NHỮNG khoảng cách

Có thể nói, cuộc đời của anh mình và mình, dù sống dưới cùng 1 mái nhà, cùng bố cùng mẹ mà lại đối lập nhau gần như hoàn toàn.
Nếu cứ coi 4 năm là đủ để có sự khác biệt rõ ràng giữa 2 thế hệ thì mình cách anh mình tới tận 2 thế hệ. Sự khác biệt về thể chất giữa 2 anh em đã rõ ràng ngay từ nhỏ: ông anh to cao vạm vỡ, ăn 1 béo 10, còn ông em thì trông như mẹ quên không cho ăn; ông anh mạnh khỏe chả bao giờ phải tới bệnh viện, còn ông em từ lúc sinh ra cho tới năm lớp 2 đã phải mổ 2 lần, và liên tục bị rối loạn tiền đình và đủ các loại bệnh tật lặt vặt khác cho tới tận năm lớp 9 dù gia đình vẫn thường xuyên tẩm bổ. Thể trạng chênh lệch như vậy nên 10 lần chơi với nhau thì hết 9 lần anh mình làm mình khóc vì đau, dù anh ấy (đương nhiên) không cố ý. Tới nỗi mẹ còn không dám cho 2 anh em ngủ cùng nhau cho tới khi mình lên học cấp 2 vì sợ đêm ông ấy gác chân đè lên người làm mình ngỏm củ tỏi lúc nào không biết. 
Có thể thấy, ngay cả khi 2 đứa còn chưa kịp nảy sinh những nhận thức về sự khác biệt, chưa có nổi một cuộc trao đổi có ý nghĩa xa hơn việc tranh nhau xem ai sẽ đọc cuốn Inuyasha trước, thì mẹ tự nhiên đã buộc 2 đứa có những bước đi đầu đời cách xa nhau. 
Thực vậy, khi hai đứa tới giai đoạn mập mờ hình thành tính cách, thì chính cái sự mập mờ ấy cũng đã đủ để thấy rõ sự đối lập. Khi anh học cấp 3, mẹ vẫn phải ngồi cạnh kèm học vì tính cẩu thả, hay sai những chỗ không đáng sai thì mình dù chưa tốt nghiệp tiểu học đã có thể tự ngồi học, chỉn chu bài vở và luôn đứng đầu lớp. Khi anh trốn học đi đá bóng hay chơi điện tử thì mình đi đến nơi về đến chốn. Khi anh trèo tường ra ngoài chơi với đám bạn thì mình chỉ lủi thủi tìm đồ tự chơi một mình ở nhà. Khi anh có cãi mấy mà bố mẹ quát mắng cũng phải xuôi theo, thì mình dù có bị đánh roi giãy đành đạch vì đau vẫn sẽ giữ quan điểm của mình tới cùng. Khi thằng anh nói chuyện bỗ bã, thô kệch thì thằng em lại hay được khen là khéo mồm khéo miệng.
Cũng vì sự khác biệt trong tính cách đó mà cách bố mẹ phản ứng với hai anh em khi đó cũng khác ("phản ứng" chứ không phải "đối xử" nhé). Bố mẹ phải mắng nhiếc, thậm chí đánh đòn anh bao nhiêu thì mình lại ít bị "sờ gáy" bấy nhiêu. Anh làm bố mẹ đau đầu bao nhiêu thì em được lòng bố mẹ bấy nhiêu. (hồi ấy, mỗi lần muốn đi đâu chơi, anh toàn phải dụ mình xin bố mẹ cho đi để anh được đi ké). Bố mẹ an tâm về chuyện học hành của thằng em bao nhiêu thì lại lo lắng về thi cử của thằng anh bấy nhiêu. Ngược lại, bố mẹ an tâm về sức khỏe thằng anh bao nhiêu thì lại vất vả tẩm bổ, chăm lo, thậm chí giữ gìn thằng em bấy nhiêu.
Tuổi thơ đã là như vậy, từ chơi tới học, từ tính cách tới thể trạng, hai anh em hai đầu của cục nam châm: cùng một khối mà đi theo hai hướng ngược hoàn toàn. Ấy thế mà cuộc đời vẫn cảm thấy như vậy là chưa đủ để hai anh em trở nên xa cách. 
Hồi cả hai anh em còn bé, gia đình mình nghèo. (cái sự nghèo này sau này ngẫm lại mới biết, chứ lúc đó thì biết cái gì đâu :D) Nhà mình khi đó vẫn là nhà cấp 4, nhiều khi vẫn phải ăn cơm với mắm hay cơm nắm với ruốc vì chả còn gì ăn. Năm anh 17, bố mẹ xây được căn nhà khang trang hơn một chút, cuộc sống không còn nghèo như trước, vẫn còn phải tằn tiện, nhưng đã đỡ vất vả hơn. Mới được hưởng thụ sự "thoát nghèo" ấy được 1-2 năm thì anh lên đường du học Pháp do được học bổng. Lúc đó mình vẫn đang học lớp 5. Học bổng của anh cover 100% học phí. Khi anh đi, nhà chỉ chuẩn bị được đủ tiền (chủ yếu là vay mượn) để cho anh trang trải sinh hoạt phí được đúng 1 tháng đầu, còn các tháng sau anh phải xác định tự bươn trải mà lo. Và anh đúng đã làm như thế. Những bức thư đầu tiên anh gửi về đều lấm tấm những vệt nước mắt đã khô. Anh kể lại việc anh đã tìm việc làm gì, chạy mệt thế nào, ngủ luôn ở bãi biển ra sao để sáng hôm sau làm tiếp, chân anh sưng phồng lên đau nhức thế nào. Khoảng nửa năm anh đi thì nhà đầu tư được một cái máy tính chạy windows 98, thêm cả quả webcam và một đường truyền Internet (cái loại mà muốn dùng thì không dùng được điện thoại bàn nữa ấy). Những hình ảnh chập chờn, lag nhưng vẫn đủ để thấy khuôn mặt gầy rộc của anh. Trong khi đó ở nhà, thằng em vẫn phởn phơ chỉ phải lo xem sao bắn bi mãi mà toàn trượt. 
Và, 2 năm sau khi anh đi, mẹ lên chức, bố lên chức, cuộc sống được cải thiện lên nhiều, và gia đình quyết định xây nhà mới hơn, to hơn, rộng rãi hơn. Năm nhà mới được xây cũng là năm anh về thăm nhà lần đầu tiên. Anh về được cả mùa hè thì anh dùng hết cả mùa hè để lăn lộn chỗ xây dựng để phụ giúp gia đình, còn thằng em, là mình, vì vẫn đang học cấp 2, lại một lần nữa được cho ở nhà chơi. Tới khi nhà mới được hòm hòm thì anh cũng đi. Khi nhà xong thì cũng chỉ có thằng em được hưởng. Tới khi mình lên cấp ba, ở cái tuổi mà thời ông anh chỉ có mỗi cái đài casette chạy được CD của Lam Trường, Đan Trường với Mỹ Tâm, thì mình có một bộ máy tính xịn xò hơn, trong 1 căn phòng của riêng mình với điều hòa, tủ sách, tủ quần áo, bàn học, và một cái tivi riêng. 
Đó là cái sướng. Còn cái khổ là cũng 2 năm đó, mối quan hệ của bố mẹ trở nên tệ hơn bao giờ hết. Với mình khi ấy, cái nhà chỉ như cái khách sạn. Tới ăn uống, nói vài câu qua lại xong lại chui vào phòng hoặc đi học. Quãng thời gian chỉ 2 năm nhưng stress có, nước mắt cũng có. Anh cũng chỉ có thể giúp bằng những dòng tin nhắn Yahoo! qua màn hình, bất lực.
Năm mình lên ĐH, anh mình khi đó đã ở Pháp được 7-8 năm nên ai cũng nghĩ là sẽ ở đó luôn không về. Mình dù luôn có ý định đi du học từ trước nhưng trong đầu không hề có ý định định cư nước ngoài. Thế rồi đúng khi mình tìm được học bổng 75% của 1 trường ở Sing thì mẹ lại được lên chức, bố cũng lên chức. Lần đầu tiên đi du học, mình không phải chịu tí vất vả nào. Không phải vất vả đi làm thêm, ăn uống sinh hoạt không phải dè xẻn, thậm chí cứ vài tháng lại về VN chơi 1 lần vì kinh tế gia đình cho phép. 
Học được một năm ở Sing thì mình thấy không hợp nên hỏi bố mẹ xem có thể cho sang Úc học không. Câu trả lời là có. Đúng năm mình sang Úc học đại học lại từ đầu thì anh quyết định về nước hẳn, cũng với lý do là không hợp ở Pháp. Và sau vài tháng đầu ở Úc, cũng là tưng ấy tháng gia đình khuyến khích động viên, thì mình cũng đặt quyết tâm sẽ định cư lại ở Úc, và tới giờ đã đạt được tâm nguyện. Mình đi du học Úc chưa được 1 năm thì anh cưới vợ, rồi cũng trong năm đó sinh thằng cháu. Đám cưới anh lẫn lúc thằng cháu ra đời mình đều không có mặt (đám cưới mình thì cả gia đình anh, bao gồm cả 2 đứa cháu đều dự đủ :D)
Mẹ mình bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm từ năm đầu mình sang Úc, cũng là lúc anh về hẳn. Và như vậy, khi về nước, chưa kịp vui vẻ thư giãn gì, thì anh đã phải chăm cho mẹ, chăm cho gia đình riêng của anh, và bắt đầu sự nghiệp lại từ đầu ở cái tuổi 30. Mình khi đó thì vẫn coi là sinh viên, dù không nhởn nhơ nhưng cũng chỉ phải lo việc học và làm thêm. Khi đó gia đình cũng khá giả lên nhiều nên vấn đề tài chính khi bị đặt nặng, làm cũng chỉ để thêm được đồng nào hay đồng ấy, chủ yếu là việc học. Khác hoàn toàn so với việc du học của anh ngày xưa.
Và tới tận bây giờ, tuy mọi thứ đã đỡ vất vả hơn, nhưng anh vẫn phải cố gắng nhiều với cuộc sống ở VN, còn cuộc sống của mình đã bắt đầu dần ổn định ở Úc. 
Sau tất cả những câu chuyện như vậy, có thể thấy đến cả cái sự nghèo khổ - giàu sang, cái sự nhàn hạ - vất vả, hai anh em mình cũng trải qua khác nhau ở cùng một giai đoạn. Mà đối lập thôi vẫn chưa làm thỏa mãn sự hài hước của cuộc đời, nó còn đảo ngược vị trí của hai anh em mình lại với nhau. Mọi thứ dường như muốn nói rằng: anh em mình, kiểu gì thì kiểu, cũng phải nằm ở hai vị trí ở hai đầu thái cực. 

MỘT điểm chung

"Sinh ra đã là thứ đối lập nhau", từ thể xác tới tâm tính, thậm chí tới cả hoàn cảnh dù cùng một gia đình, cùng một dòng máu như vậy, thứ duy nhất kết nối 2 anh em lại với nhau chính là tình thương. Đàn ông đã vốn ít nói, 2 đứa lại khắc tính nhau nên hai anh em rất ít khi nói chuyện với nhau. Nếu có thì thường là để thông báo chuyện quan trọng gì đó, chứ nói kiểu hỏi thăm hay chuyện phiếm thì không. Thế nhưng hai người vẫn cảm nhận được tình thương qua những cách rất riêng.
Hồi còn bé, anh hay tiết kiệm tiền ăn sáng để mua truyện mới vào mỗi trưa thứ 6 khi đi học về và luôn nhường em đọc trước. Em thì nhiều khi chả muốn đi bơi, nhưng biết anh thích đi nên cũng hay chủ động vòi bố đưa đi để anh được đi ké. Em đi biển dẫm phải con hà chảy máu, nhẹ thôi mà xót, khóc nhè, anh bỏ cả cuộc chơi với lũ bạn để cõng em về khách sạn mà không một lời cằn nhằn. Anh trốn học đi đá bóng bị cô giáo gọi về nhà, bố lôi roi ra đánh, em chạy lại đè lên người anh che. 
Lần đầu tiên mình và anh cùng gặp lại nhau khi cả 2 đều đủ tư cách để gọi là "người lớn" là khi mình 22 tuổi, 1 năm sau khi mình đi du học Úc. Khi về VN chơi, mình ở nhà bố mẹ, còn anh chị thì ở nhà riêng. Nhiều khi anh cố tình chở cháu sang chơi với chú, miệng thì cứ nói là gửi sang trông vì nhà nhiều việc, nhưng mình biết, anh muốn chú được chơi với cháu càng nhiều càng tốt trong thời gian ít ỏi ở VN. Ngay cả trước khi 2 đứa được nhìn thấy mặt chú, nhà đã dạy là phải yêu bố mẹ, ông bà và chú Hà. Vậy nên lần đầu tiên gặp chú ở sân bay, hai đứa nhìn ngơ ngác một lát rồi cũng theo, trong khi người lạ khác thì gạ mãi cũng không chịu. Mình thì mỗi năm về đều mua tặng anh một món đồ gì đó mà anh thích, bù đắp cho những năm tháng vất vả của anh. Có hôm mình định lấy dao cạo râu của anh để cạo vì cái của mình bị gãy thì anh gắt to bảo không được. Mẹ mình nghe thấy thì mắng anh, bảo có mỗi cái dao cạo râu mà cũng không chia sẻ được với em, thì anh mới giải thích là vì dùng chung dao cạo râu dễ truyền bệnh sang cho nhau. Hôm khác, anh cãi nhau to với mẹ, bỏ cả bữa ăn đi về. Tối hôm đó, mình chỉ nhắn tin cho anh là "Uống ko anh?". Mình vốn không uống rượu bia. Anh nói "Uống. Sang đi". Thế là 12 giờ đêm, mình qua, anh đã chuẩn bị sẵn chai Jack Daniel và 2 cái ly. Anh nói vài câu, mình im lặng. Rồi anh im lặng. Rồi 2 đứa cứ thế uống cạn cả chai. Không an ủi, không động viên, không khuyên nhủ. Chỉ uống. Và thế là đủ.
Giữa anh và em cho tới tận bây giờ, khi anh gần 40 và mình gần 30, chưa bao giờ có một lời cám ơn hay một lời yêu thương, và cũng không ai cần cái đó. Hai người cứ lặng lẽ sống cuộc sống của riêng nhau, thi thoảng đảo qua vài câu ngắn gọn, rồi lại tiếp tục bận rộn chuyện của mình, mà tình cảm thì vẫn cứ tràn đầy, vẹn nguyên.
Hai chữ "Gia Đình" thật đẹp, phải không :D