BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI: LỜI NÓI DỐI CỦA NGƯỜI Ở LẠI
Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những bộ phim quan trọng nhất của nền điện ảnh Việt Nam vì đã lột...
Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những bộ phim quan trọng nhất của nền điện ảnh Việt Nam vì đã lột tả chân thật đời sống nội tâm phức tạp của những người sống ở hậu phương thời kì chiến tranh mà không đặt nặng yếu tố tuyên truyền như nhiều bộ phim cách mạng khác thời bấy giờ. Bộ phim được đứng cùng với các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Akira Kurosawa, Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ, Bong Joon-ho trong danh sách 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại của đài truyền hình CNN. Bộ phim đã đạt được nhiều giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế danh giá như giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 7 hay Giải thưởng ban giám khảo tại LHP châu Á-Thái Bình Dương, v.v.
Bao giờ cho đến tháng Mười kể về nỗi đau tột cùng khi mất chồng của Duyên (thủ vai bởi NSƯT Lê Vân) đến mức cô sốc mà ngất lăn ra sông, suýt chết đuối nếu không được thầy giáo Khang (NSƯT Nguyễn Hữu Mười) nhảy xuống để vớt cô lên. Nhờ vậy, anh cũng tình cờ biết được hung tin này và cả hai cùng nhau dựng lên một lời nói dối để bảo vệ người bố già cả của chiến sĩ Nam (chồng Duyên) khỏi nỗi đau mất con một lần nữa, đồng thời Duyên cũng hi vọng rằng chồng cô vẫn còn sống sót ở đâu đó ngoài kia và đơn báo tử này chỉ là một nhầm lẫn mà thôi.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh viết nên bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười dựa trên những trải nghiệm cá nhân nhất của gia đình ông đến từ nỗi đau khi người thân ngã xuống trên chiến trường của hàng vạn, hàng triệu gia đình khác trên đất nước Việt Nam trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là lí do câu chuyện trong phim thật giản dị và thân mật đến như vậy.
Yếu tố phản chiến được hiện rõ xuyên suốt bộ phim. Dù là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh tại Việt Nam, Bao giờ cho đến tháng Mười không chọn cách thể hiện nỗi tang thương thông qua hình ảnh xác chết binh lính đẫm máu nằm la liệt hay âm thanh bom đạn kinh hoàng. Thay vào đó, nỗi đau này được đặc tả thông qua cuộc sống đời thường của những người dân ở nơi hậu phương. Các anh thanh niên của làng quê đã nhập ngũ hết, để lại người cha mẹ, vợ con ở nhà luôn mong mỏi chờ ngày họ về. Những người này luôn sống trong sự bất an vô định khi không biết lá thư tiếp theo được gửi về nhà là bức thư của người chiến sĩ hay là một bức thư báo tử. Một trong những thông điệp phản chiến mạnh mẽ nhất của bộ phim là cách nó xoáy sâu vào những con người bình thường, những người không mang theo mình bất kì một huân chương, quân phục hay quân hàm nào cả. Họ không trực tiếp đối đầu với chiến tranh và đem lại vinh quang rực rỡ cho Tổ quốc, mà thay vào đó họ âm thầm hỗ trợ bằng cách tăng gia sản xuất và giáo dục thế hệ mai sau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng những câu chuyện của họ không đáng được kể ra và lắng nghe. Giống với những người lính, họ cũng là một người con của đất Việt cùng với một tính cách đặc trưng và ước mơ, hoài bão cũng như khó khăn của cá nhân họ, và những điều này đã bị tước đi bởi chiến tranh. Trong một phân đoạn khi Duyên mơ về kỉ niệm hạnh phúc giữa cô và chồng trước khi anh đi khám nghĩa vụ, Nam say mê thả diều còn cô thì trêu chọc anh là đồ con nít vì lớn rồi mà còn chơi trò này. Sau khi đùa giỡn với nhau, Nam dắt cô đến miếu làng và đốt chiếc diều ngay tại nơi này như một cách anh đốt đi cuộc sống cũ, đốt đi cái tinh thần vui tươi và tâm hồn “trẻ ranh” như những người bạn của Duyên gọi anh nhằm trở thành một người trưởng thành để hỏi cưới Duyên và lao vào cuộc chiến tranh khốc liệt vì đất nước.
Bằng thủ thuật kể chuyện tập trung vào một gia đình nhỏ tại làng quê, bộ phim đánh bật lên cái giá phải trả của chiến tranh và ảnh hưởng của nó lên những người dân bình dị này. Bao giờ cho đến tháng Mười đã phê phán kịch liệt chiến tranh và hậu quả nó để lại cho cả xã hội lẫn từng cá nhân. Bộ phim là một lời gợi nhắc rằng không chỉ những người lính mới tham gia chiến tranh mà cả những người thân đang chờ đợi họ ở quê cũng phải gánh chịu nỗi tang thương không kém.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đẩy nỗi đau của Duyên lên thêm một bậc nữa, đó là cho cô vào tình thế trớ trêu và tiến thoái lưỡng nan khi phải một mình đối diện với tin chồng chết. Cô đã sốc tới mức ngất lăn xuống sông nhưng ngay sau khi về nhà cô lại phải niềm nở tiếp đón hàng xóm như chưa có gì xảy ra; một giấc mơ về kỉ niệm đẹp của hai vợ chồng lại được tiếp nối bởi cơn ác mộng của những người binh sĩ lao ra biển lửa và kết thúc bởi một tiếng đạn vang trời; hay phân cảnh đám giỗ tại nhà, khi Duyên run rẩy trốn sau bức tường nghe từng lời lẽ của bức thư giả dạng Nam do thầy Khang viết được đọc to lên trong niềm vui phấn khởi của cả đại gia đình. Duyên muốn khóc thương và đưa tiễn chồng một cách đàng hoàng theo nghi thức tang lễ truyền thống để đưa anh sang thế giới bên kia nhưng điều này giờ đây là quá xa xỉ đối với cô. Đến thi thể của anh cô còn không nhận được, đã vậy cô buộc mình phải giấu kín hung tin này để người bố già ra đi trong thanh thản. Cô đơn độc trốn một góc mà nấc lên từng tiếng khóc ai oán và tủi thân như thể cô đã phạm lỗi lầm gì đó đối với gia đình và Nam.
Duyên kìm nén nỗi đau này xuyên suốt bộ phim và điều đến rồi cũng sẽ đến, những cảm xúc đè nén trong lòng cô đã tuôn trào ra khi đang diễn vở chèo ‘Trương Viên’ trường đoạn người vợ tiễn chồng lên đường ra trận và nguyện thay anh chăm sóc người mẹ già. Với chủ đề nhân văn và những bài học đạo đức về bảo vệ giang sơn, bảo vệ người lương thiện và cách sống ‘ở hiền gặp lần’ của người dân Việt Nam đồng thời lên án chiến tranh phi nghĩa, vở chèo Trương Viên là một tác phẩm hoàn hảo để Duyên thay lời bày tỏ mọi nỗi lòng đã giấu kín bấy lâu nay ra để tâm sự cho bà con làng xóm biết. Duyên cùng ở trong tình cảnh giống nhân vật Thị Phương của vở chèo, người mất chồng diễn cảnh người tiễn chồng. Vậy nên khi cô càng ca những câu chèo, cô càng tự mình lột tả trần trụi những suy nghĩ, cảm xúc và nỗi đau trong cô, để rồi đến khi đã lột bỏ đến lớp nội tâm cuối cùng, cô không chịu được nữa mà đành phải òa khóc và chạy đi trong nỗi bàng hoàng của mọi người. Đây là một thủ thuật làm phim tài tình của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Cô chạy ra miếu thờ thành hoàng khi xưa Nam dắt cô ra và đốt chiếc diều, tại đây cô gặp linh hồn của một chiến sĩ từng đánh đuổi quân Nguyên Mông và hi sinh, để lại người vợ trẻ giống như tình cảnh của chiến sĩ Nam bỏ Duyên mà đi. Nỗi đau của người thân của những chiến sĩ đã hi sinh vì sự bình an của đất nước là một nỗi đau kéo dài biết bao đời nay, từ khi khái niệm ‘quê hương đất nước’ được hình thành trong tâm trí mỗi người. Từ những trận chiến chống giặc Ân, Nguyên Mông, thực dân Pháp cho đến đế quốc Mỹ, mỗi chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường là một viên đạn ghim thẳng vào tim những người cha, mẹ, vợ, con ở hậu phương. Linh hồn chiến sĩ năm xưa đã nói với Duyên rằng: “Chồng chị chỉ sống trong tâm tưởng của người đời mà thôi, ta còn sống đến bây giờ cũng chính là vì vậy.” Sự tưởng nhớ của người sống đã trao đến sự bất tử dành cho người đã khuất, và chính người đã khuất mong rằng người còn sống hãy cứ sống tiếp cuộc đời mình vì họ vẫn còn trải nghiệm được tương lai.
Để gặp lại người chồng của mình lần cuối, Duyên đã đến phiên chợ Âm Dương ở miếu thành hoàng. Đây là một chất liệu tâm linh mang tín ngưỡng dân gian được đạo diễn Đặng Nhật Minh có thể được lấy cảm hứng từ những câu truyện cổ tích dân tộc và phiên chợ Âm Phủ có thật tại làng Ó, Bắc Ninh. Tương truyền, mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết. Theo quan niệm của người dân trong vùng, chợ họp là cơ hội cho người chết và người sống được gặp nhau. Người đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Phiên chợ Âm Dương trong phim hiện lên đầy siêu thực và ma mị thông qua cách sử dụng sự tương phản mạnh giữa ánh sáng và bóng đêm, kĩ thuật trang điểm cho những linh hồn khiến mặt họ trắng hơn nhiều so với người sống. Tuy vậy, phân cảnh này không lạnh lẽo và đáng sợ như cái tên mà nó vô cùng ấm áp và đầy tình thương. Tại phiên chợ này, những người chiến sĩ mặc các bộ quân phục khác nhau thuộc nhiều thời kì nhà nước khác nhau tề tựu lại như những người anh em, đồng đội thân thiết mặc cho cái chết của họ cách nhau cả trăm năm.
Trong một làn khói sương huyền bí và đứng trên một mặt nước dường như là vô tận, hai vợ chồng được đoàn tụ cùng nhau, muốn nắm tay nhau nhưng không thể, đó là một sự tương tác giữa một cơ thể bằng xương bằng thịt và một linh hồn không còn thể xác nhưng vẫn còn lưu luyến khát khao được chạm. Khi được hỏi còn điều gì oan ức cõi trần gian, chiến sĩ Nam chỉ gửi gắm cho Duyên rằng: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm xong phần việc của mình. Cái gọi là mãi mãi anh không thể nhìn thấy được.” Phần việc của anh với tư cách là một người con, người chồng, người cha, người bảo vệ đất nước đến đây đã chấm hết. Còn phần việc chăm sóc người cha già, nuôi dưỡng con trai Tuấn và xây dựng đất nước anh chỉ có thể trông cậy vào vợ mình. Lời dặn dò của anh vang lên như câu kinh trầm trầm tan vào khung cảnh nửa hư nửa thực đầy tính đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Ở gần cuối phim, khi cậu bé Tuấn bỏ nhà đi tìm bố và đi nhờ trúng xe của đồng đội Nam, anh đã báo tin cho Tuấn rằng bố cậu đã hi sinh. Sau khi nghe tin dữ, Tuấn chỉ đáp lại bằng một câu hỏi ngây thơ của một đứa con nít nhưng lại gây ra nỗi day dứt khôn nguôi cho người lớn: “Thế tại sao chú còn sống?” Một câu hỏi gắn gọn nhưng vô cùng phức tạp, đặc tả được sự vô thường và bất công của chiến tranh đối với người chiến sĩ và người ở lại. ‘Tại sao tôi lại còn sống khi người đồng đội sát cánh bên tôi lại phải bỏ lại tuổi trẻ và gia đình trên chiến trường?’ Không ai muốn mình hay đồng đội chết trên chiến trường nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.
Cậu bé Tuấn tuy còn nhỏ nhưng cũng hiểu chuyện và sẵn sàng giữ kín sự thật về cái chết của Nam, giống như người mẹ Duyên, để ông nội cậu được ra đi trong thanh thản. Phân đoạn đau lòng nhất phim là khi ông cụ trong lúc lâm chung đã nhìn nhầm anh lính thành con trai của ông. Sau khi đưa tay vuốt lưng anh lính, cụ ông cũng trút hơi thở cuối cùng của mình một cách bình an vì trong tâm trí ông, ông đã nghĩ rằng mình có thể gặp con trai lần cuối trước khi nhắm mắt xuôi tay. Đây là một lời nói dối vô hại và vô cùng nhân văn của những người thân của ông. Đôi khi để được hạnh phúc, con người ta cần sống trong một ảo mộng.
Bao giờ cho đến tháng Mười là một tác phẩm điện ảnh đích thực vì đã khám phá một nỗi đau chung của hàng triệu gia đình, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới, khi mất đi người thân trên chiến trường đẫm máu để bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Một bộ phim đau buồn nhưng không kém phần nhân văn khi nó kết lại bằng sự gửi gắm tương lai đất nước cho thế hệ mai sau theo đúng tuyên ngôn trong cuộc đời làm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “chỉ có chủ nghĩa nhân văn mới rung động được đến trái tim của nhân loại”.
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu"
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất