Vừa rồi bộ Chính Trị có chủ trương từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Điều này gây bàn tán khá xôn xao mấy ngày gần đây. Người vỗ tay khen, kẻ bảo khó lắm, đứa bảo chỉ nói suông.
Tôi cũng góp vui.
Trước hết phải xem thế nào là ngôn ngữ thứ hai. Định nghĩa cũng khá mù mờ nhưng ta tạm thống nhất như sau: Ngôn ngữ thứ 2 được xài phổ biến trong giao tiếp xã hội nhưng không phải là ngôn ngữ thứ nhất. Nó không được dùng trong văn bản hành chính, pháp luật.
1. Ý định phổ cập tiếng Anh trong nhà trường và xã hội Việt Nam là không hề mới. Nó được nêu ra từ thời các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng. Đương nhiên đã có những hành động không thể nói là không quyết liệt. Biểu hiện rõ nét là hơn 10 năm qua, nhà nước đã chi cả chục ngàn tỉ đồng đưa 350 ngàn cán bộ đi học (ngắn hạn và dài hạn) ở Úc và Anh để bổ túc tiếng Anh. Phong trào đẩy mạnh tiếng Anh trong dân cũng dáo diết lắm. Mỗi tháng, trung bình người Hà Nôi chi ít nhất 1,3 nghìn tỉ cho các lớp buổi tối. Xem ra ý thức về tầm quan trọng của tiếng Anh ở ta không hề kém, cả trong dân và cả tầng lớp lãnh đạo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
2. Vậy tại sao tiếng Anh của ta (mặt bằng chung) vẫn kém so với khu vực? Theo ngu ý của bổn giáo, chúng ta không có giải pháp đồng bộ. Nói cách khác, ta uống thuốc chưa đủ vị, chưa đủ liều. Thậm chí còn uống sai cách. Về việc tiếp cận tiếng Anh sai cách thì tôi đã viết khá nhiều, thậm chí in nguyên cả một cuốn sách để phân tích tường tận. Bây giờ xin bàn về các giải pháp đồng bộ.
3. Song song với chi tiền và nhảy bổ đi học tiếng Anh ở các khoá, chúng ta phải coi tiếng Anh là tất yếu và đương nhiên. Ví dụ, ta nên viết sách và dạy Sử, Địa, Sinh, Hoá, Lý, Toán…bằng tiếng Anh (hoặc song ngữ). Khi trình bày bài thi, cho phép thí sinh viết bằng một trong hai thứ tiếng (Việt hoặc Anh). Biển chỉ đường, hướng dẫn toilet cũng bằng tiếng Anh nốt.
Học tiếng Anh phải tính bằng năm. Một năm liên tục, hai năm liên tục, ba năm liên tục và cả đời liên tục. Vậy mà nhiều người tính bằng buổi, bằng khóa. Thật hoang đường hết sức.
Ai không biết đọc hiểu tiếng Anh thông thường thì đừng ra đường. Quý vị đừng ngạc nhiên, chính cụ Hồ ngày xưa có chủ trương "Ai không biết Quốc ngữ thì không được đi chợ" (phong trào Bình Dân Học Vụ năm 1946).
Chỉ khi đưa tiếng Anh thành hơi thở như vậy, việc phổ cập tiếng Anh mới thực sự khả dĩ.
4. Ở ELYH, chúng tôi đã thực hiện như vậy từ lâu. Chúng tôi giảng lịch sử, triết học, tâm lý và địa lý đều bằng tiếng Anh (chính xác là song ngữ Anh Việt) và coi việc giải thích ngữ pháp chỉ là phụ. Chúng tôi hiểu rõ, chừng nào còn coi tiếng Anh là một môn học, chừng đó người ta còn mê man lạc đường trong cách tiếp cận. Tiếng Anh dứt khoát không phải là môn học, nó là phương tiện truyền tải thông tin. Tiếng Anh không chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, tiếng Anh chính là cuộc sống.
Trẻ em ở ELYH
Trẻ em ở ELYH
Đời sau có thơ về Bình dân Học vụ của Hồ Chí Minh rằng:
VIỆT NAM ĐÁNH GIẶC DỐT 1946
Tám mươi năm nô lệ
Làm nước nhà yếu hèn
Đặc biệt nạn mù chữ
Vấn đề lớn nổi lên.
Giặc đói và giặc dốt
Xếp trên giặc ngoại xâm
Ba thứ giặc ghê gớm
Đang đe dọa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động khu Lương Yên, TP Hà Nội năm 1956
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động khu Lương Yên, TP Hà Nội năm 1956
Chính quyền còn non trẻ
Đối phó ba giặc này
Bài toán quá hóc búa
Biết phải làm sao đây?
Nha Bình Dân Học Vụ
Hồ Chí Minh lập ra
Đã giải quyết xuất sắc
Việc học của dân ta.
Người già hay người trẻ
Đàn ông hay đàn bà
Hễ biết đọc biết viết
Là tình nguyện tham gia.
Giờ học ở mọi lúc
Lớp học ở mọi nơi
Học chữ thành bắt buộc
Khí thế lên ngập trời.
Không phấn thì dùng gạch
Viết vẽ lên bờ tường
Ban ngày ai quá bận
Tối đốt đuốc đến trường.
Trường là ngôi nhà dột
Lớp là một túp lều
Cảnh đất nước khốn khó
Cùng chia sẻ cái nghèo.
Ngân quỹ quá hạn hẹp
Giáo viên không có tiền
Học phí đương nhiên miễn
Nhưng không ai thấy phiền.
Nhi đồng lập thành đội
Đến thúc giục từng nhà
Hễ có ai trễ nải
Là đánh trống kêu la.
Chợ quê có hai cổng
Cổng chính và cổng mù
Biết chữ vào cổng chính
Không biết đi cổng mù.
Chỉ sau một năm rưỡi
Hơn hai triệu người dân
Đã biết đọc biết viết
Nỗ lực lớn vô ngần.
Gần đây Liên Hợp Quốc
Ghi nhận sự thành công
Của Bình Dân Học Vụ
Trong giáo dục cộng đồng.
Rất nhanh và hiệu quả
Rầm rộ và khẩn trương
Cả thế giới thừa nhận
Xứng đáng là tấm gương.
Nay giáo dục nhà nước
Cần chú trọng Anh văn
Ta ngồi xem chuyện cũ
Để học đức chuyên cần.
(Trích Lịch sử thú vị hơn em tưởng 1)
Tôi đề xuất 5 cách xã hội hóa tiếng Anh. Không đùa.
1. Đi ăn giỗ, sinh nhật, tiệc tùng, chủ nhà kiểm tra khách ai không thuộc 10 cụm từ (cho trước 1 ngày) thì đuổi về ( đương nhiên sau khi nhận tiền phúng/tiền mừng...).
2. Viếng vong linh, khấn vái, ngoài hoa quả, phải đọc to 10 cụm từ vựng tiếng Anh liên quan chủ nhân, gia tộc, người đã khuất.
3. Thách cưới chọn rể, bố vợ bắt rể đọc 100 cụm từ cho trước 1 tháng. Nếu không làm được, hoãn cưới. Mẹ chồng cũng làm tương tự với con dâu tương lai.
4. Cô giáo phạt học sinh đi muộn bằng cách đọc 10 cụm từ tiếng Anh mới cho vào lớp.
5. Ai vào siêu thị phải trả lời được 2 câu tiếng Anh ngắn phổ thông (dùng máy kiểm tra) mới cho lấy xe về.
Quý vị cho rằng phải biết tiếng Anh mới kiểm tra nhau được thì quý vị đã nhầm. Ở ELYH, mẹ không biết xíu tiếng Anh nào vẫn kèm con học, chơi từ vựng với con vèo vèo.
Từ vựng phải học theo cụm. Học tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào, ta phải học từ trong mối tương quan với các từ khác. Tại sao vậy?
1. Từ vựng cũng như vạn pháp, không tồn tại độc lập. Nó chỉ biểu hiện ý nghĩa vai trò khi đặt cạnh từ khác/vật khác. Ví dụ, xe hơi phải có đường xá, tốc độ, xăng dầu, chỗ ngồi, đèn xe, chỗ đậu xe, người lái xe...
2. Từ vựng kết hợp với nhau đa số ngẫu nhiên và mặc định. Nói cách khác, ta không thể suy diễn ra được cách kết hợp từ.
Ví dụ: ung thư vú; nầm heo nướng; bộ ngực của cô ấy đẹp quá; vòng 1 thật ấn tượng;...
"Ngực, nầm, vú, vòng 1" đều chỉ chung 1 thứ nhưng cách dùng hoàn toàn khác nhau ở các hoàn cảnh.
Thêm ví dụ:
Trong lớp, nếu bạn Hải nói "em xin phép đi đái" thì Hải sẽ bị cô cho ăn vả ngay. Nhưng nói "bà em bị bệnh đái đường" thì rất êm tai.
Ví dụ khác: LỢN ĐỰC, LỢN CÀ, GÀ TRỐNG, NAM DIỄN VIÊN
"Đực, cà, trống, nam" đều chỉ chung giống đực nhưng cách dùng không thay thế bừa bãi được.
Thêm ví dụ nữa:
Vào khách sạn Melia, bạn có thể trình bày lợi ích y học của cây hoa cứt lợn. Tuy nhiên, nếu bạn vung cứt bừa bãi, bạn sẽ chết ngay. Suy ra, cứt lịch sự hay xấu xa là do bối cảnh/các từ đi cạnh nó.
Học từ vựng, học ngôn ngữ, do vậy, phải học cả cụm hoặc cả câu mới tiến bộ nhanh và không bị hoài phí thì giờ.
Đây là bí kíp căn bản của ELYH khi dạy và học tiếng Anh. Bạn có thể áp dụng vào mọi thứ ngôn ngữ khác.