Cuốn sách này xuất phát từ nhu cầu xác lập cách nhìn khác của tôi so với Freud (*) và Adler (**). Cố gắng trả lời câu hỏi về mẫu hình tâm lý này, tôi đã gặp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Tâm lý của một người ngay từ đầu đã xác định và hạn chế phán đoán của người ấy. Do đó, cuốn sách của tôi là một nỗ lực giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới, với mọi người và mọi thứ. Đó là các thái độ khác nhau mà ý thức nảy sinh trước thế giới này.
"Anh là ai, tôi là ai" (Tựa tiếng anh Psychological Types) là một tác phẩm quan trọng của Tâm lý gia Carl Jung, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức vào năm 1921. Cuốn sách mô tả những mẫu hình tâm lý cơ bản, đây cũng được coi là một khái niệm cốt lõi trong học thuyết của ông.

Trước khi đi vào tìm hiểu, dưới đây là đôi nét về Carl Jung và trường phái của ông, để bạn có thể tiếp cận cuốn sách này dễ hơn.
Carl Jung (26/7/1875 - 6/6/1961) có tên đầy đủ là Carl Gustav Jung, sinh tại Thụy Sĩ. Ông từng có thời gian cộng tác và bị ảnh hưởng rất nhiều từ những quan điểm của Sigmund Freud. Tuy nhiên, sau này vì những bất đồng giữa hai bên mà Jung đã tách ra, thành lập nên trường phái Tâm lý học Phân tích (Analytical Psychology).
Theo Carl Jung, tâm thức bao gồm 3 phần: Cái tôi (ý thức), vô thức cá nhân, vô thức tập thể. Trong đó, vô thức tập thể (collective unconscious) nằm ở tầng dưới cùng của tâm trí, cất giữ tất cả những kinh nghiệm chung của nhân loại, được thừa hưởng từ di truyền mà không bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cá nhân. Jung tin rằng vô thức tập thể chứa các nguyên mẫu (trong sách dịch là Cổ mẫu - archetypes). Đây là xu hướng tâm thức không cần được học nhưng được sử dụng như một kênh chung để con người khắp nơi trên hành tinh có những kinh nghiệm tâm lý hiện tượng rất giống nhau.

Đọc thêm:

Mặt khác, trong lý thuyết về nhân cách của mình, Carl Jung phân biệt hai loại thái độ khác nhau: hướng nộihướng ngoại, kèm theo đó là các chức năng lý trí, cảm xúc, cảm giác, trực giác. Về sau, từ những nền tảng trong lý thuyết của Carl Jung, Myers và Briggs đã phát triển bộ trắc nghiệm MBTI nổi tiếng. Đây cũng chính là khía cạnh mà cuốn sách Anh là ai, tôi là ai tập trung truyền tải.
Mỗi người phản ánh hiện thực theo một cách riêng biệt và đặc biệt. Ở những người khác nhau, ý thức hoạt động khác nhau, nhưng trong vô vàn sự khác biệt cá nhân ấy, tâm lý con người cũng tồn tại những đặc điểm chung điển hình. Một số người dành sự quan tâm chú ý và tập trung vào các sự kiện bên ngoài, luôn duy trì một liên hệ tích cực với đối tượng. Số khác thì hướng năng lượng tinh thần của mình đến thế giới bên trong riêng biệt và chiết tách. Tuy vậy, cả hai kiểu thái độ đều thể hiện một mối quan hệ thích nghi với xã hội.
Một khuynh hướng là gia tăng sinh sản, song khả năng phòng về và bảo tồn cá nhân khá yếu... Khuynh hướng của người hướng ngoại là liên tục thôi thúc bản thân tỏa phát và "tiêu pha" nguồn lực nội tại, đồng thời lan truyền chính mình theo mọi cách.
Một khuynh hướng là trang bị các cách phòng vệ đa dạng cho cá nhân, tuy nhiên khả năng sinh sản tương đối kém... Khuynh hướng của người hướng nội là bảo vệ mình khỏi các đòi hỏi từ đối tượng bên ngoài, hòng bảo trì năng lượng của bản thân, từ đó củng cố vị trí an toàn và bất khả xâm phạm của mình.
Với những người hướng ngoại, các sự kiện khách quan có sức hấp dẫn gần như vô hạn. Vì vậy, bạn có thể thấy những quyết định và hành động của họ đa phần đều dựa trên hoàn cảnh. Ngay cả các quy tắc đạo đức chi phối hành động của người hướng ngoại cũng thường ứng với những đòi hỏi của xã hội, nghĩa là: quan điểm đạo đức - phẩm hạnh đó phải được hầu hết mọi người chấp nhận.
Trong cuộc sống, những cô gái thuộc mẫu người cảm xúc hướng ngoại thường yêu và kết hôn với những người đàn ông hợp chuẩn mực. Họ sẽ trở thành những người bạn đồng hành thân thiết và gắn bó với chồng. Hay những nhà Khoa học luôn cần dựa trên bằng chứng khách quan để tìm kiếm sự thật, quy luật ẩn đằng sau chúng...

Đọc thêm:

Mặt khác, đôi khi những người hướng ngoại hay coi nhẹ thân thể mình, họ thuần túy chỉ điều chỉnh bản thân theo hoàn cảnh nên có thể dễ mắc các chứng cuồng loạn (hysteria).
Để thật sự thích nghi, cần phải nắm bắt và tuân theo những quy luật phổ quát của cuộc sống, chứ không phải là chỉ thích ứng với các hoàn cảnh hay điều kiện cục bộ, tạm thời. Chỉ thuần túy điều chỉnh bản thân theo hoàn cảnh bên ngoài là hạn chế của mẫu người hướng ngoại thông thường.
Khác với người hướng ngoại, người hướng nội lại bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan hoặc họ thường đan xen một quan điểm chủ quan vào giữa các nhận thức về đối tượng và hành động của riêng mình. Họ cũng muốn được kết nối với người khác và ham muốn chiếm ưu thế biến thành một dạng cầu tình đáng thương. Tuy nhiên, đôi khi cách họ thể hiện còn quá vụng về để những người xung quanh hiểu và chấp nhận. 
Ở bề mặt ý thức, những đối tượng khách quan luôn không ngừng áp đặt lên người hướng nội những ấn tượng choáng ngợp, kích động những tâm cảm khó chịu và dai dẳng nhất, bắt buộc họ phải đấu tranh nội tâm dữ dội. Điều này tạo nên ở họ những nỗi sợ vô hình, khiến họ tự động xây dựng một bức tường phòng vệ thường trực để giữ gìn ảo tưởng về ưu thế vượt trội của nó.
Chứng suy nhược tâm thần (Psychoasthenia) là dạng rối loạn thần kinh chức năng điển hình của người hướng nội. Một mặt, chứng bệnh có đặc điểm là tính nhạy cảm cực đoan, mặt khác là dễ kiệt sức và mệt mỏi kinh niên.
Kết hợp hai kiểu thái độ điển hình với các chức năng tư duy - cảm xúc (lý trí) cảm giác - trực giác (phi lý trí), ta sẽ hình dung ra những kiểu người đặc trưng trong cuộc sống. Mỗi kiểu sẽ có cấu trúc tâm lý, lối xử thế và vấn đề tâm lý thường gặp riêng. Song bên cạnh những chức năng chính được ý thức, vẫn còn có một chức năng phụ trợ vô thức và thường khác với tính chất của chức năng chính ở mọi mặt.
Các chức năng vô thức ở trong tình trạng cổ xưa, động vật. Trong những giấc mơ và ảo tưởng, chúng thường có biểu tượng là cuộc chiến hay hai con thú hoặc quái vật đang chuẩn bị đụng độ nhau.
Thật trái lương tâm nếu nói đây là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu bởi đặc tính chuyên môn và cũng một phần do việc dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, mình tin rằng khi bạn chinh phục được nó thì đây chính là một cuốn sách vô cùng giá trị. Ít nhất, nó sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn mới về bản thân và những con người xung quanh mình.

Đọc thêm:

 Tản mạn...
"Em có biết vì sao các bạn ấy lại thiếu sự tin tưởng và dễ hiểu lầm em không? 
Khi anh nhìn vào các bạn - dù tốt dù xấu - anh vẫn thấy một gam màu rất riêng, đặc quánh như màu nước. Còn em lại như đan xen bởi những tia sáng khác nhau vậy - không ai nhìn ra em là ai, cũng không hiểu em là người như thế nào. 
...Và có vẻ chính bản thân em còn mơ hồ về mình cơ mà.
Đã có một quãng thời gian, mình như con tàu lạc hướng, chật vật tìm kiếm lối đi giữa biển cả mênh mông. Mình chìm đắm trong niềm đau bị những người bạn mà mình tin nhất phản bội, trốn tránh khỏi mọi mối quan hệ và vô cùng tự ti khi cứ tự so sánh bản thân với người khác. Mình không rõ mình là ai, tại sao mình làm việc này, mình thích gì và có khả năng gì. Lúc ấy, mình hoàn toàn trống rỗng, đến mức sẵn sàng vơ đại bất cứ thứ gì để lấp đầy, dù chỉ một chút khoảng trống trong lòng...
Thực ra, mình không nghĩ rằng chỉ vì một cuốn sách hay thậm chí việc học Tâm lý đã giúp mình vượt qua sự hoang mang ấy để tìm lại bản ngã. Với mình, đó là một hành trình rất dài, lặp đi lặp lại chuỗi hành động đọc (học) - hiểu - dấn thân - trải nghiệm yêu thương. Sẽ không có một mô thức chung cho tất cả mọi người, nhưng nếu bạn cũng đang loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?", mình hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn rõ thêm một chút về mẫu hình tâm lý của bản thân. 
Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi nào bạn nhìn vào chính trái tim mình. Kẻ nhìn bên ngoài hãy còn mơ mộng; người hướng vào nội tại thì tỉnh giấc.
(Your visions will become clear only when you can look into your own heart. Who looks outside, dreams; who looks inside, awakes.)
― Carl Gustav Jung
(*) Freud: Tên đầy đủ Sigmund Freud (6/5/1856 - 23/9/1939), nhà thần kinh học người Áo và là cha đẻ của trường phái Phân tâm học (psychoanalysis).
(**) Adler: Tên đầy đủ Alfred Adler (7/2/1870 - 28/5/1937), là nhà tâm thần học người Áo. Adler và Jung đều từng là học trò của Freud, sau này ông tách ra tạo lập nên trường phái Tâm lý học cá nhân (Individual psychology).  
Tài liệu tham khảo:
Martin, E. J. (May 04, 2020). Encyclopædia Britannica. Sigmund Freud. Truy xuất từ https://www.britannica.com/biography/Sigmund-Freud
Godflesh (2018). Steemit. Psychological Types of Carl Jung - Extraversion and Introversion. Truy xuất từ https://steemit.com/psychology/@godflesh/psychological-types-of-carl-jung-extraversion-and-introversion
The Editors of Encyclopaedia Britannica (May 24, 2020). Encyclopædia Britannica. Alfred Adler. Truy xuất từ https://www.britannica.com/biography/Alfred-Adler