Assassin's Creed: Những người phụ nữ đặc biệt
Một bài viết để tôn vinh những người phụ nữ đặc biệt trong Assassin's Creed: Những người mẹ. Người phụ nữ đã biết mất trong tám...
Một bài viết để tôn vinh những người phụ nữ đặc biệt trong Assassin's Creed: Những người mẹ.
Người phụ nữ đã biết mất trong tám năm
“Ngày mai tôi sẽ làm Torta Bolognese. Tôi sẽ mua trứng và thịt từ chợ và quay về đủ kịp để mở tiệm bánh như mặt trời khi vào giữa sân. Chúng ta đã có một cuộc sống đặc quyền như thế nào. Thật khó để nhớ vào một ngày mà những gì được cho cũng có thể bị lấy đi.”
Đây là những dòng cuối cùng trong nhật ký của một người phụ nữ. Và có lẽ, cũng là những dòng chữ cuối cùng của một người vợ chu đáo, một người mẹ giàu tình thương, một người phụ nữ có một trái tim nồng ấm và đa cảm. Những dòng chữ cuối cùng, trước khi người phụ nữ ấy rơi vào cơn mê sảng không hồi kết, cùng sự thống khổ không thể diễn tả thành lời.
Thật khó để nhớ một ngày khi những gì được cho cũng có thể bị lấy đi. Phải, làm sao có thể nhớ được, khi tai ương bất chợt đổ ập lên gia đình người phụ nữ ấy. Làm sao có thể nhớ được, khi những gì bà hằng yêu thương, hằng quan tâm và chăm sóc, đều biến mất. Cái thứ tai ương kia, nó đến quá nhanh, quá bất ngờ, quá to lớn so với sức chịu đựng nhỏ bé của người phụ nữ ấy. Bà đã chọn cách quên đi thực tại, quên đi sự thật đau thương, quên đi hoàn cảnh khốn cùng và tủi nhục. Bà đắm chìm trong thế giới mộng ảo của riêng mình, bà trốn tránh thế giới tàn nhẫn đã giáng lên bà những nỗi đau không tả xiết. Ta có biết được người phụ nữ ấy đã sống trong thực tại khủng khiếp ấy như thế nào không? Không, ta chỉ nhìn thấy một người vợ mất chồng, một người mẹ mất con. Ta nào có biết được, trong nội tâm người phụ nữ đáng thương ấy đang xảy ra những thứ gì. Là sự nhung nhớ những người thân yêu nay đã chia xa? Là những giọt nước mắt sầu bi tuôn rơi không thể nào ngừng lại? Là hồi tưởng ký ức những tháng ngày xưa cũ? Là buông bỏ sự thật để sống trong thế giới hạnh phúc thuở trước? Nếu quả thực người phụ nữ ấy đang sống trong một thế giới tưởng tượng như vậy, thì đó quả là điều tốt. Trốn tránh thực tế kinh hoàng để tận hưởng những khoảnh khắc trong mơ, âu cũng tốt hơn so với sống một cuộc đời khốn khổ với tâm trí điên loạn.
Một sử gia từng nói rằng cuốn nhật ký của người phụ nữ ấy là một trong những nguồn sử liệu nổi tiếng trong thời đại bà sống. Cuốn nhật ký bất chợt ngừng bút vào ngày 29 tháng 12 năm 1476, một ngày bình thường như bao ngày ở thành phố hoa lệ ấy. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với tác giả, chà, không ai biết, cho tới 535 năm sau cái ngày kỳ lạ ấy. Và khi đó, chúng ta được biết lý do cuốn nhật ký bị ngừng lại. Không phải vì tác giả đã qua đời, không phải vì tác giả mất tích, mà vì tác giả đã “chết”, “chết” trong lòng, “chết” trong cơn mê man không có điểm dừng. Gia đình tác giả khi ấy có 6 người. Ba người đã chết trên giàn treo cổ ở giữa lòng thành phố xinh đẹp mà họ sống, phải chịu những tội danh và oan trái không thể nào lý giải. Hai người còn lại cùng rời khỏi ngôi nhà thân yêu và thành phố đã mang đến cái bi kịch oan nghiệt cho họ, cùng đi đến một nơi xa xôi, và biến mất khỏi những ghi chép của lịch sử. Vậy còn tác giả đang ở đâu? Tác giả khi ấy ư, bà vừa sống, lại vừa chết. Tác giả sống, sống trong thân xác gầy gò, tiều tuỵ, khuôn mặt đẫm lệ luôn toát lên sự đau khổ không nói thành lời. Tác giả chết, chết trong cơn cuồng điên của những nỗi bất hạnh, đắm trong sự cuồng loạn từ tai ương chết chóc. Tâm trí muốn chìm trong những ảo tượng vô vọng về một cuộc đời hạnh phúc, thể xác lại cố kéo bản thân trở lại thế giới thực đầy khổ đau. Chúng cứ thế, thể xác và tâm hồn, lôi kéo nhau, giành giật nhau, cuốn người phụ nữ ấy vào vực thẳm của thống khổ và điên loạn.
Những người còn sống có giúp được gì cho bà không? Có, họ có, họ đã giúp rất nhiều. Người con gái, cô là một thiếu nữ trẻ trung và năng động, cô còn một quãng thanh xuân ở phía trước. Cô từng viết trong nhật ký về sự ghen tị của cô với người anh trai và các chuyến đi của anh. Nhưng cô đi rồi, ai sẽ chăm sóc cho người mẹ tấm trí bất ổn của cô, ai sẽ là hậu phương vững chắc để người anh xông pha nơi chiến trường? Cô chấp nhận dành đời con gái để ở bên mẹ, chăm nom thể xác vô hồn của bà. Còn phân tâm trí, chuyện ấy sẽ do nguòie con trai đảm đương. Anh chiến đấu từ những nơi lẩn khuất hay giữa công cộng, tới những chiến trường chính trị và âm mưu của lũ người đã giáng tai ương xuống gia đình anh. Trong mỗi chuyến du hành để trả thù của mình, anh luôn gắng tìm lại những chiếc lông vũ mà người em út hằng chơi đùa, để chắp cho người mẹ đôi cánh bay khỏi vực thẳm tâm hồn. Họ là những người kéo bà trở lại thế giới thực để đối mặt với thực tại kinh hoàng một lần nữa, nhưng lần này, là để bà chấp nhận nó. Người phụ nữ ấy đã tỉnh táo trở lại sau tám năm.
Tám năm, đúng vậy, tám năm.
Tám năm để thoát khỏi cơn mê cuồng dai dẳng, tám năm để được sống trong cuộc sống thực sự của bản thân, tám năm để trở thành Maria một lần nữa.
Người phụ nữ đã rời bỏ gia đình
Marie là ai? Bà là một phụ nữ người Áo, kết hôn và sinh sống cùng gia đình Dorian tại Pháp. Hãy đừng gọi tên bà kèm họ nhà chồng, bởi bà đã rời bỏ gia đình ấy từ rất lâu, rất lâu so với thời điểm diễn ra trong game. Bà là Marie.
Marie là người như thế nào? Trong bức tranh Natus – Sinh Ra, Marie hiện lên là một người phụ nữ rất đỗi xinh đẹp dù mới trải qua cơn sinh nở. Vẻ kiều diễm của bà ấn tượng tới mức hằn sâu vào ký ức cậu con trai mới sinh, để rồi sau này, chúng ta, những người chơi và những người đang đọc bài viết này, được chiêm ngưỡng sắc đẹp ấy trong bức tranh Natus. Bà cũng là một con người nhạy cảm, có vẻ vậy, nhạy cảm đến độ rời bỏ gia đình Dorian khi phát hiện ra bí mật thân phận của người chồng bà hằng yêu quý.
Marie đã làm gì? Bà để lại đứa con trai bé bỏng, bà rời bỏ người chồng vì sợ hãi công việc của ông. Bà sợ những cuộc giết chóc vì chính trị, được gọi một cách hoa mỹ là “ám sát”. Người ta sẽ cho rằng bà là một kẻ ích kỷ, không đáng gọi làm mẹ khi để người chồng rơi vào cảnh gà trống nuôi con chỉ vì sự sợ hãi của mình, và rằng lý do ấy rất thiếu thuyết phục. Tôi thì nghĩ thế này. Có lẽ không chỉ biết về thân phận của người chồng, bà còn biết việc những đứa con của các Sát Thủ Bậc Thầy, như chồng bà đây, sẽ được Hội Huynh Đệ đào tạo và huấn luyện để trở thành các Sát Thủ, giống Hội Levantine ngày xưa với Altair hay Hội Dòng Đền với Élise. Tiếp tục sống trong sợ hãi và lo lắng khi nhìn đứa con trai nối nghiệp cha và sợ hãi tiếp nối sợ hãi, hay rời đi để không cản trở hai cha con? Tôi đã cố gắng nghĩ ra lý do để giải thích phần nào cho sự rời đi khá thiếu thuyết phục của bà, bởi không chắc Ubisoft tiết lộ thêm thông tin về bà nữa.
Marie đã đi đâu? Bà trở về với quê hương yêu dấu ở nước Áo xa cách, hay đã chết nơi đất khách quê người? Charles không biết. Arno bé nhỏ không biết. Người chơi không biết. Chúng ta không biết. Có lẽ chẳng ai biết, ngoại trừ những người thuộc đội ngũ phát triển cốt truyện của Ubisoft.
Marie đã để lại những gì? Nuối tiếc và buồn bã, chắc chắn rồi. Bà cũng để lại một bí ẩn với chúng ta về sự ra đi của bà, rằng bà đã đi đến nơi khác sống hay đã chết. Arno đã viết một câu trong bức thư đầu tiên cậu gửi cho Charles sau cái chết của cha, và nó khiến tôi khá lăn tăn:
“I hope Heaven is nice for you and you are with Mama.”“Con hy vọng Thiên đường rộng mở với cha và cha ở cùng với Mẹ.”
Có người nào còn sống mà lại ở Thiên đường không? Vậy là Charles đã xác nhận cái chết của người vợ sau khi rời bỏ ông, hay nói dối Arno rằng mẹ cậu đã chết để che đi sự thật đau lòng về sự ra đi của bà? Bí ẩn ấy mãi mãi không được sáng tỏ, bởi hai người duy nhất có thể giải đáp người thì biến mất kẻ thì xuống mồ, còn Arno trong khi viết bức thư vẫn còn tin tưởng “tấm màn che” ấy, và có lẽ sẽ tin tưởng như vậy cho tới cuối cuộc đời.
Người phụ nữ và đứa con nghịch tặc
Các bà mẹ luôn dành những tình cảm cao quý nhất, những hành động thiêng liêng nhất tới đứa con của họ. Các bà mẹ yêu thương con mình từ khi một sinh linh xuất hiện trong cơ thể mình, yêu thương chúng khi chúng được sinh ra, khi chúng lớn lên, và đến cả khi sắp điểm thời khắc chia lìa mãi mãi, hành động cuối cùng của các bà mẹ vẫn luôn là yêu thương con mình.
Nhưng Linette Kenway thì không như vậy. Hành động cuối cùng của bà với đứa con trai Edward lại là một lời từ mặt con, một lời vĩnh biệt tới cậu “quý tử” của bà “thằng-không-phải-con-tao”.
Một đứa con trai dành gần như cả đời nó để kiếm tiền, để làm giàu, để mang cho gia đình nó một cuộc sống giàu sang phú quý, để gia đình nó được hạnh phúc. Đứa con trai ấy chính là Edward, gã đã thực hiện được mục đích cả đời: kiếm tiền để báo đáp cha mẹ. Vậy mà người mẹ kính yêu của Edward đã nói như thế đấy, đã từ mặt Edward đấy, đã nói Edward không phải là con của bà đấy.
Vậy Linette là một bà mẹ tồi ư? Có lẽ khi bạn đọc đến đây, bạn đã nghĩ rằng “ừ, bà ta thật tồi tệ, bà ta phủ nhận sạch trơn công sức của Edward chỉ vì anh là một hải tặc, bà ta không đáng để làm mẹ của một người con có hiếu như vậy.” Tôi cũng đã từng nghĩ như thế. Tôi đã có một cái nhìn hằn học với Linette Kenway khi chứng kiến hành động không nên có ở một người mẹ. Loại người nào lại từ mặt con mình khi nó đánh đổi cả cuộc đời để báo hiếu cha mẹ nó không?
Nhưng Edward có phải là đứa con như mẹ gã mong muốn không?
Ta hãy quay ngược trở lại những ngày tháng yên bình đầu những năm 1700, khi gã hải tặc Edward của chúng ta đang độ tuổi thanh niên, khi Edward vẫn còn cha mẹ, khi Edward còn một gia đình. Edward ngày ấy là một chàng trai tốt tính, thiện lành và nghĩa hiệp. Anh sẵn sàng đấm nhau với đám nhà giàu để bảo vệ một cô hầu gái. Anh dám chống lại những kẻ giàu có ỷ chức cậy quyền dám chà đạp những con người nghèo khó như anh, mặc dù việc ấy có thể mang lại vô vàn rắc rối cho cả anh và gia đình. Cha mẹ anh đã rất lo lắng cho Edward khi anh gây sự với những kẻ quyền thế, khuyên Edward đừng trả thù chúng mặc dù lũ đốn mạt kia đã giết và vứt xác hai con cừu trong trang trại trước cửa nhà Kenway. Họ sợ rắc rối, hẳn vậy rồi, nhưng họ cam chịu chúng vì sự yên ổn cho gia đình mà họ thương yêu.
Cha mẹ Edward là những người rất giàu lòng nhân ái. Bản thân họ đã chứng kiến nhà ngoại từ mặt con gái Caroline Scott khi cô đồng ý kết hôn với Edward, một người mà như những kẻ bề ngoài thì sang mà nhân cách rách nát kia nhận xét “loại hạ đẳng như Edward không xứng với đứa con gái danh gia vọng tộc của nhà Scott.” Ấy vậy mà vợ chồng nhà Kenway vẫn cho cặp đôi mới cưới kia một mái ấm trong trang trại của gia đình, chấp nhận sự chê bai và khinh thường từ người ngoài, cốt để tất cả thành viên có một cuộc đời êm ấm và hạnh phúc, vì gia đình mới là nơi hai ông bà Kenway luôn hướng tới. Họ thực sự yêu thương Caroline như con đẻ, khi cô chấp nhận từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để về làm dâu cho một gia đình chăn cừu nghèo. Tất cả các thành viêb đều đặt chữ gia đình lên hàng đầu, và đều sống hết mình vì mái ấm hạnh phúc ấy. Chỉ trừ Edward. Sau những lời miệt thị từ nhà Scott và sự ức hiếp từ đám nhà giàu, chàng thanh niên tốt tính của chúng ta đã có một cách tìm đến hạnh phúc khác, chính là làm giàu. Edward không biết rằng, chính cái ham mê làm giàu ấy đã đạp đổ hạnh phúc gia đình mà anh đang có, vì cái lợi trước mắt của đồng tiền đã che đi hậu quả phía sau nó ánh hư vinh giả tạo ấy.
Sự tan vỡ đầu tiên đến từ Caroline. Cô thất vọng với kế hoạch trở thành thương nhân của chồng, và rời trang trại Kenway để về nhà ngoại. Caroline làm dâu nhà Kenway không phải vì ham muốn giàu sang. Cuộc sống ở nhà Scott vốn dĩ tốt gấp vạn lần so với nhà Kenway. Tiền bạc cô đâu có thiếu, bao kẻ giàu có muốn được cô nhận lời mà cô đâu có quan tâm. Caroline chấp nhận bị cha mẹ ruột từ mặt để làm dâu nhà Kenway, chỉ vì cô muốn là một phần của gia đình hạnh phúc cùng người chồng cô yêu thương. Caroline không cần thứ vật chất lạnh lẽo kia sưởi ấm trái tim cô. Và khi anh đi rồi, thì cô cũng đi thôi, bởi người cô yêu không còn ở đây nữa. Caroline rời đi, để lại đôi vợ chồng nhà Kenway biết bao buồn rầu và đau đớn, vì cả hai đã yêu mến cô con dâu này rất nhiều. Và tới tận sau này, khi Caroline qua đời vì bệnh đậu mùa, bà Linette Kenway, lúc này người chồng của bà đã bỏ bà ở lại cõi đời một mình, đã cố gắng đến dự đám tang của cô con dâu ngày xưa, cho dù bị gia đình Scott cấm cản. Còn cậu con trai yêu quý của Linette? Gã hải tặc vẫn đang du hành khắp đại dương, truy tìn tiền bạc và kho báu, để mang lại cuộc sống khấm khá hơn cho gia đình nay đã không còn của gã.
Vậy là bà Linette Kenway không tệ như ta tưởng. Edward không hẳn là một đứa con ngoan. Gã đã để sự ích kỷ của bản thân vượt trên hạnh phúc gia đình mà không màng tới hậu quả sau đó. Nhưng chỉ vì mong muốn làm giàu để chăm lo cho gia đình của đứa con mà từ mặt nó thì có quá đáng lắm không? Đây là lúc tôi chiêm nghiệm ra bà Linette đã thực sự làm gì trong khoảnh khắc cuối cùng giữa bà và đứa con trai khi ấy.
Khi Edward kết thúc chuyến hải trình của mình để trở về quê nhà, gã đã đến gặp người mẹ Linette, lúc này đang làm việc tại một quán rượu. Gã mong muốn chăm sóc người mẹ già của mình khi gã đã có tiền trong tay, đồng thời trả thù những kẻ từng hãm hại gia đình gã khi trước. Phản ứng của bà Linette là gì? Là buồn bã, là cáu giận, là thất vọng. Trải qua biết bao chông gai, chứng kiến bao con người đã ngã xuống vì mình, mà con trai bà vẫn chưa nhận ra ư? Tiền không phải là thứ làm nên tất cả. Tiền không thể lấy lại gia đình hạnh phúc ngày xưa. Tiền đã làm biến đổi sự lương thiện của đứa con trai bà hằng yêu quý. Edward của bà là một cậu thanh niên tốt bụng, biết suy nghĩ cho người khác. Edward của bà là một đứa con ngoan, biết vun đắp hạnh phúc của gia đình. Kẻ đứng trước mặt bà đây không phải là Edward mà bà từng biết. Gã chỉ là một kẻ đã bị tha hoá bởi đồng tiền, đã bỏ lại những người gã yêu thương vì sự ích kỷ của bản thân. Gã là tên hải tặc Edward Kenway khét tiếng.
Thực tế, Linette đã từng nghe những tin đồn về việc Edward trở thành hải tặc. Dĩ nhiên bà đã lo sợ, và bà hoàn toàn có thể gọi lính gác tới ngay khi Edward bước chân vào nơi bà làm việc. Nhưng bà không làm thế. Có lẽ trong thâm tâm vẫn hy vọng đứa con trai bà đã hiểu được giá trị của gia đình không thể xây nên bằng đồng tiền. Bà hy vọng có thể ôm chặt lấy đứa con trai yêu quý để cùng sống trong một mái nhà hạnh phúc. Nhưng sao bao năm tháng đã trôi qua, sau bao biến cố đã xảy đến, sau bao thành viên đã ngã xuống mà chẳng thấy tăm hơi con trai đâu, nỗi thất vọng của bà dần nặng trĩu thêm một chút. Và tới khi nhìn thấy Edward Kenway đang đứng trước mặt bà kia, Linette biết rằng, bà đã không còn con trai nữa rồi.
Nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng hành động từ mặt con của Linette là bởi bà ghét bỏ gã. Tôi lại nghĩ khác. Chính hành động ấy là hồi chuông thức tỉnh cho Edward, rằng tiền không phải là thứ làm nên gia đình. Không có tiền thì đúng là khó sống, nhưng không có tiền mà hạnh phúc ngập tràn, ấy mới là điều Linette luôn muốn Edward hướng tới. Bà không chấp nhận những đồng tiền do Edward kiếm được từ tính ích kỷ của gã. Bà từ mặt gã để xem gã có sống hạnh phúc với những đồng tiền lạnh lẽo ấy không. Đồng tiền Edward kiếm ra đã phá tan gia đình hạnh phúc của gã. Linette hy vọng hành động từ mặt này sẽ khiến Edward ngộ ra những khiếm khuyết và sai sót, để gã vun đắp một gia đình hạnh phúc hơn. Và quả thực Edward đã hiểu chuyện. Dòng nước mắt ướt đẫm khuôn mặt gã khi bước ra khỏi quán rượu là minh chứng cho điều ấy, và cũng là động lực để Edward có một gia đình êm ấm ở London trong tương lai. Vậy là mục đích của Linette Kenway đã thành công, mặc dù bà phải trả một cái giá quá đắt. Nhưng chẳng là gì so với tình thương của một người mẹ dành cho đứa con của mình, dù nó có là đứa nghịch tặc như thế nào đi chăng nữa.
—————
Các bà mẹ luôn luôn yêu thương con cái mình, dù chúng ta có nghịch ngợm, có nhõng nhẽo, có khó bảo, bởi chúng ta luôn là con của mẹ. Và vì là con của mẹ, chúng ta cũng phải biết luôn ở bên và trân trọng những gì mẹ đã hy sinh cho chúng ta. Nhân Ngày của Mẹ 9/5, mình xin dành bài viết này để tri ân những người mẹ đặc biệt đối với mình trong series Assassin’s Creed, những người dù có xuất hiện hay không, luôn đóng một vai trò quan trọng tới hành trình phát triển của những nhân vật chúng ta hằng biết.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất