Lưu ý: Bài viết tới đây sẽ mang thiên hướng học thuật khá khó hiểu, yêu cầu người đọc ngồi đúng chỗ, thắt chặt dây an toàn và cùng bắt đầu hành trình khám phá kiến thức mới nhé!
Khái niệm là một cái gì đó khá “khô” nên chúng ta hãy cùng nhau khởi động bằng một ví dụ dễ tiếp cận: 
Giả sử một người tên A biết ngày mai giá iPhone 14 sẽ giảm đâu đó khoảng từ 1000$ xuống còn 800$ vì iPhone 15 sắp được ra mắt.
- A có một người bạn tên là B đang sở hữu một chiếc iPhone 14. Vậy là A quay sang hỏi mượn điện thoại đứa B kia và hứa sẽ trả trong ngày mai.
- Ngay tức thì, A cầm chiếc iPhone 14 đi bán trong hôm đó với giá 1000$ (là giá gốc).
- Ngày hôm sau, đúng là giá iPhone 14 đã bị giảm 200$, A liền đi mua lại chiếc iPhone 14 đó với giá 800$ rồi trả lại cho người B.
=> Kết luận: A đã lời 200$, B thì vẫn còn nguyên chiếc iPhone đó.
Và điều này cũng xảy ra gần như tương tự với cổ phiếu, và nó được gọi tên là Bán Khống (Short selling).

KHÁI NIỆM

Từ ví dụ trên, có thể là các bạn dần hình dung được bán khống là gì rồi đúng không? Còn đây là định nghĩa đầy đủ của nó: “Bán khống là hoạt động đầu tư trong đó nhà đầu tư vay mượn tài sản và bán chúng với mong muốn có thể mua được chúng trong tương lai với giá thấp hơn.”
Cre: Investopedia
Cre: Investopedia
Vậy tại sao lại bán khống? Lý do phổ biến là để đầu cơ và dự phòng rủi ro. Thêm một ví dụ nữa nhé:
- Giả sử một nhà đầu tư A tin rằng cổ phiếu của công ty ABC - đang được giao dịch với giá 50k - sẽ giảm trong vòng 3 tháng tới. 
- A mượn 100 cổ phiếu và bán chúng cho một nhà đầu tư khác. Có thể thấy, A đang bán khống 100 cổ đó vì A chỉ mượn chứ không sở hữu chúng.
- 1 tuần sau, công ty ABC công bố báo cáo tài chính của quý và với tình hình kinh doanh không mấy khả quan thì cổ phiếu của công ty giảm còn 30k.
- A quyết định kết thúc vị thế bán (close short position) và mua 100 cổ với giá 30k. A đã có lời trong phi vụ bán khống này là 2tr (50k - 30k = 20k x 100 cổ = 2tr)

QUỸ PHÒNG HỘ VÀ BÁN KHỐNG (Hedge funds and Short Selling)

Alfred Winslow Jones là người đã thành lập quỹ phòng hộ đầu tiên (hedge fund) vào năm 1949, khác với các công ty quỹ thời bấy giờ, quỹ của ông kết hợp giữa đòn bẩy và việc bán khống. Ông chia cổ phiếu của quỹ thành 2 nhóm: nhóm các công ty có giá cổ phiếu mà ông nghĩ sẽ giảm và nhóm các công ty có giá cổ phiếu mà ông nghĩ sẽ tăng. Jones bán khống nhóm đầu tiên (nghĩa là mượn các cổ phiếu này từ nhà môi giới và bán chúng cho các nhà đầu tư khác, khi giá cổ phiếu giảm, hedge fund sẽ mua chính số cổ phiếu đó trả cho những nhà môi giới với giá thấp hơn như vậy Jones đã bỏ túi được phần chênh lệch) và sử dụng số tiền thu được để mua nhóm thứ hai. Như vậy, hedge fund đã được phòng vệ khỏi sự biến động trên thị trường tổng thể. Như bạn thấy đó, Jones đều kiếm được lợi nhuận dù giá cổ phiếu tăng hay giảm. 

RỦI RO

Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Có nên đầu tư theo hình thức Bán khống hay không?”; “Lợi thì có lợi nhưng răng liệu có còn?”. Và vấn đề mình muốn nhắc tới đó là rủi ro:
Đầu tiên hãy nói một chút đặc điểm của “Bán khống”. Với “Bán khống” thì đem lại lợi nhuận có hạn nhưng khả năng lỗ lại là vô hạn.
Thử tưởng tượng với ví dụ được nêu ở phần khái niệm, theo lý thuyết thì lượng lợi nhuận khi bán khống sẽ tương đương với giá trị của cổ phiếu này giảm, nghĩa là tối đa chỉ  50k/ 1 cổ. Ngược lại, lượng lỗ sẽ tương đương với giá trị cổ phiếu tăng, mà tăng thì làm gì có điểm dừng, và giờ thì bạn đã biết rủi ro của nó rồi đấy!
“Đợi chờ” không phải lúc nào cũng tốt giống như việc bạn “ôm” cổ phiếu quá lâu thì sẽ càng tốn nhiều tiền lãi, không những vậy lãi suất này có thể tăng và nó sẽ ảnh hưởng tới chi phí ròng so với thời điểm ban đầu.
Cuối cùng hãy nhớ rằng pháp luật Việt Nam chưa cho thực hiện bán khống nhé. 

Short squeeze

Short squeeze (Bán non) là một tình huống trong đó giá cổ phiếu hay hàng hoá (có nhiều vị thế bán - short position) tăng lên rất mạnh, do có một lượng lớn nhà đầu tư tham gia “bán khống” một cổ phiếu nào đó với hy vọng giá của nó sẽ giảm, tuy nhiên vì một lý do cố hữu nào đó từ thị trường, giá của cổ phiếu này lại tăng vọt, điều này vô tình giống như cái vòng “siết chặt” hình thức bán khống vậy. Để giảm thiểu tối đa chi phí lỗ buộc họ phải kết thúc vị thế bán (close a short position) của mình để cắt lỗ, và càng tạo thêm sức ép tăng giá cho cổ phiếu hay hàng hoá đó.

Giải thích thuật ngữ

- Position (Vị thế) trong tài chính là số lượng chứng khoán, hàng hóa hoặc tiền tệ cụ thể do một người hoặc tổ chức nắm giữ hoặc sở hữu. https://www.investopedia.com/terms/p/position.asp
- Short position (Vị thế bán) là việc nhà đầu tư đã bán một tài sản mà người đó không sở hữu với dự đoán tài sản đó sẽ giảm giá trong tương lai. https://vietnambiz.vn/vi-the-ban-short-position-la-gi-rui-ro-khi-giu-vi-the-ban-20191002190548487.htm