Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức WHO lăm le vào ngày 14/07 tới đây sẽ công bố, đường aspartame là “chất có thể gây ung thư cho người”. Hơi giựt gân! Cũng không lạ khi cả chục ngày nay tôi nhận được khá nhiều câu hỏi về “sự cố” aspartame từ các doanh nghiệp.
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo, gọi nôm na là đường hóa học. Đường aspartame có hậu vị kéo dài, và vị ngọt của nó khá giống với đường thường. Vì vậy aspartame thường được dùng để thay cho đường (ăn) trong thực phẩm ăn kiêng. Do sử dụng quá ít, nên phần đóng góp năng lượng của aspartame coi như không đáng kể.
Aspartame chỉ ổn định ở pH thấp nên được dùng nhiều trong các loại nước ngọt, trà, cà phê,… Nó cũng không chịu được nhiệt độ cao, và nếu dùng trong các loại thực phẩm nấu nướng sẽ có vị chát kim loại.
Aspartame không chỉ được dùng trong công nghệ thực phẩm, mà còn được bán ở dạng gói nhỏ (từ 0,5-1 g) với các nhãn hiệu Equal, NutraSweet, Canderel,.. cho người bị tiểu đường pha cà phê hay ăn chè cho đỡ…vã (mua thoải mái ở các tiệm thuốc tây).
Hiện nay hơn 100 quốc gia cho phép sử dụng aspartame, kể cả Mỹ, châu Âu, Anh, Canada,.. Các ông kẹ attp như FDA (Mỹ) và EFSA (châu Âu) dĩ nhiên đã đánh giá là aspartame an toàn từ hơn 40-50 năm trước.
Mức dung nạp cho phép mỗi ngày (ADI) là 40mg/kg thể trọng, nghĩa là với người nặng 50 kg, có thể dùng aspartame 2g/ngày. Đó là quy định của châu Âu. Còn Mỹ thì hào phóng hơn, 50mg/kg thể trọng.
Aspartame có độ ngọt gấp khoảng 200 lần đường ăn, nên trong thực tế, chẳng ai tiêu thụ nổi 2g aspartame mỗi ngày. Có thể hình dung thế này, nếu muốn xài hết quota 2g aspartame thì phải uống gần 20 lon Coke loại không đường (loại ăn kiêng).
Dù chấp thuận cho sử dụng một loại phụ gia nào đó, vẫn chưa hết chuyện. Thỉnh thoảng mấy cơ quan an toàn vẫn lôi ”đối tượng” ra đánh giá lại. Tái đánh giá mới nhất về aspartame là vào năm 2013, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) vẫn khẳng định aspartame an toàn cho người với mức sử dụng như quy định hiện nay.
Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan IARC (International Agency for Research on Cancer) thuộc tổ chức WHO đã đưa ra đánh giá rằng, aspartame là “chất có thể gây ung thư cho người”(possibly carcinogenic to humans).
Cụm từ “possibly carcinogenic to humans”, theo IARC thì được hiểu là, chất này (aspartame) hoặc là có đủ bằng chứng gây ung thư cho động vật thí nghiệm , hoặc là đối với người thì bằng chứng còn hạn chế.
Nhiệm vụ của IARC là đánh giá một chất nào đó có gây ung thư hay không, ảnh hưởng nặng nhẹ, mạnh yếu thế nào,… rồi phân nhóm. Với aspartame, lần này IARC xếp vào Group 2B, nhẹ tội hơn nhiều so với group 1 (thuốc lá, a-mi-ăng, thịt đỏ chế biến) và nhẹ hơn group 2A (thịt đỏ).
Công việc của IARC chỉ dừng lại ở việc đánh giá như thế. Còn liệu chất đó có nên được phép sử dụng hay không, và nếu được phép thì liều dung nạp hàng ngày là bao nhiêu (ADI),…nói chung là để đi tới hành động cụ thể thì thuộc cơ quan khác. Đó là JECFA (the Joint FAO/WHO Expert Committee on Food Additives).
JEFCA là ủy ban hỗn hợp các chuyên gia về phụ gia thực phẩm của hai tổ chức: WHO và FAO (tổ chức Lương Nông). WHO và FAO đều thuộc Liên Hiệp Quốc.
Công việc của IARC và JEFCA có liên quan với nhau, nhưng tính chất công việc khác nhau. Thông thường, từ đánh giá của IARC đi tới khuyến cáo của JEFCA là một bước khá dài vì liên quan đến xã hội, kinh tế,…
NHƯNG lần này khá bất thường. Cuối tháng 6 năm 2023, hai bạn IARC và JEFCA đã họp kín với nhau, và úp mở sẽ công bố aspartame là chất có thể gây ung thư trong nửa tháng tới, vào ngày 14/7 tới đây. Khôg biết trong ngày đẹp trời này, JEFCA có đưa ra mức ADI hay không.
Lưu ý rằng, cho đến lúc này, hai cơ quan “đầu sỏ” về attp là FDA (Mỹ) và EFSA (châu Âu) vẫn cho phép sử dụng aspartame, và vẫn chưa có cảnh báo gì cả về aspartame.
FDA than phiền, tổ chức WHO (qua IARC và JEFCA) chơi “bất thường” như thế là không…đẹp, chỉ làm hoang mang cho người tiêu dùng Vì sao? Vì không phải một chất có thể gây ung thư là cấm sử dụng, chẳng hạn chất acrylamide phát sanh trong khoai tây chiên, cà phê,.. được IARC xác định là chất gây ung thư thuộc group 2A (còn dữ dằn hơn aspartame, group 2B), nhưng chẳng cơ quan an toàn nào dám cấm ăn khoai tây chiên hay uống cà phê.
Người ngoài ngành, khi nghe tới “chất có thể gây ung thư” là rối rít lên lo sợ, còn doanh nghiệp thì lo bể nồi cơm… Nhưng dân trong nghề hay cơ quan an toàn bình tĩnh hơn nhiều. FDA làu bàu hành động vội vã của WHO là đúng (và tôi đồng ý với FDA điều này).
Aspartame đã được phép sử dụng cả nửa thế kỷ nay, bằng chứng dịch tễ sẽ được ưu tiên chứ không phải là những con chuột trong phòng lab.
Dù gì đi nữa, quyết định của WHO chỉ có tính cách khuyến cáo, chứ không có tính quyết định (ban hành thành quy định) như hai ông kẹ FDA và EFSA. Hai bạn này chỉ cần “ho” một tiếng là các doanh nghiệp và các nhà XNK xanh mặt.
Hôm nay là ngày 11/7/23. Còn 3 ngày nữa WHO sẽ thông báo. Wait and See