Hôm rồi, mình có chút biến chuyển trong công việc nên chủ động nhắn tin cho một người cấp trên ở công ty. Trong cuộc trò chuyện, mình nhắc về cụm từ "hết lòng". Bởi lẽ, giữa những lời nói tự tin và thái độ lạc quan thường thấy của cấp trên, mình vẫn cảm nhận rõ đôi chút hoang mang và mệt mỏi trước những biến chuyển chóng mặt của thời cuộc. Từ vai trò được đóng góp tiếng nói vào những quyết định hệ trọng, cấp trên của mình bỗng chuyển thành nhận quyết định khi mọi chuyện đã rồi và thực thi theo yêu cầu. Ít hay nhiều, sự bất ngờ và khó chịu tự khắc lại hình thành. Và một điều mà người ấy đã làm là hết lòng với vai trò, trách nhiệm và với đội ngũ vẫn đặt niềm tin vào mình.
Mình nghĩ, "hết lòng" là một điều dễ nói nhưng dần khó làm sau nhiều năm tháng "bán mình cho tư bản". Khi mới bước chân vào thị trường lao động, chúng ta dùng sự nhiệt tình, máu lửa và cống hiến để leo lên những nấc thang của sự nghiệp. Đến khi đã có kinh nghiệm và năng lực tạm gọi là vững vàng, tâm lý chung sẽ là so sánh và đòi hỏi nhiều hơn những quyền lợi cho bản thân. Điều này không hề sai! Thế nhưng, những mong cầu lại vô tình tạo thành tâm lý "nạn nhân" và tự đặt ra "điều kiện" khi làm việc.
Công ty trả lương X triệu nên mình làm vậy là được rồi! Việc gì phải làm hơn cho mệt!?
Chán quá! Phúc lợi bên mình tệ ghê. Nếu được như công ty A thì chắc hẳn mình sẽ làm việc tốt hơn!
Không thêm lương mà sao lại cứ giao thêm việc vậy nhỉ!? Sếp chẳng tâm lý nên cũng chẳng muốn nhận làm.
Nếu như, chán nản và bế tắc với hiện tại giúp bạn có động lực trau dồi rồi trao đổi với công ty về quyền lợi tương xứng với giá trị tạo ra hoặc tìm kiếm cơ hội mới thì chẳng có gì phải bàn. Thế nhưng, theo quan sát của riêng mình, hầu hết người đi làm sẽ tự giam cầm mình vào lồng giam của "kỳ vọng của bản thân" và "bế tắc về thực tại" nhưng lại không làm gì mà chỉ mải quẩn quanh ở môi trường cũ. Trừ khi có một lực đẩy đủ lớn từ bên ngoài, người đó mới bắt buộc phải thay đổi. Còn không thì những "zombie" công sở sẽ tiếp tục chôn vùi thanh xuân đến khi mục rỗng ở một nơi chẳng mang lại cho mình hạnh phúc.
Mình cũng từng trải qua những cảm xúc như vậy. Và lời giải mình chọn là "hãy cứ hết lòng" với những điều bản thân có thể.
Đi làm không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính. Công việc còn thỏa mãn nhu cầu cảm xúc khi mang lại cho mỗi người niềm vui kèm nỗi buồn, sung sướng lẫn thất vọng khiến cuộc sống thêm phần thú vị. Không chỉ vậy, bạn còn có việc làm nghĩa là còn có giá trị, thấy bản thân có ích, tức là được đáp ứng một trong những nhu cầu nguyên thủy của con người. Thế nên, đã làm việc thì cứ hết lòng. Cứ trọn vẹn, tận tâm và hết sức trong từng điều có thể , dù là nhỏ nhất.
Trước tiên, "hết lòng" sẽ cho bạn cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành trọn vẹn một công việc mà tiền bạc chẳng mua được như khi khách hàng tấm tắc khen nhà vệ sinh sạch sẽ sau khi mình "say mê" dọn dẹp hơn một tiếng hồi còn làm ở quán cà phê. Hay sự tròn đầy từ sâu bên trong lúc giám đốc bán hàng của chuỗi bán lẻ khen ngợi chất lượng của báo cáo nhân sự mà mình đã làm dù yêu cầu chẳng phải kỳ công đến thế.
Kế đến, "hết lòng" giúp bạn gây dựng được niềm tin trong mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp. Chính nhờ sự tận tụy dù khởi đầu yếu kém, mình từ một người phục vụ suýt bị đuổi trở thành chuyên viên nhân sự của chuỗi F&B lớn nhất Đà Lạt khi đó. Cho đến công việc hiện tại, tinh thần tận tâm và tận tụy là yếu tố cốt lõi giúp mình có được sức ảnh hưởng đến đội ngũ.
Và lâu dài hơn, "hết lòng" giúp bạn mở rộng khả năng, nhìn ra những cơ hội bên ngoài giới hạn bản thân và tiến bước để mở rộng sự nghiệp của mình. Mình vẫn nhớ câu chuyện đặt ra tình huống là: nếu năng lực bạn đáng giá 10 triệu nhưng công ty chỉ trả 5 triệu và bạn vẫn quyết định làm việc (có lẽ vì chẳng còn lựa chọn nào khác tốt hơn) thì bạn sẽ làm việc ở mức mấy triệu?
Nếu làm ở mức 10 triệu, bạn đang làm tròn việc và có lẽ 1 - 2 năm sau, bạn vẫn là con người như lúc bước chân vào công ty, với kinh nghiệm - kỹ năng - trải nghiệm như vậy. Bạn có thêm số năm kinh nghiệm nhưng chưa chắc tăng thêm năng lực.
những người sẽ làm ở mức 5 triệu với lý do công ty trả sao thì mình làm vậy. Đời vậy là công bằng rồi. Điều này chẳng hề sai! Thế nhưng, bạn lại đang "mất mình" khi để công việc chi phối. Để sau một thời gian, bạn trở thành một con người chán chường, mờ nhạt và tuột mất những khả năng đã tích lũy được. Thế nhưng, nguy hại hơn cả là bạn nhìn thấy nguồn gốc của vấn đề đến từ bên ngoài chứ chẳng phải là lựa chọn của bản thân.
nếu "hết lòng", bạn sẽ làm ở mức 15 triệu. Nghe có vẻ lý tưởng nhưng đây là hình mẫu mình hướng đến. Vì như quan điểm đi làm để có tiền, thỏa mãn cảm xúc và thấy bản thân có giá trị, mình làm việc là vì chính bản thân mình trước nhất. Thế nên, mình cứ "hết lòng" làm việc để được sống, được vẫy vùng và hạnh phúc 8 tiếng mỗi ngày, 26 ngày mỗi tháng hay hơn 300 ngày mỗi năm.
Mình tin, "hết lòng" và nỗ lực đến tận cùng là điều kiện tiên quyết để nâng cao nội lực và phát triển bản thân. Đến một thời điểm, bạn đã đóng góp "hết lòng" ở một mức độ cao hơn hẳn so mức thu nhập nhận lại nhưng lại cảm thấy công ty không ghi nhận xứng đáng, mọi đề xuất đều bị bác bỏ. Khi đó, bạn vẫn có thể rời đi với sự vững vàng, tự chủ và không hề hối tiếc về những gì đã trải qua.
Có một quan điểm mình đúc kết được sau công việc chính thức đầu tiên là "khi làm việc, hãy đặt cho mình một giới hạn thời gian và nghĩ đến thời điểm bạn rời công ty".
Tất nhiên, mình không hề kêu gọi các bạn phải nghỉ việc hay đứng núi này trông núi nọ. Mình có suy nghĩ này vì nhận ra, hầu hết người đi làm sẽ có tâm lý thích an toàn và nỗ lực bám trụ ở một nơi làm việc đến cùng cực dù bản thân chẳng vui vẻ gì và chán đến tận cổ mỗi ngày đi làm. Thế nên, hãy nghĩ đến ngày bạn dứt áo ra đi và tự trả lời những câu hỏi! 
Bạn sẽ tự hào hay hối tiếc vì những gì đã trải qua? 
Bạn sẽ khác gì so với con người lúc mới đi làm?
Bạn có đang tiến bước hay dậm chân tại chỗ trên hành trình sự nghiệp của riêng mình?
Như người ta hay nói về "cái chết" để nhắc nhở sống tốt hơn, nghĩ về "ngày từ biệt" giúp nhắc mình cứ "hết lòng" khi còn duyên còn nợ. "Hết lòng", "nửa lòng" hay "vừa đủ lòng" chỉ đơn giản là thái độ làm việc bạn lựa chọn và tự nhắc mình trên con đường sự nghiệp dài đằng đẵng. Cầu chúc, bạn sẽ lựa chọn và đi đến tận cùng với điều giúp bản thân hạnh phúc!
Nguồn: Ghibli
Nguồn: Ghibli