HIPPOCRATES
Hippocrates (460-377 TCN) là một đại danh y người Hy Lạp. Ông cống hiến cả đời cho sự tiến bộ y học.
Từ nhỏ, ông đã theo cha học hỏi, nghiên cứu nghề y. Một lần, ông theo cha đến chữa trị cho một bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch mà cha ông không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Chứng kiến bệnh nhân tắt thở trước mắt mình, Hippocrates trăn trở mãi. Ông nhớ lại thuở nhỏ, có lần ông lấy dao rạch bụng búp bê. Ông phát hiện có nhiều thứ linh tinh bên trong. Ông liền hỏi cha: “Sao mình không rạch bụng người bệnh, biết đâu sẽ tìm được nguyên nhân?” Ban đầu, ý nghĩ ấy có vẻ điên rồ nhưng giờ đây lại là điều rất bình thường trong y học mà người ta gọi là phẫu thuật.
Từ ý nghĩ đó, Hippocrates đã phát triển phương pháp chữa bệnh bằng phẫu thuật mà loài người đang áp dụng phổ biến hiện nay.
Để tri ân những đóng góp to lớn của ông cho y học Tây Phương, người ta gọi Hippocrates là “ông tổ nghề y.”
Thế mới biết mọi sáng kiến phát minh khoa học lớn của con người đều bắt đầu từ trí tưởng tượng và những ý nghĩ khác thường cùng với một thái độ làm việc nghiêm túc. Ý tưởng liên hệ giữa bụng con búp bê và bụng con người của cậu bé Hippocrates là ví dụ cho sự thật này.
****
Hippocrates (460-377 TCN) là một đại danh y người Hy Lạp. Ông cống hiến cả đời cho sự tiến bộ y học.
Người đương thời luôn ca ngợi Hippocrates là một thầy thuốc cực kỳ dũng cảm. Ông dám đứng lên chống lại những điều sai trái trong xã hội thời bấy giờ.
Có lần Hippocrates chứng kiến một bệnh nhân động kinh đang trong cơn co giật. Người nhà bệnh nhân đó mời thầy phù thủy để chữa trị vì cho rằng người này bị “ thần linh quở trách.” Hippocrates đã quyết liệt tranh cãi với thầy phù thủy. Ông chỉ ra rằng bệnh nhân bị động kinh là do não có vấn đề. Sau đó, Hippocrates đã chữa trị giúp bệnh nhân hết co giật.
Cho đến ngày nay, sau hơn 2500 năm, bệnh động kinh vẫn giữ nguyên tên gọi và phương pháp chữa trị của Hippocrates.
****
Hippocrates (460-377 TCN) là một đại danh y người Hy Lạp. Ông cống hiến cả đời cho sự tiến bộ y học.
Người ta kể, có lần, ông đến chữa trị cho bệnh nhân bị đau bụng dữ dội và không thể tiểu tiện. Sau khi khám, ông kết luận rằng người này đã uống loại nước chưa đủ sạch trong một thời gian dài. Những cặn trong nước tích tụ lâu ngày đã gây ra bệnh sỏi thận.
Bây giờ nghe truyện này, chúng ta thấy có vẻ bình thường. Nhưng xét theo văn minh thời đó, hiểu được cơ chế gây ra sỏi thận quả là phát hiện tuyệt vời và đi trước thời đại của vị đại danh y này.
Hippocrates còn chỉ ra rằng: Môi trường tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
 
LÝ THÁI TỔ
Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, người lập ra nhà Lý ở thế kỷ thứ 11. Ông là vị vua anh minh, quyết đoán, đức độ. Lý Công Uẩn nổi tiếng với việc chọn Đại La, tức Thăng Long sau này làm kinh đô.
***
Khi còn nhỏ, Lý Công Uẩn được nuôi dạy trong chùa. Giai thoại dân gian kể: Một lần cậu ta bị thầy mình là sư Vạn Hạnh phạt, phải ngủ ngoài chùa. Đêm đó ông tức cảnh ngâm:
Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi,
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
Vạn Hạnh nghe thơ vui mừng vì Lý Công Uẩn còn nhỏ mà đã có khẩu khí của một ông vua hiền đức, biết lo lắng cho xã tắc, non sông. Sư Vạn Hạnh càng thêm tin tưởng sau này Lý Công Uẩn có thể làm nên đại sự an dân lạc quốc. Người ta nói, không thể trồng cỏ mà mong thu hoạch lúa; không thể nuôi dê thành sư tử. Trái lại, một con sư tử thì từ nhỏ đã có lối tư duy sư tử là như vậy.
Kể chuyện Danh nhân Việt Nam (2007), NXB Văn Học
***
Sau khi Lê Hoàn - Lê Đại Hành qua đời, các con ông vì tranh ngôi báu mà giằng co suốt tám tháng trời.
Bấy giờ Lý Công Uẩn thuộc đội quân túc vệ của Thái tử Long Việt. Thái tử Long Việt đã lên ngôi, xưng là Lê Trung Tông. Nhưng chỉ sau ba ngày lên ngôi, vị vua trẻ đã bị Lê Long Đĩnh, một người con khác của Lê Hoàn, sát hại.
Khi ấy, bầy tôi và những người thân tín khác của Lê Trung Tông đều trốn chạy. Duy chỉ có Lý Công Uẩn là ôm lấy xác vua mà khóc thảm thiết. Ông không tỏ ra sợ hãi trước uy vũ của Lê Long Đĩnh.
Sự trung thành của Lý Công Uẩn khiến Lê Long Đĩnh, một kẻ nổi tiếng bạo tàn, cũng phải khâm phục, không nỡ giết.
Hành vi của Lý Công Uẩn không chỉ biểu hiện lòng trung theo đạo vua – tôi mà còn là lối sống nghĩa tình, có trước có sau giữa người với người. Không những thế, qua đây mới thấy dũng khí bất khuất của một bậc trượng phu. Người ta nói “hoạn nạn mới biết lòng người” quả không sai.
(Nguồn tham khảo từ Internet)
***
Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ vẫn trọng dụng các quan lại cũ và áp dụng nhiều chính sách có từ nhà Tiền Lê.
Có người khuyên rằng nhà Lý mới lập, nên thay thế những luật cũ, người cũ để trừ hậu họa và tạo dấu ấn cho triều đại mới.
Lý Thái Tổ không đồng ý. Ông cho rằng chỉ nên bài trừ những giá trị cũ nếu nó đã lạc hậu. Còn khi nó vẫn phù hợp thì phải trân trọng, giữ gìn.
Nhờ sự anh minh ấy mà Lý Thái Tổ đã đem lại ấm no, hạnh phúc cho con dân trăm họ. Ông đã kiến tạo nên một triều đại thịnh trị khá dài trong lịch sử Việt Nam.
Vậy ra tư cách của một người lãnh đạo không phải ở những quyết định nhằm khẳng định vị thế bản thân, mà là những quyết định có tầm nhìn xa trông rộng, biết gạt bỏ bản ngã ích kỷ để làm điều ích quốc lợi dân.
 
Nguồn tham khảo từ Internet
***
Công lao của Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ với triều Lý là vô cùng to lớn. Nổi bật nhất là việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, tức Thăng Long, Hà Nội ngày nay.
Khi có ý định dời đô, Lý Thái Tổ phải chịu áp lực từ nhiều phía. Bởi đây là chuyện hệ trọng và liên quan đến truyền thống từ các đời vua trước. Tuy nhiên, bằng trí tuệ và quyết tâm, Lý Thái Tổ đã thực hiện được điều này.
Trong “Chiếu dời đô”, Lý Thái Tổ nói Đại La là “trung tâm của trời đất, lại có thế rồng cuộn hổ ngồi” và khẳng định đó “là nơi đóng đô của muôn đời đế vương”.
Công cuộc dời đô có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng vương triều Lý thịnh trị. Đồng thời đây là mốc son đẹp đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc Việt.
Mới hay ở đời, nhận ra cái gì đúng đã là khó. Có bản lĩnh dám làm cái đúng để phụng sự non sông, xã tắc thì còn khóh ơn nhiều lần. Những ai nghĩ được, làm được mới thực sự là bậc hào kiệt đáng để ngàn đời tôn vinh vậy.
 Kể chuyện Danh nhân Việt Nam (2007) NXB Văn Học
           
TRẦN THỦ ĐỘ
Trần Thủ Độ là Thái sư có công kiến tạo và xây dựng nên triều đại nhà Trần. Ông nổi tiếng liêm khiết, chính trực và thẳng thắn. Đối với việc công, ông luôn đặt đại cuộc lên trên tình cảm và các quan hệ cá nhân.
Có lần vợ ông, bà Linh Từ Quốc Mẫu, xin với Trần Thủ Độ một việc riêng tư. Số là một người họ hàng của bà muốn được lên làm chức quan thu thuế. Đó chỉ là một chức vụ không lớn.  Hắn muốn bà nói khó với Thái sư để được toại nguyện. Trần Thủ Độ nghe xong liền thản nhiên nói:
  • Tôi chấp nhận để nó làm quan. Tuy nhiên, nó phải chặt đi một ngón chân cái để phân biệt với những quan lại khác. Vì chức quan đó là do nó đi xin mà có được chứ không phải thực tài. Bà hỏi xem ý nó thế nào?
Tên kia tái mặt, từ bỏ luôn ý định xin xỏ. Những người khác nghe được chuyện này cũng không bao giờ nghĩ đến việc nhờ gì riêng tư với Trần Thủ Độ nữa.
Người ta nói  “bề trên tự mình nghiêm cẩn thì thiên hạ tự quy phục” quả nhiên không sai. Một người vì đại nghĩa mà quên đi tình thân như thế thì thực xứng đáng là trụ cột của quốc gia vậy. 
 
CHU VĂN AN
Chu Văn An (1292 – 1370) là một nhà Nho vĩ đại thời Trần. Ông là tấm gương tiêu biểu cho sự thanh bạch, không màng danh lợi. Ông còn là một nhà giáo học rộng mẫu mực, đã đào tạo được nhiều hiền tài cho đất nước. Tài đức của ông, theo dân gian đồn rằng Thủy Thần đã cho con trai là Tiểu Khê đến gõ cửa thầy Chu xin học. Nghĩa là tài đức của thầy Chu đã thấu đến cả thần linh.
***
Ngày nọ có một người mặc áo gấm đến thăm nhưng Chu Văn An từ chối gặp. Đó là Phạm Sư Mạnh, một vị quan lớn và cũng là học trò cũ của ông.
Số là trong một lần Phạm Sư Mạnh về thăm thầy, vì đường xá chật chội, người vào ra đông đúc, bọn lính khiêng kiệu đã vung roi quát tháo làm dân hoảng sợ. Chu Văn An nghe tin cả giận. Từ đó không muốn gặp người học trò này nữa.
Cho đến một ngày, thấy Phạm Sư Mạnh ăn mặc giản dị, Chu Văn An mới chịu gặp và chấp nhận lời thú tội. Ông nói:
  • Dù thành đạt đến bậc nào cũng phải khiêm nhường, nhất là với con dân trăm họ.
Nho giáo nói rằng quan là phụ mẫu của dân. Nhưng “phụ mẫu” ở đây là yêu thương dân chúng chứ không phải ỷ thế bề trên để dọa nạt dân lành.
***
Một lần Chu Văn An cùng học trò Lê Quát bàn luận về Nho giáo và Phật giáo. Lê Quát có ý tôn sùng Nho và kín đáo bài trừ Phật giáo. Thấy vậy, Chu Văn An nói:
  • Là một nhà Nho thì nên nhớ một câu trong sách Trung Dung là “các đạo cùng đồng hành mà không chống đối nhau.”
Thấy học trò suy ngẫm, thầy Chu nói tiếp:
  • Huống chi Phật giáo ở nước ta từng một thời là quốc giáo. Những người theo Phật chân chính đều yêu nước, yêu dân và chuộng hòa bình.
Lê Quát ghi nhận lời thầy, từ đó có thái độ phù hợp hơn với Phật giáo.
Câu chuyện này cho thấy Chu Văn An biết chấp nhận sự khác biệt, không chấp vào hình tướng và tên gọi. Thầy chỉ quan tâm cái gì là điều CHÂN – THIỆN – MỸ và cái gì không phải CHÂN - THIỆN - MỸ mà thôi. Đức Thánh Chu, cái tên này thật xứng đáng với sự suy tôn của dân gian dành cho ông là vậy.
***
Vào thời Trần Dụ Tông, gian thần đương đạo, trăm họ lầm than. Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ”, xin vua chém đầu bảy kẻ gian thần.
Sau khi vạch tội, Chu Văn An viết: “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung vào quốc khố để răn kẻ khác."
Bản sớ này làm chấn động dư luận nhưng không được phê chuẩn. Từ đó, Chu Văn An lui về ở ẩn, tiếp tục cuộc đời dạy học. Sự can đảm và thẳng thắn ấy của ông được ca tụng đến tận ngày nay.
***
Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi đã mời Chu Văn An (thầy dạy cũ) ra làm quan. Thầy Chu ra kinh đô yết kiến nhưng không nhận chức tước. Nhiều học trò hỏi ông sao không đảm đương một trọng trách xứng đáng với tài đức của mình. Thầy Chu nói:
  • Điều quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa lý gì đâu.
Chu Văn An không bỏ mặc sự đời mà ngược lại, ông đã cống hiến hết mình với vai trò một nhà giáo dục.
Vậy ra trong cuộc sống, mỗi người đều có vai trò của riêng mình, chỉ cần làm tròn phận sự ấy thì đã là sống có ý nghĩa vậy.
 
SOCRATES (470 TCN – 399 TCN) 
Socrates là nhà triết học kinh điển người Hy Lạp. Ông là học giả đặt nền móng cho triết học Tây phương. Socrates cũng được xem là nhà đạo đức học đầu tiên của châu Âu. Ông không để lại tác phẩm viết tay nào cả. Hầu hết những lời dạy và quan điểm của Socrates được ghi lại bởi hai học trò của ông là Plato và Xenophon.
Socrates nổi tiếng về sự giản dị, an nhiên và đức tính nhẫn nhịn. Người ta kể rằng nhà hiền triết này có một bà vợ rất dữ tợn và chua ngoa. Một lần ông đang tiếp khách thì bà vợ ông giục giã chồng đi phơi đồ mà bà ta vừa gặt xong. Mải nói chuyện nên ông không để ý đến việc vợ nói. Bà vợ tức giận quá nên lấy luôn xô nước giặt trút vào đầu Socrates từ tầng lầu. Nhà hiền triết này vừa vuốt mặt vừa cười nói với khách:
  • Bác thấy đó. Sau cơn giông sấm chớp thì bao giờ cũng có mưa ấp xuống.
Phản ứng của Socrates chỉ có vậy. Tuy nhiên, việc ứng xử này đã thể hiện được một cốt cách vĩ đại với đức nhẫn nại hơn người. Vậy ra, người vĩ đại không phải là luôn làm việc vĩ đại mà chính là ở cách ứng xử với những tình huống đời thường một cách vĩ đại. 
***
Socrates (470 TCN – 399 TCN) là triết gia vĩ đại đầu tiền của châu Âu. Ông nổi tiếng về lối sống giản dị, đức khiêm nhường và tầm trí tuệ đỉnh cao. Có người hỏi ông quan điểm về giáo dục, ông nói:
  • Thực sự thì tôi chẳng thể dạy ai cái gì hết. Tôi chỉ có thể dẫn dắt và khiến người ta phải suy nghĩ mà thôi. 
  • Sự hiểu biết và thông thái bắt nguồn từ sự tò mò và nghi hoặc. Giáo dục là thắp lên một ngọn đuốc soi đường chứ không phải lấp đầy não của học trò bằng những tri thức của thầy. 
  • Muốn cải tạo thế giới thì mỗi cá nhân nên cải tạo bản thân mình trước. 
Đây là những chân lý phổ quát. Ta có thể tìm thấy trong cả Nho giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Bàn về ý nghĩa của cuộc sống, Socrates nói: Có lẽ cái chết chính là ân huệ lớn nhất mà loài người nhận được. Thật vậy, nhờ cái chết mà ta hiểu được ý nghĩa của sự sống, biết trân trọng và nâng niu sự sống. Hãy tưởng tượng, nếu không có cái chết thì xã hội sẽ hỗn loạn đến mức nào.
***
Socrates là nhà triết học kinh điển người Hy Lạp. Ông là học giả đặt nền móng cho triết học Tây phương. Socrates cũng được xem là nhà đạo đức học đầu tiên của châu Âu. Ông không để lại tác phẩm viết tay nào cả. Hầu hết những lời dạy và quan điểm của Socrates được ghi lại bởi hai học trò của ông là Plato và Xenophon.
Nhiều người thừa nhận Socrates là học giả khả kính và đáng nể nhất trong thời đại của ông. Ông nói: Sở dĩ họ bảo tôi là giỏi nhất vì tôi là kẻ duy nhất ở Athens biết mình chẳng biết gì cả.
Socrates có kiểu tranh biết rất hiệu quả và khác lạ. Ông thường giả vờ không biết vấn đề hoặc chủ đề đang bàn bạc. Ông nêu lên liên tục những câu hỏi cho đến khi đối thủ phải thừa nhận lý lẽ của ông là hợp lý. Sau này, lối tranh biện của ông trở thành một phương pháp sư phạm gọi là trường phái Socratic. Hiện nay phương pháp này được nhiều nhà giáo dục ca tụng.
***
Socrates là nhà triết học kinh điển người Hy Lạp. Ông là học giả đặt nền móng cho triết học Tây phương. Socrates cũng được xem là nhà đạo đức học đầu tiên của châu Âu. Ông không để lại tác phẩm viết tay nào cả. Hầu hết những lời dạy và quan điểm của Socrates được ghi lại bởi hai học trò của ông là Plato và Xenophon.
Cuối đời, do nhiều kẻ ghen ghét, ông bị người ta khép vào tội “đầu độc thanh niên bằng những dị thuyết”. Ông bị chính quyền Athens xử tử bằng thuốc độc. Ông vui vẻ uống chén thuốc độc rồi lên giường nằm chờ chết trước sự đau buồn của bạn bè và gia đình. Chợt nhớ ra điều gì đó, ông vội nói với vợ:
  • Crito à, chúng ta còn nợ nhà Asclepius một con gà trống. Hãy trả món nợ đó nhé.
Người ta nói, trước khi làm người vĩ đại, hãy làm một người đàng hoàng và tử tế trước. Xem ra Socrates có lẽ đã đi đến tận cùng của trí tuệ và minh triết nên ông trở lại hợp nhất với tự nhiên, đơn giản và chân thật như cỏ cây, hoa lá vậy.

***
Một lần Lão tử nghe thấy một người bán hoa mẫu đơn rao to:
  • Hoa mẫu đơn tỏa sắc hồng, màu hoa rực rỡ khắp mọi nhà, đóa hoa xòe nở bằng miệng chậu, xứng đáng là vua các loài hoa.
Thấy vậy Lão Tử bèn mua về trồng. Nhưng không lâu sau, ông phát hiện đây không phải mẫu đơn mà chỉ là loài cây có hình dạng tương tự.
Mùa xuân năm sau, Lão Tử gặp một người khác cũng bán mẫu đơn. Người này chỉ bày các gốc hoa mà không nói lời nào. Ông lại thử mua về ươm. Mười ngày sau, sân nhà Lão Tử xuất hiện một cây mẫu đơn tuyệt đẹp.
Về sau, trong Đạo Đức Kinh, ông viết “tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín”. Nghĩa là: Lời nói thật thường không hoa mỹ; lời nói hoa mỹ thường không thật. Đây cũng là triết lý đáng để người ta suy ngẫm.
 (Tham khảo Internet)

***
Thuở nhỏ, Lão Tử theo học một ông thầy già. Trước khi chết, ông này gọi Lão tử lại và hỏi:
  • Lưỡi ta còn không?
Lão Tử đáp:
  • Còn ạ.
Người thầy hỏi tiếp:
  • Răng ta còn không?
Lão Tử trả lời:
  • Răng thầy đã rụng cả rồi.
Ông thầy kia lại hỏi:
  • Con biết tại sao răng rụng mà lưỡi còn không?
Lão Tử trả lời:
  • Có lẽ bởi lưỡi mềm mà răng cứng?
Người thầy nghe vậy, hài lòng nhắm mắt.
Đấy chính là bài học về tính nhã nhặn, tùy thời. Sau này trong Đạo Đức Kinh, ông viết “cứng rắn thì gãy, mềm mại thì bền”.
Vậy ra trong đối nhân xử thế, chỉ có tính khiêm nhường mới giúp con người yên ổn bền vững mà thôi.
(Tham khảo Internet)
KHỔNG TỬ
Khổng Tử là một triết gia lỗi lạc, ông tổ của Nho giáo Trung Quốc. Tư tưởng Khổng Tử đề cao việc tu học, rèn luyện đạo đức bản thân. Hệ tư tưởng của ông có tầm ảnh hưởng to lớn trong xã hội phong kiến phương Đông. Nhiều giá trị Nho giáo vẫn còn phổ biến đến ngày nay.
Một hôm, Khổng Tử định đi ra ngoài thì trời thì đổ mưa. Có người gợi ý Khổng Tử nên mượn ô của Tử Hạ, đệ tử của ông.
Khổng Tử nghe xong liền nói:
Không được. Tử Hạ có tính tiếc của. Nếu ta mượn thì cậu ta cũng chịu, nhưng chắc chắn sẽ không yên lòng.
Người đó bảo:
Hóa ra Tử Hạ có tính tiểu nhân như vậy sao?
Khổng Tử lắc đầu:
Tử Hạ từ nhỏ nhà nghèo. Anh ta thiếu thốn đủ điều nên mới có tính ấy. Chuyện này nên thông cảm.
Vậy ra trong cuộc sống, không nên quá khắc khe với khuyết điểm của người khác mà cần đặt mình vào vị trí của họ để cảm thông.
 
***
Một lần, Khổng Tử đang nói chuyện với Công Tây Hoa thì Tử Lộ tới hỏi:
Thưa thầy, đã quyết một việc gì đó có nên làm ngay không?
Khổng Tử trả lời:
Không nên! Hãy bàn với phụ thân, huynh trưởng trước.
Một lúc sau, Nhiễm Hữu Dã lại đến hỏi:
Thưa thầy, khi quyết được một việc gì đó thì có nên làm ngay không?
Khổng Tử trả lời:
Phải làm ngay! 
Cùng một câu hỏi nhưng Khổng Tử có hai cách trả lời trái ngược nhau với Tử Lộ và Nhiễm Hữu Dã. Công Tây Hoa hỏi tại sao như vậy. Khổng Tử giải thích:
Nhiễm Hữu Dã có tính hay do dự. Vì thế ta muốn anh ta quyết đoán hơn. Còn Tử Lộ thì đầy khí phách nhưng hay vội vàng. Cho nên anh ta cần đức tính cẩn trọng.
Nhờ sự thấu hiểu một cách sâu sắc tính cách của học trò mà Khổng Tử đã cho họ lời khuyên tương ứng. Mới biết giáo dục thì không nên cứng nhắc. Phải tùy theo từng cá nhân, từng tình huống để đưa ra cách giáo dục thích hợp là vậy.

***
Khổng Tử từng học đàn với thầy Sư Tương Tử. Ban đầu ông được dạy một khúc nhạc cổ. Đến ngày thứ mười, thấy Khổng Tử vẫn còn tập, Sư Tương Tử bảo ông nên học thứ mới. Khổng Tử đáp:
Tôi mới nắm được nhạc điệu, chưa thành thạo kỹ xảo.
Một thời gian trôi qua, Khổng Tử đã nắm vững kỹ xảo nhưng vẫn còn tiếp tục. Được thầy hỏi, ông đáp:
Tôi chưa hiểu được tình cảm và tư tưởng ẩn chứa trong bản nhạc này.
Lại một thời gian nữa, lúc này tiếng đàn của Khổng Tử đã hàm chứa tình cảm và tư tưởng. Nhưng ông lại thưa với thầy:
Tôi chưa cảm được người viết từ khúc này là người thế nào.
Cho đến một ngày, Khổng Tử cảm nhận được người viết bản nhạc cổ kia chỉ có thể là Chu Văn Vương. Ông chạy đến nhờ Sư Tương Tử truyền thụ cầm khúc mới.

***
Một lần Khổng Tử cùng các học trò bàn luận về đạo đối nhân. Mọi người đều thống nhất là phải dùng thiện ý đối đãi với người có thiện ý với mình. Nhưng khi nói về cách ứng xử với người không có thiện ý, các học trò lại có ý kiến khác nhau.
Tử Lộ cho rằng không nên dùng thiện ý đối đãi lại với họ. Khổng Tử nhận xét: “Đây là cách ứng xử không có đạo đức lễ nghĩa”.
Tử Cống nói nên dẫn dắt họ về cái thiện. Khổng Tử đáp: “Đây là cách xử sự giữa các bằng hữu với nhau”.
Nhan Hồi lại nói dù họ có ác ý thì vẫn nên dùng thiện ý đối đãi lại và giúp họ hướngthiện. Lúc này Khổng Tử nhận xét: “Đây là cách ứng xử nên có giữa những người thân”.
Tam Tự Kinh có câu “nhân chi sơ tánh bản thiện, tánh tương cận tập tương viễn”, tức người sinh ra đều có tánh thiện như nhau, chỉ vì môi trường sống làm lòng người thay đổi. Những người xấu ấy vậy mà lại đáng thương. Vậy nên, một trong những điều làm nên vẻ đẹp của một nhân cách là sự nhân từ và bao dung, với bất kỳ ai, kể cả những người lầm đường lạc lối.

***
Một lần Khổng Tử dẫn các học trò đi du thuyết nước Tề. Bấy giờ chiến tranh liên miên, đoàn người của ông cũng vì thế mà lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi. May thay, có một thiện nhân vì mộ danh Khổng Tử mà biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử bèn phân phó cho Nhan Hồi việc nấu cơm.
Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên. Bỗng nghe một tiếng “cộp” phát ra từ nhà bếp. Ông nhìn xuống thì thấy Nhan Hồi bốc cơm cho vào miệng. Khổng Tử đau lòng vì hành động vô lễ của học trò.
Lát sau, khi mọi người chuẩn bị dùng bữa, Khổng Tử vẫn thản nhiên như không có việc gì. Ông bảo trước khi ăn muốn xới một bát cơm cúng cha mẹ tỏ lòng tôn kính. Lúc này Nhan Hồi bước ra thưa rằng chuyện đó không nên, vì cơm này mình đã ăn rồi.
Số là trong lúc nấu cơm có một cơn gió thổi qua, làm cát bụi bay vào nồi. Nhan Hồi không muốn lãng phí nên đã ăn trước phần cơm bẩn. Phần còn lại để thầy và các đồng học.
Nghe xong chuyện, Khổng Tử vừa mừng vừa thẹn. Ông thốt lên:
Chao ôi! Hóa ra trên đời này có những việc tận mắt trông thấy mà vẫn không hiểu được sự thật.
Cách ứng xử của Khổng Tử là hết sức nhân văn. Bởi ông đã tạo điều kiện cho người khác giải bày trước khi phán xét.Vậy nên, mọi chuyện trên đời, đừng quá tin tưởng vào cảm nhận chủ quan, dù là trông tận mắt.

 
***
Một hôm Nhan Uyên, học trò Khổng Tử, dẫn theo một người đến gặp thầy. Chúng nói rằng có việc muốn nhờ ông phân giải.
Số là Nhan Uyên đang đi trên đường thì bắt gặp một đám đông ồn ào. Hỏi ra mới biết họ đang tranh cãi chuyện tiền nong. Một người trong số đó nhất quyết cho rằng 8 nhân 3 bằng 23 quan tiền. Trong khi ai cũng biết đáp án phải là 24. Không nhịn được, Nhan Uyên bèn tranh luận. Cậu cược với người đó rằng nếu mình sai sẽ cởi bỏ mũ quan.
Nghe xong chuyện, Khổng Tử thản nhiên đáp:
Nhan Uyên con sai rồi. Mau cởi mũ cho người ta đi.
Về sau Nhan Uyên mới hiểuđó là bài học về phép tranh luận mà Khổng Tử đã dạy mình. Nếu thừa biết mình đúng thìhà tất còn cố tranh cãi.
Cuộc sống khó tránh khỏi đấu tranh. Nhưng chỉ nên vì mục đích tìm ra chân lý, cho bản thân hoặc người khác. Tuyệt đối không nên vì thể hiện mình hơn người. Cho cùng, chính lòng hiếu thắng sẽ làm mất giá trị con người vậy.

***
Trong khi đi dạo cùng các học trò, Khổng Tử nhìn thấy một người bắt chim sẻ nhưng chỉ bắt được chim non. Ông liền hỏi nguyên do. Thợ săn chim trả lời:
Sẻ già biết sợ nên khó bắt, sẻ non tham ăn nên dễ bắt. Nếu sẻ non chịu theo sẻ già thì bắt sẻ non cũng khó. Nhưng nếu sẻ già lại theo sẻ non thì bắt sẻ già cũng dễ.
Khổng Tử quay lại nói với học trò:
Hãy biết sợ bả mồi để tránh tai hại. Kẻ nào ham ăn thì dễ nguy vong. Đó đều là luật nhân quả vậy.
Khổng Tử, nhân đó, dạy học trò về tính cẩn trọng, tránh tham lợi mà rước họa vào thân.
MẸ TERESA (1910-1997) 
Mẹ Teresa là một nữ tu được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979. Mẹ cũng được Giáo hội La Mã phong thánh năm 2016. Mẹ là biểu tượng của  lòng yêu thương vô bờ bến và cuộc đời đầy nghị lực. Mẹ Teresa không biết chữ, không chồng, không con, không nhà cửa. Tuy nhiên, Mẹ nổi tiếng về những hoạt  động nhân đạo trên 123 quốc gia. Tổ chức của Mẹ có hơn 610 cơ sở chăm sóc người bất hạnh trên khắp thế giới.
Một lần, có hai người trẻ nam và nữ sắp kết hôn đến gặp Mẹ Teresa để hiến tặng tiền cho người nghèo. Đây là tiền họ để dành làm đám cưới.  Cưới nhau được hai ngày, họ lại dùng hầu hết tiền hồi môn và tiền mừng cưới để tặng cho quỹ chăm sóc người nghèo của Mẹ Teresa.
Ở Ấn Độ thời ấy, với giai cấp thượng lưu, đám cưới mà không có quần áo cưới, không có tiệc cưới là một điều khó được chấp nhận. Việc này đương nhiên làm phật lòng cha mẹ, họ hàng hai bên.
Mẹ Teresa không ngạc nhiên trước quyết định của đôi vợ chồng trẻ nhưng Mẹ đã hỏi lý do tại sao họ làm như thế.
Hai  bạn trẻ nói rằng  vì họ yêu nhau tha thiết nên  muốn tặng cho nhau món quà cưới đặc biệt. Họ muốn khởi đầu cuộc sống vợ chồng bằng sự hy sinh vì người khác.
Lòng bác ái và tâm từ bi của Mẹ Teresa thật là có sức chuyển hóa đến lạ lùng!
(Nguồn: Những truyện kể về Mẹ Teresa từ trang www.xuanha.net)        
JUSUS CHRIST 
Ngày nọ, có một người hỏi Đức Giê-su: “Thưa thầy, tôi phải làm sao để sau này được lên thiên đàng?”
Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn vào cõi sống vĩnh hằng thì hãy làm tốt các điều răn.”
Người kia hỏi: “Những điều răn nào ạ?”
Đức Giê-su đáp: “Không giết người; không tà dâm; không trộm cắp; không nói dối. Phải thảo kính cha mẹ và phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”
Người lại hỏi: “Nếu tôi làm tốt các điều này thì đã đủ chưa?”
Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn hoàn thiện mình, hãy bán hết tài sản và trao tặng người nghèo.” Nghe Jesus nói vậy, người thanh niên buồn rầu bỏ đi. Anh ta có nhiều của cải nhưng không muốn tặng cho ai.
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các môn đệ:
“Người tham lam thì khó lên Thiên Đàng dù là có đủ mọi giới hạnh khác. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người tham lam muốn đi về xứ Chúa.”
 (Sách Tân Ước, kinh Phúc Âm)
 
NHÀ NÔNG HỌC LƯƠNG ĐỊNH CỦA (1920-1975)
 
Chuyện 1
Lương Định Của là nhà nông học Việt Nam đã nghiên cứu cải tạo năng suất cho nhiều giống cây trồng.  Chính ông cũng là người đặt nền móng cho kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam.
Có lần, sinh viên Đại học Nông nghiệp về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, thắc mắc: “Chúng tôi là cán bộ đại học hay là công nhân mà bắt đi cày, đi bừa, gánh phân, nhổ mạ?” Ông Lương Định Của đã nhẹ nhàng giải thích: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng. Học nông nghiệp mà không phân biệt được cỏ lồng vực với cây lúa (hai loại cây có ngoại hình rất giống nhau khi còn nhỏ) là hỏng!”
Lương Định Của xứng đáng là một nhà khoa học, một trí thức lớn với lối sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ trong công việc. Ông cũng là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học sau này noi theo.
(Kể chuyện danh nhân Việt Nam, 2009, Nhà xuất bản Trẻ)
Chuyện 2
Cả cuộc đời Lương Đình Của gắn liền với quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông nổi tiếng là người khiêm tốn, giản dị và chính trực.
Một lần, có một anh công nhân vi phạm nội quy công tác. Lương Đình Của đã gặp và giải thích cho anh công nhân về những tai hại mà anh ta đã gây ra rồi thi hành kỷ luật ngay.
Tuy nhiên, cuối năm đó, nhận thấy anh công nhân có nhiều tiến bộ vượt bậc, ông đã ký quyết định tăng lương cho anh ta. Khi cấp trên hỏi Lương Đình Của:
  • Anh ta vừa mới bị kỷ luật nhưng nay sao ông lại đề nghị tăng lương?
Lương Đình Của đã trả lời đầy thuyết phục:
  • Tôi kỷ luật là để anh ấy không mắc phải sai lầm lần nữa và cũng để răn người khác, chứ không phải để trù dập. Nay anh ta đã tiến bộ, công tác tốt, đáng bậc lương mới, tôi tăng lương là hợp tình hợp lý.
Nhiều anh em kỹ sư trong viện không hài lòng về tiền lương. Ông nói:
  • Nếu tôi nghĩ nhiều về tiền lương thì không bao giờ tôi về Việt Nam công tác. Lương bây giờ của tôi chỉ gấp 3 lần các anh nhưng nếu tôi ở bên Nhật, người ta sẽ trả cho tôi gấp 5-7 chục lần.
Sự hy sinh bản thân, lòng chính trực và công minh của Lương Đình Của đã thuyết phục được cả cấp trên và nhân viên của ông.
(Kể chuyện danh nhân Việt Nam, 2009, Nhà xuất bản Trẻ)
THÍCH NHẤT HẠNH 
Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một nhà hoạt động xã hội, đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn ở thế kỷ XX. Ông luôn nhất quán một mục tiêu là hướng con người tới sự tỉnh thức để sống một cuộc đời an lạc và ý nghĩa.
Trong tác phẩm “Giận”, thiền sư Nhất Hạnh kể câu chuyện về một thanh niên có tên là David. David thông minh, hào hoa, phong nhã, lại là con nhà giàu nhưng bất hạnh vì sự ích kỷ, thiếu hiểu biết và thiếu từ bi của chính anh. Mọi người dần rời xa David khiến anh cảm thấy rất cô đơn, đau khổ. Anh từng đi tìm một người bạn cho mình nhưng thứ anh có được chỉ là một bức tranh. Đúng lúc tưởng như không còn hi vọng thì  người đẹp trong tranh bước ra trong niềm hạnh phúc tột độ của David. Nhưng cũng chỉ sau ba, bốn tháng chung sống, cô gái cũng bỏ đi vì cảm thấy ngột ngạt khi sống cùng David. David lại rơi vào tuyệt vọng và lần này chàng muốn tự tử. Chợt nghĩ đến lời của Sư Ông, David tĩnh tâm để nhìn lại tất cả, và đây cũng là lần đầu tiên chàng nhận ra lỗi lầm của mình. David  khóc trong hối hận bởi anh nhận ra sự ích kỉ là nguyên nhân khiến cuộc sống của anh trở nên tồi tệ. Và David bắt đầu thay đổi. Kì diệu thay, ngay sau khi David thay đổi, Algerlina xinh đẹp, dịu dàng, tươi mát lại trở về bên anh!
Trong cuộc sống, nếu chúng ta nhìn đời bằng một gương mặt cau có, thấy ai cũng đáng trách, đáng ghét thì sẽ chẳng có ai dám đến bên ta. Hạnh phúc và tình yêu chỉ đến với những ai thực sự biết thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
( Nguồn: “Giận”,  TS. Thích Nhất Hạnh, NXB Phương Đông, 2015)
KẺ GÁC MỘ PHẦN CỦA LOUIS PASTEUR
 
 
Sống vào cuối thế kỷ 19, Louis Pasteur là nhà hóa học, nhà vi sinh học, bác sỹ vĩ đại người Pháp. Ông còn được xem là một người thầy mẫu mực bởi những đóng góp đặc biệt trong giáo dục.
Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, Pasteur đã phát hiện rằng, tác nhân gây bệnh dại chính là virus dại, nằm trong não và tủy sống của cá thể nhiễm bệnh. Virus dại được lấy ra từ bệnh phẩm thần kinh của các cá thể này (chó, thỏ…), rồi nuôi cấy qua nhiều thế hệ khác nhau thì độc lực của chúng giảm hẳn, nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên, giúp cho hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại bệnh.
Trước sự nguy hại đến tính mạng của một bé trai mắc bệnh tên là Joseph Meister, Pasteur vô cùng trăn trở. Ông đã quyết định sử dụng vắc-xin lần đầu tiên trên cơ thể người, với sự giám sát nghiêm ngặt. Tuyệt vời làm sao, cậu bé đã được cứu sống. Điều này là một thành công vang dội của ông và cả nền y khoa thế giới.
Lớn lên, chàng trai Joseph Meister đã nguyện làm người gác cổng Viện Pasteur Paris, nơi lưu giữ thi hài của nhà vi sinh vật lừng danh.
Khi Đức Phát xít xâm chiếm thành phố Paris vào năm 1940, chúng buộc Joseph Meister phải mở hầm mộ của Pasteur. Chàng trai dũng cảm - Joseph Meister - đã kiên quyết kháng cự. Anh thà tự vẫn chứ không để bọn chúng xúc phạm đến thi thể ân nhân của mình.
Nguồn: sưu tầm
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Louis_Pasteur).

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO 
 
 
Trên chuyến tàu nọ, có một chàng sinh viên ngồi đối diện một người đàn ông đứng tuổi. Anh ta quan sát thấy người đàn ông này đang cầu nguyện Kinh Mân Côi (một phương pháp cầu nguyện của Giáo hội Công giáo Rome).
Anh ta hỏi:
  •  Thưa ngài, ngài vẫn tin những thứ lỗi thời này sao?
Người đàn ông trả lời:
  • Đúng vậy. Cậu không tin à?
Chàng thanh niên bật cười lớn:
  • Tôi không tin những điều ngớ ngẩn này đâu. Ông nên cái ném xâu chuỗi đó đi rồi về mà học những gì khoa học cho biết về nó.
  • Khoa học ư? Khoa học là gì? Cậu có thể giải thích giúp tôi không? Người đàn ông hỏi lại.
Người thanh niên đề nghị:
  • Nếu ông đưa tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi ông một ít tài liệu khoa học liên quan đến vấn đề này.
Người đàn ông vụng về rút tấm danh thiếp trong túi áo đưa chàng trai trẻ. Đột nhiên, anh ta im thít và cúi đầu xấu hổ. Danh thiếp được ghi “Louis Pasteur, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Luis Pasteur từng nói trước sinh viên Pháp:
  • Một chút ít khoa học sẽ đem ta xa khỏi Thượng đế nhưng nghiên cứu quá sâu vào khoa học sẽ đem ta lại gần với Ngài hơn.
Bạn có hiểu câu nói ấy ám chỉ điều gì không?
Nguồn: sưu tầm
(http://www.cfalive.com/online-store/booklets/world-s-most-powerful-mysteries/)