BÀN VỀ CHI PHÍ GIÁO DỤC
An investment in knowledge pays the best interest. – Benjamin Franklin
Chỉ tình cờ đọc một status của một người bạn nói về tình trạng chi phí giáo dục tăng cao nhưng chất lượng không tương xứng ở VN, mình cũng có đôi dòng viết về những hiểu biết và suy nghĩ bản thân về chủ đề này.
Nói về chi phí, thì ngày xưa người ta vận động con em đi học biết cái chữ là may lắm rồi, rồi sau này mới tới hệ thống trường chuyên lớp chọn vẫn tồn tại tới bây giờ. Và khi hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, xã hội phân hoá giàu nghèo một lúc một nhiều, thì một loạt các loại hình trường mới được mở ra như trường chuẩn quốc tế, trường tư thục, trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập.
-Nếu một gia đình ở tỉnh, gia cảnh vừa đủ ăn, thì cũng chẳng cần suy nghĩ nhiều: học trường làng, trường gần nhà, chi phí thấp… vì cũng đâu có lựa chọn nào khác mà kén cá chọn canh.
-Nhưng nếu là một rich kid, con nhà đại gia nào đó, thì chọn trường mới thật phức tạp: quốc tế, tư thục hay công lập? Nếu là quốc tế thì là trường quốc tế nào? Vì sao? Và thậm chí là không phải có tiền là vào được (vì phải thi đầu vào). Cũng là lẽ tự nhiên, bởi, “tiền nào của nấy”, người ta chọn có lý do của người ta, người ngoài không thể nhảy vào phán xét được.
-Nhưng nếu là con nhà vừa vừa, kiểu làm công ăn lương, bố mẹ không giàu nhưng cũng có tiếng nói, có học thức, muốn con mình học ở nơi tốt, nhưng chi phí bỏ ra thì không thể quá cao (không thể bố mẹ lương 15-20tr cho con học trường có học phí 12tr/tháng => vì như vậy gia đình còn chi phí nào để sống). Và lúc này, nếu ở trường công không phù hợp (vì cách học nhồi nhét, phụ huynh không hài lòng về chất lượng), thì sẽ có một vài trường hợp bố mẹ gồng mình cho con học nơi “hy vọng” là tốt hơn với chi phí cao hơn. Nhưng không, chưa chắc chi phí cao hơn đã là tốt, vì trường tư gắn mác quốc tế và tuyển giáo viên ào ào thì không biết chất lượng ở đâu ra. Thêm nữa, dịch bệnh làm giảm thu nhập thì bố mẹ không đủ tiền đóng học phí, rồi trách sao giáo dục mà không nhân văn, bên cung cấp dịch vụ giáo dục thì kêu còn phải trả lương trả bao nhiêu chi phí…
Vậy nên, những mâu thuẫn liên quan đến “cơm – áo – gạo – tiền” là những mâu thuẫn rất đời thường, rất bình thường, và không quá ngạc nhiên cho một xã hội đầy biến động này.
Như vậy, xét cho cùng, việc lựa chọn chi phí giáo dục phù hợp là một bài toán rất quan trọng mà bất cứ các bậc phụ huynh nào muốn cho con em mình đi trên một con đường dài (tối thiểu là 12 năm phổ thông) nên được xem xét tìm lời giải một cách cẩn thận.
-Nếu chọn trường chuẩn quốc tế (300-700tr/năm => có thể tính trung bình là 500tr/ năm) thì nếu công ty gia đình làm ăn không thuận lợi, giá cổ phiếu giảm, biến động kinh tế xảy ra… mình còn đủ sức cho con học ở trường đó nữa không? Có một số gia đình khá giả đã đưa ra một gói 5-6 tỉ đóng một lần để con em họ yên tâm học không lo tăng học phí hay thu nhập giảm rồi nửa chừng đứt gánh. Bởi một khi trẻ đã học một môi trường quốc tế, thì việc chuyển trẻ về hệ công lập là một điều gần như không thể, trẻ rất khó hoà nhập, không thích nghi được và chưa kể những vấn đề về tâm lí có thể xuất hiện.
-Nếu chọn hệ thống tư thục, thì học phí có thể sẽ biến động (tuỳ theo cam kết ban đầu của nhà trường với khoá học đó) nên gia đình phải có một nguồn quỹ riêng cho giáo dục (không nên phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng) để con em cũng không bị động khi chi phí tăng hoặc các ảnh hưởng không tốt về kinh tế gia đình bất ngờ xảy đến. Chưa kể, với các trường tư thục, vấn đề về chất lượng sẽ không được hằng định và đảm bảo như trường chuẩn quốc tế thật sự (về mặt kiểm định chuẩn chất lượng, chất lượng giáo viên, đội ngũ nhân sự, v.v…) và có thể sẽ bị biến động tuỳ theo hoạt động chung của cả tập đoàn sở hữu nó.
-Còn chọn hệ công lập, một hệ được nhà nước hỗ trợ khá nhiều về chi phí. Có thể là công lập, hoặc công lập tự chủ tài chính, thì chi phí luôn thấp hơn nhiều so với chi phí của một trường tư. Tuy nhiên, với các trường công lập có hệ tích hợp song ngữ tiếng Anh buổi chiều (với giáo viên là người nước ngoài), thì chi phí nộp thêm cộng với chi phí học chính cũng xấp xỉ 4-5 tr/ tháng. Nhưng các trường có hệ tích hợp tốt thì còn phải lo chạy hộ khẩu, hoặc may mắn hơn là có hộ khẩu ở đó thì mới vào học được…
-Và giờ mới là cuối cùng, cũng là công lập, nhưng công lập kiểu trường bình thường, trường làng nhàng,… thì tuỳ từng nơi, từng tỉnh,… như ở các tỉnh thì sự phân hoá sẽ không rõ rệt, nhưng ở SG này, thì tự mọi người suy nghĩ, khi mà các gia đình giàu có chọn trường quốc tế hay tư thục, gia đình có kinh tế vừa phải có hộ khẩu đàng hoàng chạy vào trường công có chất lượng tốt, thì các gia đình còn lại cho con học trường này. Có người bảo, xưa mình cũng tự đi bộ đi học, ba mẹ mình cũng có chạy trường gì đâu, cũng ok cũng thành công đó thôi. Vì đó là xưa, đó là thời chưa phân hoá. Còn giờ, nếu con bạn học ở nơi có bạn bè không lo học hành, có phụ huynh không cùng quan điểm giáo dục, bạn sợ con bạn bị bắt nạt, bị lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu,…bạn có thể bình tâm nhìn mà không can thiệp được không?
Vậy nên, nói về học phổ thông (tức 12 năm học), thực sự chọn trường cũng nên căn cứ vào nhiều yếu tố: phải cân bằng giữa chi phí và chất lượng, cân bằng giữa nhu cầu và khả năng,… để lựa chọn được phương án tốt nhất cho con em của mình.
(Bài này mình không đề cập đến hệ thống trường chuyên, vì đó là một hệ thống theo mình là rất tốt của trường công lập với chi phí tốt và con em được học trong môi trường có bạn bè thầy cô theo mình là rất tốt, nhưng đi kèm đó là áp lực lớn. Đó là sự lựa chọn và là khả năng của con em bạn.)
Tiếp theo phần bài viết này, mình muốn chia sẻ quan điểm về chi phí giáo dục đại học.
Sau 12 năm đèn sách, 18 tuổi – lứa tuổi đẹp nhất của một con người, các bạn nhỏ phải đứng trước nhiều sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Học đại học? hay học nghề? Hay đi làm luôn rồi học sau? Và rồi học cái gì? Học cái mình thích, hay học cái xã hội đang cần, đang hot? Liệu học xong còn hot nữa không? Rồi học xong nó hết hot mà mình lại không thích thì phải làm sao? Có quá nhiều sự lựa chọn cho một đứa trẻ chỉ biết cắm đầu vào học sau 12 năm, cho ra bảng điểm đẹp và có thể thi đậu mà một trường mình mong muốn… Vì sao đang bàn về chi phí, mình lại bẻ lái chuyển sang viết về chủ đề hướng nghiệp như vậy??? Bởi nó có liên quan đến chi phí thật. Nghĩa là chi phí bỏ ra có đáng với kết quả thu được hay không, quan trọng nhất ban đầu là định hướng đúng đắn của mỗi người.
Và sau khi định hướng xong, lại là học trường công, trường công tự chủ tài chính, trường tư hay trường quốc tế tại VN hay thậm chí là đi du học. Chi phí thì có lẽ mình sẽ không tiếp tục trình bày về giá nữa, mà mình sẽ chỉ nói về chất lượng có tương xứng không, khi mà sắp tới giáo dục VN sẽ tự chủ hoàn toàn, nghĩa là chi phí giáo dục tăng cao. Vậy lúc đó, gia đình con nhà nông thôn còn có thể gánh gồng cho con đi học đại học như bây giờ? Và rồi hiện tại, trong tiến trình tăng chi phí mà năm nào báo chí cũng tốn bao giấy mực để viết, liệu chất lượng có tăng không??
-Câu trả lời cho câu hỏi 1: nếu muốn đi học thì phải vay, và vay với số tiền lớn (nhưng có thể lãi suất sẽ ưu đãi cho chính sách vay đi học), và sau khi ra trường bạn sv đó sẽ có áp lực trả nợ rất lớn. Liệu có chắc chắn học xong sẽ kiếm được việc và trả hết nợ cho bố mẹ đỡ khổ, hay là lại luẩn quẩn không thoát nghèo nổi?
-Câu trả lời cho câu hỏi 2: ở đây phải nhìn nhận lại chi phí tăng bắt nguồn từ nguyên nhân nào: từ nguyên nhân nhà nước không trợ giá nữa, không nuôi nữa, và lạm phát, chi phí mọi thứ tăng cao… dẫn đến học phí tăng, không đề cập đến chất lượng có tăng hay không. Như vậy, nếu học phí cao mà chất lượng không cao, thì sẽ ntn? Thì theo quy luật xã hội, người học thấy không đáng tiền, không học nữa, số lượng đăng ký ít đi, trường sẽ phải cải cách nâng cao chất lượng, nơi nào không theo được cuộc đua thì phải đóng cửa. Nên trong tương lai, một loạt các trường không có chất lượng sẽ đóng cửa, vì người dân không “học đại” một cách vô tội vạ nữa.
Như vậy ở VN, từ nhận định bản thân, tương lai sẽ hơi giống Hàn Quốc hiện tại. Là chi phí giáo dục quá cao nhưng không mang lại hiệu quả vượt trội. Số lượng người tốt nghiệp nhiều mà tình trạng thiếu việc làm sẽ tăng, thu nhập giảm, chi phí sống tăng. Do đó, các gia đình nên cân nhắc chọn “gói” giáo dục phù hợp với kinh tế gia đình, phù hợp với định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của xã hội, thì cuộc đầu tư này mới đem lại hiệu quả thực sự.
Nãy giờ bài viết chỉ xoay quanh ở VN, và tham khảo thêm tình hình ở HQ, nên mình sẽ có một so sánh với Mỹ. Ở Mỹ, giáo dục có thể nói là No.1, nên chất lượng không phải bàn. Chỉ là, khi nói về chi phí, thì chi phí học phổ thông ở Mỹ được bao cấp theo kiểu gia đình đóng thuế giáo dục, chính phủ sẽ bao cấp hết. Còn đại học lại là một câu chuyện khác, nên đối với người Mỹ, khoản nợ học phí đại học thời sinh viên có thể sau cả chục năm vẫn ám ảnh họ, khi thu nhập của họ không có khả năng chi trả. Và họ cũng phải cân nhắc nhiều về học phí, chính sách học bổng, thu nhập sau khi tốt nghiệp để lựa chọn có học và có vay hay không. Nếu tính sai, họ cũng khổ không khác gì bên mình.
Vậy nên, để tổng kết lại, giáo dục – một ngành mà người ta nói là phải nhân văn, phải thế này thế kia… nhưng với xã hội hiện tại, không thoát khỏi vòng xoáy phân hoá giàu nghèo, vòng xoáy “Cơm – áo – gạo – tiền”… Vậy nên, dù giàu hay nghèo, hay vừa vừa… khi lựa chọn một con đường nào, hoặc là con em bạn phải đủ khả năng để xin học bổng lớn, hoặc phải cân nhắc nhiều yếu tố để chọn một nơi học tốt với chi phí phù hợp… Khó, nhưng mà phải chọn thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất