Những ngày gần đây, các hộ nông dân ở miền Tây, đặc biệt là các hộ trồng thanh long sẽ không khỏi xót xa trước tình cảnh hơn 6.500 tấn thanh long bị ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho hàng trăm container không thể thông quan, xuất khẩu được sang Trung Quốc. Người nông dân thì trong tâm trạng thấp thỏm, “đứng ngồi không yên” vì thanh long xuất khẩu cũng không được mà chở ngược lại bán cho thị trường nội địa cũng không xong.
Giữa lúc khó khăn như vậy, một vị doanh nhân sẵn sàng đứng ra mua hàng tấn thanh long để hỗ trợ cho bà con nông dân. Ông với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành công nghiệp làm bánh, đã tự mày mò, nghiên cứu và cho “ra lò” món bánh mì thanh long độc nhất vô nhị của mình. “Vua” bánh mì Kao Siêu Lực chia sẻ rất mộc mạc: “Tuần trước tôi có đi tham quan nhà vườn trồng trái cây ở miền Tây, thấy thanh long trồng nhiều quá. Tiếp xúc với nông dân thì nhận được tin hàng trăm container thanh long không xuất khẩu đi được. Trên đường về nhà, tôi nghĩ mình phải tìm cách giúp nông dân. Mua thanh long về ăn thì cũng không ăn được nhiều, vậy là ý nghĩ lóe lên là có thể dùng để làm bánh”.
Và quả thật, món bánh mì thanh long của ông được người tiêu dùng ủng hộ rất nhiệt tình. 2-3 ngày qua, cửa hàng của ông đều tiêu thụ gần 1 tấn thanh long mỗi ngày. Khách tới đông; hàng trăm khách hàng phải xếp hàng dài từ sáng sớm để được thưởng thức món bánh mì độc đáo này. Tiệm bánh và món bánh mì “có một không hai” của ông lại ngày càng được nhiều người quan tâm khi xuất hiện ở hầu hết các trang báo online uy tín tại Việt Nam như vnexpress, thanhnien, tuoitre,... Ông bà đã dạy: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thật chẳng sai!
Hàng dài người xếp hàng chờ mua bánh mì thanh long (Ảnh: thanhnien.vn)
Mình thắc mắc tại sao món bánh này lại nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt như vậy đến từ người Sài Gòn. Có thể là vị ngọt và chua nhẹ thanh tao của trái thanh long; cũng có thể là vì sự hiếu kì, tò mò trước sự kết hợp ngẫu nhiên nhưng đầy thú vị giữa 1 loại trái cây và 1 loại bánh quen thuộc với người dân Việt Nam.
Những lý do trên, có thể đúng một phần nhưng theo cá nhân mình, lý do quan trọng nhất vẫn là cái TÂM và cái TẦM của một người làm kinh tế. Nhìn hàng người xếp hàng nối dài mua bánh mì thanh long dễ khiến chúng ta liên tưởng đến những hàng người xếp hàng tranh nhau mua khẩu trang phòng dịch COVID-19. Bề ngoài thì trông giống nhau nhưng khi xét kĩ, đó là hai bức tranh với hai tông màu trái ngược hoàn toàn. Một bên là sự lạnh lẽo, lợi dụng cung cầu, “găm hàng” và tâm lý bất an của người dân để trục lợi cho cá nhân. Một bên là sự ấm áp, mày mò sáng tạo, “giải cứu” người nông dân và xuất phát từ cái ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP của một người thợ làm bánh, một doanh nhân chân chính.
Làm kinh tế với tầm nhìn sâu rộng nhưng không đánh mất đi cái “nhân văn”, cái “đạo đức”, đó mới là thứ kinh tế trường tồn với người tiêu dùng và xã hội!