Thân gửi bạn, người tôi chưa từng biết tới… 

Phải nói thế nào đây nhỉ, thú thực tôi không hề muốn mình phải liệt kê ra một loạt các thông tin cá nhân để thay cho hai chữ xin chào. Đây là giao lưu chứ không phải ứng tuyển, thế nhưng khi mua giấy viết thư tại cửa tiệm thì có rất nhiều bạn đang làm chính cái điều mà tôi vừa phủ nhận. Tính ra trông họ cũng căng thẳng lắm luôn đấy, họ sợ những câu chữ gửi đi sẽ không đủ độ tin cậy để nhận lại hồi âm giống như tuổi thanh xuân của mấy gã thực dụng nào đó. Tôi thì hơi khác một chút. Tôi thì nghĩ rằng tâm tư của con người là một khía cạnh có cho cũng được, mà nhận cũng chẳng sao. Chỉ có giữ lại mãi trong lòng thì nó sẽ phân rã và gây nhiều khó khăn cho chúng ta nếu muốn thu dọn nó đi. Vậy nên, nếu được thì hãy hồi âm lại cho tôi nhé, còn không thì cứ tiếp tục chuyển nó cho người mà bạn nghĩ là cậu ấy có thể đồng quan điểm với tôi. Nói vậy thôi chứ tôi vẫn mong rằng, chính bạn sẽ là đầu cuối cùng trong hành trình chuyển phát của bức thư này chứ không phải là một ai khác cả. 
Nơi tôi bắt đầu viết ra những dòng này là tại căn phòng trọ ẩm thấp của mình, vào một trong số những ngày mưa ẩm ương không dứt của đất Sài thành. Căn phòng trệt kèm gác lửng được xây thành dãy và có gắn công tơ điện to tướng bên ngoài cửa, rất phổ biến trong những khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp. Hôm nay thời tiết tồi tệ kinh khủng, đến tận trưa rồi mà trời vẫn chưa dứt. Trong phòng rải đầy xô chậu hứng dột, còn riêng kệ sách thì tôi tạm che bằng vải dù chống nước nhưng xem ra vẫn không đảm bảo được. Tối quyết định ra khỏi nhà vào khoảng 1 giờ chiều để đến quán Café sách yêu thích, không quên mang theo Laptop cùng cuốn “Lắng nghe gió hát” làm tư liệu cảm hứng. Ống quần tôi (từ phần đầu gối trở xuống) chẳng mấy chốc bị ướt chèm nhẹp bởi nước đọng trên áo mưa thấm xuống, chưa kể là phải đi qua một phần đường ngập gần nửa bánh xe. Trong sự căng thẳng và tập trung cao độ vào tay lái, hàm răng tôi cứ đánh lập cập như mấy tay vũ công đang dậm đà lấy nhịp vậy. Chúng dần tạo thành những tiết tấu đều đặn râm ran bên tai mà không ai có thể hình dung được. Sẵn có cái “đà” bất chợt này, tôi cứ thế vừa đi vừa hát cho tới khi đến nơi. Hát cho quên đời, có lẽ vậy, mặc kệ đời có quên mình hay không. Quên nói nữa là tôi hát dở lắm đấy.    
Tại quán Café lúc này đang có nhiều người xếp hàng để mua một cái gì đó, tôi không rõ lắm. Hỏi han nhân viên phục vụ thì biết được rằng đang có một chương trình tri ân đặc biệt, mở cửa tự do cho những ai có nhu cầu tham gia. Giá phải trả ở đây là mỗi người sẽ viết một bức thư tay (chủ đề tùy chọn) cho quán, và quán sẽ gửi bức thư đó đến một người bất kỳ đã đăng ký vào hệ thống trao đổi thư được mở từ 2 tuần trước trên trang chủ & fanpage của quán. Nói ra những dòng này có vẻ hơi…thừa nhỉ. Khổ giấy và ngôn từ có hạn mà tôi lại mất nguyên cả đoạn văn chỉ để giải thích lại những thông tin mà bạn hẳn đã nắm rõ. Nhưng thực sự mà nói thì tôi đã cảm thấy rất phấn chấn với việc làm đầy ý nghĩa này của quán. Trong đầu tôi cứ lởn vởn đến việc sẽ giới thiệu ngay cho những người bạn mình, nếu họ có tồn tại và đang chán chường không biết phải làm gì để qua ngày. Thôi thì bạn hãy cứ xem như tôi đang viện dẫn một chút cho đầu câu chuyện đi, theo một cách hàm ơn tương đối khuôn sáo. Đừng nản lòng nhé.
Sẵn tiện nói luôn về hai chữ “nản lòng” ở trên, đôi khi tôi nghĩ rằng thế giới này được tạo ra chỉ để thử thách sự nhẫn nại của chúng ta. Nó sẽ hầm hừ nắn gân nếu ta muốn đương đầu trực tiếp, và quay sang tấn công tới tấp nếu chúng ta chọn cách né tránh nó. Với những kẻ ăn sung mặc sướng thì sự nhẫn nại là cuộc đấu tranh trường kỳ để đẩy lùi chủ nghĩa nhàm chán vô vị, còn với những kẻ khổ hạnh như tôi đây thì nó gần gũi hơn với rất nhiều giải pháp khác nhau nhằm tìm cách để tiếp tục tồn tại. Tôi đã soạn trước một bản nháp về bố cục sơ bộ cho bức thư tại quán Café, sau đó tranh thủ về nhà viết lại lần nữa sao cho hoàn chỉnh hơn. Đây đã là phiên bản thứ 5 rồi, nghĩa là có đến 4 lần tôi đã cố gắng bày tỏ ra ý mình để rồi vò nát hết tất cả cho vào sọt rác. Thật khó quá! Ồ, cái câu mà tôi bình thường không dám nói ra thế là đã lọt vào trong đây rồi. Nếu bạn cho rằng việc này không đáng để thương hại thì xin lượng thứ, nhưng quả thực là tôi không có cơ hội được thốt lên những lời thoái chí lung lạc kiểu như vậy. Tuy có khá ít người xuất hiện trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi, nhưng tất cả họ đều muốn được tai nghe mắt thấy những giá trị được số đông đề cao và khuyến khích làm theo. Tôi, ngược lại, luôn cảm thấy ngột ngạt vì điều ấy. Một cách bản năng, tôi muốn được làm trái với những điều đáng để kỳ vọng kia, tất nhiên là trong âm thầm và lặng lẽ. Hầu hết là tôi tự thuật cho mình biết, tự hát cho mình nghe và tự viết cho mình đọc. Hai cái đầu không bàn đến rồi, nhưng nói về cái cuối – viết – thì nó lại là thứ thần dược giúp tôi vượt qua được những phút mặc cảm của bản thân. Chừng nào cơ thể còn trong trạng thái tỉnh táo thì tôi luôn cố gắng viết lên điều gì đó. Viết cho những tiếng lòng đang giằng co giữa dòng nước xiết, viết cho những năm tháng tuổi trẻ cô đơn, và viết cho sự thanh thản sau cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay. Ý là viết sao cho tròn trịa đủ ý trước khi lên giường ngủ đấy.
* * *
Rồi, phần còn lại của bức thư này tôi sẽ kể cho bạn về một số chuyện không hoàn toàn là của chính mình. 
Tôi thường hay đi lung tung khắp nơi để lấy tư liệu, hoặc tối thiểu là nhặt nhạnh những cảm hứng để điều tiết sự tồn tại. Hành lý mang theo lúc nào cũng có quần áo (tất nhiên), cuốn sổ tay dày cộm, một vài cây bút chì (kèm tẩy) và chiếc máy tính xách tay có thể sử dụng pin trong nhiều giờ liền. Thứ quan trọng nhất, kinh phí, thì tôi tự dè xẻn từ đồng lương của chính mình, chẳng phải ngửa tay xin trợ cấp từ bất kỳ ai cả. Sống kiêng khem một tý cũng chả chết gì đâu, miễn là có thể tích lũy được số tiền cần thiết thay vì liều mạng đi vay vốn ngân hàng giống như hàng tá tay chơi khác. 
Những nơi tôi lưu lạc đến thường là tổ hợp của một vài ý tưởng bất định. Lúc thì trong một hốc đá nhỏ ven bờ hồ tĩnh lặng, khi thì trên chuyến tàu cánh ngầm đông đúc xuyên suốt qua những đầu sóng dữ, rồi thi thoảng thì lại ngồi cheo leo trên nóc sân thượng để tận hưởng cảm giác chơi vơi từ thinh không. Đó đều là những nơi rất hay được làm quá lên trong các clip ca nhạc, nhưng thực tế thì không mấy khi được vậy đâu. So với trên ống kính, chúng (ý nói là cảnh vật ấy) trầm tư lặng lẽ hơn nhiều, ẩm ướt nhớp nháp chứ không đạt đến sự thoáng đãng và tươi xanh ngời ngời như đã qua xử lý hình ảnh. Và sau cùng, hầu hết chúng đều không được con người ưa chuộng. Chẳng mấy khi tôi phát hiện dấu hiệu của ai đó khi đứng một mình giữa thiên nhiên cả.  
Có đúng duy nhất một lần ý tưởng lớn gặp nhau, đó một phóng viên người Anh tuổi tầm trung niên đang trong quá trình tác nghiệp. Do muốn chụp lấy một khoảnh khắc tuyệt đẹp nào đó nên anh ta đã leo tít lên cành cây cao để rồi không tài nào xuống được. Sau khi giải cứu thành công, anh ta tự nấu bữa tối để trả ơn tôi với một đống đồ hộp mang từ nước sở tại (nhìn vậy thôi chứ ngon lắm đấy), rồi sau đó còn hào phóng chia sẻ rất nhiều câu chuyện từ những vùng đất mà tôi khó có thể xin VISA để đặt chân đến. Một thế giới nhân sinh quan rộng lớn và dĩ nhiên là đầy ắp lòng bao dung chân thành. Trong đêm tối se lạnh của khu rừng nhiệt đới, tôi cảm thấy như cuộc đời này đã dễ dàng trông thấy. Bằng một suy diễn tình cờ nào đó, tôi cảm nhận được cả thế giới đang quy về một mối, tuy không thể diễn đạt hết được thành lời nhưng cũng không vì thế mà tự cấm khẩu mình thốt lên những câu yếu hèn như trước nữa. 
Larry Wickham (tên đầy đủ của anh ta) có một cậu con trai, nhìn qua hình lưu niệm thì trông thằng bé thật sáng sủa hiền lành. Hôn nhân của Larry vốn không hạnh phúc khi vợ anh lén lút ngoại tình với một người đồng nghiệp làm chung Tòa soạn. Chuyện càng tồi tệ hơn sau khi phát giác ra mối quan hệ nhơ nhuốc kia, cô ta hào hứng làm thủ tục ly hôn và đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm nuôi con cho chính anh. Trong bộ trang phục hở trước thiếu sau và có hơi men thôi thúc tại một buổi tiệc cuối năm của Tòa soạn, cô ta ôm eo tình nhân mình và mắng thẳng vào mặt Larry, rằng cô muốn tận hưởng triệt để một mối quan hệ trai gái đơn thuần để thỏa mãn cơ thể hừng hực mà mình đạt được sau khi sinh. Larry khi nghe những lời nặng nề ấy vẫn nhoẻn miệng cười như một đứa con nít, nét mặt hay cử chỉ không suy sụp một li nào. Anh lý giải với tôi rằng, vào thời điểm ấy, anh đã trở nên bình tĩnh hơn bao giờ hết. Anh chỉ nghĩ rằng mình đã không đáp ứng đủ hạnh phúc cho vợ mình, và điều gì đến cũng sẽ đến theo từng thang bậc tự nhiên của Thuyết nhu cầu. Đơn giản thế thôi. 
Tuy nhiên, thật khó có thể nói được rằng thử thách mà tạo hóa dành cho Larry lại nghiệt ngã đến vậy. Giọt nước tràn ly đã xảy ra vào hơn 10 năm sau đó. Con trai anh, khi đó 16 tuổi, đã treo cổ tự sát trong phòng riêng. Larry gần như gục ngã trước mất mát ấy. Nhiều đêm liền anh đã gào khóc thảm thiết trước tượng Chúa đặt trong khuôn viên Nhà thờ thành phố. Trước khi đọc thư tuyệt mệnh của thằng bé, anh đã không thể hiểu nổi chuyện gì vừa xảy ra cả. Thằng bé bị trầm cảm nặng và quay cuồng vào những suy nghĩ cùng quẫn, ấy thế mà nó vẫn thể hiện trước mặt anh như không có gì cả. Trên lớp, nó bị bạn bè và thầy cô xa lánh, trở thành đối tượng bắt nạt liên miên của tuổi mới lớn nổi loạn. Về nhà, thằng bé nói dối với bố rằng đó chỉ là chút trầy xước trong lúc tập Rugby cùng các đàn anh, thậm chí còn vui vẻ khoe những điểm số cao mà nó đạt được trên lớp. Larry nói, điểm môn Địa lý của thằng bé lúc nào cũng đạt tuyệt đối, cũng như những bài luận với các biểu đồ thống kê mà thằng bé tự dựng nên thực sự chỉnh chu hơn hẳn so với tư duy chung của những đứa cùng lứa. Đó không đơn thuần là bởi học hành chăm chỉ, mà còn là thiên bẩm thuần túy của một con người ắt sẽ tạo nên kỳ tích nào đó về sau, anh mơ tưởng vậy. Larry vào thời điểm đó vô cùng bận rộn khi đảm nhiệm chức vụ mới trong Tòa soạn, quỹ thời gian bị giới hạn nên anh ít có dịp tâm sự cùng con, nhưng mỗi lần có thể tranh thủ được thì anh luôn động viên thằng bé rằng “hãy chuẩn bị đi, khi nào đến Gap month của bố thì hai chúng ta sẽ cùng nhau chu du khắp thế giới”. Thằng bé vui mừng đến ứa nước mắt, Larry cũng vậy. Nhưng thằng bé đã không có đủ kiên nhẫn để đợi bố nó.
Kể đến đây, Larry nhắm nghiền mắt và bắt đầu mặc niệm. Thân người anh khẽ run lên theo từng cơn gió thổi héo hắt từ phía rừng cây bạch đàn xơ xác. Cả bầu trời đêm cũng tự ngưng đọng lại như thể đồng cảm với nỗi đau đã quá cũ kỹ trong anh. Larry nói, đến khi không còn nước mắt để than khóc nữa, anh chỉ biết đan chặt bàn tay lại và khấn cầu cho mọi thứ sẽ qua. Anh buộc phải làm vậy để kìm hãm lại những thôi thúc trong lòng mình, đó là lòng hận thù chất đầy đối với những kẻ đã bức tử con trai anh đi đến cái chết. Nhiều lần chìm sâu trong cơn say, Larry tự hình dung ra viễn cảnh rằng mình sẽ bắt cóc những kẻ bắt nạt man rợ kia rồi treo cổ từng tên một. Anh sẽ quay lại cảnh hành quyết và soi ống kính thật kỹ vào những gương mặt sùi bọt mép trong tuyệt vọng để tưởng nhớ con trai mình.
Rất may là bằng một thần lực nào đó mà Larry đã tìm ra được điểm dừng cần thiết, sau khi anh mua cuộn dây thừng và đủ số thuốc mê liều cao về trữ trong nhà. Nốc sạch chai Bourbon, anh tính chợp mắt một lúc, định bụng sẽ bắt tay vào kế hoạch ngay sau khi tỉnh dậy trước lúc trời sáng. Lý thuyết là thế, nhưng rồi thì anh đã chẳng làm gì cả, chính xác hơn là không thể làm được điều mà mình muốn. Anh lãnh một cú tát trời giáng vào mặt ngay khi vừa lim dim. Với cơn đau ngoài sức tưởng tượng, Larry điên tiết vùng dậy nhưng không tìm thấy ai cả. Sau một hồi ngờ vực giữa mơ và thực, anh ngủ tiếp, và lại nhận thêm một cú tát nữa. Lần này thì máu từ miệng anh chảy ra lênh láng, bộ hàm gãy mất vài cái. Hiện tượng kỳ lạ này lặp đi lặp lại cả chục lần trong đêm hôm ấy, đến nỗi gương mặt Larry dần biến dạng như bị ong chích. Anh không nhìn thấy đường, phải nhờ đến hàng xóm xung quanh để đưa đi cấp cứu.
Trong sự hoảng loạn tột độ, Larry tìm ngay đến bác sỹ tâm lý và vội vã tham gia các khóa điều trị theo diện cá nhân về hồi phục chấn thương tâm lý. Thù hận dần nguôi ngoai, và những cú tát đau điếng không rõ nguồn gốc cũng vì thế mà không còn nữa. Công việc anh bị gián đoạn trong suốt thời gian trị liệu, nhưng vị Tổng biên tập đã linh động giúp anh thu xếp và tạm thời đảm trách cho các quyết định. Larry phì cười nói rằng cũng chính ông ấy là người khơi mào ý tưởng tác nghiệp không biên giới của anh bây giờ. Đích thân ông đã đón anh ra khỏi viện sau khi hoàn thành khóa điều trị, mời anh ăn tối tại nhà và ra sức khuyên nhủ về con đường phía trước. Khi nghe Larry chia sẻ rằng hai bố con nhà anh từng muốn đi vòng quanh thế giới, ông đã xoa đầu và nói rằng hãy làm ngay điều ấy ngay đi. “Đừng chờ đợi một ai đó nữa, đây là hành trình chỉ dành riêng cho con thôi. Con hãy đi để cứu rỗi lòng con, để trải nghiệm thứ tình yêu mà con từng mơ ước cho khắp thế gian này, để những nỗi đau không còn chết rũ trong lòng nữa.” Larry nghe xong đã ôm chặt lấy ông và khóc nức nở, như một đứa trẻ tìm được nơi cần thuộc về.
Tính đến nay là đã hơn 5 năm kể từ khi Larry bán lại căn hộ 2 phòng ngủ của mình tại London, thanh lý hầu hết đồ đạc trong nhà để lên đường tác nghiệp. Anh vẫn giữ nguyên chức vụ nhưng giờ chuyển sang hoạt động ở một mảng hoàn toàn khác so với trước, điều này khiến cho cả Tòa soạn không khỏi xôn xao và có những màn dèm pha to nhỏ về mối quan hệ thiên vị giữa anh và Tổng biên tập. Rồi cũng sẽ êm xuôi thôi, Larry chỉ cảm giác nhè nhẹ như vậy, khi lúc này anh đang đứng cách cái nơi thị phi ấy đến cả chục ngàn cây số. Larry là đội trưởng của một nhóm gồm năm thành viên, tất cả sẽ đi khắp nơi trên thế giới để thu thập đủ thứ tin tức. Ngoài một vài tháng cao điểm (có diễn ra sự kiện văn hóa quan trọng như tháng Ramadan chẳng hạn) nhóm phải săn bài theo chủ đề cụ thể được Trụ sở phân công, còn lại thì các thành viên sẽ tự do khai thác từng khía cạnh mà họ cảm thấy phù hợp để đăng bài. Sẵn có vốn hiểu biết rộng nên Larry có thể viết được trên nhiều thể loại khác nhau, sẵn tiện xác nhận lại cuộc sống thực tế tại mỗi nơi có giống với những gì anh đã từng biết không. Từ những quán bar ngào ngạt hương vị tại La Habana, thánh đường Hagia Sophia sừng sững lúc chạng vạng đỏ au cho đến thảo nguyên Patagonia rộng khắp chân trời; mỗi nơi đều gợi nên những cảm hứng bất diệt khiến Larry không khỏi xúc động mà cầm bút lên. Anh cảm giác rằng trong từng dòng ghi chép lại, sự giao thoa giữa hai nguồn thế giới đã cùng thăng hoa thành niềm say mê tột độ khiến đôi chân anh không buồn quay gót lại nữa.
Trước khi ngủ, tôi có hỏi Larry một câu sau cùng, về những cay đắng trong quá khứ có còn dai dẳng. Anh điềm nhiên trả lời, rằng từ lúc được thần lực trao cho sự thức tỉnh thì nó đã đọng lại đâu đó trong anh rồi. Đôi lúc nó thành hình theo một vài giấc mơ nào đó; khi mà anh cảm thấy đất trời đảo lộn, dưỡng khí bị vắt kiệt đi và đôi chân mình như cách rời khỏi mặt đất. Nó có thể sẽ ám ảnh Larry đến tận cuối cuộc đời, nhưng anh nghĩ điều đó chẳng còn quan trọng nữa. “Tôi đã được tha thứ rồi. Thế là quá đủ.”, Larry nói một cách mãn nguyện. Quá khứ hẵng còn, nhưng giờ nó đã nằm khuất sau tấm gương phản chiếu cuộc đời của một con người. Khi Larry quay lại nhìn nó, anh chỉ thấy bản thân mình và cả một vùng trời rộng lớn còn ở phía trước. Cứ thế, anh dần thiếp đi trong những dự cảm an lành của ngày mai, còn tôi thì mơ về một bữa sáng thịnh soạn ở đâu đó. Hai tô phở nghi ngút khói được mang ra trước mặt tôi và Larry, và cả hai lúi cúi ăn như chết thèm để bù cho mấy ngày ních đồ hộp trước đó.
* * *
  Trong 4 lần chắp bút mà tôi đã hủy giữa chừng, chưa có lần nào tôi viết đến câu chuyện của Larry cả. Nhưng ở lần thứ 5 này, tôi đã viết thẳng một mạch đến tận đây, phần cuối của bức thư. Câu chuyện đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, quá nhiều so với hết thảy những gì mà tôi từng phải đối mặt. Tôi thật cảm thấy bản ngã của mình nhỏ bé hẳn đi, và mọi bào chữa lúc này đây cũng chỉ là một thói quen chây ì dùng để bao biện cho sự phiến diện trong quan điểm cá nhân mà thôi. Những lần rong ruổi sau này, tôi đã và đang cố gắng chuyển hướng suy nghĩ nhằm quan sát thật kỹ, nhằm hiểu rõ hơn bản chất của ngữ cảnh và hạn chế bớt lối so sánh thế này thế kia. Như một phóng viên tự do, tôi học cách khai thác sự việc thay vì đòi hỏi nó phải phô diễn ra quá tường tận. Thành quá cho sự nhẫn nại chẳng mấy chốc cũng đến, khi tôi dần tìm về bình thản để sống lại. Không quá nhanh cũng không quá chậm, không quá vồ vập cũng không quá tư lự, đó là bản năng tự lèo lái mình trở nên vững vàng hơn với tâm thế trung lập, hẳn nhiên điềm tĩnh giữa chuyến hải trình mù giăng lối từ quá khứ đến tương lai.
Để tránh buồn ngủ, tôi đang phát bản “Another Rainy Day” của Corrine Bailey Rae ở mức âm lượng vừa phải. Tôi chợt nhớ, Corrine – cô ca sỹ ấy – cũng từng trải qua mất mát không thể nào cứu vãn được sau cái chết của người chồng. Cho đến một ngày nọ, cô tự mình quay lại phòng thu, cầm đàn lên và tiếp tục hát. Cô dành nguyên một album để truy tặng anh ta, và sau đó là nhiều album xuất sắc khác dành cho những ai yêu nhạc Soul bằng cả trái tim. Âm nhạc của Corrine không quá thời thượng, nếu không muốn nói là đơn sơ và mang nhiều tính nội hàm. Cô luôn cất tiếng hát với một nụ cười nhẹ, và từ đó là những thanh âm lãng mạn, trong trẻo ngút ngàn như một lời tự tình đẹp muộn màng trong ái ân dĩ vãng. 
Nhờ có bản “Another Rainy Day” này, tôi đang cảm thấy thứ gì đó ẩn trong những ngày mưa bất tận, hệt như một điểm bất thường lóe lên giữa chừng trong một thước phim cũ. Tôi không biết phải định nghĩa sao cho chính xác, nhưng tôi hy vọng là nếu bạn cũng tình cờ thấy được nó ở đâu đó sau khi đọc bức thư này, hãy hồi âm và nói lên cảm nhận của bạn cho tôi biết nhé. Tôi không có ý ràng buộc gì cả đâu, nhưng hãy cứ nghĩ đơn giản là nếu bạn tình cờ gặp một ai đó cúi chào bạn và mỉm cười, hãy cứ gật nhẹ đầu và mỉm cười theo họ. Sẽ không mất gì đâu, tôi tin là vậy.
 
Thân ái,
Ob-la-di Ob-la-da.