Không ít lần khi tôi chia sẻ với ai đó rằng tôi thích nghe Avenged Sevenfold (tự là A7X), những lời đáp lại thường mang ý hạ thấp họ. Có những người không thích vẻ bề ngoài vừa punk vừa emo của họ. Có những người thì cho rằng nhạc của họ không đủ nặng, và cách hát của M. Shadows thì không đủ “chất”. Có những người thì cho rằng tài năng của họ không xứng đáng được ca tụng như những kẻ cứu rỗi heavy metal, còn âm nhạc thì thay đổi như tắc kè mà không có gì xuyên suốt.  Nhưng tại sao trong khi A7X đáng nhẽ phải được nhắc đến như một sự tự hào cho thế hệ chúng tôi, thế hệ 8x, những người luôn ganh tị với các ban nhạc lẫy lừng từ những người đến từ thập niên 60s, 70s.
Phải chăng việc “chê bai” Synyster Gates và các đồng đội mới là điều dễ làm hơn là khen âm nhạc và những cố gắng của họ? Nhưng tại sao lại là họ? Hay đúng hơn, tại sao không phải là họ?
May thay, thứ cuối cùng mà A7X muốn thử nghiệm, ấy là thay đổi theo những lời chê bai của khán giả. Tôi thì cứ nghĩ rằng, nếu có một thế giới song song tồn tại, mà A7X chỉ thay đổi như một trong những điều sau, có khi nào họ sẽ được ghi nhận xứng đáng hơn?
1. Jimmy “The Rev” vẫn còn sống
Có một thời gian dài tôi cho rằng Jimmy “The Rev” là nghệ sĩ xuất sắc nhất trong đội hình A7X: chơi trống giỏi, khả năng âm nhạc còn lan sang cả chơi Piano và hát, chưa kể khả năng viết nhạc tuyệt vời của Jimmy hoàn toàn có thể đưa anh vào ngôi đền của những huyền thoại nhạc sĩ chơi trống như Neal Peart, Phil Collins, hay thần tượng của chính anh, Mike Portnoy.
Tài năng không thể thay thế của Jimmy chỉ càng thế hiện rõ hơn sau khi anh đột ngột ra đi, những “kẻ đóng thế” không thể nào tạo ra được cái bầu không khí ấy. Cách chơi của Jimmy vừa dữ dội, vừa kỷ luật, nhưng lại có những câu fill vào những chố không ai có thể tưởng tượng ra, như cách mà Keith Moon thay đổi tư duy chơi trống năm nào. Nên nhớ là A7X ghi âm demo đầu tiên của họ, thứ mà sau này trở thành Sound of the Seventh Trumpet khi mấy anh em vẫn đang học cấp 3, và chất metalcore pha lẫn punk đã cực kỳ mạnh mẽ và đầy thuyết phục trước giới phê bình khó tính.
Những album tiếp theo: Waking of The Fallen (2003), City of Evil (2005), và đặc biệt là Avenged Sevenfold (2007), dù thể loại nhạc có thể làm các fan của A7X lao đao khi chưa kịp hiểu ra và xếp album này vào thể loại nào, thì album sau chơi kiểu khác đã xuất hiện, thì một điều hiển hiện xuyên suốt có thể nhận ra: tài năng của anh em A7X, và đặc biệt là Jimmy, càng ngày càng hoàn thiện. Và nếu đừng nhìn họ một cách khắt khe theo kiểu “không có phong cách cố định”, tôi nghĩ rằng, A7X có thể chơi bất cứ thứ gì trên đời này.
Hãy nhìn những kẻ thay thế Jimmy sau này: Mike Portnoy có thể nói là cái tên có hồ sơ dày nhất, và xem ra cũng chơi tròn vai nhất trong Nightmare (2010), trên những nền tảng mà người hậu bối hâm mộ anh, Jimmy, đã đặt ra. Arin Ilejay trong Hail To The King (2013) có lẽ là kẻ đáng thương nhất, nhất là khi album này được sản xuất bởi đội hình hạng A trong đó có kỹ sư lừng danh Bob Ludwig – chất lượng âm thanh của album này tôi nghĩ là tuyệt hảo và tiếng trống của Ilejay thực sự sắc lẹm và bao trùm khắp không gian. Chỉ duy nhất một điều, đa phần thời gian tôi thấy anh múa dùi và dậm chân không có mục đích mấy, chỉ càng làm cho cái đầu của tôi cuống cuồng đi tìm những track cũ trong Avenged Sevenfold hay Waking of The Fallen, chụp tai nghe vào, và trông đơi những cú chém hay fill với những âm thanh kỳ lạ bỗng xuất hiện góc này hay góc kia tô điểm cho câu riff của cặp Synyster Gates/Zacky Vengance, và cũng nhiều lúc làm thế trận của bài hát đảo chiều và đảo màu.
Album gần nhất, The Stage (2016) được A7X phát hành không báo trước, và cũng âm thầm trình làng tay trống Brooks Wackerman, một tay trống tôi nghĩ là "lặng lẽ" hơn so với Arin Ilejay, nhưng cũng đem đến sự chín chắn cần thiết cho A7X ngay lúc này. Tất nhiên cũng phải nói thêm là The Stage được sản xuất bởi kỹ sư hạng nặng Andy Wallace, kỹ sư trưởng của những album nặng đi vào kinh điển như Nevermind, Reign In Blood, Rage Against The Machine, hay Chaos A.D. Và chừng nào khan giả vẫn còn đang phải hóng album tiếp theo của A7X, sẽ vẫn là quá sớm để biết rằng Brooks là người có thể trụ lại được, dù rằng đóng góp của anh để đối trọng lại với Gates/Vengance trong The Stage là rất đáng để hy vọng.
Và ca khúc ấn tượng nhất của tôi do Jimmy chắp bút ư? “Afterlife” là cái tên bật ra ngay lập tức.

2. Synyster Gates phô trương hơn một chút
Synyster Gates có lẽ không bao giờ được thừa nhận một cách xứng đáng cho cách chơi nhạc của anh. Tôi nghĩ về mặt học thuật, Synyster Gates ăn đứt tất cả những tay còn lại trong A7X, lẫn những người chơi cùng vị trí như anh sinh ra ở thập niên 80s.  Synyster Gates cũng là cái tên hiếm hoi của thệ hệ 8x góp mặt trong top 100 các tay guitar vĩ đại do những tạp chí uy tín như Guitar World bình chọn. Vậy vấn đề của Synyster Gates trong mắt khán giả là ở đâu?
Tôi nghĩ đó là lối chơi không ích kỷ và ít phô trương. Gates không bao giờ ngần ngại thừa nhân mình may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với ông bố chơi nhạc Jazz, nơi những màn jam ngẫu hứng đầy đam mê được tận mắt chứng kiến từ bố của mình hang ngày, và sau cũng trở thành một phần trong những cuộc “trao đổi” bằng tiếng đàn giữa hai cha con nhà nọ. Vậy nên nói về kỹ chiến thuật, không có gì ngạc nhiên khi Gates có thể chơi được từ Jazz đến Blues, từ funk đến rock n roll. Có thể càng biết nhiều, Gates càng tiết chế trong cách chơi của mình và thay vì nhận vai trò là lead guitar chèo lái ban nhạc, Gates sẵn sàng lùi lại đứng ngang vai guitar 1/guitar 2 cùng Zacky Vengeance, chia đều khi ông này rhythm thì ông kia lead (mặc dù phần lead guitar giàu kỹ thuật của Gates vẫn khá trội)
Và có lẽ cũng bởi mang trong đầu nhiều tư tưởng của nhạc cổ điển, với Gates có lẽ mỗi nhạc cụ, kể cả giọng hát, đều chỉ là một phần của gian nhạc mà không nên quá chú trọng vào bài nào. Những khan giả “khát” những màn solo guitar anh hung, chắc phải nghe nát cả đĩa trong những lần Gates thả mình chỉ trong một hoặc hai bài của album, như “M.I.A” trong City of Evil, “Afterlife” trong Avenged Sevenfold, hay “Victim” trong Nightmare. Người nghe chỉ muốn câu solo dài thêm chút nữa, dù chỉ một vài khuông nhạc nữa thôi, mà không thể.

Nhưng nếu nhớ lại, những người như Michael Schenker hay Ritchie Blackmore, khi chơi trong cùng ban nhạc, họ luôn biết dừng câu solo của họ đúng lúc, cho dù khi “thả” họ ra chơi instrumental, họ có thể chơi suốt cả mặt đĩa LP mà không dừng lại.
Và cũng hãy nhớ là, Avenged Sevenfold là ban nhạc heavy metal hầu như duy nhất của thập niên 2000s có guitar solo. Ai đã từng nói “you don’t know what you’ve got til it’s gone?”
Thậm chí, Synyster Gates còn làm một chuyện kém phô trương hơn cả, ấy là mở trường dạy nhạc với ý định giúp đỡ thêm nhiều người chơi guitar hơn, ngõ hầu góp chút sức lực không để cho hình tượng guitar hero một ngày sẽ mất đi. "Càng ngày người chơi guitar càng khó kiếm sống bằng thứ này hơn so với các vai trò khác" - Gates đã từng chia sẻ.
3. Bớt cởi mở khi nhắc đến những ảnh hưởng của mình
Tôi luôn tưởng tượng trong đầu cảnh tôi có thể gặp và bắt tay các anh em A7X, và tôi sẽ nói: “Thưa các ông A7X, các ông cũng như tôi, thế hệ 8x lớn lên với những anh hùng sinh ra ở thập niên 60s và 70s. Nhưng có nhất thiết phải kể vạch vòi ra cho mọi người vậy không?”
Không quá khó để tìm ra ảnh hưởng của các anh em A7X, họ chia sẻ rất cởi mở: Guns N Roses, Pantera, Iron Maiden, v.v. a.k.a tất cả những band chúng ta cùng nghe khi lớn lên. Chỉ khác là, A7X đang trên con đường trở thành như thần tượng của họ, nôm na là những nghệ sĩ nhạc rock tên tuổi. Việc để cho mọi người biết quá nhiều về họ bỗng trở thành điểm hại, khi mỗi lần họ ra đĩa, khán giả đã chực sẵn để nhận xét rằng “bài đó như kiểu cover của ban XYZ” trong đó xyz = tất cả các band heavy metal bạn có thể nghĩ trên đời này. Chốt lại bằng nhận định đóng đinh: “nhạc của A7X không heavy metal lắm”.
Giống như ai đó đã từng nói: khi bạn ra album đầu tiên, bạn có quyền tuyên bố bạn ảnh hưởng từ ai đó, đề gây chú ý hơn. Nhưng khi ra album thứ hai trở đi sau khi đã có tên tuổi, bạn chợt giấu biến đi rằng mình chịu ảnh hưởng từ ai, và nói “đây là bọn tôi đấy”.
Dù là số ít, tôi lại thích cách của A7X. Ai mà không thích nhìn thấy nghệ sĩ yêu thích của mình biểu diễn trên sân khấu những ca khúc cover lại về thần tượng của họ, như “It’s so easy” của Guns N Roses, “Walk” của Pantera, hay “Flash of the Blade” của Iron Maiden. Kể cả trong những cuộc phỏng vấn của mình, Synyster Gates cũng không ngần ngại chia sẻ cách viết nhạc của band luôn có thời lượng dày đặc thời gian cả band cùng nghe nhạc với nhau. Nghe từ những sự ảnh hưởng. Nghe để lấy định hướng viết nhạc.
Luôn luôn có sự khen tặng đầy trân trọng dành cho đội ngũ của họ, những người sản xuất đã giúp tạo ra thứ âm thanh đặc trưng, và trên hết là luôn đón nhận những ý tưởng thay đổi trong âm nhạc của các an hem A7X.
Và có một thứ luôn lẩn quẩn trong đầu tôi: tại sao thế hệ chúng ta luôn lớn lên với sự ganh tỵ với những nghệ sĩ được sinh ra ở thế hệ trước, 60s hay 70s, rằng tại sao thế hệ chúng ta không cố gắng để làm ra những thứ âm nhạc sánh tầm được với âm nhạc của họ? Và nay có một band 8x hay đến vậy, chúng ta lại không thừa nhận âm nhạc của họ?
4. Không quá ham pha thêm phần cổ điển vào nhạc của mình
Một trong những đặc trưng của âm nhạc A7X mà thậm chí ngay cả những người tiền nhiệm của họ cũng ít khi dám đùa nghịch, ấy là những khúc intro hoành tráng mang đậm chất nhạc cổ điển. Có lẽ Synyster Gates và Zacky Vengeance (lẫn Jimmy ‘The Rev’) là những kẻ khoái nghịch với đoạn intro nhất, và coi đó là mảnh đất màu mỡ để tạo ra màu sắc âm nhạc cho cả bài, lẫn album, dầu rằng họ chấp nhận sau đấy ông bạn M. Shadows có thể hát theo kiểu hoàn toàn khác.
Điều này đặc biệt tôn màu sắc ‘ghê sợ’ trong hình ảnh mà A7X xây dựng. Nếu để ý kỹ nhưng đoạn intro này, sẽ thấy phần chord progression mà các anh em chọn nghe đã lắm, và không gian âm nhạc lẫn màu sắc của bài có thể được nhồi dần và xâm chiếm toàn bộ đầu óc người nghe. Thứ khiến cho Heavy Metal trước giờ trở nên rất gần với nhạc cổ điển trong việc xây dựng không gian âm nhạc: những câu riff, sự bồi đắp, và cách chuyển chord táo bạo; nhưng đó cũng là thứ khiến Heavy Metal không phong phú như nhạc cổ điển được: không có quá nhiều chỗ cho các nốt và âm sắc phát ra cùng lúc. Thì nay, đó là khả năng pha trộn giữa tiếng đàn phơ tè với bộ đồng của giàn nhạc giao hưởng trong các màn trình diễn của Gates và đồng đội. Có thứ gì nghe ghê sợ và trầm hơn được tiếng đàn guitar bass, nếu không phải là tiếng kèn Oboe? “Shepherd of Fire” nhỉ?

Có thể ở trong một thế giới tồn tại song song, A7X sẽ không làm những đoạn intro rườm rà đậm chất nhạc cổ điển nữa, và cũng nhờ thế mà âm nhạc của họ sẽ ‘monotone’ hơn, hay nói theo cách của khan giả, sẽ đồng nhất về cùng một thể loại hơn? Cũng có thể trong thế giới song song đó, Bob Ludwig và Andy Wallace sẽ không sản xuất cho A7X nữa, mà là Max Martin và Adam Levine? Mọi người?
5. M. Shadows không phải mổ cổ họng
Khi M. Shadows còn sức để gào, mọi người chê A7X là ban nhạc Punk gào thét. Khi M. Shadows phải phẫu thuật cổ họng và sau đó chuyển sang hát kiểu nhạc giai điệu hơn, mọi người chê A7X không còn tính metal nữa.
Nói thật thì tôi cũng thích M. Shadows gào thét hơn. Hoặc chí ít là để M. Shadows tiếp tục gào thét và Jimmy của tôi thì hát giai điệu. Nhưng đòi hỏi đến hai thứ không tưởng cùng một lúc như vậy thì quả nhiên là duy ý chí. Giọng hát của M. Shadows đúng là đã đi theo Jimmy rồi.

6. Đứng ra ngoài hình ảnh của ban nhạc emo
Từ khi nào những con dân của Heavy Metal lại tự cho rằng, heavy metal phải là tóc dài và suôn, trong khi tụi tóc ngắn và chỉa thì đại diện cho lũ ‘emo’ chơi nhạc chỉ để “kêu ca than vãn” vậy?
7. Và ban nhạc không lấy tên là Avenged Sevenfold?
Đúng, những cái tên họ chọn đã đi theo và ám quẻ họ. Avenged Sevenfold nôm na là bị hấp diêm đủ 7 phát, và nghe nó thật gần với ý tưởng “Seven Pounds” trong bộ phim của Will Smith. Tôi không rõ họ đã phải đền gì nhiều đến 7 lần chưa, nhưng sinh ra với cái tên ám quẻ như thế, có lẽ mọi thứ cũng dễ xui hơn chăng?.
Chưa kể những cái tên thời niên thiếu mà anh em đặt cho nhau: Synyster, Vengeance, M. Shadows, Johnny Christ, đều là những thứ gây ác cảm với những khán giả trẻ “chững chạc”, những người cố tính họ vào độ tuổi “trưởng thành” để tự nhóm họ với những người của thế hệ trước, aka những người sinh ra trong thời thịnh của hard rock và heavy metal.
Vậy có khi nào Avenged Sevenfold đạt được thành tựu ngang Xây Bảy Tháp Chùa, họ sẽ được yêu mến hơn? Chẳng phải họ cũng đã ra được 7 album rồi ư?
Nếu như có những ngày bạn bực bội cảm thấy mình như một thỏi nam châm chuyên hút những gì tiêu cực nhất về mình, hãy nghĩ đến Avenged Sevenfold.

Và theo thống kê không chính thức, bất cứ ai cũng đều có thể tìm được một album của Avenged Sevenfold ưa thích cho riêng mình (mà ít khi là tất cả các album của họ). Nhưng có lẽ như thế cũng nhiều hơn là đủ rồi.
R.I.P Jimmy.
Kcid 
Xem thêm các bài viết khác của EmoodziK ở đây