Anti “Yêu bản thân” Self-help / Vắc xin chữa những nỗi đau
Chào mọi người, tôi cũng đọc Spiderum 1 thời gian không dài (3 tháng). Sau khi trải qua một cuộc hành trình dài không...
Chào mọi người, tôi cũng đọc Spiderum 1 thời gian không dài (3 tháng). Sau khi trải qua một cuộc hành trình dài không tên, tôi quyết định viết bài này. Một phần muốn chia sẻ góc nhìn, trải nghiệm của bản thân. Một phần muốn nhận lại được những lời góp ý, những chia sẻ chân thành về trải nghiệm của các bạn.
Một phần nữa là tôi mong bài viết của mình sẽ đến với một cô bé mà tạo cho tôi một cảm giác thật sự đặc biệt, là động lực cho tôi tự tin đi trên con đường này.
“Anh xin lỗi, anh đã chọn nói những lời không thật với lòng mình để tổn thương em. Liều thuốc tuy đắng nhưng nó sẽ giã tật.
Dù điểm cuối như thế nào, anh mong em sẽ tìm được hạnh phúc thật sự, nhận ra được điều quan trọng thật sự không phải là những thứ mà chính con tim em bị lừa dối. Em sẽ vượt qua được. Anh tin là vậy.”
======================================================
Hôm nay, tôi đã nghe được tiếng nói thật sự của bản thân mình, điều mà tôi luôn mãi tìm kiếm. Bản thân mình là ai? Muốn gì? Và có thể làm được những gì?
======================================================
Tôi tin rất nhiều người trong chúng ta vẫn mãi đi tìm một câu trả lời trong vô vọng. Không phải do bản thân không biết được điều đó. Mà là mọi thứ, khách quan mà nói, chúng ta đều không ngờ rằng nó đơn giản đã ở kế bên chúng ta ngay từ đầu. Chúng ta đều có câu trả lời. Tất cả chỉ là phủ nhận vì bản thân yếu đuối, không dám đối mặt với điều chúng ta thật sự muốn làm, muốn trở thành.
Vì sao?
Nghịch lý phong trào “yêu bản thân, bài trừ đạo đức” của xã hội hiện đại
Yêu bản thân không phải là điều xấu, ngược lại, mọi người trở nên quá điên cuồng về trào lưu này khiến nó trở nên “biến chất”, không còn mang cái ý nghĩa gốc nữa. Tôi sẽ gọi đây là “hội chứng yêu bản thân dưới lăng kính xã hội”.
Deep down (trong thâm tâm) trong mỗi chúng ta, ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Mọi người cứ hay hỏi hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc? Giàu có? Nổi tiếng? Có nhiều kiến thức? Có nhiều trải nghiệm? Cống hiến to lớn cho xã hội?
Đôi lúc chúng ta bị đánh tráo tư tưởng khá nhiều bởi hạnh phúc vẽ ra bởi “truyền thông”, “những triết lý cuộc đời” hay đơn giản là những người bạn, những người anh, người chị, cộng đồng nhỏ xoay quanh chúng ta chia sẻ hạnh phúc của họ mà quên đi rằng, hạnh phúc của chúng ta không giống bất kỳ ai cả.
Có người được nằm lười ở nhà vào mỗi Chủ Nhật, họ thấy hạnh phúc. Cắt tỉa một chậu cây, nướng xong một chiếc bánh, họ cũng thấy hạnh phúc. Có những người nhìn thấy đứa con mình khỏe mạnh lớn lên, có những hoài bão đam mê tuổi trẻ, họ cảm thấy hạnh phúc. Chăm sóc cha mẹ tuổi về hưu, họ cũng hạnh phúc. Tôi sẽ tránh nói những trường hợp quá “đặc biệt” như những người vô gia cư hay nghèo cùng cực cũng hạnh phúc vì khó để cho các bạn đang đọc ở đây liên tưởng đến bản thân mình. Tôi không muốn xài những mánh khóe, chiêu trò của các bài viết Self-help của những guru trên mạng thường hay chia sẻ, làm quá vấn đề rồi chốt gọn lại nội dung sai lệch khiến cho người đọc không có cái nhìn thấu đáo, liên kết với bản thân.
Cuối cùng, chỉ mình bạn hiểu rõ được, hạnh phúc của bạn là gì trong thế giới đầy rẫy mâu thuẫn này khi bạn thật sự hiểu thấu bản thân (Cảnh giới mà bản thân tôi hướng đến, vẫn chưa có thể lĩnh thu hết nhưng cũng nhận thức rằng nó có hiện hữu).
Quay lại vấn đề về “Yêu bản thân”, tại sao “Yêu bản thân” lại “biến chất”?
Định kiến mới của xã hội
Từ xưa ông bà ta có câu:
“Thương người như thể thương thân”
“Lá lành đùm lá rách”
Không phải tự nhiên những câu “thành ngữ” trên thành những quy chuẩn đạo đức khi xưa. Cuộc sống vì đấu tranh sinh tồn, không thể tơ tưởng những hạnh phúc “cá nhân” trong “đại cuộc” được.
Nhưng, điều đó có phải hoàn toàn đúng? Bây giờ, khi ông cha ta đã đấu tranh cho chúng ta được một cuộc sống tiện nghi, ấm áp như ngày hôm nay. Tư tưởng trên dần trở nên lỗi thời, thay thế bằng việc phải “yêu bản thân” để trở nên đúng đắn và thượng đẳng hơn?
Phải công nhận là xã hội vào từng thời điểm, để phát triển thì sẽ có những điều tuyên truyền, định hướng dư luận để tạo ra những con người phục vụ cho mục đích của của xã hội đó.
Thời kỳ hiện đại càng cần thúc đẩy “cái tôi” trong mỗi người khác biệt, tạo sự thi đua, cạnh tranh để thúc đẩy xã hội đi lên trước. “Phải thật nhẫn tâm” với bản thân (từ bỏ đi những điều bản thân muốn làm, những điều làm bản thân thấy hạnh phúc), càng phải “nhẫn tâm hơn” với những người khác (chà đạp lên xác người khác) để bước đi lên bục được mọi người cho là “thành công”.
Con người, họ thật sự ngây thơ trong sáng từ trong core (lõi). Nhưng do định kiến xã hội dần dần móp méo hình dạng thật của họ. Khiến họ mâu thuẫn với bản thân. Con người trong xã hội không xấu đi, họ chỉ càng ngày càng không hiểu thật sự cái họ cần là gì, và dễ trở thành nạn nhân của những sự thao túng đến từ môi trường xung quanh. Họ nghĩ họ vui, họ buồn là do tác động xung quanh lên họ mà không nhận thức ra rằng nó đến từ bản thân mình. Họ đã sống vì xã hội, không phải sống vì “bản thân” như họ luôn nghĩ. Càng chìm đắm trong tư tưởng “sống phải tàn nhẫn, phải yêu bản thân, phải đặt bản thân lên hàng đầu, hơn hẳn lợi ích của người khác”. Họ tự lừa dối bản thân họ như vậy. Phải làm như thế mới đúng chuẩn mực mà xã hội vẽ ra. Bỏ đi mà “làm người” đi em.
“Người này là ai? Tại sao phải trở thành người này?” Câu hỏi mà họ chưa từng bao giờ đặt ra.
Thiếu kiến thức
“Người không vì mình trời tru đất diệt”
Chúng ta hờ hợt trong suy nghĩ, không có đủ kiên nhẫn để tìm hiểu tường tận một vấn đề, song lại thích diễn dãi chúng theo một ý nghĩa nào để có lợi cho mình. Ví dụ trên cũng là một minh chứng cho việc hiểu sai điều giảng của Phật. “Vì mình” ở đây không phải là chỉ là vị lợi ích của bản thân. Trong bài giảng của Phật ám chỉ điều to lớn hơn: Không sát sinh, không đạo tặc, không loạn ngữ, không ác miệng, không tham dục tà dâm, không làm ác – như vậy mới là vì mình.
Đôi lúc chúng ta thích và ghét một điều gì đó không phải từ trong thâm tâm chúng ta thích hoặc ghét như vậy. Chúng ta chỉ là thiếu kiến thức để nhận ra rằng:
Điều quan trọng nhất là gì? Bản chất vấn đề nó ra sao? Người ta đối xử với mình như vậy là họ có ý đồ gì? Họ cần gì ở mình? Tại sao mọi người lại đối xử tệ với mình? Tại sao ai cũng tàn nhẫn, bắt nạt mình? Tại sao?
Thật sự chính bản thân tôi, cũng có một thời gian ngắn chìm đắm trong suy nghĩ như vậy. Nhưng may mắn là rất ngắn.
Tôi tự nhận ra là xung quanh mình, người tốt với mình chiếm đại đa số. Cảm thấy số lượng người tốt nhiều vô số kể. Có thể là do ba mẹ tôi sống thật, vì gia giáo của tôi đều là “Cho đi đừng đòi lại”, “Giúp đỡ người ta khi người ta cần, không vị kỷ”. Tôi tên Thường ( không phải là Tầm Thường, Bình Thường hay Phi Thường gì cả mà là Minh Thường ( luôn minh mẫn sáng suốt ). Đó là món quà lớn mà ba mẹ tôi dành tặng cho tôi, cái tên chất chứa tình thương và kỳ vọng bản thân sẽ không sa ngã. Không cần quá đặt biệt, quá giỏi. Chỉ cần vượt qua những khó khăn, mạnh khỏe, sống tốt.
Và thật vậy, phước phần như một phép màu, tôi đã vượt qua những hiểm họa mà với những người bình thường khác, có lẽ họ đã bỏ cuộc từ rất lâu (Tôi startup thất bại vào những năm 21 tuổi, nợ vài trăm triệu, đánh bạc online mất 16 BTC, bị đuổi học, dang dở 8 năm ĐH, nhảy ngành thay đổi công việc hoàn toàn không liên quan, bắt lại từ đầu với hai bàn tay trắng). Tôi không cho rằng những điều tôi vượt qua khiến tôi trở nên quá đặc biệt. Đối với tôi nó đơn giản là cho tôi một sự tự tin để đối mặt với tất cả mọi thứ khác. Tôi tin rằng mình có thể vượt qua mà không cần phải làm biến chất đi bản thân mới đạt được. Tôi đang trên con đường đi tìm lấy chính tôi. Chuyến đi này tôi thật không đơn độc, rất nhiều người bạn đã kề vai sát cánh, tâm sự chia sẻ, cứu nguy tôi đúng lúc đúng như điều mà ba mẹ tôi từng dạy.
Tự ti mặc cảm khả năng của bản thân
Trong phong trào “yêu bản thân”, điều tồi tệ nhất là nó thường đánh vào những điều chúng ta insecure (tự ti) để chi phối, điều khiển chúng ta đi theo những tiêu chuẩn mà những người đi đầu trong các phong trào đặt ra, những chuẩn mực của họ.
Tôi xin mạn phép lấy một chủ đề khá nhạy cảm và hay gây tranh cãi. Đó là “Tình yêu”.
Chắc không ít những người đọc đến đây đều biết những khác biệt trong tư duy của phái nam và nữ. Tôi gọi đây là mâu thuẫn lớn trong việc tìm đến nhau.
Mâu thuẫn:
Phái nam luôn đề cao việc chinh phục, việc sở hữu một người con gái xinh đẹp, có giá trị, biến cô ấy thành của họ. Cho rằng việc ngủ với họ là mục đích tối thượng.
Sách vở, các guru mạng, các coach sẽ dạy:
Từ cải thiện bản thân
- Có một cuộc sống thú vị để “không nhạt”.
- Cải thiện ngoại hình, vóc dáng, cách ăn nói để thu hút phụ nữ.Luôn tự tin trước mắt phụ nữ.
Đến biến bản thân thành một “người đó”
- Đàn ông thật sự là phải abc, không phải xyz.
- Hãy tư duy “Alpha” / “Winner”. Đừng trở thành “Beta” / “Soyboy” / “Cuck” / “White Knight”
Đến những chiêu trò
- Nhận diện những phụ nữ 9,10 điểm.
- Nắm bắt tâm lý phụ nữ.
- 101 cách để thao túng cảm xúc của phụ nữ
- Phụ nữ thường sẽ hấp dẫn vì được “ngược đãi” (trai hư) hơn là được “chiều chuông” (trai tốt) – Chiều chuộng sinh “hư”
- Phải làm chủ cuộc chơi, nắm quyền kiểm soát, dẫn dắt…
- Phụ nữ thường nói những thứ họ không thật sự thích.
=============
Phái nữ cho rằng kiếm một người chồng, một người phải yêu họ, cho họ cảm giác an toàn, che chở, dẫn dắt và đặc biệt là “không ngoại tình”. Kết hôn là mục đích tối thượng.
Sách vở, các guru mạng, các coach sẽ dạy:
Từ quy định chuẩn mực và suy diễn về “chàng trai ấy”
- Một người đàn ông lý tưởng là như thế nào?
- Làm sao để biết anh ấy có thật lòng với mình?
Đến những kỹ năng để thu hút đối tượng
- Cách để trở thành phụ nữ quyến rũ trong mắt crush?
- Làm sao để anh ấy luôn nhớ mình
Đến chữa lành
- Có nên từ bỏ một mối quan hệ độc hại?
- Làm sao để quên đi người cũ
Dưới muôn hình vạn trạng những thông tin dễ dàng tìm kiếm được trên mạng, lời khuyên của những người mình không biết, không chịu một tí trách nhiệm gì cho những gì họ nói sau khi áp dụng nó vào cuộc đời của bản thân mình.
Nhưng về quy chuẩn chung thì đúng, họ đề cao “yêu bản thân” và đem những chuẩn mực của bản thân áp đặt lên cho nhau và “trật lất”. Ai cũng muốn lấy phần hơn về mình và không muốn thua trong một cuộc chiến mà họ tự đặt ra. Vì họ xem đó là cuộc chiến nên tự do “tổn thương nhau”, “lợi dụng nhau” để đạt được cái mục đích tối thượng mà mỗi bên đặt ra. Khi không đạt được, mỗi bên sẽ hằn học, đau khổ, rút kinh nghiệm để lần sau “khôn hơn” để chiến thắng “game” đó.
Không trách sao các bạn trẻ mới ra đời không khỏi bở ngỡ rằng, tin điều gì mới là đúng. Họ thật sự cần một “bạn tình” hay họ cần một “bạn đời”? Bài toán gần như không thể giải và họ cứ đâm đầu vào những “vòng lặp không hồi kết” của sự “đau khổ và cắn rứt lương tâm”. Cứ trải qua một “mối tình” là bên trong mình “chết đi một ít”. Hậu quả của việc đề cao lý tưởng “yêu bản thân” khi bản thân họ còn không biết:
“Bản thân mình muốn gì”
Thật sự họ muốn gì?
Dưới đây là góc nhìn của đại đa số “người tốt” mà tôi từng tiếp xúc, không hẳn là đúng với mọi người nhưng sẽ liên quan đến khá nhiều người trong chúng ta.
Đa phần phái nam luôn muốn tìm kiếm một nửa kia vào thời điểm họ có ít, hoặc chưa có thành quả lớn trong tay thời niên thiếu. Muốn tìm một người có thể đồng hành trên con đường dài chinh phục cuộc đời. Đối với họ, thời gian họ gầy dựng sự nghiệp là quá trình lâu dài, bền bỉ. Họ có thể đi một mình nhưng chắc chắn sẽ luôn kèm với rủi ro: Đánh mất bản thân.
Khi thành công ở mức độ nào đó rồi mới đi kiếm tình yêu. Trong quá trình đơn độc, họ cũng tự thuốc mình những quan điểm rất sai là “con gái chỉ đến với mình vì tiền, phải thành công mới thu hút được nhiều phụ nữ đẹp” hoặc với những người trải nhiều cuộc tình dang dở, họ sẽ tin chắc rằng “tình yêu chỉ là giả dối”. Cái họ muốn trong tình yêu dần phai mờ, họ đã quên mất là họ cần điều đó trong một thời gian dài rồi.
Tôi không có tiếp xúc với nhiều với các bạn nữ nhưng được là có một vài người bạn tốt (tri kỷ) có thể chia sẻ được nhiều góc nhìn quý giá về giá trị cốt lõi khi họ cần một người đàn ông cho cuộc đời họ một cách ít bias nhất có thể.
Họ luôn có những kỳ vọng lớn về một người đàn ông trưởng thành, chín chắn, ngoại hình cao ráo, phóng khoáng, vị tha, bao dung, biết lắng nghe, biết chiều chuộng, ngoài lạnh, trong ấm áp, tài chính ổn định (giàu có thì càng tốt) và đặc biệt phải yêu mình họ và không ngoại tình. Nếu người đó có thật thì các bạn nữ ấy nên bỏ bớt tiêu chí “chỉ yêu mình họ” thì có cơ may sẽ gặp được.
Vì đúng thật, khi một người đàn ông đã có tất cả những thứ trên. Họ sẽ rất “trải đời” và các bạn sẽ không tài nào biết được người ấy có “thật sự” yêu mình không. Họ có thể có mọi cô gái trên đời, bạn sẽ giữ người ấy lại bằng điều gì mà các cô gái khác không thể cho họ được?
Một cuộc đấu khẩu sẽ xảy ra giữa 2 phe: “Lấy người mình yêu hay lấy yêu người yêu mình” sẽ nổ ra. Ai cũng có cái lý của họ. Con trai họ được chọn người mình thích chẳng lẽ con gái lại không được quyền mưu cầu hạnh phúc đó?
Sau mọi chuyện là thời điểm họ nhận ra rằng. Cái thật sự họ muốn rất giản đơn: “Hai tâm hồn thấu hiểu và có thể đi cùng với nhau.”
Forget the magazines,
The tricks of Hollywood,
They make it look so great,
That you forget what's good,Look at the sky there's no need to cry,
Ain't got money but we got sunshine,
Mud on our boots and fish on the line,
Ain't got nothin' but we're in paradise,
Look at the sky we'll be alright,
Ain't got money but we got sunshine.Sunshine / Skylar Grey
Hạnh phúc đơn giản là vậy, ngắm ánh nắng mặt trời với một nửa quan trọng đời mình (significant other)
Vắc xin chữa những nỗi đau
Be still
Wild and young
Long may your innocence reign
Like shells on the shore
And may your limits be unknown
And may your efforts be your own
If you ever feel you can't take it anymoreDon't break character
You've got a lot of heart
Is this real or just a dream?
Rise up like the sun
Labor 'til the work is doneBe Still / by The Killer
Tôi gọi điều tôi sắp nói đây tựa như một liều vắc xin. Nó không có tác dụng chữa lành vết thương hiện tại (yeah! Tựa đề để câu view).
Tuy nhiên, tôi mong rằng nó sẽ giúp bạn, cũng như nó đã giúp cho tôi cảm thấy dễ chịu, mạnh mẽ hơn, tinh thần ổn định và suy nghĩ mọi vấn đề nó thấu đáo hơn.
Do đây là vắc xin, bạn sẽ phải mâu thuẫn với bản thân rất nhiều, phải trải qua cú sốc này, bạn mới hiểu được và nghe được chính con tim mình đang muốn nói điều gì.
Chúng ta hay nhìn vào mặt tối của vấn đề, nhiều tiêu cực với mong muốn thay đổi, cải thiện, hoặc xóa tan nó với chính nghĩa của bản thân (Đánh giá một sự vật, hiện tượng cụ thể nào đó qua những nhận thức, những trải nghiệm mà chúng ta cho là đúng đắn để phán xét) mà hay bỏ qua một bước đó là “chấp nhận nó”. Khi có một ý kiến “trái chiều” với “chính nghĩa” chúng ta nhận định, chúng ta thường phủ định là nó sai, với tất cả mọi kiến thức của chúng ta về nó. Rất dễ để làm điều này, và cũng rất dễ lan tỏa nguồn cảm hứng như vậy. Điều này sẽ kích động sự mâu thuẫn và tranh cãi, không phải để giải quyết vấn đề, mà đơn giản chỉ là tranh cãi. Để thỏa mãn cái tôi của cả hai bên.
Tôi nhận ra rằng nếu “chấp nhận” được những suy nghĩ “trái chiều” với chúng ta, chúng ta sẽ tiếp cận được mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu. Không phải là trắng hay đen, mọi thứ đều là một ánh xám.
“There's no black and no white, just shades of grey”
― Kate Mosse, Citadel
Và sau đây, đây là liều vắc xin.
Tôi tin trong mỗi chúng ta đều có một hệ quy chiếu khác nhau, tôi gọi đây là “chính nghĩa” của từng con người. Và hệ quy chiếu này thật sự có “chấm điểm cuộc sống” của bạn mọi lúc, mọi nơi.
Khi bạn hành động một điều gì đó sai với “chính nghĩa” của bản thân, hệ quy chiếu này sẽ “trừ điểm cuộc sống” của bạn khiến bạn mâu thuẫn, bất an, lo sợ, tự ti. Mỗi lần bạn lừa dối “bản thân”, bạn tự giết đi trong mình một ít. Bạn nhận thức được điều đó, nhưng lại không muốn thừa nhận “chính nghĩa” mình là như vậy. Bạn là một “người tốt” từ trong thâm tâm, nhưng không thể luôn “cho đi” mà không “nhận lại” vì xã hội đề cao “yêu bản thân” khiến bạn mâu thuẫn với “chính nghĩa” của bản thân. Điều bạn muốn làm nhưng không dám làm vì sợ “tổn thương”, sợ “có lỗi với bản thân”, sợ bị “xem thường”, sợ bị cho là “ngu dốt, dại khờ” và tự nhủ bản thân phải trở thành một con người mà chính “chính nghĩa” của bản thân bạn không thể chịu được.
Bắt đầu với những điều tiêu cực. Khi đánh giá nhanh một con người thì dễ, và hầu như trong xã hội thường hay phán xét người khác như vậy nên khiến việc đó trở nên đại trà và bình thường.
Tôi cũng đã từng ở hai vị trí đó, người phán xét và bị phán xét. Tôi nhận ra rằng cả hai đều không đúng. Tôi cho rằng việc tôi làm là “giúp ích cho người khác” trong khi đa phần người khác không hiểu tôi sẽ đánh giá tôi làm vì mục đích vụ lợi cá nhân, có một ý đồ đen tối sâu xa gì đấy. Không khó để gặp đầy mâu thuẫn đó trong cuộc sống.
Hãy suy nghĩ ngược lại xem:
- Bạn có ngại khi phải giúp người, làm điều tốt vì sợ bị “đánh giá” là “giả tạo”?
- Những người mà bạn cho rằng xấu xa, họ có những điểm tốt nào bạn cần phải công nhận?
- Bạn có cố ý hiểu lầm một ai đấy không (Bạn biết nhưng bạn không muốn tự thừa nhận)?
- Bạn có lừa dối bản thân rằng mình thích một thứ rồi phải thể hiện ra mình ghét sau khi biết những người xung quanh mình đều không thích thứ đó?
- Bạn có cố ý áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác mà không dám thừa nhận đó là ý kiến cá nhân mình chứ không phải là đại đa số?
- Bạn có nhận ra mình thật sự là người tốt trước khi bị người khác đánh tráo khái niệm về tốt xấu, khiến bản thân ngày càng tự ti, suy nghĩ tiêu cực về giá trị con người mình (sell yourself short) – Nạn nhân của một trò thao túng tâm lý (gaslighting).
- Bạn là chính là người thao túng tâm lý người khác, không phải bạn muốn làm điều đó vì bản chất bạn xấu, chỉ là bạn cảm thấy mình phải thể hiện sức mạnh, quyền lực để che đậy đi sự tự ti, thua kém người khác bằng lớp vỏ cọp bên ngoài.
Hãy thay đổi việc đánh giá điểm xấu bằng đánh giá những điểm mạnh, điểm tốt của người khác xem
- Người sếp luôn gắt gỏng, nóng tính, hay ép nhân viên làm ngoài giờ, liệu ông ta có đang đối mặt với những khó khăn gì không? Có ai giúp ông ta không? Ông ta cũng có lúc tâm sự về tình hình khó khăn mà công ty phải đối mặt, ông ta cũng cố hết sức, làm ngày làm đêm để giữ công việc của mọi người. Thức khuya rất bào thể lực và tinh thần, những lời cay nghiệt từ ông ta có thể là do ông ta quá áp lực hoặc quá mệt mà thôi (Có thể đúng hoặc sai, vào trường hợp này nên give a benefit of the doubt “nên cứ cho rằng điều đó là đúng đi”- bạn cũng sẽ không quá thù hận với ông ta, cũng không tự trách bản thân mình vô dụng (Win-Win)
- Một người nhân viên ở ngoài thì trông rất là lười biếng, hay facebook, làm việc riêng giờ hành chính. Đánh giá nhanh thì sẽ rất dễ dẫn đến sa thải. Tuy nhiên, có một buổi trao đổi thẳng thắn, người sếp mới nhận ra là công việc giao cho người ấy không phù hợp, họ thấy không có khả năng thăng tiến nếu chỉ làm quanh đi quẩn lại những công việc nhàm chán trên. Thử xem tài năng của người này như thế nào, giao cho những công việc khó hơn, nhiều thử thách để họ có thể khẳng định được bản thân. Biết đâu nhân tài hiện diện xung quanh ta, mà chúng ta không biết cách để khai thác, để sử dụng hết khả năng của người đó, thật là một sự phí phạm nếu chỉ judge the book by its cover (đánh giá cuốn sách chỉ qua bìa).
- Một người con gái muốn con trai sẽ trả 100% chi phí mọi buổi hẹn cũng không nói lên được con người cô ấy như thế nào, có chia đôi tiền bill cũng không nói được cô gái ấy có coi trọng hay coi nhẹ bạn hay không. Thay vì nghĩ cô ấy thử hay lợi dụng mình, thật sự cô ấy chỉ muốn tìm hiểu bạn có phải một người đàn ông đúng với những tiêu chí của bản thân hay không. Đó là một cô gái có tiêu chuẩn nhất định. Nếu sự thật có ngược đi chăng nữa, bạn cũng hoàn toàn có thể kiếm lại số tiền đã chi dễ dàng thôi, nó không đi ngược lại với “chính nghĩa” của bạn.
- Một người con trai tiếp cận bạn, anh ấy có thể làm mọi thứ để bạn dành sự chú ý của bạn. Bạn nhận ra rằng, cậu trai ấy, có những tật xấu abc, xyz. Nhưng thật tâm anh ấy như thế nào, bạn cần thêm thời gian để hiểu rõ hơn. Anh ấy nghe ý kiến bạn vì anh ấy “tôn trọng bạn”, anh ấy “tặng quà cho bạn” cũng chưa chắc rằng anh ấy “chiêu trò sách vở” gì để chinh phục bạn vì với kiến thức hiện tại của anh ấy, anh ấy chỉ làm được đến thế (Thật, không “chiêu trò sách vở” nào dạy ba cái trò lụy như vậy). Anh ấy tốt xấu thì cần thời gian và một cách nhìn “tinh tế và khéo léo” để thật sự “đánh giá”. Nhưng nên tin là anh chàng ấy “tốt” đi, thật hư tính cách hợp hay không thì thời gian sẽ giải đáp
Đánh giá, nhìn ra những ưu điểm của người khác là một việc cực kỳ khó khăn, tốn thời gian và đòi hỏi sự “tinh tế, khéo léo” so với việc tìm móc lỗi sai, khuyết điểm của người khác. Nó là việc cần phải làm để kết nối với được với “chính nghĩa” của bản thân. Vì trong thâm tâm chúng ta, chúng ta đều lương thiện, đều là người tốt và mưu cầu hạnh phúc. Tại sao chúng ta không nhận ra mọi người đều chung một mục đích tối thượng như vậy?
Tôi đã nhìn ra được bản thân mình qua những nhận thức trái với lại trước kia, việc đánh giá người khác tốt hơn, tích cực hơn giúp phần nào bản thân mình cũng được người khác tôn trọng, và mở lòng chia sẻ với chúng ta hơn.
Đúng vậy, chúng ta là sinh vật không thể sống được nếu không có social (giao tiếp).
Khó mà có thể tự lành nếu không có sự cố gắng chữa lành từ người khác.
Chúng ta cần cố để hiểu nhau hơn, sẽ không là “Chúng ta mãi mãi không hiểu nhau”.
Đôi lúc trải nghiệm của mỗi người sẽ khác với tôi, tôi cũng không đảm bảo là sẽ giúp bạn nhận ra được điều gì qua bài viết này. Tôi cũng đã cố gắng sử dụng những từ ngữ nhẹ nhàng và chân thật nhất, tránh những từ ngữ mạnh gây kích động để dễ dàng tiếp cận cho mọi lứa tuổi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất