Loay hoay tìm lời giải cho băn khoăn của những ngày đầu lông bông tìm cách khởi nghiệp, mình đã tìm đến cô bạn cũ. Hai vợ chồng nó đúng nghĩa là những người khởi nghiệp, đi lên từ hai bàn tay trắng, làm về thực phẩm - một ngành mới hoàn toàn, nằm ngoài tầm hiểu biết của hai vợ chồng. Bài học kinh nghiệm thực tế từ những người thực, việc thực quả là vô cùng quý giá.


1. Kinh doanh hay làm gì cũng phải kiên trì
Nó kể hai vợ chồng hồi đó công việc cũng gọi là tạm ổn, chồng làm về giáo dục trực tuyến, thu nhập khá, vợ làm kiểm toán dù bận tối mắt tối mũi nhưng cũng là niềm mơ ước của nhiều người khi làm trong công ty lớn, một trong Big4. Nhưng rồi vì một vài lí do mà công việc của anh chồng không còn tốt như trước, anh chồng quyết định nghỉ việc và đi kinh doanh. Với vốn kinh nghiệm về giáo dục, đào tạo, training trước đây nên hai vợ chồng cũng tự tin. Nhưng lĩnh vực lựa chọn lại trái ngược 180 độ, nếu đào tạo là kinh doanh dịch vụ thì thực phẩm lại là kinh doanh hàng hoá mà lại còn lại là hàng hoá không lấy làm gì đặc biệt: rau dưa, gà qué, thịt thà... Tôi bảo "Kể ra hai vợ chồng mày cũng giỏi thật nhảy ra làm cái mảng nghe đã thấy ngại." Nó lại kể tiếp, anh chồng chọn lĩnh vực này vì dù gì Việt Nam cũng là nước nông nghiệp, thế mạnh là trồng trọt và chăn nuôi thì cứ bám vào đấy mà làm ăn, thêm nữa nó là hàng thiết yếu ai mà chẳng phải ăn. Nói là làm, hai vợ chồng loay hoay tìm nguồn hàng, nhập hàng rồi sản xuất, đóng gói. Lúc mới kinh doanh, có khi còn nhập phải bạn hàng đểu, họ lừa cho, đặt hàng loại 1, họ bán cho hàng loại 2 size nhỏ hơn. Không bán được hai vợ chồng lại mang về cất đi ăn dần, liền một tháng chỉ có ăn mực. Mỗi lần là một bài học kinh nghiệm, có thế mới khôn, tinh lên được.
Rồi lại nói ai bảo mở công ty là làm ăn to. Bán thực phẩm đâu có lãi nhiều, ví như bán 1 kg mực khô, giá nhập thì đắt, lãi được 50k thì ship từ đầu này đến đầu kia Hà Nội cũng quá tội tiền ship vậy mà mang đến khách hàng vẫn chê hàng xấu, không đều, bắt đổi lại. Đổi đi đổi lại 3 lần mới ưng. Vài ngày lấy 1 cân lại còn bắt cho công nợ. Thôi thì cái ngành này nó thế, phải kiên trì chăm sóc khách thì khách mới chọn mình là nhà cung cấp lâu dài. Vất vả nhưng cũng được niềm vui khi khách đã chọn mình thì dù có người trả giá thấp hơn họ cũng không nhập, chỉ mua của mình thôi.
Nó kể suốt một năm giời công ty chỉ có hai vợ chồng kiêm mua hàng, kinh doanh, kế toán, shipper. Giờ cũng đã được 3 năm, mô hình công ty cả xưởng sản xuất cũng được 50 người. Vẫn còn đó những khó khăn nhưng nếu không kiên trì, đứng núi này trông núi nọ thì đã không bao giờ được như ngày hôm nay.
2. Phải có tầm nhìn, nói cao xa là chiến lược hay nói dễ hiểu là có một câu truyện
Làm cái ngành này nhân viên kinh doanh đi chào hàng 10 nhà thì 9 nhà từ chối may ra được 1 nhà đồng ý. Nhưng nhân viên về mặt có ỉu xìu thế nào lại được sếp chém gió phần phật lên tinh thần ngay. Đó là vì sếp có niềm tin vào câu truyện của sếp và làm nhân viên tin được vào câu truyện đó. Sếp nói đây là một trong những khó khăn bắt buộc chúng ta phải trải qua, bước một là thế này, bước hai là thế kia và sau cùng là thế đó. Nhân viên họ thấy mình đang đi từng bước một, mình cũng là một nhân tố quan trọng trong câu truyện đó và rồi câu truyện đó sẽ có hồi kết đẹp nên lại xách xe đi chào hàng tiếp. Mình rút được bài học quan trọng cho mình ở đây. Mình kinh doanh nhiều thứ, tất nhiên là nhỏ lẻ thôi, cũng bán được nhưng chỉ được một đợt là mình chán vì mình không có một câu truyện, một bức tranh toàn cảnh, bán xong cái này rồi làm gì nữa.
Hay nói cách khác, đúng là hãy Mơ lớn và làm nhỏ.
Có chiến lược nên có khó khăn cũng không nản, mình biết qua bước này rồi sẽ đến bước thứ 2.
Có chiến lược nên sẽ không sợ không tuyển được người, ai phù hợp với câu truyện thì cùng làm, không thì thôi.
Có chiến lược nên sẽ không đứng núi này trông núi nọ, mình đang tự xây nên ngôi nhà, sự nghiệp của mình mà.
Có chiến lược mới làm khách hàng tin vào câu truyện, vào sự cam kết lâu dài, uy tín của mình. 
Có chiến lược mới tự tin, không còn tự ti vì nghĩ mình nhỏ. Nhỏ rồi sẽ Lớn.
Tự ngẫm và bắt tay vào làm tiếp cái dự án còn dang dở.