Bạn là một giáo viên, bạn dạy những điều mình luôn tin tưởng và nghĩ là tốt đẹp cho người nghe (học sinh/sinh viên của bạn). Người nghe có thể sẽ tiếp thu hoặc không tiếp thu. Nếu họ không tiếp thu, bạn đã có một tiết học thất bại. Nếu họ tiếp thu, sẽ có những người có tư duy, cách suy nghĩ riêng và phản biện lại bạn. Hẳn là bạn sẽ vui vì điều đó và xin chúc mừng bạn (tất nhiên rồi!). Nhưng sẽ có những người sẽ lắng nghe, tiếp thu mà chẳng phản biện, chẳng suy tư hay phán xét. Để rồi đến một ngày, những người ấy sẽ áp dụng những điều ấy trong chính cuộc đời họ hay những điều liên quan đến họ. Không biết nên lo hay nên buồn? Bạn thỉnh thoảng hỏi đùa tôi rằng : “Sao em không thể làm nghề một cách nhàn nhã như mọi người nhỉ? Tại em cứ nghĩ và cứ muốn làm cho nó phải có ý nghĩa đúng không?”
Giáo dục hay nói rộng ra là cuộc đời này, liệu có phải là sự vô nghĩa không?
Mình có một ông bạn già, già lắm rồi mà chưa có vợ. Bác ấy là người rất tốt, ngày xưa hời hợt với tiền và tha thiết với những cái đẹp trong cuộc đời (hình như bây giờ vẫn thế!). Hôm trước thấy bác ấy viết một cái status gì đó liên quan tới sự vô nghĩa (mình đọc cũng chẳng hiểu, chỉ bấm like ủng hộ thôi). Từ đấy, mình mới suy nghĩ về cái sự này. Liệu mình có đang làm một việc vô nghĩa không? Thế nào là sự vô nghĩa nhỉ?
meaningless-trw

Hồi còn hay làm bóng ghế giảng đường, mình còn nhớ là số thực được chia ra làm hai loại : số có nghĩa và số vô nghĩa. Trường phái Pitago thời Hy Lạp cổ đại quan niệm rằng : Vạn vật trong vũ trụ đều là số (có nghĩa). Nhưng rồi người ta lại thấy số có nghĩa không biểu thị được hết những vấn đề trên mặt đất, thế là có thêm khái niệm số vô nghĩa (số không thể viết được dưới dạng so sánh của số nguyên với số nguyên). Vậy là số vô nghĩa không phải là sự vô nghĩa!
Sự vô nghĩa cũng từng được cụ Nguyễn Du nhắc tới trong tác phẩm của mình, ở đoạn Tú Bà mắng giám sinh họ Mã dám “đào tiên đã bén tay phàm” khiến mụ “vốn liếng đi đời nhà ma” :
“Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi”.  
Nghĩ đến cảnh “con ong đã tỏ đường đi lối về” khiến giám sinh họ Mã thành “tuồng vô nghĩa”, rõ ràng sự việc này chẳng thể vô nghĩa, thậm chí còn rất có ý nghĩa (xin không phán xét tốt/xấu) vì nó mở ra rất nhiều câu chuyện về sau.
Đến thế kỷ XX, Milan Kundera mở ra “Lễ hội của vô nghĩa”. Tác phẩm xoay quanh những trò đùa vô nghĩa, tiếng cười, sự tuyệt vọng, sự khêu gợi, và suy tưởng của năm người bạn: Ramon, Charles, Alain, D’Ardelo, và một người có biệt danh Caliban. Kun đặt họ trong những chồng chéo, rồi bằng ngòi bút tỉnh táo và sắc sảo của mình, ông để họ cất tiếng nói vô nghĩa, giãi bày về đời sống vô nghĩa của chính họ. Những sự dửng dưng, tưng tửng trong ngòi bút của tác giả ở tuổi 86 có ý nghĩa gì? Nó có phải sự vô nghĩa không? Hay tất cả những điều ấy được sinh ra nhằm mục đích để thể hiện cho một sự có nghĩa nào đó?
Mỗi thời kì, sự “có nghĩa” sẽ luôn được định nghĩa, tồn tại và biến đổi. Còn sự “vô nghĩa” thì …
Hôm nay, tôi giao tay với một người anh em. Tay tôi đi theo tay hắn và thỉnh thoảng, bàn tay hắn tìm đến mặt tôi một cách nhân ái. Tôi cảm nhận được nhịp thở và độ sâu, sự căng tràn từ những phút giao tay đó.
Hôm nay, tôi thấy hình ảnh một chiếc xe đạp ở Cầu Gỗ. Trên xe là một người đàn ông chở một em bé gái. Tay anh cầm một cây acmonica, vừa đạp từ từ vừa thổi Bài Ca Xây Dựng.
Hôm nay, tôi chẳng thể trình bày ý nghĩa của sự vô nghĩa là gì. Vì tôi chẳng hiểu cái quái gì về nó.
Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ
Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi
- Vũ -