Khi các cửa hàng khác tắt đèn thì tiệm mì Nhật mang tên “Màu Đêm” mới bắt đầu một ngày hoạt động. Ban đêm thì mấy ai lại đi ăn đồ Nhật? Ấy thế mà Màu Đêm mỗi ngày vẫn đông khách.
– Dưng mà lúc nào em cũng chỉ thấy có leo teo vài người chứ đông đâu mà đông! – Vy vừa nói vừa ngước đôi mắt tinh nghịch về phía Hoàng, chủ quán.
– Với anh mỗi đêm được chừng vài chục lượt khách là đông. Anh ghét sự xô bồ, tấp nập. – Hoàng chậm rãi bê dĩa takoyaki ra để trước mặt Vy – Đây là bánh của em, mì lát nữa anh bưng ra. Đêm nào cũng tọng một bụng thức ăn như thế có ngày béo phì đấy.
Vy nhăn mũi:
– Kệ em!!
Ừ thì kệ chứ biết làm sao… Hoàng bước sang một chiếc bàn ở góc quán, nơi treo những khung ảnh nhỏ xinh xinh.
– Hai bạn dùng gì?
– Vẫn như thường lệ anh ạ. Một udon và một ramen, thêm 4 cái takoyaki nữa. Tụi em nghiện đồ ăn ở đây quá!
Cô bé vừa gọi món vừa cười tít mắt. Cô bé này thường đến đây với một cậu trai trạc tuổi, có lẽ là bạn trai của cô bé. Cứ khoảng hai lần mỗi tháng lại thấy cặp đôi này đến, đều đặn như cuốn lịch. Có lẽ đây là những thực khách vui vẻ nhất của Hoàng. Mỗi lần đến đây, họ lại chọn đúng chỗ ngồi trong góc, lại tíu tít cười đùa. Trùng hợp thật, ngày trước mình và Vân cũng thường thích ngồi ở góc, cũng là chỗ mà… Hoàng vội lắc đầu xua đi đám suy nghĩ vẩn vơ. Tập trung làm bánh… Tập trung làm mì… Tập trung làm bánh… Hoàng hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh, trong khi đó đôi tay vẫn thoăn thoắt trên khuôn nướng.
Hoàng là một chàng trai Sài Gòn chính gốc. Gia đình anh đã định cư bên Nhật khi Hoàng vừa tốt nghiệp cấp 3. Sau 8 năm sinh sống và làm việc tại xứ người, anh đã có bằng thạc sĩ luật học của một trường có tiếng tại Kobe, và đã được nhận mức offer đáng mơ ước từ nhiều công ty luật tại đây. Nhưng Hoàng một mực từ chối và quay trở về Việt Nam. Thế rồi sau hơn hai năm công tác tại một văn phòng luật có tiếng, Hoàng thôi việc. Anh phát chán, hay đúng ra là sợ hãi guồng quay khủng khiếp của cuộc sống ấy! Thời gian ấy, mỗi ngày Hoàng cảm tưởng như mình đang sống cuộc sống của một ai khác, như thể anh đã tách hồn mình ra khỏi thể xác và lặng nhìn cái xác ấy hoạt động như một con rô bốt được lập trình sẵn: công ty – nhà – công ty – nhà – công ty -… Thậm chí có những ngày Hoàng còn không muốn thức dậy, chỉ muốn chạy trốn cuộc đời. Nhưng trốn đời thì biết chui vào đâu với vừa? Với khoản tiền dành dụm được, cùng với bao năm phụ bếp ở Nhật, Hoàng mở một tiệm mì, quyết định sống một cuộc sống bình thường, an yên nhất có thể.
– Thế sao anh không mở hàng ban ngày để đông khách hơn? – Đó là câu hỏi của Vy vào lần thứ hai cô bé đến quán.
– Ban ngày Sài Gòn xấu xí và ồn ào. Nên anh thích nơi này về đêm hơn. Sài Gòn cũng có những giây phút yên ả.
Ừ, một phần lý do là như thế.
Khách đến đây đa phần là mang theo tâm trạng. Cũng phải thôi, thường phải là người có tâm trạng thì mới sống về đêm. Ban ngày người ta phải chạy theo đủ thứ xô bồ trong vòng xoay cơm áo gạo tiền, người ta tạm được quên những điều làm người ta đau đớn, dằn vặt, khổ sở bằng công việc, bằng kẹt xe, bằng cái nắng như thiêu đốt, bằng tiếng chửi mắng của cấp trên và lời phàn nàn của khách. Rồi đêm về, bao nhiêu nước mắt bị kìm trong lòng cả ngày được dịp tràn lên, nhấn chìm trái tim của họ. Cái yên tĩnh của màn đêm làm cho con người ta không thể bị phân tâm được nữa, phải đối diện với lòng mình, đối diện với những ký ức ngọt ngào mà đau đớn.
Rồi người ta lại lang thang đâu đó ở Sài Gòn…
Hoàng cũng thế. Hoàng nhớ da diết mối tình đầu của mình: Hồng Vân – cô bạn chung bàn mấy năm cấp ba. Cô là cả một khoảng ký ức ngọt ngào và hạnh phúc nhất của anh. Họ đã từng là cặp đôi dễ thương nhất trường. Sau khi Hoàng theo gia đình sang Nhật, Vân cũng du học ở Anh. Lịch học dày đặc ở trường luật cùng múi giờ trái nhau khiến những lần video call của cả hai càng ngày càng thưa và ngắn lại, rồi thay cho những cuộc gọi chóng vánh là những dòng tin offline sau vài ngày, rồi vài tháng, rồi nửa năm… Rồi sau một thời gian dài im lặng, Hoàng mất hẳn liên lạc với cô. Đã có một thời gian, ngày nào Hoàng cũng lên Yahoo, Skype ngóng nick của Vân, nhưng đáp lại anh là một màu xám đến nao lòng.
Vân và Hoàng đã luôn đối lập như hai thái cực. Vân là lớp phó văn nghệ năng động và nhiệt thành. Hoàng thì lãnh đạm và lười biếng. Vân dễ thương và nói nhiều, Hoàng luôn im lặng và khó tính đến khó chịu. Vân ước mơ được đi khắp nơi, làm những điều phi thường. Hoàng chỉ mong một cuộc sống yên ả và bình an. Nhiều người nói rằng với hai tính cách trái ngược như thế, hẳn rồi có một ngày họ không thể bước bên nhau được nữa.
Có một lần Vân hỏi Hoàng:
– Nếu sau này mình bị mất liên lạc thì làm thế nào nhỉ?
Hoàng cười:
– Anh sẽ trở thành tuyển thủ game nổi tiếng thế giới để em có thể thấy mặt anh trên tivi.
– Eo ôi! – Vân le lưỡi – Em chả bao giờ quan tâm ba cái giải đấu game đâu!
– Thế thì anh sẽ mở một tiệm cà phê ở Sài Gòn, đặt tên là Night Colour nhé. Như thế thì dù đi đâu, về Sài Gòn rồi em sẽ dễ tìm ra anh.
– Ừ được, vậy là em sẽ có động lực về lại Việt Nam. Dưng mà đặt bằng nick yahoo của em thì nhớ trả tiền tác quyền đấy!
Ngưng một lúc rồi Vân nói tiếp:
– Anh sẽ đợi em về chứ?
– Ừ anh đợi.
– Hứa nhé?
– Hứa!
Tưởng vu vơ thế thôi, vậy mà họ xa nhau thật…
Thoắt cái mười năm đã trôi qua.
Thời gian trôi chậm ghê gớm đối với những ai đang phải yêu xa hay đợi chờ. Nhất là khi phải chờ đợi một điều hư hão. Với Hoàng, những ký ức đẹp nhất là những ký ức có Vân bên cạnh. Cuộc sống này bình yên, nhưng không có Vân, nó trở nên những chuỗi ngày dài chán ngắt. Tưởng như mới hôm qua đây thôi anh còn ngồi chung bàn với Vân, và thực tại chỉ là một giấc mơ dài. Nhưng giấc mơ ngày càng dài hơn, và “ngày hôm qua” ấy cứ xa mãi.
Tiệm mì của Hoàng chỉ có chừng hơn mười cái bàn. Trên mỗi bàn đều viết sẵn dòng chữ: “Bạn có muốn tâm sự gì không?” như một kiểu confession vậy, bên cạnh đặt một cây bút lông và một miếng mút để xóa. Khi một cái bàn nào đó đã được viết chữ lên mà chưa được xóa, dù chỉ một dòng chữ, Hoàng sẽ lấy một chiếc khăn phủ lên trên kèm theo lời nhắn “bàn đã được đặt” để không ai ngồi bàn ấy nữa. Đến ngày mở hàng hôm sau Hoàng mới xóa đi. Thời gian đầu ít người dám viết, nhưng dần dà hầu như ai đến cũng trải lòng mình lên mặt bàn. Và dường như điều ấy khiến họ can đảm hơn, bởi dù sao họ cũng đã vật chất hóa nỗi buồn thành những nét mực trên mặt bàn và đối mặt với nó. Những người đến đây với một tâm hồn nặng trĩu luôn có vẻ nhẹ nhàng hơn khi bước ra. Con người cô đơn quá! Khi ta buồn, có một ai đó ở bên và sẵn sàng lắng nghe đã là một hạnh phúc lớn lao của nhân loại. Nên chi người ta luôn tìm một cơ hội để trải lòng mình.
Nhưng cũng có những người không như thế, dù ít. Họ chỉ đơn giản là đến vì món ăn ngon, hoặc vì nơi đây gắn bó với một kỷ niệm quý giá, hoặc vì Màu Đêm là một chốn thân quen luôn mở cửa chào đón họ mỗi khi mất ngủ. Họ thường ra về với một lời cảm ơn trên mặt bàn. Những lúc ấy, Hoàng vẫn lấy khăn phủ lên trên kèm theo lời nhắn “Bàn đã được đặt!”, không phải chỉ vì nguyên tắc chung, mà còn bởi anh trân quý những lời ấy. Và thực ra thì đó cũng là bàn mà anh luôn để dành cho những vị khách quen, bởi mỗi người họ cũng thường luôn ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Đó là chiếc bàn trong góc của đôi bạn trẻ nọ, nơi có những bức ảnh xinh xinh. Đó là chiếc bàn sát cửa sổ hướng ra mặt đường của một cụ ông tóc đã bạc trắng, từ đó ông có thể nhìn thấy nơi lần đầu ông hẹn hò vào hai chục năm trước. Đó là chiếc bàn của một cô lao công làm ca khuya thường ghé quán. Đó là chiếc bàn của một nữ doanh nhân thành đạt nhưng đời sống gia đình bế tắc. Đó là chiếc bàn của Vy, cô nhóc sinh viên tinh nghịch hôm nào cũng ghé.
Có lần vắng khách, Vy nhìn sang cặp đôi ngồi ở góc quán rồi nói bâng quơ:
– Có người yêu thích quá anh nhỉ?
Hoàng khịt mũi:
– Thế thì kiếm người yêu đi. Trai thiếu gì.
– Hi hi, thế anh làm bạn trai em nhá! – Vy cười tinh nghịch.
– Với anh thì em chỉ là con nít, chả có tuổi. – Hoàng cốc nhẹ một cái lên đầu Vy rồi bỏ ra sau bếp.
Vy có lẽ là người nói chuyện nhiều nhất với Hoàng tính từ khi anh mở tiệm. Cái tính nói nhiều và vẻ đáng yêu nghịch ngợm của Vy khiến Hoàng không thể nào duy trì vẻ lạnh lùng như với bao người khác được. Nhắc đến Vy, có lẽ cô bé luôn buồn phiền chuyện gia đình, và thường giấu nỗi buồn ấy sau vẻ ngoài vui vẻ hoạt bát. Câu chuyện của Vy xưa như Trái Đất, mà cũng mới như mỗi hơi thở: cha mẹ đều thành đạt nhưng quá bận bịu để dành thời giờ cho con cái. Cô bé từng kể với Hoàng rằng đã rất lâu rồi chưa được ăn cơm cùng mẹ, và lâu hơn nữa, chưa được nghe giọng cha. Còn Hoàng, anh nhớ rằng anh đã từng ước mong được thoát khỏi vòng kiềm tỏa của gia đình đến nhường nào! Hoàng đã trốn nhà về Việt Nam, cắt đứt mọi liên lạc cho đến năm ngoái anh mới gọi về cho mẹ của mình. Hoàng đoán, đây là điều mà người ta thường gọi là “mỗi nhà mỗi cảnh”. Dẫu sao Hoàng đã ba mươi, còn Vy thì vẫn quá nhỏ để chịu đựng sự thiếu vắng tình thương của gia đình. Nhưng mỗi lần đến đây, Vy tuyệt nhiên không để lại những dòng tâm sự trên bàn. Thay vào đó là những câu nói như thể cô bé đang chat trên mạng vậy: “Hôm nay vắng khách anh nhỉ?”, “Anh không định làm coupon cho khách quen (như em) à?”, “Sáng mai có mưa không anh nhỉ?”, “Ngày mai mấy giờ anh mở hàng?”, “Anh nấu ăn trông đẹp trai ghê haha”.. Hoàng thấy phiền nên chẳng bao giờ trả lời lại, chỉ đơn giản là phủ khăn lên chiếc bàn ấy. Thế nhưng hôm nay Hoàng phá lệ. Bàn của Vy vẫn là một câu hỏi, nhưng không vu vơ như mọi khi: “Anh ạ, anh sẽ ở đây mãi chứ?”. Hoàng ghi thêm vỏn vẹn một chữ “Ừ”.
Hôm nay quán vắng.
Vy báo không đến vì ngày mai còn có bài thi kết thúc môn (cũng không hiểu báo Hoàng để làm gì). Chỉ có vài người khách quen đến. 4h sáng, quán không còn một ai. Thôi thì hôm nay đi ngủ sớm vậy, Hoàng nghĩ thầm. Anh tắt đèn biển hiệu, chuẩn bị thu dọn bàn ghế.
Bỗng cánh cửa nhẹ mở. Một cô gái kéo vali bước vào, ngước nhìn Hoàng:
– Em nghe nói quán mở đến sáng cơ mà, mới bốn giờ thôi, anh đừng hòng lười biếng.
Trong khi Hoàng còn chưa kịp phản ứng vì kinh ngạc, cô nói tiếp:
– Chuyện gì xảy ra với quán cà phê Night Colour của em rồi? Làm em tưởng anh không giữ lời nữa chứ. Em đã tìm anh vất vả lắm đấy. Sao anh cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cấp ba thế?
Cô gái trước mặt Hoàng không còn vẻ đáng yêu, ngây thơ như ngày trước mà thay vào đó là vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm. Gương mặt mệt mỏi sau chuyến bay dài cũng không giống với vẻ năng nổ, hoạt bát của cô lớp phó văn nghệ trước đây. Nhưng đôi mắt bồ câu trong veo và nụ cười ấy vẫn không hề thay đổi. Vân đưa tay về phía Hoàng, mỉm cười nhẹ nhàng:
– Anh đợi em có lâu lắm không?
– Không – Hoàng mỉm cười, mắt anh nhòa đi – Anh chỉ mới đợi em từ ngày hôm qua.