Tháng Một năm 2023, khí trời ở Thành phố Hồ Chí Minh se lạnh, làm tôi lại nhớ về cảm giác của một buổi sáng vào 2 năm trước: tôi mua hộp bún thịt nướng, mở ra ăn trong lớp của Huyền Hồ - bạn tôi, phần bún bị đóng đá và thịt thì nguội dù chỉ vừa mới nướng trước đó 5 phút. Ký ức ấy vẫn trong đầu tôi đến tận bây giờ, và không phải vì tính chất đóng đá của bún hay độ nguội của thịt mà tôi nhớ đến nó như vậy. Mà vì nó đánh thức trong tôi những suy nghĩ của 2 năm trước, những suy nghĩ về Hội trại truyền thống khối 12 của trường tôi.
Trường phổ thông của tôi có truyền thống tổ chức hội trại khối 12 hàng năm nhân dịp Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam, là một sự kiện dành cho học sinh năm cuối tham dự với nhiều hoạt động vui chơi. Hội trại được tổ chức theo chủ đề các quốc gia trên thế giới, bao gồm trang trí lều trại, tiết mục trình diễn dựa trên văn hoá của quốc gia mà mỗi lớp đại diện và mỗi lớp sẽ chuẩn bị tiết mục flashmob riêng. Thời gian chuẩn bị là 2 tuần. Sự kiện do Đoàn trường phụ trách tổ chức và được truyền bá rộng rãi, từ phương tiện truyền thông đại chúng của Đoàn trường cho đến hình thức truyền miệng từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Vì thế, hầu như bất kì ai trong trường cũng biết đến sự tồn tại của sự kiện này, cá nhân tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Một trong số các lều trại của Hội trại truyền thống khối 12
Một trong số các lều trại của Hội trại truyền thống khối 12
Cùng ở thời điểm sự kiện này tổ chức vào năm tôi học lớp 12, tôi dự thi IELTS. Ai cũng biết, hội đồng thi khi đó cho phép thay đổi ngày thi đã đăng ký trước đó 1 lần, và tôi đã đổi lại ngày thi của mình vào đúng ngày diễn ra hội trại khi tôi chưa biết thời điểm tổ chức. Đến khi được thông báo ngày tổ chức trại, tôi đã hoang mang rất nhiều. Phần nhiều vì tôi không lường trước được việc này. Sau khi đã bình tĩnh lại, tôi bàn việc này với Bí thư của lớp với cương vị là Lớp trưởng. Chúng tôi “tạm thời” giải quyết được vấn đề: vì bài thi Đọc, Nghe, và Viết của tôi được tổ chức vào buổi sáng và tôi có thể chọn lịch thi Nói vào ngày khác, trong khi đó trại tổ chức vào buổi chiều, nên tôi hoàn toàn có thể tham gia trại như mọi người.
Một trong số ít những điểm nhấn của buổi trại: đốt lửa trại
Một trong số ít những điểm nhấn của buổi trại: đốt lửa trại
Ở những buổi đầu tiên kể từ khi thông báo bắt đầu chuẩn bị, cả lớp tôi dù đã được sự cho phép của giáo viên bộ môn của cả buổi chiều nghỉ tiết, xuống sân để tập nhảy, Ban Giám Hiệu lại không cho phép chúng tôi tập luyện với lý do phải có đại diện lớp (là tôi) xin phép trước với Ban Giám Hiệu với khung giờ luyện tập cụ thể. Xin phép, thoạt nghe có vẻ chỉ là một tờ đơn viết tay có chữ ký của tôi. Nhưng mỗi khi nộp đơn xin phép, Ban Giám Hiệu không phải lúc nào cũng có mặt trong phòng làm việc, khi đó tôi cũng không biết sẽ phải nộp đơn ở đâu khác. Có lần, tôi phải đi bộ đến phòng Ban Giám Hiệu đến 5 lần trong một buổi sáng để nộp đơn nhưng không thành, trong khi đó, đoạn đường đi từ lớp của tôi đến đó tương đối xa. Mãi đến sau khi họ thấy lớp tôi luyện tập khi không xin phép, yêu cầu tôi nộp đơn bổ sung thì mới nói cho tôi biết khung giờ họ có mặt ở phòng làm việc.
Càng nghĩ tôi càng thấy khó hiểu, hoạt động được thông báo từ phía Đoàn trường vốn đã phải được thông qua Ban Giám Hiệu, và việc xin phép trước này không hề được đề cập trong buổi họp thông báo giữa Lớp trưởng và Đoàn trường. Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra lúc đó bản thân mình phải chủ động hỏi khung giờ có mặt trong phòng làm việc của Ban Giám Hiệu từ trước. Nhưng dù có là như vậy thì cũng không thể thoả lấp những suy nghĩ trong đầu tôi. Rõ ràng, trại không phải tổ chức lần đầu tiên vào niên khoá của tôi, tại sao vấn đề này lại có thể xảy ra? Nếu không được phép luyện tập, làm sao chúng tôi tham dự trại một cách trọn vẹn?
Trong 2 tuần này, tôi nhận thấy mỗi khi chúng tôi đến tiết học của môn học không nằm trong môn định hướng, là cứ phải năn nỉ xin từng giáo viên bộ môn nghỉ tiết để chuẩn bị cho trại. Thậm chí, ngay cả khi là tiết của môn nằm trong định hướng, chúng tôi cũng cố gắng xin dù biết khó thành. Nhưng dù có ngồi học khi không được cho phép nghỉ tiết, tinh thần của buổi học cũng không thể hiệu quả như thường ngày, nhất là càng về những ngày cận hội trại.
Tôi vẫn không hiểu đây là do thiếu sót hay do vấn đề này không đáng để Đoàn trường quan tâm vì mặc định đằng nào chúng tôi cũng hoàn thành công đoạn chuẩn bị này, rõ ràng ai cũng muốn hội trại diễn ra tốt đẹp, nhưng chúng tôi không hề được tạo điều kiện tối đa. Chuẩn bị trại cứ như thực hiện chuyện gì phạm pháp, phải rón rén xin phép từng giáo viên bộ môn cho nghỉ tiết, mà dù có nghỉ hay không thì việc học cũng khó mà đảm bảo khi ai cũng lo về việc chuẩn bị trại không kịp.
Riêng về phần tôi, phải ôn thi cho kỳ thi IELTS của mình nên tôi cũng đã chẳng thể giúp được gì cho lớp. Có thể với nhiều người, IELTS chỉ là một bài kiểm tra đơn giản, nhưng với tôi, 4.750.000 đồng lúc ấy không phải là một số tiền nhỏ và với trình độ tiếng Anh của tôi khi đó, khó mà có chuyện “không cần ôn cũng có thể làm bài tốt”. Tôi ưu tiên việc ôn thi hơn. Vì thế, tôi đã không đảm nhiệm bất cứ công việc nào trong quá trình chuẩn bị trại, ngoài tiết mục flashmob. Thậm chí, để tránh mất tập trung, tôi đã nộp đơn xin nghỉ phép trên lớp cho cả tuần thứ 2 trong quá trình chuẩn bị trại, và theo dự tính ban đầu, tôi vẫn sẽ lên trường và ngồi trong thư viện để học bài, khi nào tập nhảy flashmob tôi sẽ ra sân tập cùng với lớp. Nhưng ở buổi đầu tiên, thủ thư đã không cho phép tôi vào thư viện. Không biết đi đâu, tôi đã quyết định vào trong nhà vệ sinh, đóng cửa lại rồi ôn bài trong đó. Vào thời điểm đó, nhà vệ sinh trường phổ thông của tôi không có mùi hương nào khó chịu, đó có lẽ là một điều may mắn với tôi. Nhưng cách này không hề hiệu quả, vì chỉ được một lúc, các cô lao công phải dọn nhà vệ sinh. Ở những buổi sau đó, lớp của Huyền Hồ, may mắn được giáo viên bộ môn cho phép nghỉ tiết những lúc lớp tôi đang không tập nhảy, nên tôi có thể ẩn mình trong lớp của Huyền Hồ để ôn bài, thay vì là nhà vệ sinh bị lau dọn định kỳ kia.
Suốt khoảng thời gian 2 tuần đó, những gì tôi cảm nhận được chỉ là một sự nhập nhằng giữa việc ôn thi IELTS và chuẩn bị trại trong không khí se lạnh, lạnh đến nỗi bún đóng đá và thịt nguội ngay sau khi nướng. Cuối cùng, tôi đã thuận lợi hoàn thành bài kiểm tra IELTS của mình và tham gia vào buổi hội trại.
Kết quả chụp từ bản sao y của giấy báo kết quả thi của tôi. Dù 6.5 có thể không cao với nhiều người, nhưng với tôi nó phản ánh đúng năng lực của tôi vào thời điểm đó
Kết quả chụp từ bản sao y của giấy báo kết quả thi của tôi. Dù 6.5 có thể không cao với nhiều người, nhưng với tôi nó phản ánh đúng năng lực của tôi vào thời điểm đó
Trong ký ức của tôi, hội trại chính yếu chỉ có việc hò hét, nhúng nhảy dưới nền nhạc sôi động - thứ mà người ta thông thường gọi là “quẩy”. Bản thân tôi không thật sự hứng thú với những thú vui mất quá nhiều năng lượng như thế, nên đã chọn đi vào trong lều trại của lớp nằm nghỉ. Nhưng nhạc vẫn nổi lên và mọi người vẫn đang “quẩy”, đến nỗi nằm trong lều mà tôi có thể cảm nhận được sự rung chấn của mặt đất mỗi khi tất cả mọi người nhảy lên và tiếp đất chính xác vào cùng một nhịp. Dù cho vào buổi tối, trong các tiết mục trình diễn văn hoá có vài tiết mục rất ấn tượng như tiết mục về nước Nga của lớp Huyền Hồ, nhưng bấy nhiêu đó cũng không thể khiến tôi thay đổi quan điểm hiện tại của mình. Thêm nữa, chúng tôi phải ngủ lại dưới sân trường, không có mùng màn hay bất cứ tiện nghi nào trong khi có rất nhiều muỗi đốt và khí trời đầy sương lạnh. Chính điều này đã khiến tôi chỉ ngủ được 3 tiếng vào buổi tối hôm ấy, và đầu óc tôi đã không thể tỉnh táo được trong nhiều ngày sau đó.
Đến sáng hôm sau, chúng tôi hoàn thành phần thi flashmob rồi nghe công bố giải thưởng và sau đó ra về. Tưởng đã kết thúc, nhưng một vài ngày sau đó, trong trường tôi diễn ra một cuộc nổi loạn. Người người chạy ra sân trường và hành lang để hò hét, có người còn gõ vào trống trường liên tục. Được biết rằng cuộc nổi loạn này diễn ra ở năm của tôi là lần thứ 2 nên Ban Giám Hiệu cũng có cách để xử lý.
Một trong những hình ảnh hiếm hoi về cuộc nổi loạn mà tôi tìm được, nữ sinh kia đang đập vào mặt trống liên tục
Một trong những hình ảnh hiếm hoi về cuộc nổi loạn mà tôi tìm được, nữ sinh kia đang đập vào mặt trống liên tục
Thú thật, nhìn lại những gì mình đã trải qua trong giai đoạn đó của 2 năm trước, tôi chỉ muốn thốt lên: tôi rất hối hận vì đã tham gia hội trại này. Có thể đọc đến đây, nhiều người nghĩ tôi không muốn tham gia vì những trục trặc trong công tác chuẩn bị của Đoàn trường và Ban Giám Hiệu, nhưng thật ra đó cũng chỉ là lý do phụ. Chính xác hơn, tôi hối hận vì đã tham gia khi mình đáng ra cần phải quan tâm đến kế hoạch của bản thân hơn. Kết quả bài thi IELTS của tôi dù đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, nhưng nhìn lại, tôi vẫn thấy toàn bộ quá trình đó không được trọn vẹn. Dù không có đóng góp nào vào công đoạn chuẩn bị, tôi cũng khó mà tập trung hoàn toàn vào việc ôn thi khi cứ bị phân tâm về những mâu thuẫn trong giai đoạn ấy, nhất là khi lúc đó tôi là một Lớp trưởng và có tính cầu toàn cho mọi việc mình làm. Tôi cũng không thể tập trung khi phải tham gia vào tiết mục flashmob, một thứ tôi không hề có hứng thú và chiếm rất nhiều thời gian của tôi vào giai đoạn đó. Tôi đã không thật sự muốn tham gia vào hội trại này, nhưng khi ấy tôi khó mà khiên cưỡng lại.
Mãi đến sau này, khi có nhiều hiểu biết và trải nghiệm hơn, tôi mới nhận ra tôi đã không làm theo những gì mình muốn làm bởi chính áp lực đồng trang lứa. Tôi đã tham gia hội trại vì khi ấy, tôi nghĩ bạn bè tôi ai cũng tham gia hội trại và đó là điều mình phải làm, chứ không phải là điều mình thật sự muốn. Sẽ trở nên rất khó xử nếu tôi không tham gia vào hội trại như mọi người. Nhưng sự thật là, cho dù tôi có tham gia vào hội trại hay không, mọi thứ cũng không có sự khác biệt. Hơn hết, người đời cũng không thật sự bận tâm đến sự hiện diện của tôi ở trại nhiều như tôi đã từng nghĩ. Nhưng ở thời điểm đó, tôi đã không thể đủ sáng suốt như hiện tại để nhìn thấu sự việc dù đang tỉnh táo nhất.
Nhớ lại, tôi có một người bạn - Min Hy, bạn cùng lớp với Huyền Hồ. Tôi và Hy biết nhau khi Hy biết đến tôi qua việc đọc bài Tarot, dù không quá thân thiết và mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức xã giao, nhưng tôi cũng biết phần nào cuộc đời và suy nghĩ của Hy thời điểm đó. Được biết, Hy có mối bận tâm riêng còn lớn hơn bài thi IELTS của tôi: thành công của cuộc đời sau này. Nỗi lo lắng về áp lực phải thành công của Hy bắt đầu từ rất lâu về trước. Khi tôi ẩn mình trong lớp của Huyền Hồ để ôn thi, tôi không nhìn thấy Hy trong lớp chuẩn bị trại như Huyền Hồ và những người khác. Mãi về sau khi tôi hỏi thăm các thành viên khác trong lớp, tôi mới biết rằng Hy vốn không tham gia vào bất cứ hoạt động tập thể nào, và sự vắng mặt của Hy trong hội trại này cũng là chuyện thường tình. Lúc đó, tôi đã không nghĩ quá nhiều về hành động của này Hy. Nhưng sau này tôi mới nhận ra, Hy là người cứng rắn nhất mà tôi biết ở thời điểm đó. Bởi lẽ, Hy làm rõ với bản thân đâu mới thật sự là điều mình muốn làm cho bản thân và đâu mới điều mình phải làm để chiều lòng người khác. Việc tham gia hội trại không thể là chuyện được Hy ưu tiên trong khi Hy có thứ cần phải lo riêng, những thứ là tiền đề quan trọng cho thành công sau này. Giống như Hy, bài thi IELTS là thứ quyết định con đường sau này của tôi rất lớn, và nếu không đạt được số điểm của mục tiêu tôi đề ra, việc thi lại sẽ khiến những kế hoạch khác của tôi bị trì hoãn. Nhưng ở thời điểm đó, tôi đã không thể đủ sáng suốt như hiện tại để nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn hơn, ưu tiên cho việc ôn thi - là điều mình muốn và nên làm.
Chắc chắn, ít nhiều sẽ có phản biện rằng tôi đang ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình và phải nên vì tập thể mà chung vui cùng với lớp, hay xa hơn, cả cuộc đời học sinh được bao lần vui chơi tập thể để sau này trở thành kỷ niệm đẹp. Tôi nhận thấy luận điểm này đơn thuần chỉ là một sự nguỵ biện.
Thứ nhất, không phải ai cũng có nhu cầu chung vui cùng với tập thể. Người ta thường thêu dệt rằng, tuổi học trò là lứa tuổi ngây thơ, chỉ biết ăn và học, và mai này có ra sao thì cấp 3 sẽ luôn là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Tôi lại cho rằng, quan điểm đó là một sự quy chụp. Bởi lẽ, không phải ai cũng sinh ra trong dòng dõi trâm anh thế phiệt hay lớn lên trong sự sung sướng, vô lo vô nghĩ. Khi đó, những lo âu về cuộc sống, về việc trau dồi bản thân là thứ cần được quan tâm hơn, nhất là khi thị trường lao động ngày càng đang trở nên cạnh tranh hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, nếu phải tham gia khi không có sự hào hứng, tham gia trong tâm trạng không biết mình tham gia thật sự vì điều gì, liệu không khí của hoạt động tập thể có còn giữ được sự sôi động cần có? Vì thế, việc tham gia vào hội trại chỉ nên dừng lại như một lựa chọn tự nguyện.
Thứ hai, không phải tập thể nào cũng đoàn kết, thân thiện và ngây thơ. Theo tôi, phần lớn vì sự thành công quá lớn của điện ảnh như MV Xe Đạp của Thuỳ Chi,… hay nhờ vào sự seeding vốn có của của các nền tảng lớn như Facebook, Tiktok,… đã khiến cho khái niệm “cấp 3” hiển nhiên gắn liền với những hình ảnh hồn nhiên, tập thể gắn kết và đầy thơ mộng. Nhưng thực tế không phải luôn như vậy, cụ thể ở lớp tôi, vốn đã phân chia bè phái và tồn tại rất nhiều mâu thuẫn nội bộ, dù cho người ngoài nhìn vào luôn đánh giá lớp tôi có vẻ đoàn kết, nhưng bản thân tôi lại chỉ thấy đó là sự đoàn kết nhất thời, không hề xuất phát từ sự chân thành. Tôi đã từng chứng kiến từng thành viên của lớp tôi bàn tán sau lưng nhau, hay thậm chí chỉ vì lợi ích nhỏ nhen mà phải tranh giành đấu đá đến sứt đầu mẻ trán. Tôi tự hỏi, kỷ niệm đẹp liệu có thể xây dựng từ một tập thể như vậy?
Cuối cùng, liệu có cần thiết phải đầu tư gần 2 tuần công sức cho trang trí lều trại, cho tiết mục trình diễn văn hoá và flashmob, hay cứ phải “quẩy”, cứ phải thức thâu đêm và ngủ dưới điều kiện khắc nghiệt thì mới tạo ra kỷ niệm? Trong suy nghĩ của tôi, toàn bộ chi phí và thời gian đã bỏ ra cho hội trại này là một điều phí phạm. Vì ngày nay tồn tại rất nhiều hình thức hoạt động giải trí tập thể ít tốn kém hơn rất nhiều, và việc đầu tư quá nhiều chi phí không thật sự đem lại hiệu quả hay làm thoả mãn được nhu cầu của mọi học sinh tham gia trại. Ngoài ra, việc ngủ dưới điều kiện muỗi đốt và sương lạnh thật sự là một trải nghiệm ám ảnh với tôi khi những ngày sau đó, tôi phải dành rất nhiều thời gian để ổn định lại tinh thần của mình. Tại sao phải ngủ dưới điều kiện khắc nghiệt khi hoàn toàn có thể ngủ trong điều kiện đầy đủ tiện nghi hơn? Rõ ràng, đây không phải là một chuyến du lịch bụi dành cho người thích du ngoạn, tội tình gì phải dày vò bản thân để tạo ra cái gọi là “kỷ niệm” trong khi ngủ?
Nhìn lại, tôi vẫn không thể lý giải tại sao cuộc nổi loạn sau trại lại bùng nổ. Tôi cũng không hiểu ai là người đã nghĩ ra ý tưởng cho cuộc nổi loạn này. Cơ bản, nó không đem lại bất cứ thay đổi hay ý nghĩa nào. Nếu vẫn muốn vui chơi, bất kì ai cũng hoàn toàn có thể viết đơn xin nghỉ phép như tôi đã làm cho cả tuần thứ 2 của quá trình chuẩn bị trại, rồi đi chơi tuỳ thích. Cần gì phải nổi loạn đến nỗi hao hơi tổn sức mà lại vô nghĩa. Có điều gì vui, có điều gì thú vị từ cuộc nổi loạn này mà tôi không cảm nhận được? Tôi e là không.
Hiện tại, hội trại năm nay đã được tổ chức vào vài ngày trước khi bài viết này hoàn thành. Vẫn là những nội dung đó, vẫn là chủ đề các quốc gia trên thế giới, vẫn là flashmob, vẫn là ngủ qua đêm dưới sân trường đầy sương lạnh,... Tôi chỉ hy vọng bài viết này có thể đến với những người cần nó sớm nhất có thể, để họ trở nên sáng suốt hơn và đừng tham gia hội trại như cách tôi đã từng.