Góc nhìn về giáo dục Việt Nam và ảo tưởng chuyện du học
Trên một góc nhìn công bằng mà nói, chúng ta phải thừa nhận rằng nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều thiếu sót, còn mang nặng bệnh thành tích, còn học vì cái hư danh bằng cấp. Nhưng chúng ta đang ngày càng cải tiến và nâng cấp giáo dục trên nhiều phương diện và đã đào tạo ra nhiều chuyên gia ưu tú trong những ngành nghề. Giáo dục Việt Nam đã đang hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nền giáo dục tiến bộ trên thế giới như: Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản... Và minh chứng cho thấy chương trình đào tạo của chúng ta được nhiều kiểm định về chất lượng của các chương trình giáo dục quốc tế. Qua đó cho thấy giáo dục Việt Nam cũng không phải là lạc hậu.
Sinh viên Việt Nam có rất nhiều cơ hội để được tiếp xúc và cọ xát với các sinh viên quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới thông qua các chương trình trao đổi sinh viên mà các trường đại học Việt Nam hợp tác với các trường đại học nước ngoài thông qua các học bổng ngắn hạn và dài hạn. Cũng có rất nhiều sinh viên quốc tế đang theo học trong các trường đại học của Việt Nam, điều đó cũng khẳng định rằng giáo dục của chúng ta hiện tại đang phát triển theo chiều hướng tốt mới có thể thu hút được các du học sinh từ khắp các nước đến học tập và nghiên cứu.
Và vấn đề tự lập của sinh viên Việt Nam và du học sinh, phải công bằng mà nói du học sinh có khả năng tự lập cao hơn sinh viên Việt Nam ở một số khía cạnh nào đó. Vì cuộc sống xa gia đình, quê hương đã trau dồi bản lĩnh tự thân của các bạn du học sinh làm cho khả năng tự lập của các bạn rất tốt, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận học sinh, sinh viên Việt Nam khả năng tự lập cũng không phải là yếu kém. Có rất nhiều bạn sinh viên đã phải xa gia đình để đi học, nhiều bạn còn đi làm thêm để có thể trang trải sinh hoạt phí cá nhân giúp đỡ gia đình trong chuyện tiền nông ăn học, có những bạn còn giỏi đến mức có thể kiếm được mức lương rất cao vượt xa chi phí học tập từ các công việc như designer, content writer, copywriter, freelancer,… Tự lập hay không phần lớn không do môi trường mà là nhờ vào cái bản lĩnh tự thân của mỗi người có chấp nhận học tập và sống một cách dấn thân và hết mình hay không.
Du học sinh là bộ mặt của đất nước Việt Nam, câu này đúng nhưng chưa đủ mà đúng hơn phải là: Du học sinh học tập và nghiên cứu cống hiến hết mình là bộ mặt của đất nước Việt Nam. Đâu phải du học sinh là bộ mặt của đất nước, du học sinh mà suốt ngày sống làn nhàng, sống vật vờ, sống cho qua ngày đoạn tháng, không chịu học tập phát triển bản thân thì đó có gọi là bộ mặt đất nước? Sinh viên Việt Nam cũng rất rất nhiều người học tập, nghiên cứu, sống và cống hiến hết mình thì có phải là bộ mặt đất nước? Học sinh, sinh viên, du học sinh và tất cả người dân Việt Nam chỉ cần sống học tập hết mình, làm đúng việc và tốt việc của mình thì góp phần xây dựng bộ mặt của đất nước này.
Du học không có nghĩa là bạn giỏi hơn sinh viên trong nước mà đề nghị một mức lương cao ngất ngưỡng để xứng đáng với cái danh du học sinh hay để lấy lại cái vốn bỏ ra để đi du học. Sinh viên Việt Nam không phải là học trong nước thì xứng đáng với mức lương thấp hơn du học sinh, không tính đến trường hợp “con ông, cháu cha” thì các nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến bạn làm được gì cho họ và họ sẽ trả lương dựa trên năng lực và năng suất làm việc của bạn. Và năng lực của chính chúng ta là do bản thân tự trau dồi và rèn luyện môi trường chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong sự phát triển năng lực của mỗi người. Và chưa chắc mức lương cao đã là thành công của người trẻ chúng ta, theo nhà học động giáo dục Giản Tư Trung đại khái là: “Thành công của người trẻ không nằm ở mức lương cao và sẽ không bao giờ nằm ở mức lương cao, mà thành công của người trẻ là tìm ra được mình là ai, mình giỏi cái gì và xây dựng sự nghiệp của mình dựa trên cái tài của mình đó mới là thành công thực sự”.
Chung quy lại du học hay học ở Việt Nam không quan trọng, quan trọng là cách mà chúng ta sử dụng 4 năm đại học ra sao để xây dựng năng lực và bản lĩnh tự thân của mỗi chúng ta. Và tuyệt vời hơn đó là tìm được cái mục đích sống của mình và cái tài năng của mình để xây dựng cà phát triển sự nghiệp cá nhân theo cái tài năng và cái mục đích sống của chúng ta. Điều cuối cùng là học để trở thành người giải quyết vấn đề chứ không phải là học để lấy bằng để người ta nể.
Góc nhìn chủ quan về việc du học hay học trong nước, bài viết có sai sót và lập luận chưa chặt chẽ mong nhận được góp ý xây dựng với tinh thần cởi mở và khai phóng từ mọi người.