Quan điểm hiện tại của tôi về hạnh phúc có lẽ bắt đầu từ một sự tức giận. Hoặc nếu không phải là bắt đầu thì đó cũng là một bước ngoặt lớn.
Tôi đã có 3 lần cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời, trong đó có 2 lần là khi đang đánh răng, đều vào buổi trưa.
Lần đầu tiên là vào mùa hè năm 2014, độ tháng 7 tháng 8, khi ấy tôi đang sống một mình. Lúc đó là khoảng gần 1 giờ chiều, tôi bắt đầu đánh răng khi đã đợi hết 30p sau ăn. Vào giữa quá trình ấy, đột nhiên có một cảm giác ấm áp bừng lên trong khắp thân thể. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi thấy mình ngửi được mùi ánh nắng đang xuyên qua khung cửa sổ tỏa ngập khắp căn phòng; chiếc gương cũ rộng, cau có vì những vết hoen ố đen trùi trũi bỗng trở nên sinh động lạ thường; những viên đá lát sàn khô ráo, xanh rất nhạt, dường như trở nên mềm mịn, xôm xốp, mời gọi như một tấm nệm thơm vừa phơi khô nắng thơm mùi dầu xả. Trong tâm trí tôi cũng xảy ra một sự biến chuyển gì đó; vào tích tắc ấy, tôi dường như hiểu được lý do tại sao mình được sinh ra trên đời, lý do tại sao mình tồn tại: là để trải nghiệm một vài giây này đây. Mọi câu hỏi dường như không còn quan trọng, mọi câu trả lời bỗng trở nên hợp lý. Trong tôi không còn vướng mắc gì nữa, chỉ có một cảm giác hân hoan thuần khiết đang lan tỏa. Chiếc kim giây chạy tiếp, và tôi trở về với trạng thái bình thường một cách...bình thường, không hề có lấy một chút sững sờ, ngạc nhiên hay tò mò về cảm giác kì lạ mình vừa trải qua.
Lần thứ hai, vào đầu hè năm 2017, tôi cũng trải qua khoảnh khắc tương tự như trên, cũng vẫn cảm giác hân hoan, ấm áp lan tỏa ấy khi đang đánh răng, nhưng là ở một phòng tắm khác. Tôi còn nhớ ở lần này, vào lúc đó tôi đã nghĩ đến việc mình đang có một giấc ngủ trưa cuối tuần chờ sẵn sau khi đánh răng. Kiểu giấc ngủ trưa mà người ta sẽ không đặt chuông báo thức, có thể sẽ dậy lúc 3h chiều, có thể là 4h, 4h30, rồi ăn mấy củ khoai lang đã luộc sẵn trên bếp.
Lần thứ ba thì tôi không nhớ rõ là vào lúc nào nhưng chắc chắn là sau 2019 - có thể là năm 2020, cũng có thể là 2021 - tôi chỉ nhớ chắc chắn lúc đó là mùa hè. Vào khoảng 7h sáng, tôi tỉnh dậy trên giường, và ngay khi mắt chạm vào luồng ánh nắng hình khối đâm chéo xuống từ ô cửa thông gió hình chữ nhật thì cảm giác lúc trước lại quay trở lại. Lần này nó mang màu sắc của sự hài lòng nhiều hơn. Vào lúc đó tôi nhớ mình đã nghĩ: bây giờ mình có đang thực sự cần điều gì không nhỉ? Người yêu? Tiền? Nhiều tiền? Giỏi thứ mà mình muốn giỏi? Nổi tiếng ở lĩnh vực mình muốn được biết đến? Cao thêm 15cm? Câu trả lời là không cho tất cả. Vào lúc ấy, tôi chỉ muốn nằm đó tận hưởng từng giây từng phút một của khoảng thời gian này; để tận hưởng cảm giác dường như mình đã hiểu mọi thứ nhưng dường như cũng chẳng hiểu gì cả, dường như cảm nhận được từng tấc da thịt cơ thể nhưng dường như cũng không cảm nhận được gì hết; để nghe tiếng quạt máy ro ro rần rần khe khẽ trong mỗi nhịp quay, tiếng xe cộ xa xăm ảm đạm; để ngửi mùi hè loang loãng bắt đầu nồng, đậm dần, ngửi mùi mồ hôi thoang thoảng, ngửi mùi chăn, mùi gối, mùi chiếc chiếu tre hàng Trung Quốc đã thấm mùi mồ hôi chăn gối được 20 năm. Trải nghiệm lần này kéo dài hơn hai lần trước, nhưng cũng là lần mà tôi phải dậy đi làm sau đó.
Tôi nghĩ ba lần trải nghiệm trên rất phù hợp với một quan điểm về hạnh phúc mà tôi từng tôn thờ: "an yên". Tôi luôn hay để ý đến những tiểu tiết, những vụn vặt, chiếc khuyên tai mới mua, chiếc dây buộc tóc mới, chiếc mặt dây chuyền nhỏ xíu, kiểu nhoẻn miệng đặc trưng của ai đó khi được khen, kiểu kiểu thế. Tôi đã từng đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều, tĩnh lặng nhiều, cô độc nhiều, ngắt kết nối nhiều, buông bỏ nhiều để cho biết, cho thấu, cho trải hai từ "an yên". Tôi đã từng nghĩ lối sống mệt thì nghỉ, thích thì đi, đói thì ăn, khát thì uống là đỉnh cao tuyệt đối mà mình có thể đạt được. Cho đến một ngày tôi thấy tức giận vì nhận ra hai việc.
Một là, tôi nhận ra bản thân đang vô thức phán xét và đánh giá người khác dựa trên cái mà họ coi là hạnh phúc, thầm mỉa mai những người không biết tôn trọng việc "mệt thì nghỉ thích thì đứng dậy đi", không "yêu những điều nhỏ bé", "yêu những giây phút đời thường". Tôi tức giận vì nhận ra bản thân coi đó là chân lý duy nhất, và còn tệ hơn, coi nó là cao quý hơn những lối sống khác, những cách truy cầu hạnh phúc khác.
Lý do thứ hai là khi tôi nhận ra câu trả lời, cho câu hỏi tại sao lại có nhiều người không chọn lối sống ấy: vì đó là một kiểu đặc quyền không phải ai cũng có.
Một sự thật đơn giản, không phải ai cũng có thể an nhàn tự tại, thích thì đi, mệt thì nghỉ, thấy vướng bận quá thì buông bỏ bớt cho nhẹ lòng. Cuộc sống của nhiều người, rất nhiều người đơn giản là quá bộn bề và khốn khổ đến mức không có chỗ cho những khoảng ngừng, những khoảng nghỉ - chỉ có khoảng rã rời này đến khoảng mệt mỏi khác.
Tôi thấy mình như một thằng nhóc được nuông chiều, hư hỏng, thiển cận và thiếu cảm thông vì đã cho rằng những người kia không biết "hạnh phúc đích thực" là gì.
Khi nhận thức được kiểu sống mà mình từng đề cao, từng tự hào, là một đặc quyền như vậy, tôi không còn quá cố gắng theo đuổi nó bằng mọi giá nữa. Tôi không còn ám ảnh với nó như trước. Quan điểm về hạnh phúc của tôi dần thay đổi. Có lẽ là méo mó hơn.
Tôi không còn coi hạnh phúc, hoặc trải nghiệm hạnh phúc, phải là một cái gì đó nguyên bản và nguyên vẹn, giống như một chiếc bánh mì mà có 100% là bánh mì. Tôi bắt đầu tìm kiếm những thứ có vẻ giống bánh mì hơn. Tôi bắt đầu để ý tới những niềm vui, sự hân hoan và phấn khích vụn vặt bị bó chặt trong những nùi xấu xí, thô kệch của đời sống. Tôi muốn nếm thử chúng.
Nhận thức của một người về hạnh phúc bị chi phối rất lớn bởi những gì họ nhận thức về khổ đau. Tôi bắt đầu nghĩ về sự đau khổ, đặc biệt về những việc người ta tự gây ra đau khổ cho mình.
Tôi nghĩ một trong những sự kiện có thể gây ra nhiều sự đau khổ nhất là khi một kẻ không yêu bản thân nhận ra hắn ta có quyền lực thế nào lên bản thân hắn. Một kẻ từ trước đến giờ cảm thấy dường như hắn chưa từng có quyền lực với bất cứ thứ gì trong xã hội, giờ nhận ra hắn ta có sự thống soát bạo lực tuyệt đối tới một thứ: chính hắn. Hắn có thể xỉ vả, đay nghiến, chì chiết, hành hạ, bỏ đói, đánh đập, hủy hoại chính hắn theo những cách mà không một ai có thể biết được. Hắn có thể gieo cho nó nỗi thất vọng lớn nhất mà không ai khác có thể gieo. Hắn có thể lừa dối nó theo những cách xảo quyệt nhất mà không ai có thể lừa. Hắn có thể làm nó tổn thương theo những cách không ai khác có thể.
Hắn có thể giết cơ thể này nếu hắn muốn.
Quyền lực tuyệt đối này, xét ở một góc cạnh nào đó, mang đến cho hắn một cảm giác hạnh phúc, nhưng nó xin xỉn màu kiểm soát, màu của một sự khoái cảm đê mê và gây nghiện. Vì nó dễ dàng, và luôn có sẵn.
Ở điểm cuối của điều này, tôi nhận ra, tôi có thể không yêu bản thân, nhưng tôi yêu cuộc sống. Và tình yêu với cuộc sống đó dần giúp tôi thấy hạnh phúc hơn. Tôi không còn cần cái khoái cảm khi tự đay nghiến bản thân nữa. Tôi không cần cảm giác sung sướng méo mó, thứ hạnh phúc xỉn màu ấy nữa.
Sự xấu xí thứ hai mà tôi nhúng mình tìm hiểu là sự tức giận.
Từ nhỏ tôi đã luôn là đứa hay dỗi, hay bực mình. Tôi rất hay nổi đóa. Và tệ hơn, tôi đã nghĩ đó là bản tính không thay đổi được. Sự tức giận mang đến một sự phấn khích độc đáo mà không trạng thái cảm xúc nào khác có: cảm giác phấn khích của sự hủy duyệt và tàn phá. Khá kì lạ là, dù đây là thứ đã bám lấy tôi lâu nhất, tôi lại từ bỏ nó dễ dàng nhất, chẳng mất quá nhiều công. Chỉ đơn giản là đến một ngày, sau khi đọc đủ nhiều để biết những lớp danh tính đã hình thành nên con người mình, tôi nhận ra tính nóng nảy này không phải tự nhiên mà có, và càng không phải một dấu vết mình phải mang suốt đời. Việc tiếp theo chỉ đơn giản là lần mò lại cội nguồn và gỡ nó ra từng chút một khỏi tâm trí. Kết quả thu được là, lần đầu tiên tôi không còn nhìn sự tức giận như một trạng thái, một cảm xúc, mà thực sự thấy nó như một lựa chọn. Khi những sự việc thường khiến tôi trong quá khứ tức giận xảy ra, tôi thực sự có thể cảm nhận sự tức giận dâng lên đồng thời với suy nghĩ cảnh báo rằng mình có nên tức giận hay chọn cách xử lý khác, và toàn quyền quyết định mình sẽ chọn cách nào.
Tôi cũng thử áp dụng cách này cho những cảm xúc khác, như buồn, tiếc nuối, vui vẻ, nhưng lợi ích lớn nhất thu được vẫn là từ việc xử lý sự tức giận. Sự kiểm soát này lại là một trải nghiệm thú vị và mang đến hạnh phúc lành mạnh hơn. Tôi chọn nó.
Một tác dụng phụ của việc nhìn ra các lớp danh tính của bản thân là tôi nhận thức được rằng những người khác cũng là được tạo bởi một số lượng nhiều lớp danh tính tương tự. Tôi thấy mình không còn nhìn con người như một con người nữa, mà là một sự tổng hòa của nhiều thứ hơn là chỉ da và thịt như trước. Kì lạ là khi nhận ra điều đó, những thứ mà người khác làm có thể khiến tôi thấy tức giận bỗng nhiên ít lại. Tôi cũng thích cảm giác hạnh phúc khi nhìn nhận con người thế này. Tôi chọn nó.
Thuần hóa sự tức giận và nhận được tác dụng phụ kể trên cũng giúp tôi dần thoát một thứ hạnh phúc ung nhọt khác, mang tên quá đề cao việc người khác sẽ nghĩ tốt về mình.
Một thú khoái trá trước đây tôi thường hay dành nhiều thời gian cho nó là một phòng chiếu phim tưởng tượng trong đầu. Do thèm thuồng và khao khát sự công nhận, tôi thường hay tưởng tượng khung cảnh những người mà tôi muốn gây sự chú ý, hoặc những người mà tôi muốn được họ đánh giá cao, ngồi tập trung trong một rạp chiếu phim tưởng tượng. Trên màn chiếu sẽ là những giây phút mà tôi cho là rất ngầu, rất đáng được tuyên dương của bản thân. Mỗi khi làm được gì đó hay ho, hoặc việc gì đó tốt đẹp nho nhỏ, "không ai thấy", tôi có thể tưởng tượng ra cảnh những khán giả đó trầm trồ và khen ngợi ra sao khi được chiêm ngưỡng thước phim chiếu những hành động đó trên màn ảnh. Đây là một thú gây nghiện khủng khiếp, dù cực kì tốn năng lượng; chưa từng có hoạt động nào bơm cho tôi một lượng dopamine lớn như thế. Đây là một tính năng tâm trí hay, nhưng tôi nhận ra mình dành quá nhiều thời gian để chiếu những thước phim trong quá khứ, và trong lúc đó thì hiện tại đang trôi qua. Khi hiểu bản thân hơn, hiểu những hạn chế của mình hơn, tôi không còn thấy cần nó nữa. Tôi từ bỏ thứ hạnh phúc này.
Từ bỏ việc cố gắng sửa chữa quá khứ, tôi có nhiều năng lượng và khoảng trống hơn để dành cho hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết lên kế hoạch cho các sự kiện trong cuộc sống, và nhận ra mình khá giỏi trong việc đó.
Nhưng mà không bao giờ là đủ giỏi để lên kế hoạch cho tình yêu. Chắc là chẳng ai có thể.
Tôi cũng từ bỏ một quan niệm khác về tình yêu mà từng mang đến cho tôi nhiều cảm giác bay bổng: tôn thờ vẻ đẹp nội tâm.
Việc có nhiều khoảng trống để suy nghĩ hơn cũng giúp tôi có thêm chỗ để sắp xếp những gì mà mình ưu tiên. Và tôi luôn luôn thích sự thân mật. Thích cảm giác được đan tay vào tóc người khác, được người khác vuốt tóc lại. Thích những cái ôm, những hơi thở gần, những đụng chạm thân thể. Sự thực hóa ra thật đơn giản làm sao, yêu người khác dù về thân thể hay tâm hồn đều là một phần không thể thiếu trong một mối quan hệ. Hoặc ít nhất tôi coi là thế. Tôi thấy chỉ cần mình nhận thức rõ được rằng, cảm xúc của tôi về thân thể một người sẽ không thể thay thế và bù trừ, gánh team, cho cảm xúc của tôi về tâm hồn họ, và ngược lại, trong hầu hết các trường hợp.
Trước đây, việc quá tôn sùng vẻ đẹp nội tâm khiến tôi đánh giá thấp và không biết công nhận cũng như trân trọng những nỗ lực làm đẹp cơ thể của đối phương. Tôi nhíu mày khi biết người ta chuẩn bị từ 3h chiều cho cuộc hẹn lúc 7h tối. Tôi chẳng bao giờ bỏ công tìm hiểu để biết việc gội đầu với con gái, hoặc chi ít là với một số cô gái, không chỉ đơn giản là xả nước - thoa dầu gội - vò tóc - xả lại nước - xong. Tôi đã không biết là việc gội đầu quan trọng tới mức con gái sẽ cân nhắc xem sẽ có đủ thích ai đó để mất công gội đầu để đi chơi với họ không. Tôi đã không biết việc makeup không hề ngắn và cũng không hề dễ. Tôi đã không biết là con gái phải tự học, tự tìm hiểu trong một ma trận lv max các loại mỹ phẩm (chỉ nghĩ riêng vụ son thôi là đã không muốn nghĩ nữa rồi). Tôi đã không biết là làm con gái phải chịu nhiều áp lực về thân thể và ngoại hình gấp nhiều so với con trai, hoặc cũng có biết nhưng không thực sự biết đến thế.
Sau khi đã biết hơn một xíu, tôi thấy trân trọng hơn những người tôi gặp. Và việc thành thật với cảm giác của mình về cơ thể đối phương khiến tôi thấy hiểu và tôn trọng họ nhiều hơn.
Tôi thích người có gương mặt không xinh, cặp môi mỏng, bộ ngực nhỏ cũng như tôi thích người có làn da trắng, thân hình mịn màng, nhẵn thín vì đã triệt lông toàn thân. Tôi thấy thích cuộc trò chuyện sâu sắc cũng như những cuộc trò chuyện tán nhảm chẳng đâu vào đâu. Tôi thích những buổi hẹn hò lãng mạn, thích cả những buổi hẹn hò lãng nhách, và thích cả những buộc hẹn hò nhàm chán đơn điệu, miễn sao hai đứa thấy ổn khi ở cạnh nhau.
Cách nhìn mới này làm tôi thấy mọi người thú vị hơn, tôi tận hưởng những tương tác với người khác hơn. Tôi chọn kiểu hạnh phúc này.
Tôi không còn coi hạnh phúc là một cái gì đó bất biến và cố định, một cái gì đó khái quát, mà coi nó là một chuỗi những trải nghiệm nhỏ lẻ và riêng biệt, không cái nào giống cái nào.
Vẫn còn nhiều kiểu trải nghiệm về hạnh phúc nữa mà tôi đang rất mong chờ.
_____________________
Bài viết này tôi đặt một cái tên khá kêu (tôi nghĩ thế) nhưng vô nghĩa để che giấu cho sự trống rỗng của nội dung, như thể là lời thú tội cho việc tôi không thực sự tin vào những gì mình viết. Cùng lúc, tôi thấy ái ngại cho ít nhất một bạn nào đó trong ban tổ chức phải đọc hết bài chỉ để ngán ngẩm loại nó ra.
Tôi không tin những gì mình viết, cũng như tôi ko tin mình xứng đáng được hạnh phúc.
Tôi viết bài này khi đang nhớ rất nhiều đến một người. Tôi nghĩ về người ta, nghĩ về gương mặt không xinh, cặp môi mảnh, khuôn ngực phăng phẳng. Tôi nhớ và thực sự mong được nói chuyện với bạn ấy.
Đó là một người mà tôi đã nói rằng tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với người ta nữa.
Nhưng giờ có lẽ, tôi sẽ vẫn thử nhắn tin lại xem, chỉ để nói rằng tôi thực sự muốn nói chuyện với người ta. Chẳng mong gì hơn, tôi biết là mọi chuyện không thể tiến xa hơn được.
Chỉ là, việc đó sẽ là một lời tự cam kết với chính mình, rằng kẻ từ giờ, dù tôi tin mình có xứng đáng được hạnh phúc hay không, nếu hạnh phúc đến, dù dưới bất kỳ hình thức nào, tôi sẽ cho phép bản thân đón nhận nó, không dè dặt.