Nhiều thói quen độc hại vô tình được đưa vào trong một mối quan hệ và chúng ta chấp nhận sự xuất hiện ấy một cách rất bình thản. Đó chính là điều tồi tệ nhất.
Đây không phải là lớp học dạy về việc “Làm sao để không trở thành một cô bạn gái hoặc cậu bạn trai khốn nạn” trong một trường THPT nào đó. Tôi có thể dạy bạn về sinh học tình dục, pháp luật trong và sau hôn nhân, hoặc cùng nhau đọc một vài mẩu chuyện tình yêu được che giấu từ thế kỷ 19 về cách không trở thành kẻ xấu tính. 
Không có những tư tưởng rõ ràng từ người lớn, chúng ta cơ bản chỉ có thể thử nghiệm và sai, và nếu bạn sai thì bạn cũng giống rất nhiều những người ngoài kia.
Ví dụ: Một chuỗi những mối quan hệ độc hại trong một biển những mối quan hệ vốn đã quá phức tạp trong thế giới hiện đại này.
Một trong những vấn đề lớn nhất là chúng ta vô tình đưa những thói quen độc hại vào văn hóa ứng xử của mình. Chúng ta tôn thờ tình yêu lãng mạn, thứ tình yêu chóng mặt và phi lý đến mức khiến bạn nhìn thấy những vết nứt trên bước tường nào đó đang bật khóc thật trìu mến. Và rồi chế giễu sự thực dụng hoặc những xu hướng tính dục khác thường.
Đàn ông và phụ nữ được khuyến khích đối mặt trực tiếp và cùng nhìn nhận thật khách quan về những mối quan hệ lãng mạn của họ. Do chúng ta thường có xu hướng coi đối phương như là một thành tựu hoặc giải thưởng hơn là một người để chia sẻ, hỗ trợ tình cảm lẫn nhau.
Rất nhiều người tin vào những tài liệu self-help không hữu ích ngoài kia. Và với hầu hết chúng ta, bố và mẹ chúng ta chắc chắn không phải hình mẫu tốt nhất.

Mối Quan Hệ Độc Hại Là Gì?

Nhiều người trong chúng ta bắt đầu bước vào hẹn hò thậm chí không biết rằng chính niềm tin của chúng ta về việc bắt đầu mối quan hệ ấy đã là một sự độc hại. Vì vậy chúng ta cần làm rõ khái niệm mối quan hệ độc hại là gì:
“Một mối quan hệ độc hại là khi một hoặc cả hai người ưu tiên tình yêu cao hơn ba thành tố cốt lõi trong một mối quan hệ lành mạnh: sự tôn trọng, sự tin cậy và sự kết nối cảm xúc.”
Điều này nghe có vẻ điên rồ với một số người, nhưng tình yêu không nên là thứ duy nhất ràng buộc hai người trong một mối quan hệ, bởi nó có thể làm lu mờ những phán đoán của chúng ta về những khía cạnh thật sự quan trọng khác.
Nếu bạn ưu tiên tình yêu mà bạn có được trong một mối quan hệ hơn là việc dành cho nó sự tôn trọng , bạn sẽ chịu đựng được cảm giác bản thân giống như một tấm thảm chùi chân. Nếu bạn ưu tiên tình yêu hơn là việc dành sự tin tưởng lẫn nhau, bạn sẽ chịu đựng được sự lừa lọc, gian dối. Nếu bạn ưu tiên tình yêu hơn việc thực sự kết nối cảm xúc với nhau, bạn sẽ chịu đựng sự thờ ơ, lạnh lùng và cảm giác xa cách trong mối quan hệ ấy. 
Chúng ta chịu đựng những mối quan hệ tồi tệ vì đủ loại lý do, có thể chúng ta có lòng tự trọng thấp, có thể chúng ta không đủ nhận thức để nhận ra điều gì đang xảy ra, có thể chúng ta không xử lý tốt cảm xúc của bản thân... Nhưng tất cả những điều này chỉ tạo ra một mối quan hệ hời hợt, không lành mạnh và có khả năng bị lạm dụng.

6 Dấu Hiệu Nhận Biết Một Mối Quan Hệ Độc Hại Mà Bạn Nghĩ Là Bình Thường

Mối quan hệ độc hại có thể có một vài hình thức khác nhau, nhưng tôi đã tìm thấy một số dấu hiệu nhận biết mà nhiều người vô tình bỏ qua hoặc tệ hơn, họ nghĩ chúng thực sự là dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh.
Dưới đây là sáu xu hướng phổ biến trong mối quan hệ của các cặp đôi nghĩ rằng nó là lành mạnh và bình thường nhưng thật sự đó là những hành vi độc hại và gây tổn thất tới những thứ bạn đang có. 

1. Mối quan hệ thẻ điểm

Nó là gì?: Hiện tượng “giữ điểm” là khi ai đó bạn đang hẹn hò đổ lỗi cho bạn vì những sai lầm trong quá khứ. Nếu cả hai đều xuất hiện hành vi này thì tôi gọi đó là “Mối quan hệ thẻ điểm”, nơi mối quan hệ biến thành một trận chiến để xem ai là người mắc lỗi nhiều hơn trong những năm tháng yêu nhau, sau cùng đi tới kết luận ai là người mắc nợ người còn lại.
Bạn là một thằng khốn nạn trong bữa tiệc sinh nhật của cô người yêu vào năm 2010 và từ đó cuộc sống của bạn bị hủy hoại. Tại sao ư, bởi vì không tuần nào trôi qua mà bạn không được nhắc nhở về nó. Nhưng điều đó trở nên bình thường, bởi vì bạn biết bạn gái mình nhắn tin tán tỉnh đồng nghiệp, nghĩa là bạn chấp nhận sự không chung thủy ấy, vì đó là sai phạm tương tự bạn, đúng không?
SAI
Tại sao độc hại: Mối quan hệ thẻ điểm giống như là hai con quái vật đang hút máu nhau. Bạn không chỉ làm chệch hướng những vấn đề của hiện tại bằng cách tập trung vào những điều sai trái trước đây mà còn mang những cảm giác tội lỗi và cay đắng từ quá khứ đến hiện tại để khiến đối phương cảm thấy bản thân thật tồi tệ.
Nếu điều này kéo dài đủ lâu, cả hai cuối cùng cũng chỉ dành phần lớn năng lượng để cố gắng chứng minh rằng họ ít đáng trách hơn đối phương, thay vì tìm cách giải quyết những gì đã gây ra vấn đề hiện tại. Mọi người dành phần lớn thời gian để cố gắng bớt làm sai hơn là nỗ lực làm những điều đúng đắn cho nhau.
Cần làm gì?: Giải quyết riêng lẻ từng vấn đề trừ khi chúng được sâu chuỗi. Nếu ai đó thường xuyên gian dối, thì đó rõ ràng là vấn đề được lặp đi lặp lại. Nhưng sự thật là việc cô ấy làm bạn mất mặt năm 2010 và việc hôm nay cô ấy buồn hay chẳng ngó ngàng gì tới bạn là hai thứ không liên quan gì đến nhau, vì thế đừng mang ra để so sánh.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng, bạn chọn ở bên người yêu thương của mình đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận tất cả những hành động và hành vi trong quá khứ của họ. Nếu bạn không chấp nhận điều đó, thì có nghĩa là bạn sẽ sớm đánh mất đối phương. Nếu điều gì đó làm bạn buồn rất nhiều từ một năm trước, hãy giải quyết từ một năm trước.

2. Bỏ qua “ẩn ý” và những hành động gấn hấn bị động khác.

Nó là gì?: Thay vì nói những điều thẳng thắn và rõ ràng, bạn lại đưa ra những ẩn ý để khiến người kia phải mất thời gian suy ngẫm ý bạn muối nói. Thay vì nói ra thứ gì khiến bạn khó chịu, bạn lại đi bới móc những điều nhỏ nhặt và vụn vặt để chọc giận đối phương, vì làm thế sẽ khiến bạn cảm thấy có lý hơn khi phàn nàn với họ.
Tại sao độc hại: Bởi vì nó cho thấy rằng hai bạn không thoải mái khi giao tiếp công khai và rõ ràng. Một người không có lý do gì để trở nên hung hăng thụ động nếu họ cảm thấy an toàn khi thể hiện sự tức giận hoặc bất an trong một mối quan hệ. Một người sẽ không bao giờ cần thả “ẩn ý” nếu họ cảm thấy họ không bị đánh giá hoặc chỉ trích về sự trung thực.
Cần làm gì: Công khai những cảm xúc và mong muốn của bạn. Và hãy nói rõ rằng người kia không nhất thiết phải chịu trách nhiệm hay nghĩa vụ gì với cảm xúc của bạn, nhưng bạn muốn có sự ủng hộ từ họ. Nếu đối phương yêu bạn, họ sẽ hầu như luôn cung cấp sự hỗ trợ đó.

3. Giữ mối quan hệ con tin

Nó là gì?: Khi một người chỉ trích hoặc phàn nàn hay “tống tiền” đối phương bằng cách đe dọa sự cam kết của mối quan hệ này. Ví dụ như, nếu ai đó cảm thấy bạn đang lạnh nhạt với họ, thay vì nói, “ Tôi cảm thấy đôi khi bạn lạnh lùng” thì họ lại nói “ Tôi không thể hẹn hò với người suốt ngày lạnh lùng với tôi”.
Tại sao độc hại?: Giữ mối quan hệ con tin dẫn đến sự tống tiền về tình cảm và tạo ra hàng tấn drama không cần thiết. Ngay cả những trục trặc nhỏ nhất trong dòng chảy của một mối quan hệ cũng dẫn đến một khủng hoảng cam kết được nảy mầm. Điều quan trọng đối với cả hai người trong một mối quan hệ là cần biết rằng những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực có thể được trao đổi một cách an toàn mà không ảnh hưởng tới tương lai mối quan hệ đó. Nếu không có quyền tự do để trung thực, một cặp đôi sẽ chỉ biết đè nén những suy nghĩ và cảm xúc thật, dần dà họ tạo ra một môi trường mất lòng tin và dễ bị thao túng giữa cả hai.
Cần làm gì: Bạn khó chịu với đối phương hoặc không thích điều gì đó từ họ - đó được gọi là một người bình thường. Nhưng hãy hiểu rằng cam kết với một người và luôn thích một người là hai điều không giống nhau. Bạn có thể tận tâm vĩnh viễn với ai đó nhưng sự thực thì bạn lại bị họ làm cho khó chịu hoặc tức giận. Ngược lại, cả hai cần truyền đạt những phản hồi và phê bình mà không mang theo sự phán xét hoặc tống tiền thì sẽ càng củng cố cam kết với nhau về lâu về dài.

4. Đổ lỗi cho đối phương vì cảm xúc của riêng bạn

Nó là gì?: Giả sử bạn đang có một ngày siêu tồi tệ và nửa kia của bạn không phải là kiểu người thấu hiểu hay sẵn sàng có những sự hỗ trợ cho bạn, có thể họ bận nói chuyện điện thoại với ai đó ngay cả sau giờ làm việc hoặc họ bị phân tâm khi bạn ôm họ. Bạn muốn cả hai nằm ôm nhau trên sofa và xem một bộ phim thật hay vào tối nay, nhưng cô ấy thì có kế hoạch đi ra ngoài tiệc tùng với hội chị em.
Phản ứng của cô ấy như làm tăng thêm sự thất vọng của ngày hôm đấy của bạn, khiến bạn cảm thấy đối phương quá thiếu nhạy cảm và thật sự nhẫn tâm hơn bạn tưởng. Chắc chắn bạn chưa bao giờ yêu cầu sự hỗ trợ về tinh thần, nhưng đối phương cũng nên biết cần phải làm gì để khiến tâm trạng của bạn tốt hơn. Đáng lẽ họ phải tắt điện thoại đi và từ bỏ kế hoạch của họ khi nhận thấy cảm xúc tệ hại từ bạn.
Tại sao độc hại: Đổ lỗi cho đối phương vì cảm xúc của riêng bạn là ích kỷ và đó là ví dụ điển hình về sự kém cỏi trong việc duy trì ranh giới cá nhân. Khi bạn đặt ra tiền lệ rằng đối phương phải chịu trách nhiệm với cảm xúc của bạn mọi lúc và ngược lại, rất có thể bạn đang tiến tới mối quan hệ phụ thuộc.
Vấn đề lớn nhất của khuynh hướng phụ thuộc là chúng sinh ra sự oán giận. Chắc chắn rồi, nếu bạn gái tôi nổi điên vì cô ấy đã có một ngày tồi tệ và cảm thấy cần được quan tâm, điều đó có thể thông cảm được. Nhưng nếu điều này biến thành kỳ vọng rằng cuộc sống của tôi luôn xoay quanh việc chữa trị cảm xúc cho ấy và rồi dần dần toàn bộ cảm xúc của tôi đều chịu sự thao túng từ cảm xúc hay mong muốn của cô ấy.
Cần làm gì: Chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính bạn và yêu cầu đối phương làm điều tương tự với họ. Có sự khác biệt rất nhỏ nhưng quan trọng giữa việc ủng hộ, động viên đối phương hay ra lệnh yêu cầu đối phương. Mọi sự hi sinh nên được thực hiện theo sự lựa chọn chứ không phải vì đó là những gì được mong đợi. Ngay cả khi hai người đã ở trong mối quan hệ mà cả hai đều phải có trách nhiệm với cảm xúc của đối phương, thì bạn vẫn nên có những lúc che giấu cảm xúc cá nhân để giữ hòa bình cho mối quan hệ ấy.

5. Thể hiện sự ghen tuông yêu thương

Nó là gì?: Bực bội khi người yêu mình nói chuyện, động chạm, gọi điện, nhắn tin, đi chơi hoặc hắt hơi khi ở gần người khác và rồi sau đó bạn trút cơn giận lên người yêu mình đồng thời kiểm soát mọi hành vi của đối phương. Điều này thường dẫn đến những hành vi điên rồ như xâm nhập vào tài khoản email, xem trộm tin nhắn khi đối phương đang tắm, tuần tra quanh khu vực sống của cả hai và thậm chí thường xuyên xuất hiện không báo trước.
Tại sao độc hại: Tôi ngạc nhiên khi nhiều người mô tả điều này như là một cách thể hiện tình cảm, chính xác hơn là nếu đối phương không ghen thì có nghĩa là họ không yêu bạn nhiều như bạn nghĩ.
Đây là một trò hề điên rồ. Thay vì thể hiện tình yêu, nó chỉ cho thấy sự kiểm soát, kìm kẹp. Và bằng cách truyền đi một thông điệp về sự tin tưởng đối với nửa kia, nó sẽ tạo ra những bất hòa và drama không cần thiết. Tệ nhất, đó là sự hạ thấp phẩm giá. Nếu cô ấy không tin tưởng bạn khi bạn ở bên những người phụ nữ hấp dẫn khác, thì có nghĩa cô ấy tin bạn hoặc là kẻ nói dối nếu không thì là người không có khả năng kiểm soát bản năng giới của mình.
Cần làm gì: Hoàn toàn tin tưởng đối tác của bạn. Đó là một ý tưởng cấp tiến, tôi biết chứ, bởi ghen tị là bản năng. Nhưng ghen tuông thái quá và luôn có những hành vi kiểm soát là dấu hiệu cho thấy bạn có cảm giác không xứng đáng với đối phương, và bạn nên học cách đối phó với chúng chứ không nên ép buộc chúng lên những người bạn yêu thương. Nếu không sửa chữa sự ghen tuông, bạn sẽ chỉ đẩy người yêu mình ra xa hơn.

6.Mua những giải pháp để giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ.

Nó là gì?: Bất cứ khi nào cả hai xung đột hoặc xuất hiện một vấn đề lớn trong mối quan hệ, thay vì tìm giải pháp, bạn lại che đậy nó bằng sự phấn khích và sung sướng khi mua một món đồ đắt tiền cho họ hoặc dắt họ đi du lịch sang chảnh.
 (Hoặc tệ hơn- giống như hôn nhân)
Cha mẹ tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này. Và nó thực sự đã đi quá xa: một cuộc ly hôn lớn, và 15 năm hầu như không nói chuyện với nhau kể từ đó. Mãi sau này, cả hai mới thú nhận với tôi rằng vấn đề chính trong cuộc hôn nhân của họ: liên tục che đậy những vấn đề thực tế của họ bằng những thú vui hời hợt.
Tại sao độc hại: Việc mua những thứ đồ xa xỉ vô hồn không chỉ cho thấy những vấn đề thực sự sau tấm rèm (nơi nó luôn xuất hiện và thậm chí còn tồi tệ hơn vào lần sau), mà còn đặt ra một tiền lệ xấu trong mối quan hệ của cả hai. Đây không phải vấn đề về giới tính, nhưng tôi sẽ sử dụng tình huống theo giới tính “truyền thống” để làm ví dụ. Hãy tưởng tượng rằng một người phụ nữ tức giân bạn trại/chồng cô ta, người đàn ông sẽ giải quyết bằng cách mua một món quà đắt tiền hoặc đưa cô ấy đến một nhà hàng sang trọng. Điều này không chỉ tạo cho người phụ nữ động cơ vô thức tìm thêm lý do để khó chịu với người đàn ông, mà còn cho thấy động cơ của người đàn ông là không sẵn sàng chịu trách nhiệm về vấn đề mới xảy ra. Kết quả là gì? Một người chồng mà không khác gì cây ATM, một người vợ không ngừng cay đắng khi không tìm được sự lắng nghe, thấu hiểu.
Cần làm gì: Xử lý rõ ràng vấn đề. Niềm tin đã bị phá vỡ? Nói về những gì cần để xây dựng lại nó. Ai đó cảm thấy bị ngó lơ hoặc không đáng trân trọng? Nói về cách để khôi phục sự trân trọng đó. Mặt đối mặt!
Không có gì là sai khi làm những điều tốt đẹp cho một người thực sự quan trọng sau khi cuộc chiến kết thúc, nó như để thể hiện sự đoàn kết, hối tiếc hoặc để khẳng định lại sự cam kết. Nhưng không bao giờ được sử dụng quà tặng hay những thứ sang trọng để giải quyết những vấn đề đang tiềm ẩn của cả hai. Quà tặng và những chuyến du lịch chỉ thực sự là điều xa xỉ xứng đáng sau khi mọi thứ được giải quyết tốt đẹp. Nếu bạn dùng chúng để che đậy vấn đề của chính mình thì bạn sẽ thấy mình đang có một vấn đề lớn hơn rất nhiều.

Biến Mối Quan Hệ Độc Hại Thành Lành Mạnh Như Thế nào?

Hãy nhớ rằng một mối quan hệ độc hại là ở đó tình yêu được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ khác bao gồm cả sự tôn trọng, tin tưởng và tình cảm dành cho nhau. Đó không chỉ là một “bản vá sơ bộ” mà nó còn là một dạng hành vi xấu lặp đi lặp lại một cách lâu dài từ một hoặc cả hai phía. Vậy làm thế nào để bạn thay đổi điều này?
Con đường thay đổi một mối quan hệ độc hại thành lạnh mạnh không hề dễ dàng. Thành thật mà nói: hầu hết mọi người sẽ không thể làm được. Nhưng có khả năng mọi thứ sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Sau đây là 3 điều bạn cần làm:
CẢ HAI cùng sẵn sàng thay đổi. Có vẻ khá rõ ràng, nhưng nếu một trong hai không nghiêm túc trong việc làm cho mối quan hệ trở nên tốt hơn, ừm, bạn biết câu trả lời rồi đấy. Mặt khác, nếu cả hai bày tỏ sự sẵn lòng để thực sự giải quyết mọi việc, bạn có thể tiếp tục...
CẢ HAI nhận ra sự thiếu thốn tình cảm/ tôn trọng/ tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng giải quyết vấn đề này. Điều này khó hơn nhiều so với việc chỉ nói ra. Có người cảm thấy họ không có được tình cảm thật sự từ đối phương, người khác lại cảm thấy cả hai chưa đem lại cho nhau sự tin tưởng tuyệt đối, có người lại cảm thấy bản thân không nhận được sự tôn trọng xứng đáng từ nửa kia. Dù nó có là gì thì bạn cũng phải thành thật và trung thực với thứ đang khiến mối quan hệ này trở nên độc hại.
CẢ HAI có thể giao tiếp một cách lành mạnh chứ không phải là đổ lỗi hay phán xét nhau. Bạn sẵn sàng giải quyết mọi việc, hiểu thực sự vấn đề là gì nhưng nếu một hoặc cả hai đổ lỗi cho người kia, thì mọi cố gắng xem như đổ bể. Thực sự thì lỗi lầm của ai giờ không còn quan trọng bằng mục tiêu là đưa mối quan hệ trở nên lành mạnh. Điều đó có nghĩa là cả hai phải ưu tiên mối quan hệ hơn là mong muốn cá nhân hoặc cảm giác “chiến thắng” đối phương.
Lại phải nhắc lại một lần nữa, việc sửa chữa một mối quan hệ độc hại chưa bao giờ dễ dàng, nhưng hầu hết những điều đáng làm trong cuộc sống đều không dễ dàng. Bạn có thể quyết định kết thúc mối quan hệ vào một thời điểm nào đó và điều đó không sao cả, nhưng nếu cả hai sẵn sàng làm việc với nó, thì đó là những nỗ lực thực sự xứng đáng, những cuộc nói chuyện khó xử, thậm chí còn là những nỗi đau.
HẾT!
Link bài viết gốc của tác giả Mark Manson: