1. Phản ứng của Mỹ đối với SARS-CoV-2

Ngày 21/1/2020, Mỹ xác nhận ca nhiễm Covid đầu tiên tại nước này tại quận Snohomish, bang Washington. Ca nhiễm đầu tiên này là một người đàn ông khoảng 30 tuổi trở về Mỹ sau khi tới Vũ Hán, Trung Quốc. Đến ngày 8/3, Mỹ xác nhận số ca nhiễm vượt quá 500. Tuy nhiên, ngày 9/3, trong dòng trạng thái được đăng tải trên tài khoản Facebook và Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Donald Trump viết: “Trong năm ngoái, 37.000 người Mỹ chết vì cúm. Còn tính hàng năm, trung bình mỗi năm có từ 27.000 đến 70.000 người chết vì cúm. Chẳng có nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra. Hiện tại có 546 trường hợp lây nhiễm cúm corona và 22 ca tử vong. Hãy nghĩ về điều đó”.[1] Tuyên bố của Tổng thống Trump không khỏi gây sốc bởi quan niệm này dường như đang đi ngược với thái độ chống dịch Covid-19 của nhiều nước trên thế giới. Từ tháng 1 đến tháng 3, Mỹ đã rất chậm chạp trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong giai đoạn này, chính phủ liên bang Mỹ từ chối sử dụng các bộ kit xét nghiệm bởi WHO và tự phát triển bộ kit cho riêng mình nhưng lại gặp nhiều vấn đề khi xét nghiệm và hầu hết đều bị ngưng sử dụng[2].
So sánh với cúm mùa, Tổng thống Donald Trump  tuyên bố gây sốc về Covid-19
Tổng thống Donald Trump
Ngày 29/2, tổng thống Donald Trump thông báo các lệnh hạn chế du lịch bổ sung đối với Iran và nâng mức khuyến cáo công dân du lịch tới một số khu vực nhất định tại Italy và Hàn Quốc[3]. Mỹ ghi nhận người chết đầu tiên do SARS-CoV-2 tại nước này[4]. Kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khuyên công dân Hoa Kỳ tránh du lịch quốc tế và bất kì ai đang ở nước ngoài cân nhắc trở về nước ngay lập tức[5]. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 31/3, tổng thống Trump phải thừa nhận SARS-CoV-2 “tàn ác” hơn cúm mùa: “Đây không phải cúm mùa. Nó rất tàn ác”. Các bang của Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn phong toả. Hàng loạt các trường học và các tổ chức giáo dục đóng cửa, triển lãm thương mại, hội nghị, lễ hội âm nhạc bị huỷ bỏ. Cùng với đó, các sự kiện thể thao và giải đấu cũng bị huỷ bỏ hoặc đình chỉ.
 Mỹ liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc với lí do Trung Quốc bỏ bê quản lý dịch bệnh hoặc tiến hành thí nghiệm mà không có biện pháp cần thiết đã khiến cho virus lây lan. Mỹ cũng phải đưa Vệ binh Quốc gia vào cuộc nhằm hỗ trợ các bang bị ảnh hưởng nặng nhất do SARS-CoV-2, bao gồm Washington, New York và California.[6]

2. Ảnh hưởng của SARS-CoV-2 đối với kinh tế Mỹ

Ngày 24/2, ngay sau khi Italy có 7 người chết vì SARS-CoV-2, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1031 điểm[7], ngày tồi tệ nhất trong 2 năm trở lại. Ngày 15/3, sau thông tin FED cắt giảm lãi suất về mức gần 0%, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng tức thì. Chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 1.100 điểm, trong khi các mã S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 4%. Đến ngày 20/3, sau khi lệnh phong toả California và New York có hiệu lực, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 916 điểm, mất 18% trong tuần này, thổi bay tất cả những gì tổng thống Donald Trump gây dựng được kể từ khi nhậm chức; S&P 500 giảm 4,3%, tuần tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Sàn giao dịch Nasdaq cũng giảm 3,8%.[8] 
Đến ngày 23/3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty, các chỉ số thậm chí còn xuống thấp kỉ lục. Dow Jones giảm 222 điểm, S&P 500 giảm gần 1%. Kể từ ngày 19/2/2020, khi đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử với 3,386.15 điểm, chỉ số S&P 500 đã giảm mất 34%, xuống 2,237.40 điểm (23/3/2020).
Lần đầu tiên giá dầu Mỹ giảm xuống giá âm. Ngày 21/4, một thùng WTI đã giảm còn âm 37,63 USD/thùng.[9] Trong phiên này, có thời điểm làn sóng bán tháo mạnh đến mức đẩy giá xuống mức âm 40 USD/thùng. Sau đó giá đã hồi phục nhẹ nhưng vẫn kết thúc phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, giảm khoảng 305% (tương đương 55,90 USD/thùng) so với phiên trước đó, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất của hợp đồng này kể từ khi dầu WTI được đưa lên sàn vào năm 1983. Đây là giá trên hợp đồng tương lai tháng 5, đáo hạn vào tối 21/4. Sự suy giảm này đánh dấu một sự tương phản rõ rệt với giá vào đầu năm, khi một thùng dầu WTI có giá hơn 60 USD. Nhu cầu giảm mạnh cũng đã đẩy giá xăng ở Mỹ xuống còn 1,81 USD/gallon (rẻ hơn 1 USD so với cùng kỳ một năm trước). 
Báo cáo của cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ mới nhất vào ngày 8/5/2020 cho thấy trong tháng Tư, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 14,7%, cao nhất trong lịch sử kể từ tháng 1/1948. Số người thất nghiệp là 23,1 triệu người. Số người mất việc ít hơn 5 tuần là 14,3 triệu người, chiếm 2/3 tổng số người thất nghiệp. Số người mất việc làm nhiều nhất là trong ngành giải trí và dịch vụ khách sạn.[10] 
Đây là sự đảo chiều đáng kinh ngạc với nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất nghiệp đang tiệm cận các mức thấp lịch sử trước khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát. Số liệu thất nghiệp nói trên cho thấy dịch SARS-CoV-2 sẽ làm lu mờ số việc làm bị cuốn trôi do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế “thật sự hiếm thấy”, và tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng ở mức “báo động”[11].
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế của Mỹ tháng 3. Theo đó, mức thâm hụt hàng hóa thương mại và dịch vụ của Mỹ trong tháng 3 là 44,4 tỷ USD, tăng 4,6 tỷ USD so với tháng 2. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng do tác động kinh tế của đại dịch SARS-CoV-2 trên toàn cầu dẫn đến sự sụt giảm của cả xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ. Nhập khẩu của Mỹ giảm 6,2% xuống mức 232,2 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2016 và xuất khẩu giảm 9,6% xuống còn 187,7 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Du lịch vào Mỹ cũng được tính vào số liệu xuất khẩu, đã giảm 45,3% trong tháng 3. Sự sụp đổ của giá dầu cũng tác động đến sự sụt giảm của thương mại trong tháng 3 khi nhập khẩu các sản phẩm dầu của Mỹ giảm 21,9% và xuất khẩu giảm 13,2%. Xuất khẩu ô tô và các thiết bị phụ tùng cũng giảm 17,9% trong khi nhập khẩu giảm 8,9% do việc đóng cửa các nhà máy tại Mỹ và nhu cầu toàn cầu giảm[12].
 Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 5,2 tỷ USD (giảm 0,8 tỷ USD) và nhập khẩu là 1,1 tỷ USD (tăng 0,1 tỷ USD) so với tháng 2. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam trong tháng 3 là 4,1 tỷ USD (giảm 0,9 tỷ so với tháng 2).[13]

3. Chính sách kinh tế của Mỹ

a. Chính sách tài khoá

Ngày 6/3, Tổng thống Trump ký duyệt gói chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD nhằm tăng cường phản ứng với Covid-19[14]. Quỹ này sẽ dành hơn 3 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vaccine, bộ dụng cụ xét nghiệm và điều trị y tế. 2.2 tỷ USD dùng để hỗ trợ các hoạt động y tế công cộng nhằm phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó dịch; 1.25 tỷ USD sẽ hỗ trợ các nỗ lực quốc tế đối phó dịch bệnh.
Ngày 12/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York thông báo bơm thêm hơn 1.500 tỷ USD vốn vay ngắn hạn vào thị trường, thông qua hợp đồng mua lại (repo). theo đó sẽ mua lại trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác từ các ngân hàng và thương nhân với thỏa thuận bán lại có lãi vào ngày hôm sau hoặc sau đó. Ngân hàng này đưa ra thỏa thuận mua lại trị giá 500 tỷ USD vào ngày 12/3 và sau đó là 1.000 tỷ USD vào ngày 13/3 nhằm giải quyết sự gián đoạn bất thường trên thị trường tài chính kho bạc do sự bùng phát của dịch SARS-CoV-2.[15]
Ngày 13/3, Tổng thống Trump khẳng định sẽ sử dụng một khoản tiền lớn trị giá 50 tỷ USD cho các bang và địa phương nhằm chống lại dịch SARS-CoV-2 trong bối cảnh chính quyền của ông trong nhiều tuần phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ của các thành viên quốc hội, các nhân viên y tế cộng đồng về tốc độ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cũng như không có đủ bộ xét nghiệm virus để phục vụ người dân.[16]
Đêm ngày 25/3, Thượng viện Mỹ chính thức thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD. Gói viện trợ sẽ cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp một lần cho người Mỹ với mức 1.200 USD cho mỗi người lớn có thu nhập tới 75.000 USD một năm và 2.400 USD cho một cặp vợ chồng kiếm được 150.000 USD, và 500 USD cho mỗi đứa trẻ. Ngoài ra, đối với những người có mức thu nhập dưới 75.000 USD, họ sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp giảm 5 USD cho mỗi 100 USD mà người nộp thuế thực hiện, trên mỗi hóa đơn. Tương tự đối với mức 150.000 USD cho các cặp vợ chồng và mức 112.500 USD cho chủ hộ.[17]
Ngày 24/4, Mỹ tiếp tục thông qua gói cứu trợ 484 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện gặp khó khăn, nâng tổng ngân sách ứng phó Covid-19 lên gần 3.000 tỷ USD, chiếm hơn 11% GDP của Mỹ năm 2019.[18] 
Ngày 15/5, Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ hai trị giá 3.000 tỷ USD. Dự luật có tên "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (HEROES) này bao gồm hàng loạt điều khoản nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như nông dân, chính quyền các địa phương, nhân viên chăm sóc y tế, các sinh viên đang phải vay tiền đi học. Các chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare và Medicaid cũng nằm trong diện này. nếu được Quốc hội Mỹ thông qua và trở thành luật, gói cứu trợ này sẽ phân bổ gần 1.000 tỷ USD cho các tiểu bang và chính quyền địa phương; chi trả đợt hỗ trợ thứ hai tặng mỗi cá nhân khoản tiền 1.200 USD và 6.000 USD cho một hộ gia đình; 200 tỷ USD tiền trợ cấp thêm cho các lao động làm việc trong môi trường đặc biệt; 75 tỷ USD để triển khai các chương trình xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2); 10 tỷ USD USD hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp nhỏ đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19; tăng 15% ngân sách chương trình hỗ trợ dinh dưỡng liên bang.[19] Tuy nhiên gói cứu trợ này còn phải được thượng viện Mỹ thông qua.

b. Chính sách tiền tệ và tài chính vĩ mô

Ngày 15/3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% xuống còn 0-0,25%[20]. Đây là lần đầu tiên FED quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vốn có lịch sử hình thành chưa đầy 110 năm.
Ngày 23/3, FED công bố loạt biện pháp kích thích khổng lồ mới để hỗ trợ kinh tế Mỹ, bao gồm mua trái phiếu không giới hạn để duy trì chi phí đi vay ở mức thấp và thiết lập các chương trình nhằm đảm bảo dòng tín dụng cho nhiều đối tượng, được gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong đó, chương trình mua trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu có thế chấp hiện tại sẽ được mở rộng hết mức cần thiết để giúp thị trường duy trì hoạt động trơn tru và chính sách tiền tệ phát huy được hiệu quả với thị trường tài chính và nền kinh tế hiệu quả hơn.[21]
[8] https://vn.investing.com/, truy cập ngày 18/5/2020
[10]https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm, truy cập ngày 19/5/2020
Các biểu đồ được sử dụng được cung cấp bởi Statista.