Anh chỉ đến bên em lúc buồn: Có thực sự là chuyện đáng buồn?
Ta thường than thở về việc một ai đó chỉ tìm đến ta khi họ buồn, còn lúc vui lại ở bên người khác. Vậy nếu họ không còn tìm đến ta...
Ta thường than thở về việc một ai đó chỉ tìm đến ta khi họ buồn, còn lúc vui lại ở bên người khác. Vậy nếu họ không còn tìm đến ta những lúc buồn nữa, liệu ta có ngừng oán trách?
Nỗi buồn giống như căn bệnh lâu lâu lại tái phát của một người bị câm. Người bệnh sẽ có xu hướng tìm đến bác sĩ quen để khỏi cần "kể bệnh" vẫn nhanh chóng được đưa ra phương hướng điều trị. Tin tưởng và chia sẻ nỗi buồn với một người đã nắm rõ tính tình, cách hành xử và câu chuyện của mình luôn tốt hơn một người xa lạ biết đến ta với không gì ngoài những chuyện đau khổ, bởi vì "Old friends can give advice, while new friends only know a half story". Ta không ngại bị chê cười là kẻ yếu đuối, không lo ta mất điểm trong mắt họ, không sợ họ rời xa mình vì mình là kẻ phiền toái.
Nỗi buồn buông ra thành lời cũng có nghĩa lớp mặt nạ thường ngày của ta được gỡ xuống, trước mặt họ bấy giờ ta chỉ trần trụi là kẻ cần một chỗ dựa, trong chốc lát hoặc mang tính dài lâu. Vậy nên, nếu ai đó tìm đến ta lúc buồn, nghĩa là ở nơi ta họ không hi vọng được ghi thêm điểm ấn tượng nào nữa. Xin chúc mừng vì ta được họ tin tưởng, khi niềm vui là thứ dễ dàng khoe ra với nhiều người, còn nỗi buồn muốn được kể lể phải có "the chosen one". Nhưng cũng đừng quên buồn, nếu chẳng mấy khi họ kể với ta về niềm vui họ có, tất cả những gì kết nối giữa hai người chỉ là "Hôm nay buồn quá" và "Sao thế? Kể nghe coi". Mối liên hệ sẽ chấm dứt khi họ hết buồn, lịch sự để lại lời cảm ơn và "Muộn rồi, ngủ thôi", mà quên rằng giờ ngủ của ta đã qua mất vài tiếng đồng hồ để dành thời gian cho ta vào vai một bác sĩ tâm lý.
Đến lúc "Anh chỉ đến bên em lúc vui", ta có thỏa mãn hơn không? Kẻ nhạy cảm chắc chắn lại coi đây là điều đáng buồn. "Anh rốt cuộc cũng không coi em là người đáng để anh tin tưởng, điều anh nói với em, anh cũng có thể nói với bất kì ai khác". Được "vui lây" cùng một người khác lúc bấy giờ lại trở thành dấu hiệu cho một sự đại trà.
Vậy nếu "Anh chẳng thèm đến bên em lúc buồn hay kể cả lúc vui" thì sao? Dĩ nhiên đó là điều đau khổ nhất, khi mà ta rõ ràng còn không xuất hiện trong danh sách những người được sẻ chia khi có bất kì chuyện gì xảy ra với họ. Thậm chí một tin nhắn chủ động xin được bán đi thời gian để làm kẻ nhiều chuyện "Dạo này thế nào?" của ta, cũng trở nên rẻ rúng khi bị họ phớt lờ. Một người từng kể về việc họ buồn hay vui mỗi ngày, giờ không còn hứng thú với việc cho ta biết nửa năm qua họ đã sống như thế nào nữa. Đó là khi ta biết họ đã tự tìm ra một vị bác sĩ tài giỏi hơn, hoặc bằng cách nào đó đã khỏi bệnh lâu rồi.
Thế thì "Anh hễ có chuyện vui hay buồn, là lại tìm đến em" có thực sự là thứ ta cần? Ham muốn của con người vốn là vô đáy, ta sẽ nhận ra mình hình như không cần thứ này lắm khi đã có nó trong tay. Tối ngày lắng nghe chuyện buồn vui của một người và nhiệt tình khai thác cuộc sống của họ một cách thụ động, ta dần dần lại tự đặt ra câu hỏi "Vậy còn cảm xúc của em, anh có quan tâm miếng nào không?". Sự ích kỉ như một bản năng lại bắt đầu trỗi dậy, ta đòi hỏi phải "có qua có lại mới toại lòng tui".
Như vậy, thì làm sao để vừa không làm kẻ nhiều chuyện vừa không biến thành nhân vật phụ ngốc nghếch trước sau gì cũng rước vào thân toàn là đau khổ? Một vài người lựa chọn không lắng nghe thêm gì nữa, và để cho công bằng, thì cũng không chia sẻ gì nữa. "Nếu anh cứ mãi ích kỉ giữ lấy niềm vui hay nỗi buồn cho riêng mình, anh đừng hòng biết thêm được gì về cảm xúc của em". Vài người lại chủ động trở thành kẻ bị bệnh cho người khác "nếm mùi chịu đựng". Người lại tìm đến nhiều bác sĩ tâm lí hơn, với hi vọng sẽ tìm ra phương thuốc mới thần kì hơn của người quen cũ. "Cứ mở lòng ra mà chia sẻ nỗi buồn với nhiều người, kiểu gì chẳng có người tốt." Nỗi buồn lúc ấy giống như một quả táo đặt trên đầu ta, còn người nghe là kẻ bị bịt bắt, lời nói của họ là con dao trên tay chuẩn bị phi về phía quả táo.
Lắng nghe chân thành giúp ta trở thành người tốt, nhưng học cách diễn đạt được những gì mình nghĩ và cảm thấy lại cho ta quyền được cảm thông. Làm người tốt hay muốn được đối xử công bằng, hoàn toàn là quyết định của bạn.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất