Bạo hành cảm xúc thường bị người khác xem nhẹ vì họ không thể nhìn thấy những vết thương hằn trên da thịt giống như bạo hành về thể chất. Cách thức của loại bạo hành này cũng rất lặng lẽ và kín đáo, nên đôi khi chính người bạo hành và người bị bạo hành cũng không biết hành vi đó chính là bạo hành. Vậy, như thế nào là bạo hành cảm xúc?

Bạo hành cảm xúc được thể hiện thông qua lời nói, sự áp đặt hoặc sự kiểm soát. Hành vi bạo hành thường ẩn mình trong những hành động "dạy bảo", "khuyên răn", mà vỏ bọc bên ngoài chính là "tình yêu". Người ta thường nhân danh tình yêu để làm những việc họ cho là đúng. Hay nói cách khác, mục đích cao cả vì tình yêu của họ thường xuất phát từ sự ích kỷ và lòng đố kỵ. 

Có một cậu bé người Trung Quốc, do mẫu thuẫn với mẹ nên đã nhảy cầu tự vẫn ngay trước mặt mẹ. Ở Thái Lan, cậu con trai cãi nhau với người bố. Trong lúc tức giận, người bố đã đưa cho cậu con trai một khẩu súng và nói "Có giỏi thì mày đừng sống nữa". Và ngay sau đó, cậu con trai đã tự kết liễu đời mình trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Liệu đây có phải là một quyết định bồng bột của tuổi trẻ hay sự mong muốn được giải thoát đã được hình thành từ lâu?
Câu chuyện áp lực thi cử vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi suốt bao năm nay, liệu cha mẹ có thực sự muốn tốt cho con hay cha mẹ chỉ đang áp đặt suy nghĩ của mình lên con của họ? Liệu thi vào trường A có thực sự là sự lựa chọn tốt nhất cho con? Liệu con của họ có thấy sự lựa chọn đó là tốt nhất giống như họ? Các bậc phụ huynh thường coi nhẹ quan điểm và suy nghĩ của trẻ con. Tuy trẻ con chưa có nhiều tuổi đời như họ, nhưng mong muốn của trẻ con cũng là những gì nó thực sự muốn. Khi bạn làm việc với lòng nhiệt huyết, mỗi một ngày trôi qua cũng cảm thấy đáng quý hơn. Trẻ con cũng có suy nghĩ. Mỗi một người có một cuộc sống khác nhau, xin đừng cố can thiệp. Và trên tất thẩy, sự trưởng thành không hơn nhau ở độ tuổi, mà lại chính là ở sự trải nghiệm. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con mình thi đỗ vào trường mình muốn nên thường xuyên dùng những lời lẽ trách móc thậm tệ khi con bị điểm kém. Thậm chí còn tự biện minh cho sự quá đáng của mình như một hành động để tạo động lực giúp con. Không những thế, nhiều người còn cổ xuý cho những lời lăng mạ như vậy, và tất nhiên, không một ai quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ. 

Mình đã đọc rất nhiều bài báo, nghiên cứu, và đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình. Sau đây chính là những dấu hiệu để nhận biết một người có xu hướng bạo hành cảm xúc:
1. Họ thường xuyên kiểm soát mọi thứ xung quanh bạn.
2. Họ luôn dùng những lời lẽ miệt thị và mỉa mai để bạn cảm thấy mình kém cỏi hơn.
3. Họ làm bạn cảm thấy tự ti khi liên tục nhắc về những sai lầm của bạn.
4. Họ luôn cho mình đúng và không bao giờ lắng nghe ý kiến của bạn.
5. Họ không bao giờ chịu trách nhiệm về hành động của mình, vì thế, họ sẽ đổ mọi lỗi lầm lên bạn.
6. Họ không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của bạn. Khi bạn và họ tranh luận, họ sẽ phản kháng bằng cách chấm dứt cuộc tranh luận bằng thái độ gắt gỏng như "Im đi!", hoặc dùng những lời lẽ thô tục để chửi rủa bạn.
7. Họ cố ý không tôn trọng sự riêng tư và những ranh giới của bạn.
8. Họ đi rêu rao những tật xấu của bạn. Họ hạ thấp bạn trước những người khác, thường xuyên lấy bạn ra chế nhạo và mỉa mai như một trò đùa/thú vui của họ.
9. Họ coi nhẹ sự thành công và chiến thắng của bạn.
10. Họ buộc tội bạn những việc bạn chưa từng làm.

Là một người bị bạo hành cảm xúc, mình luôn cảm thấy bản thân mình vô dụng và không xứng đáng được yêu thương. Mình cảm thấy tất cả những việc mình làm tốt hay có ích đều vô nghĩa và không được công nhận. Hơn nữa, mình thường xuyên bị ám ảnh với việc bị mọi người bỏ rơi. Lúc nào mình cũng trong trạng thái lo sợ và buồn bã. Đã có khoảng thời gian, mình không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả những người mình thân thiết nhất. Những tin nhắn hay những cuộc gọi điện mà mình chỉ muốn lờ đi hoặc trả lời cho qua. Mình thấy sợ và ngột ngạt mỗi khi mình đối diện với người ấy, nên mình luôn cố gắng né tránh hết mức có thể. Mình đã cố biện minh cho tất cả hành động của họ là vì họ lo lắng và quan tâm đến mình. Mình đã sống như thế trong suốt một quãng thời gian dài. Mình lờ đi mọi tổn thương mà những lời nói đó để lại. Nhưng ngày qua ngày, nỗi đau lại càng một lớn. Cho đến gần đây, khi mình đã đủ trưởng thành để nhìn nhận tất cả mọi việc xung quanh, mình bắt đầu nhận thức được là mình đang bị bạo hành cảm xúc. Mà người bạo hành không ai khác lại chính là người mình tin tưởng và yêu thương nhất, là một người mà mình không thể từ bỏ. Mình bắt đầu rơi vào bế tắc và tuyệt vọng. Mình từng tìm đến những sự giải thoát tiêu cực nhưng may mắn tất cả đều chỉ là những bước tìm hiểu. 

Nếu như bạn tuyệt đối không thể cắt đứt mối quan hệ với người bạo hành, mình mong một vài giải pháp dưới đây có thể hữu ích cho bạn:
1. Luôn tìm cho mình một luồng năng lượng tích cực bên cạnh. Khi bạn tiếp xúc với những người có năng lượng tích cực, sự tiêu cực trong bạn sẽ được áp chế phần nào.
2. Lúc bế tắc, hãy nghĩ đến những việc tốt bạn đã làm. Hãy nghĩ đến sở thích và niềm đam mê của bạn. Hãy nghĩ đến những việc tốt mà những người khác đã làm cho bạn.
3. Hạn chế đôi co với người bạo hành. Người bạo hành tuyệt đối sẽ không bao giờ lắng nghe bạn, họ chỉ muốn chứng minh rằng họ đúng.
4. Luôn tin tưởng vào bản thân mình. Mỗi ngày hãy đứng trước gương và tự  tìm ra một điểm tốt ở bản thân.
5. Hãy tự lập tài chính. Tiền bạc có thể giải quyết được mọi thứ, thật đấy.
6. Hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý nếu bạn cảm thấy mình không thể tự chữa lành cho bản thân.

Ai cũng có quyền bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng, bạn cũng thế. Vậy nên, hãy sống vì chính bản thân bạn! Chỉ có mình bạn mới được chê bai những khiếm khuyết của bạn. Và những khiếm khuyết của bạn chỉ thành khiếm khuyết khi bạn thực sự tin nó là khiếm khuyết. Không có ai là hoàn hảo. Vậy nên, đừng ngần ngại cho bản thân một cơ hội để biến những khuyết điểm thành ưu điểm bạn nhé!