diện theo pháp luật của họ là người do Tòa án chỉ định.
Từ 03 trường hợp nêu trên, có thể rút ra nhận định rằng khi người khuyết tật đã thành niên và không thuộc các đối tượng mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, thì ở góc độ pháp lý, họ vẫn là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Điều này có nghĩa rằng, họ phải tự mình tham gia vào các giao dịch dân sự, bao gồm cả việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền tác giả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, tình trạng khuyết tật về thể chất khiến họ gặp không ít khó khăn trong việc tham gia vào các giao dịch dân sự. Cụ thể hơn, họ sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể tự mình đăng ký cũng như khai thác, thu phí bản quyền. Do đó, việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm của người khuyết tật hiện nay vẫn tồn tại những bất cập nhất định.
Thực trạng và giải pháp hỗ trợ việc xác lập và bảo hộ quyền tác giả của người khuyết tật
Như đã đề cập, quyền tác giả phát sinh không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Điều đó có nghĩa là thủ tục đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để làm phát sinh quyền, mà chỉ là một biện pháp để một hay nhiều chủ thể được Nhà nước ghi nhận một cách chính thức quyền tác giả đối với tác phẩm mà mình sáng tạo hoặc sở hữu. Đồng thời, khi có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp sẽ là tài liệu minh chứng hiệu quả nhất cho quyền tác giả của các bên.
Chính vì vậy, việc tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả vẫn là một việc rất quan trọng và được khuyến khích để các chủ thể sáng tạo nói chung được ghi nhận quyền tác giả của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người khuyết tật là chủ thể sáng tạo sẽ không thể trực tiếp tiến hành các thủ tục đăng ký như một người bình thường. Lúc này, cần áp dụng các quy định về đại diện, ủy quyền trong Bộ luật Dân sự để giúp người khuyết tật ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác như khai thác, thu phí bản quyền có thể được thực hiện thông qua tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, hoặc các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT. 
Cụ thể, theo Điều 56 Luật SHTT, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả là tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác quyền tác giả, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả.
Để đảm bảo quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, theo quy định tại Điều 56.2 Luật SHTT và Điều 45 Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả có các trách nhiệm sau:
- Quản lý quyền tác giả; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp;
- Thực hiện đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền.
Hiện tại, Việt Nam đã thành lập được 04 tổ chức đại diện quyền tác giả bao gồm:
- Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC: Là tổ chức đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong lĩnh vực âm nhạc (nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc), hoạt động theo mô hình tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận.
- Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - VLCC: Là tổ chức đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong lĩnh vực văn học (tác giả văn học, chủ sở hữu tác phẩm văn học), hoạt động theo hình thức phi chính phủ, phi lợi nhuận.
- Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV: Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Hiệp hội là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO: Là tổ chức đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức trong việc quản lí tập thể quyền sao chép theo qui định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật SHTT tại Điều 57 cũng có quy định về tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả với chức năng thực hiện các hoạt động sau đây theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:
a) Tư vấn những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền tác giả;
b) Đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả theo ủy quyền;
c) Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo ủy quyền.
Tóm lại, để thực hiện quyền đăng ký và khai thác, bảo hộ quyền tác giả của mình, người khuyết tật hoàn toàn có thể liên hệ các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, hoặc các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả để đàm phán, ký kết các hợp đồng ủy quyền cần thiết.
Bên cạnh đó, một vấn đề không kém quan trọng là việc người khuyết tật không biết được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra và không biết đến công cụ bảo vệ quyền của họ (Đăng ký quyền tác giả) cũng như không biết đến sự tồn tại của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, hoặc các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả. Do đó, việc phổ biến các quy định về quyền tác giả đến những người khuyết tật cũng quan trọng không kém. Để làm được việc này, cần có sự tham gia, tổ chức từ các cơ quan chức năng và ban ngành liên quan cũng như sự giúp sức từ cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, một lần nữa phải khẳng định rằng, người khuyết tật vẫn là một đối tượng yếu thế trong xã hội. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ, qua đó đảm bảo công bằng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Trung ương và địa phương và các tổ chức đoàn thể có liên quan cần có những chính sách, hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ người khuyết tật được phát huy hết năng lực của mình theo đúng tinh thần “tàn nhưng không phế”. Một trong số đó, là những năng lực về văn hóa, nghệ thuật, khoa học mà việc ghi nhận và bảo hộ đầy đủ quyền tác giả đối với các tác phẩm mà người khuyết tật sáng tạo ra là điều vô cùng cần thiết./.
Nguyễn Trần Hải Đăng - Cộng sự cao cấp, Phó Phòng Nhãn hiệu và Bản quyền tác giả - Công ty TNHH Luật ALIAT
Nguyễn Phúc Minh Châu - Trợ lý pháp lý, Littles Lawyers (Australia)