Mấy bữa hôm Tết tôi qua nhà họ hàng, thấy có một con phím cao su cũ nhìn khá giống con Mitsumi huyền thoại nên ngồi gõ chơi, dì tôi thấy bảo: "Mày đừng có phá phách nữa được không?". Tôi nghe thấy hơi cộc nên nói lại: "Bàn phím sinh ra là để gõ mà??". Cũng mùa tết đó tôi đã mua một con phím mới để thay cho con phím cũ đã hư, không phải vì tôi chơi game tôi rage tôi đập bàn phím đâu...
Cá nhân tôi rất thích bàn phím. Trong các món đồ gear tôi từng tìm hiểu thì bàn phím là thứ tôi quan tâm nhiều nhất. Chuột tôi có thể là chuột vớ vẩn nào đó mấy trăm ngàn nào đó, tai nghe có thể là tai nghe tặng kèm khi mua điện thoại, nhưng bàn phím phải là phím cơ. 
Chào mọi người đi con!
Khi nhìn lại thời kì trước, khoảng 2007 – 2010 gì đấy, khi bàn phím chúng ta chỉ có vài ba hãng Mitsumi hay Dell mà bàn phím khi đó chỉ sử dụng tấm nền cao su, đa phần là vậy. Mình đoán thời đó chẳng mấy ai quan tâm mấy đến cảm giác gõ hay chất lượng hoàn thiện của sản phẩn, miễn bàn phím gõ máy nó nhận, thế là đủ, gõ không bị lặp hay sai là ok, không vấn đề gì. Còn bây giờ nếu bạn tìm kiếm “Bàn phím” hay chi tiết hơn “Bàn phím cơ”, chúng ta sẽ thấy sự đa dạng về mặt hàng từ phím văn phòng, phím giả cơ, phím cơ mấy trăm ngàn cho đến mấy triệu đồng, vân vân...
Lần mà tôi cho là lần đầu tiên tiếp cận với bàn phím “xịn” là một lần đi một tiện net khá lớn, đó là chiếc bàn phím giả cơ có led với thiết kế kiểu phong cách game thủ và font chữ được gọi là “font chữ gamer”, bàn phím E-Blue mà chắc là đi net nào cũng thấy. Lúc đấy với mình nó đúng là của lạ, vì tôi đi đâu cũng toàn chỉ thấy bàn phím văn phòng màu đen hoặc màu trắng ngà kiểu như con phím Mitsumi này
Đây, con phím này chắc ai cũng chai mặt cả rồi...
Chính ra tôi cũng đã có vinh dự được nếm trải con bàn phím huyền thoại này, có điều tôi khi đó quá bé để nhớ được cảm giác nó ra sao. Quán net gần nhà tôi lúc đó chỉ còn vài máy dùng con này do quá cũ và đã thay bằng bàn phím cao su văn phòng thông thường. À đâu không phải cũ, do người chơi Audition lúc đó đập vỡ phím là chủ yếu....
Mấy năm sau có đi qua lại chốn cũ, chỗ ấy giờ không còn kinh doanh tiệm net nữa, ông chú chủ quán chuyển sang bán gạo, nhưng khi tôi nhòm vào bên trong vẫn thấy cả mấy dàn máy cùng với mấy con phím cũ để ngổn ngang dưới sàn, trên các dãy bàn vẫn để mấy thùng case và mấy cái màn hình. Đã có lần tôi tính vào xin chú con phím Mitsumi về gõ chơi...
Nghĩ xin vậy thôi nhưng cũng không dám... Tôi chả biết chú ấy còn nhớ tôi không...
Được rồi, năm 2015-2016, khoảng thời gian tôi có cho mình một bộ máy tính bàn, có bàn phím, dù nó chỉ là một con phím cao su nhưng được quảng cáo là phím giả cơ, có đèn led và font chữ... không quá tệ. Ít nhất nhìn nó không giống như thế này...              
      
Tôi biết là nhìn nó vẫn đọc được nhưng mà c'mon...
Mình không phải dìm hàng gì RedDragon, mình thích thiết kế của họ vì mình từng dùng một con giống như hình ở ngoài net, nhưng mình chỉ muốn lấy font làm ví dụ để nói lên việc bản thân ghét font này như thế nào, và nếu mình có mua một con như vậy với giá tám trăm ngàn, thì chắc chắn mình sẽ bỏ thêm mấy trăm nữa mua một bộ keycap khác thay cho bộ keycap stock. Thật đáng mừng khi các bàn phím cơ giá rẻ hiện tại trên thị trường đã ít dùng font chữ này rồi .
Con phím đầu tiên của tôi là con giả cơ Fühlen G450S, gõ ổn, bình thường, chấp nhận được với cái giá bỏ ra, thậm chí tôi rất thích tiếng Enter của nó, vì nó dùng layout có phím Enter to nên gõ mạnh xuống nghe khá thích.
Từ lúc có máy tôi mới bắt đầu mày mò tìm hiểu về thế giới máy tính này và biết đến khái niệm bàn phím cơ là gì, và tôi bắt đầu xem review bàn phím và các thứ gear khác như chuột, tai nghe và dần hình thành sự yêu thích với chúng. Tôi muốn một chiếc phím cơ hơn bao giờ hết, nhưng thời đó giá phím cơ vẫn có thể gọi là, đắt nếu không muốn nói là trên trời với đứa trẻ như tôi: 3 triệu hơn hoặc rẻ hơn là 2 triệu 4 cho một con Corsair Strafe. Tôi thích con đấy, nhưng tôi cũng thích đèn RGB, nên bắt đầu tôi chuyển hướng sang Razer – Hãng đồ Gear chắc chắn rất nổi tiếng với các sản phẩm phím cơ, tai nghe và chuột gaming với thiết kế bắt mắt, một chất riêng rất Razer mà đến tận bây giờ, bất cứ ai chỉ cần nhìn vào là có thể biết ngay chúng là của Razer.
À một hãng nữa mà tôi vô tình tìm thấy được ở ngoài net – Steelseries với con phím 6Gv2 sử dụng switch Cherry Red. Lúc đầu tôi chưa phân biệt được cảm giác, tôi vẫn cứ tưởng nó là phím cao su, nhưng dần dần tôi như kiểu “Ủa sao nó cứ nhè nhẹ quá ta? Sao nó mượt quá ta?” Để rồi tôi không còn thích con Razer Green switch nữa, và cũng không muốn quay về gõ con phím cao su trong nhà. Thế nên chỉ sau vài tháng tôi quyết tâm mua phím cơ thật, và mùa tết sau đó tôi đã mua bàn phím mới. Đoán xem nó là phím gì? Cũng là một con phím cao su....

Đó là con Cooler Master Masterkey Lite L, thiết kế đẹp, build ổn, đèn led đẹp, và switch của CM làm, gõ cũng ổn, và bạn biết gì không: Font chữ đẹp, à mà mới mức giá đó thì font chữ là điều đương nhiên mà nhỉ?
Bạn tôi ai nhìn qua cũng bảo "Con này phím cơ à?".
Buồn cười là tôi đã khá nóng vội, vì nếu tôi chờ thêm vài tháng thì tôi đã có một con phím cơ thật, nhưng không, tôi chọn con phím này, để rồi lại thòm thèm xem review mấy con phím cơ khác... Ít nhất tôi dùng nó được khá lâu, khoảng 3 năm.
Và nghĩ lại, tôi thấy bản thân khá dở, vì khoảng thời gian đó, tôi đã có một lượng kiến thức nhất định về phím cơ, về cấu tạo cũng như sự khác biệt, tôi biết switch Cherry, Kailh, Gateron, Outemu, rồi switch riêng của các hãng như Razer, Steelseries, switch Romer G của Logitech, vân vân.... Cherry thì không cần phải bàn, tôi chỉ quan tâm nhiều switch của Kailh hay Gateron vì các bàn phím giá rẻ thường dùng chúng để giảm giá thành sản phẩm, và nhiều người bảo chất lượng của chúng kém hơn Cherry, dù không bao nhiêu.
Bạn tôi có một chiếc phím cơ của TT eSports, sử dụng switch Kailh Blue, tôi có xin sờ mó thử thì cũng bình thường, gõ vui tai nhưng không biết vì lý do gì cảm giác gõ nó không đã như những con phím Kailh bình thường. Và chỉ cỡ mấy tháng sau, con phím ấy tèo, switch ấn không ăn. Từ đó tôi quyết định không bao giờ chơi với ai trừ Cherry.
Nghe có vẻ rất trẻ trâu, và tôi công nhận, thời đó còn khá là thiếu hiểu biết và trải nghiệm thực tế mà.
Thị trường phím cơ trong khoảng 2 năm từ 2017 đến giữa 2019 trôi qua và tôi không bận tâm lắm vì kì thi đại học, nhưng thỉnh thoảng vẫn tự update cho mình một chút thông tin, như những loại switch mới của Razer, bàn phím mới của Steelseries, một số loại switch Cherry độc quyền với Corsair, hay những con phím switch Topre mà giá thực sự là giá trên trời, 5 triệu, 6 triệu... Tôi quan tâm về keycap cũng như tiếng gõ hơn. Nhưng tôi vẫn không mấy có cơ hội được gõ phím cơ thật, ngoài blue switch ở các tiệm net mà tôi đã ngán lắm rồi.

Ai quan tâm nhiều về phím cơ chắc chắn đã nghe qua về switch này....
Có một lần tôi đi với bạn đến Gearvn để mua bàn phím, cậu ấy mua một con phím Blue nên tôi không quan tâm lắm. Tôi có hỏi test con phím Ducky One PBT, vì tôi nghe mọi người nói rằng keycap có ảnh hưởng đến trải nghiệm gõ khá nhiều nên tôi muốn thử. Anh nhân viên bảo “Đã chơi PBT thì chơi luôn Leopold cho xịn” và mang ra một con FC900R màu White Grey dùng switch Cherry Clear, khá giống Brown nhưng nặng hơn kha khá, gõ vài lần tôi cũng không có nhiều ấn tượng lắm, chỉ thấy nó quá nặng với tiêu chí cá nhân và cái khấc của nó không hợp cho tôi lắm, tôi thích Red hơn, và nhìn nó khá đẹp... vậy thôi.
Thời gian chóng vánh trôi qua và kì thi kết thúc, tôi quay lại với thế giới phím cơ đang rất sôi động ngoài kia, khi này định kiến về switch của tôi đã mềm hơn, tôi sắn sàng mua bấy cứ con phím cơ nào nếu thấy xứng đáng, và rồi tôi biết đến nhiều loại khác của Kailh như Kailh Box hay Gateron Ink. Kailh Box tuy nhìn nó thì cũng như vậy nhưng cách họ thiết kế nó khác đi bằng cách bỏ hai miếng đồng nhận tín hiệu vào một phần hộp (thế nên mới gọi nó là Box switch), giúp cho bàn phím sử dụng switch này sẽ có thể chống được nước. Đồng thời họ cũng thay đổi cách tạo tiếng clicky của switch bằng cách dùng cơ chế click bar. Các bạn có thể xem qua video này để hiểu rõ hơn.
Rồi tôi biết thêm những loại switch khác ở nước ngoài như Cream Switch mà tôi cũng không chắc nó là của ai, có điều tiếng của nó nghe rất thích, cứ tách tách tách, dù có gõ mạnh đến đâu nó cũng không ồn, như phím cơ của ai đó....
Của tôi, ý là phím của tôi. Con CM Lite L tuy là phím cao su thôi nhưng thiết kế của nó làm nó nghe khá ồn.
Tôi thấy đa số người chơi phím cơ custom, tức phím cơ tự làm, tự mua thành phần mà ghép lại thành một con phím cơ hoàn chỉnh ấy, thì họ ít khi, hoặc có thể là không bao giờ, sử dụng switch Cherry. Họ dùng Kailh, Gateron, Outemu hay switch gì đó mà tôi cũng chưa nghe bao giờ như Cream switch. Có một người làm content trên Twitch, anh ấy làm bàn phím custom cho khách và stream lên Twitch quá trình làm chiếc bàn phím ấy lên, anh ấy làm phím custom cho khá nhiều content creator và đó là Taeha Types.
Kênh YT của anh ấy thường đăng lại toàn bộ stream từ Twitch, mà tôi thường không bao giờ xem được vì lệch múi giờ.
Anh ấy có nuôi mèo 2 con mèo nữa.... Tôi muốn gọi anh ấy là daddy....
Tất cả những điều trên đã thay đổi định kiến của tôi với bàn phím cơ mà đặc biệt là switch, và giờ tôi đang khá muốn tìm thử vài switch Gateron Ink Switch... nhìn hay lắm các ông ạ, tiếng cũng hay nữa.
Tôi bây giờ đã có cho mình một tiêu chuẩn rõ ràng trong việc lựa chọn phím cơ: Với tôi, bàn phím của tôi switch phải là linear tức là giống như Cherry Red, thanh stabilizer ít phát ra tiếng lọc xọc tức là được lube, nghĩa là được bôi trơn... Sao nghe nó cứ.... à mà thôi...
Keycap thì có thể là PBT hoặc ABS cũng được, nhưng chắc tôi sẽ ưu tiên PBT hơn. Không nhất thiết phải có Led vì tôi đa phần dùng trong môi trường có ánh sáng, và qua mấy năm trời gõ tôi cũng nhớ tương đối vị trí các phím rồi. À cả profile keycap nữa, riêng thứ này tôi chưa tìm hiểu nhiều nên chắc cứ OEM tiêu chuẩn bình thường đi, hoặc là profile Cherry, nghe bảo gõ profile này sẽ đỡ mỏi tay.
Dây cáp thì tôi không quá quan tâm, nếu được thì dây cáp rời vì tôi có thể mang phím lên trường để không phải gõ con phím cao su ở trên trường... Nó tệ không chịu được, kiểu nút bấm nó cứng nhưng nhiều khi nó cứ dinh dính như kẹo ấy...
Mục tiêu tối thượng của tôi hiện tại sẽ là Leopold, bàn phím được cho là bàn phím stock tốt nhất với keycap PBT double shot và.. các thứ nêu trên. Tôi đã có cơ hội mua nó ngay mùa tết năm nay, năm 2020 nhưng mà vì ví tiền hạn hẹp nên đành dời lại ước mơ và nhường chỗ cho con phím rẻ hơn, tức là con Akko 3087 SP tôi đã mua.

Nó cũng đạt các tiêu chí tôi nếu ra ở trên, với giá rẻ hơn nhiều. Đồng thời ngôn ngữ thiết kế của họ cũng không quá khác các hãng tôi yêu thích, họ còn có nhiều tông màu hơn Leopold, có lẽ vậy, họ có màu hồng Tokyo khá dễ thương nhưng tôi quyết định chọn màu xanh Ocean Star.
Nhìn không rõ nhưng tin tôi đi, một sự lựa chọn không tồi đâu.
Tôi cũng không còn quá.. khó chịu hay than phiền khi dùng phím cao su, vì tôi biết rằng nếu không gõ phím cao su thì tôi sẽ chắc bao giờ biết phím cơ là gì. Nhưng nếu ông bảo phím nào chẳng là phím thì xin lỗi, chúng ta không thể làm bạn được.
Tôi đùa đấy, đừng chụp mũ tôi nhé.
Giờ thì bản thân khá thỏa mãn với con phím mới rồi vì nó là phím cơ thật, nhưng tất nhiên với bản chất cả thèm chóng chán của mình thì chắc cỡ 2 năm sau tôi lại thèm một con phím mới cho mà xem...
Mê bàn phím cơ là vậy, một con là chưa đủ. Chừng nào mà có thể ngủ trong một căn phòng toàn phím cơ chắc là mới đủ.
Bài viết này do kì nghỉ kéo dài nên mình viết cho vui, với có phím mới ngồi gõ cho sướng chứ làm gì bây giờ?
À mà các ông có nghĩ The Endgame Keyboard có thật không nhỉ?