Nếu bạn hỏi tôi câu này, một cách nhanh chóng, câu trả lời sẽ là "không". Thật sự thì cá nhân mình cũng khá buồn, vì sau thành công của One Piece live-action, mình đã trông đợi hơn một chút ở Netflix, nhưng lần này, niềm hi vọng đem đến cho mình nhiều thất vọng hơn là sự thoả mãn. Còn nếu bạn muốn biết thêm lí do cho câu trả lời của mình, hoặc đơn giản hơn là muốn tranh luận về nó, thì mình sẽ nói rõ hơn ở bài viết này.
Avatar: The Last Airbender (2024)
Avatar: The Last Airbender (2024)

Netflix và sự sáng tạo cố chấp?

Vẫn giữ quan điểm về việc làm mới trong các dự án live-action, lần này, bộ phim quyết định lược bỏ và làm mới khá nhiều tình tiết trong câu chuyện phim. Phần là để phù hợp với thời lượng phim, phần nữa là tạo nên không gian sáng tạo mới. Nhưng, đáng tiếc thay, những sự thay đổi này không đem lại cho phim quá nhiều hiệu quả. Điều này đem đến một trải nghiệm không tốt cho những khán giả vốn là fan trung thành của bộ hoạt hình gốc. Ngoài việc cảm thấy sự thiếu tôn trọng với nguyên tác, việc lược bỏ quá nhiều thông tin quan trọng mà chỉ bù đắp lại bằng những tình tiết nhỏ lẻ, bên cạnh đó là việc gộp các phần lại với nhau mà thiếu đi sự hợp lí đã khiến mạch phim vốn đã rối, nay lại gợi lên nhiều sự thiếu sót có thể cảm nhận rõ ràng. Để thay vào đó, nhà làm phim lại có những quyết định khá khó hiểu. Đầu tiên là những lời dẫn chuyện - vốn để gửi gắm các thông điệp nhưng lại mang rất nhiều tính cá nhân ở từng câu chuyện nhỏ. Hơn nữa, việc đặt những phân cảnh này làm mở đầu hoặc kết thúc của từng tập làm mình khá vân vân về hiệu quả của nó, với bản thân mình, rất tiếc phải thừa nhận rằng mình thấy khá thừa và rườm rà. Nếu là câu chuyện được mình tự ngẫm ra, hoặc ít nhất là được đặt vào những bối cảnh hợp lí hơn, có lẽ mình đã thích thú hơn về những chi tiết này. Tiếp đó là những vấn đề xã hội được phim đề cập tới. Là câu chuyện về niềm tin, về gia đình, về định kiến giới tính...được lồng ghép khá "sượng". Và sau khi xem lại những gì bản gốc đã làm được, mình chỉ biết thở dài tiếc nuối.
Nhưng liệu có quá khắt khe khi so sánh bản live-action này với một huyền thoại từ trước? Liệu, dưới một góc nhìn độc lập với nguyên tác, Avatar: The Last Airbender đã làm được gì?

Bối cảnh, kĩ xảo và hình ảnh.

Phải thừa nhận rằng, những đồng tiền của Netflix đầu tư cho phần hậu kì của phim xứng đáng đến từng xu. Là một thế giới rộng lớn, với nhiều nét văn hoá, kiến trúc của từng quốc gia đã được dựng lên. Từ những ngôi nhà mang nhiều nét kiến trúc đặc sắc, những toà thành luỹ uy nga, những khung cảnh toàn nhìn từ trên cao hay những ngôi làng, tất cả như được nhà làm phim chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Không dễ để thiện hiện nội tâm, hình tượng nhân vật qua bối cảnh mà họ xuất hiện, nhưng điểm đáng khen là Avatar làm rất tốt, ít nhất là ở khía cạnh này. Là Katara hiền hoà, luôn bên cạnh, chữa lành như dòng nước, là Thổ quốc xinh đẹp, nhưng cũng thô cứng, sần sùi vì trải qua chiến tranh, là những ngọn lửa cháy bừng tham vọng ở Hoả quốc... Chất lượng hình ảnh của phim có thể đem ra so sánh với các bom tấn phòng vé mà không thua kém bất cứ đối thủ nào.
Riêng về mặt hình ảnh, phim được đánh giá rất cao
Riêng về mặt hình ảnh, phim được đánh giá rất cao
Kĩ xảo của phim cũng là một ấn tượng lớn đối với mình. Phim có khá nhiều trận đánh, cảnh luyện tập đòi hỏi rất lớn từ CGI, và đa số trong đó đều có chất lượng rất tốt. Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo, đôi lúc, ta vẫn bắt gặp những cảnh mà tự mình thấy "không thật", nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng trôi đi vì sự trầm trồ trong một cảnh lớn tiếp theo. Xét trên tổng thể cả 8 tập, chất lượng kĩ xảo của mình thực sự xứng đáng là một tiêu chuẩn cho nền điện ảnh của hiện tại, hoặc thậm chí là trong tương lai gần. Theo mình thấy, kĩ xảo của phim đã "gánh" rất nhiều, từ những cảnh hành động nói riêng và trong cả phim nói chung.

Những điều phim làm chưa tốt.

Điều mình thất vọng nhất ở phim là việc nhà sản xuất khá xem thường câu chuyện trở thành Avatar của Aang. Là câu chuyện chính của phim, song được kể một cách sơ sài, thiếu điểm nhấn. Phải thừa nhận là hành trình của nhân vật chính đến và đi qua đầu mình đều nhanh như nhau, tới mức, sau khi xem phim, câu chuyện tưởng chừng như vô cùng hấp dẫn ấy vẫn không đọng lại gì. Tuyến truyện chính là vậy, các tuyến phụ cũng chả khá khẩm hơn bao nhiêu. Có cảm giác rằng, những mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim chỉ được nhà sản xuất lướt qua. Sự liên kết giữa những nhân vật, đáng ra là điều được thấy rõ nhất, vậy mà xem phim thì lại nhận ra rằng đó là những điều xa xỉ. Ngoại trừ mối liên kết giữa Uncle Iroh và Zuko, bao nhiêu mối quan hệ còn lại mà bạn nghĩ rằng phim làm đủ tốt? Là những câu chuyện tình cảm chợt đến chợt đi? Hay sự đồng cảm hời hơt? Hoặc những sự hi sinh vô nghĩa chỉ vì niềm tin?
Diễn xuất của dàn cast cũng là một nét gợn khá lớn trong bộ phim. Đánh đổi với việc có một dàn cast giống với nguyên tác là diễn xuất khá tệ, đặc biệt là tới từ dàn nhân vật chính. Dù mình biết đa số diễn viên còn khá nhỏ, còn trẻ nhưng biểu cảm, thái độ của họ làm giảm trải nghiệm xem phim của mình đi khá nhiều. Ngay như hai nhân vật chính là Aang (Gordon Cormier) và Katara (Kiawentiio), mình đã thực sự trải qua 8 tập phim và nghĩ rằng, cho dù mình bất chợt chụp ảnh của hai diễn viên trên trong bối cảnh khác nhau thế nào, biếu cảm của họ cũng rất giống nhau.
Dàn cast thể hiện khá kém thuyết phục.
Dàn cast thể hiện khá kém thuyết phục.
Một điều nữa làm mình thất vọng là cách phim xây dựng nhân vật, số lượng và chất lượng lại tỉ lệ nghịch với nhau. Phim cho ta nhiều nhân vật tới nỗi mình thậm chí còn không nhớ hết, vậy mà khi cố chọn ra một nhân vật nào đó đủ hay, đủ dấu ấn, được xây dựng câu chuyện đủ tốt đủ hay thì mình lại không có câu trả lời. Chúng ta gặp một nhóm người ở đây, sẵn sàng hi sinh vì Avatar, ở kia cũng vậy, và ở kia nữa. Ta bắt gặp một nhân vật bất kì, và nhận ra rằng họ có bản sao gần như tương tự ở một tập khác. Một sự nhàm chán đến cực độ.
Dàn nhân vật phụ cũng rất thiếu điểm nhấn
Dàn nhân vật phụ cũng rất thiếu điểm nhấn
Điều cuối cùng mình muốn nhắc tới ở phim đó là thoại. Một điểm yếu mà không thường gặp ở một nền điện ảnh tiến bộ, ở một bộ phim đầu tư như thế này. Biên kịch của phim như đang bị kẹt giữa việc tạo ra các cuộc hội thoại của người lớn và trẻ con. Sau những lời thoại ngây ngô, đúng lứa tuổi, ta lại bắt gặp những câu nói của một người có tới 50,60 năm kinh nghiệm cuộc đời. Buồn cười thay, nó lại xuất phát từ một nhân vật trong cùng một hoàn cảnh. Điều này không chỉ xuất hiện một mà là rất nhiều lần. Góc nhìn của nhân vật được thay đổi chóng mặt, lúc trưởng thành, lúc lại non nớt, lúc là cậu bé 12 tuổi vui vẻ, lúc là ông cụ hơn 100 tuổi gánh vác cả thế giới, và rồi lại là cậu bé kia với những nỗi niềm con trẻ.

Hành trình tương lai.

Thực ra, phim đã được lên kế hoạch để có ít nhất là 3 mùa. Bằng một sự lạc quan nào đó, chúng ta thực sự tin rằng trong tương lai, phim sẽ làm tốt hơn những gì đã thể hiện. Vì, thực ra, mình nghĩ nếu phim có tệ thì cũng chỉ đến thế này mà thôi. Hơn nữa, phim vẫn còn rất nhiều câu chuyện để có thể kể, nhiều nhân vật tiềm năng còn có thể phát triển và khai thác. Quan trọng hơn hết, Avatar: The Last Airbender vẫn là một cái tên đủ sức hút với rất nhiều khán giả, trong đó có mình.
Nếu có một điều gì đó mình mong chờ ở ss2, đấy là việc phim sẽ đủ thời gian để kể câu chuyện của chính mình.
Nếu có một điều gì đó mình mong chờ ở ss2, đấy là việc phim sẽ đủ thời gian để kể câu chuyện của chính mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình là c0nnect9r.