Đây là câu nói mà ex của mình, ny của anh bạn mình, và thậm chí là vợ của đồng nghiệp của mình hay nói mỗi khi cãi nhau. Qua lượng mẫu thử có hạn của mình, mình thấy rằng đây là một trong những vấn đề phổ biến nhất dễ tạo ra căng thẳng và tranh cãi trong các mối quan hệ tình cảm, nên muốn viết bài này để gửi đôi lời tới các chị em, để các chị em hiểu được phần nào nỗi lòng của cánh đàn ông.

CÓ QUÁ NHIỀU SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH GIAO TIẾP CỦA HAI GIỚI

Rất nhiều bài báo cáo khoa học đã chỉ ra những thiếu sót về kết luận khá phổ biến rằng Phụ nữ nói nhiều hơn Đàn ông, thậm chí có bài còn chỉ ra rằng Đàn ông nói nhiều hơn Phụ nữ. Cái vấn đề của việc nói nhiều hay không này phụ thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng nghiên cứu, vì vậy mình sẽ bỏ qua phần này. Tuy nhiên, rất nhiều các bài báo khoa học đều đồng ý về một sự khác biệt khá đặc trưng trong cách giao tiếp của hai giới.
Đàn ông nói để giải quyết vấn đề, phụ nữ nói để giao tiếp. Với đàn ông, nếu việc nói ra rằng hôm nay anh ấy chấm công muộn mất 2' hay suýt tí nữa thì trượt chân ở cầu thang không hề giải quyết được bất cứ vấn đề gì cho anh ấy hay cô người yêu, thì anh ấy sẽ thấy việc đó là nhạt, là không đáng để kể, thậm chí còn bỏ ra khỏi kí ức của mình trước khi về tới nhà. Nhưng với phụ nữ, vì họ nói để được cảm thấy kết nối, họ không những muốn kể tất cả những gì đã xảy ra trong ngày của họ, từ nhỏ nhất tới lớn nhất, mà họ cũng muốn được nghe tất cả những gì đã xảy ra trong ngày của người họ yêu để được cảm thấy "Mình cũng được sống trong thế giới của anh ấy. Hai thế giới bọn mình được hòa làm một".
Thế là, một người thì không thấy mục đích của việc kể ra những việc hoàn toàn không liên quan và và không đáng để kể, còn một người thì muốn được nghe tất cả mọi thứ.
Đó là chưa kể, đàn ông sẽ dành sức tập trung của mình vào những thứ mà họ cho là "vấn đề", hay nói cách khác là họ chỉ quan tâm tới những điều mà họ nghĩ rằng họ cần phải biết. Nếu cuộc sống hàng ngày của họ rất ít khi có biến cố, nhất là khi mọi thứ đều đã vào một guồng quay công việc-về nhà-công việc, thì đừng ngạc nhiên nếu họ không biết tên của người mới vào nhóm ở phòng bên cạnh. Đơn giản là họ không có nhu cầu muốn biết, mà có biết thì cũng cảm thấy dửng dưng với những thông tin "vô giá trị" với họ đó. Phụ nữ thì khác. Họ để ý tới, dù vô tình hay cố ý, tất cả mọi thứ xung quanh họ, và dường như họ có hứng thú với tất cả những chi tiết đó.
Như vậy là, không những đàn ông để ý tới ít chi tiết hơn, mà họ còn có ít những chi tiết mà theo logic của họ là đáng để kể hơn so với phụ nữ. Còn các chị em, khi người đàn ông của mình không "buôn" được với mình như cách con chị em bạn dì thân thiết của mình làm, thì bèn buộc tội các anh em là "không chịu chia sẻ".
Có những anh muốn chiều người yêu, hiểu được nhu cầu muốn được chia sẻ đó của người yêu, nhưng vì bộ não logic của họ không thể nào tự ép mình nghĩ ra cái để "chia sẻ" được, bèn nói với người yêu "Thôi thế này đi. Em muốn biết cái gì về ngày của anh thì em hỏi đi, anh sẽ trả lời, chứ anh thực sự không có bất cứ cái gì đặc biệt để kể với em cả. Ngày nào với anh cũng như nhau thôi". Nhưng khi nhận được câu trả lời cho các câu hỏi của mình, các chị em lại vẫn cảm thấy chúng không có đủ độ chi tiết, cụ thể, hay sự hào hứng như mình mong muốn (bởi đúng là các anh không có hứng thú với những sự kiện không-liên-quan-tới-mình đó), nên lại buộc tội rằng "Anh chỉ nói cho có, trả lời hời hợt".
Thực sự điều này khiến các anh vô cùng ức chế và uất ức. Rất nhiều khi họ đã cố hết sức để ..."rặn" ra chuyện để kể cho các chị em, nhưng nó sẽ không bao giờ là đủ, và họ vẫn sẽ luôn bị trách là Không chịu chia sẻ. Trong khi đó những chuyện lớn nhất, quan trọng nhất, những biến hay ho mà các anh em hóng được, họ đều đã kể hết rồi. Thậm chí nhiều anh em còn học được cách chia sẻ cả cảm xúc, cả những góc khuất trong lòng họ mà ngay cả bố mẹ họ cũng không biết được, thế nhưng vẫn bị cho là không đủ với các chị em.
Các chị em phải hiểu rằng, ngay cả khi anh ấy có là người đàn ông từng trải, va chạm nhiều với cuộc sống, thử nhiều nghề, có cả trăm câu chuyện hay ho, thì rồi tới một lúc nào đó, anh ấy cũng cạn vốn. Nhất là khi anh ấy đã tới tuổi một độ tuổi nhất định, khi những va chạm với cuộc đời đã đủ nhiều để làm anh ấy mệt mỏi và muốn ổn định cuộc sống, thì sự bình yên mà anh ấy đem lại cho các chị em - điều mà các chị em rất hay nói là mình muốn có - lại có thể đem lại sự "không chia sẻ vì chẳng có gì mới để chia sẻ", sự "nhàm chán" mà các chị hay chê trách.
Các chị em không nên cố bắt các anh phải giao tiếp với các chị như các chị giao tiếp với nhau. Nếu mà ngày nào đi làm về anh ấy cũng có chuyện để kể cho bạn, kể cả những chuyện lặt vặt như bạn tiếp tân mới thay kiểu tóc xấu òm, hay việc chú hàng nước ở cửa cơ quan mới ngoại tình v...v.... thì đó không hẳn là một điều hay đâu. Các chị có chuyện để buôn thì có thể thấy thích đấy, nhưng việc đó có thể lại thể hiện rằng đó là một anh chàng thích ngồi lê đôi mách, tọc mạch, và điều này rõ ràng là không nam tính rồi.

NGƯỢC LẠI THÌ SAO?

Nếu các chị em không nên bắt các anh cũng phải có nhiều chuyện để buôn với các chị như các chị em bạn dì, thì có chăng các anh cũng không nên mong muốn các chị em lúc nào cũng phải nói thẳng hết ra mọi suy nghĩ của mình như cách cánh đàn ông giao tiếp với nhau?
Đúng. Nếu phụ nữ có thể 24/7 đều nói toẹt hết ra suy nghĩ của mình như cánh đàn ông, thì phụ nữ và đàn ông đã không có những mâu thuẫn như vậy bao lâu nay, đúng không? Chính sự e thẹn, sự ý nhị, sự tinh tế của các chị em chính là điều làm họ trở nên dịu dàng, nữ tính, cũng là điều làm các anh em chết mê chết mệt :D
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ có thể cứ giấu mọi suy nghĩ của họ 24/7, rồi tới khi bị trách thì lại bảo "con gái bọn tôi là thế". Ai cũng biết, Communication is key - giao tiếp là chìa khóa của 1 mối quan hệ hạnh phúc. Nếu không được 24/7 thì chí ít ở những chuyện nghiêm túc, những suy nghĩ quan trọng, những cảm xúc mạnh mẽ của mình, các chị em cũng phải nói ra được. Bởi nếu là những lúc bình thường, các chị không nói ra những suy nghĩ trong đầu, mà là chuyện nhỏ nhặt thì hoặc là bỏ qua được, hoặc là cãi nhau 1 vài câu là giải quyết được. Chứ những chuyện lớn, đặc biệt là những lúc các chị em mà tổn thương, mà cứ giữ lại trong lòng thì nó sẽ tích tụ lại và khiến cho sự đổ vỡ không thể cứu vãn được nữa.
Với các anh em thì khó khăn trong giao tiếp không phải là vấn đề về việc nói ra hay không (vì các anh em vốn dĩ có thiên hướng nói thẳng ra), mà là vấn đề về việc nói ra thế nào và nói cái gì. Các anh em thường không có nhiều kinh nghiệm trong việc phân tích cảm xúc của mình để hiểu rõ mình đang cảm thấy thế nào, tới lúc nói ra thì hay bị cảm xúc cuốn theo thay vì nói một cách bình tĩnh nên hay gửi sai thông điệp tới người nghe. Vì vậy cả hai giới đều phải học cách giao tiếp với nhau sao cho thật hiệu quả nhé.

Kết

Bài viết mang tính trải lòng tâm sự thay cho các anh em chiến hữu của mình. Gần đây mình nghe chuyện từ mấy anh em thân thiết ca thán mỗi khi cãi nhau với người yêu, và tình cờ lại đều là lý do chung về sự "ít chia sẻ" của các anh. Nếu cả hai giới hiểu hơn về nhu cầu giao tiếp của nhau thì sẽ thông cảm được cho nhau hơn và có một mối quan hệ bền chặt hơn nhé :D