Bài viết lấy cảm hứng từ một đề tài trên Quora VN và những ý kiến dưới đây được viết dựa trên quan điểm, tìm hiểu của cá nhân mình, không mang tính chất chuyên môn về tâm lý học.
Emotional Dumping
Và để bắt đầu vào vấn đề, mình lấy một ví dụ đơn giản tại môi trường công sở như thế này:
Bạn tới công ty làm việc, bạn bất đồng quan điểm với sếp và thậm chí còn bị sếp chỉ trích vì không đồng thuận với những bản kế hoạch sếp "vẽ" ra. Sau nhiều giờ tranh luận, bạn bước ra khỏi phòng họp với tâm trạng bất ổn, phẫn nộ và không cảm thấy được thuyết phục bởi những gì sếp vừa nói. Ngay lập tức, bạn nhắn tin cho một đồng nghiệp (được coi là khá thân thiết tại công ty) để tâm sự, cứ thế, từ ngữ của bạn tuôn ra: 
Tại sao anh ta có thể nghĩ ra cái kế hoạch trên mây như thế? Tại sao không nghĩ tới tính khả thi? Tại sao lại cư xử một cách thiếu tôn trọng nhân viên như vậy? Bla bla….
Bạn cứ nói, cứ xả thỏa thích những bực bội, phẫn nộ của mình mà không dừng lại 
Bạn cứ nói và xả thỏa thích những bực bội, phẫn nộ của mình mà không dừng lại để xem người đồng nghiệp đó đang ở đâu? Cảm xúc của người ấy đang như thế nào? Có đang phải chịu những áp lực tương tự bạn hay không?Và trong cuộc trò chuyện này, người bạn ấy có thể bày tỏ suy nghĩ của mình hay không? 
Trong suốt quá trình “xả cảm xúc” đó bạn liên tục lặp đi lặp lại những vấn đề dẫn tới trạng thái tinh thần tiêu cực của hiện tại; bạn đặt mình vào chế độ nạn nhân và không giải trình bất kỳ vấn đề nào của bạn trong câu chuyện với người sếp. Và điều tồi tệ nhất là cho tới khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn không hề đề xuất ra bất kỳ giải pháp nào để xử lý mớ bòng bong cảm xúc của mình hiện tại. 
Theo mình đó chính là hiện tượng XẢ RÁC CẢM XÚC. 
Vậy làm thế nào để bạn không vô tình (trường hợp cố ý thì nằm ở một chủ đề khác nên tách biệt) trở thành một “Kẻ xả rác cảm xúc” vào người khác? 
Cuộc sống tạo ra cho chúng ta những cảm xúc tích cực như vui vẻ, biết ơn, mãn nguyện... thì cũng sẽ tạo ra được vô số cảm xúc tiêu cực như tức giận, căng thẳng, buồn bực, thất vọng...Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần mà tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ xung quanh chúng ta.
Mình nghĩ rằng phần đông mọi người đều KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG tự “tiêu hóa” những cảm xúc tiêu cực để đưa bản thân về trạng thái bình thường. Đó chính là lý do chúng ta phát sinh nhu cầu được người khác LẮNG NGHE. Thế nhưng, dù bạn có “đi xả cảm xúc” thì việc tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản của giao tiếp vẫn là điều quan trọng giúp bạn đạt được mục đích của cuộc hội thoại đó. 
Hãy bắt đầu quá trình “xả cảm xúc” văn minh bằng cách thử thực hiện theo 2 gợi ý nhỏ sau:
QUAN SÁT VÀ HƯỚNG VỀ ĐỐI PHƯƠNG: Bằng cách này, bạn sẽ nhận ra người được lựa chọn để “xả lũ” có đang trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận câu chuyện của bạn hay không. Mình tin rằng cuộc hội thoại sẽ chẳng đi tới đâu nếu người bạn muốn giao tiếp lại đang đặt tâm trí của họ ở một nơi khác, hay đang muốn ở một mình.
Trong trường hợp mặt đối mặt, bạn hãy chú ý tới những biểu hiện trên nét mặt, sự thay đổi tư thế, cử chỉ, tone giọng khi phản hồi lại bạn….để nắm bắt trạng thái của đối phương. Ngay cả khi người đó sẵn sàng lắng nghe, hành động này cũng cần được duy trì thực hiện trong suốt quá trình giao tiếp bởi những hành vi của người đối diện sẽ nói cho bạn biết thông điệp bạn gửi đã được tiếp nhận hay chưa? 
Có thể mục đích của bạn khi tìm người đó là để xả lũ, nhưng nếu bạn chỉ hướng về mình để nói chuyện thì cuộc giao tiếp coi như thất bại.
Quan sát và hướng về đối phương
TẠO RA TRẠM DỪNG CHÂN TRONG MỖI CUỘC TRÒ CHUYỆN: Đã là “xả lũ” thì thật khó để "đóng cửa đập", thế nhưng đây chính là lúc bạn lý trí của bạn thể hiện vai trò của bạn. 
Thay vì bạn nói thao thao bất tuyệt, bạn hãy để cuộc nói chuyện có những trạm dừng chân đúng thời điểm (việc xác định thời điểm phụ thuộc vào việc bạn quan sát đối phương) để người đối diện có cơ hội tiêu hóa thông tin, suy nghĩ và đưa ra bình luận.
Nếu bạn không cho đối phương cơ hội nói, cũng chính là không cho bản thân cơ hội lắng nghe. Và nếu bạn không lắng nghe , bạn sẽ không bao giờ biết được liệu mình nói ra người khác có nắm bắt đúng hay không? 
Ý nghĩa của giao tiếp chính là phản hồi mà bạn nhận được.
Ngoài 2 gợi ý nhỏ cần được duy trì thực hiện trong suốt quá trình “xả lũ” thì học cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh là rất cần thiết:
SỬ DỤNG CÂU LỆNH "TÔI": Thay vì sử dụng những câu mang tính chất đổ lỗi hay đóng vai nạn nhân như “Anh ta đã làm điều này….” “Anh ta đã làm tôi cảm thấy….” thì hãy nói điều gì đó như “Tôi cảm thấy mình không được tôn trọng vì cách hành xử của anh ta…”. Trong trường hợp này, cảm xúc có xuất hiện nhưng cách chúng ta chọn để phản ứng xuất phát từ chúng ta.
TRÁNH ĐƯA TẤT CẢ VẤN ĐỀ CÙNG MỘT LÚC: Bám sát vào một chủ đề hiện tại cần giải quyết, tránh đưa ra các vấn đề trong quá khứ.
CỞI MỞ ĐỂ TÌM GIẢI PHÁP: Hãy nghĩ nghiêm túc về mục đích của bạn khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Đừng chỉ đưa vấn đề ra như một mớ hỗn độn rồi phủi nó xuống thảm.
ĐẶT RANH GIỚI KẾT THÚC CHO CUỘC TRÒ CHUYỆN: Ngay cả khi đối tượng nghe là người thân hay cực kỳ yêu quý bạn thì họ cũng không có trách nhiệm phải tốn hàng giờ liền chỉ để nghe bạn lặp lại các vấn đề hoặc đi vòng quanh. Nói những gì bạn cần nói và chuyển sang tìm cách giải quyết / giải pháp.
Nói tóm lại, dưới quan điểm của mình, mình luôn ủng hộ việc mọi người chia sẻ vấn đề của bản thân để giải tỏa cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực bởi bản thân mình là đứa nằm trong TH có khả năng tự “tiêu hóa” nên mình hiểu rất rõ quá trình “tự tiêu hóa” đó cô độc và khó khăn như thế nào. 
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề của bạn và không làm mất đi các mối quan hệ một cách đáng tiếc, bạn cần học cách trút bỏ cảm xúc một cách lành mạnh, đừng vô tình biến người khác thành thùng rác chứa cảm xúc tiêu cực.