Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Tuần này mình có 1 cái academic writing retreat (nôm na là 3 ngày toàn tâm toàn ý cho viết lách học thuật) cùng viện nghiên cứu của mình ở Warwick uni. Điểm ấn tượng nhất là 1 vấn đề cực kỳ nan giải về lý thuyết trong bài nghiên cứu của mình đã được giải quyết chỉ sau … 5 phút nói chuyện với 1 giáo sư đầu ngành (giám đốc viện nghiên cứu, người mà bình thường gần như việc hẹn gặp là impossible với lịch làm việc đầy ắp meeting).
Điều này hơi hơi lấy mất tự tin của mình. Nhưng quan trọng là nó khiến mình nhớ việc dành nhiều thời gian nhất có thể ở cạnh và học hỏi từ những người giỏi nhất quý giá đến mức nào.
Trong cuốn “Richer, wiser, happier” về đầu tư mình mới đọc cũng có nhắc đến điều này, khi Mohnish Pabrai đã biến mình thành kẻ, không chỉ học lỏm, mà thực sự là “bản sao” của Warren Buffett, nhà đầu tư vĩ đại nhất, để tự thu cho mình những thành công, rồi đến lúc được gặp mặt và trở nên thân thiết với Mr Buffett.
Tất nhiên, việc tiếp cận và được ở cạnh học hỏi từ những người như thế không phải là điều dễ dàng, vì: (1) họ có rất ít thời gian; (2) bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều để có thể chứng minh năng lực của chính bản thân mình, nếu muốn có cơ hội học hỏi họ; và (3) đôi khi, đời khó lường hơn bạn nghĩ.
Cái yếu tố thứ (3) ấy chính mình cũng không ngờ khi gặp phải. Mình đến Belfast, có thể nói phần lớn, là vì cô manager của mình, một trong những người phụ nữ giỏi nhất mình từng được biết trong đời. Không chỉ về năng lực (cô cũng là một trong những giáo sư đầu ngành, bạn thân của ông giám đốc viện kia), mà còn vì cách nói chuyện, phong thái, và sự quan tâm cực kỳ “con người” đến tất cả nhân viên của cô. Thú thực mình đã sướng như tiên khi được cô chọn … chỉ để rồi vừa nhận việc chưa được 6 tháng thì cô lên lon, trở thành phó hiệu trưởng (Pro-Vice-Chancellor), điều hành công việc của 5 trường nhỏ (như Business School) trong cả uni to. Và thế là lịch làm việc của cô cũng đặc kín họp hành, và những thứ liên quan đến đường lối, mục tiêu, vv. ở cấp cao hơn, khiến chẳng có mấy thời gian mà nghiên cứu gì nữa. Và thế là mình bơ vơ.
Nhưng, dù có thất bại lần này, chẳng hiểu sao mình vẫn tin rằng cách chọn sếp, thay vì chọn công việc phù hợp nhất, của mình là đúng.
Vậy nên, thời gian tới, 1 công việc khác, 1 lựa chọn khác hoàn toàn, nhưng mình vẫn sẽ tin và đi theo lựa chọn này.
Nghiên cứu cho thấy sếp có ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn nhiều hơn rất nhiều so với cả công ty nói chung. - "Chó sủa nhầm cây" - Eric Barker Studies show that your boss has a much larger affect on your happiness and success than the company at large.
Ah, trong chuyến công tác, mình có dịp ngồi nói chuyện với 1 chị Tàu nhiều hơn, nghe chị kể về 3 đứa con 14, 17 và 20 tuổi của chị. Tình cờ mình có hỏi 3 đứa có hay về Trung Quốc không, và khi về có khó khăn gì không. Chị trả lời ngay là không, chúng nó cực kỳ thích về luôn. Và thế là câu chuyện xoay quanh việc tại sao trẻ con Tàu, dù có sinh ra ở nước ngoài nhưng luôn nói tiếng Trung rất thạo và không gặp khó khăn gì, trong khi con bé cháu mình cạy răng nó ra cũng không nói 1 từ tiếng Việt, dù nó hiểu hết bố mẹ nó nói gì. Và rất nhiều trẻ con Việt ở London mình từng gặp cũng y hệt, có nói thì ngọng líu ngọng lo, và chỉ làm trò cười cho bố mẹ mà thôi.
Hóa ra, đằng sau nó là cả một hệ thống.
Chị kể cho mình rằng thực ra chúng nó đi học hẳn trường tiếng Trung tổ chức vào cuối tuần, và để cho nó nghiêm chỉnh thì thời gian học đúng như thời gian học ở trường Tây các ngày trong tuần luôn. Tức là trẻ sẽ phải dậy đúng giờ ấy, ăn sáng đúng giờ ấy, rồi đến nơi học đúng giờ ấy (9 giờ đến 3 giờ chiều) như ở trường Tây, tuần nào cũng như tuần nào, từ 5 6 tuổi đến tận 13 14 tuổi.
Chị nói có rất nhiều trường như thế, và thậm chí còn có hẳn giáo trình (không biết do ai soạn), thiết kế ngôn ngữ một cách giản lược dành riêng cho trẻ sinh ra ở nước ngoài.
Thêm một điểm rất quan trọng nữa là việc này khiến trẻ có những người bạn từ thuở thiếu thời, và vì vậy mà cộng đồng Tàu luôn duy trì được sự gắn bó cực kỳ khăng khít với nhau.
Nghe xong mà thán phục họ thực sự!
Chỉ để tối thứ 6 về đến nhà, bà cháu yêu quý chạy tận ra cửa đón và rõng rạc nói: “Hello uncle”. Nghĩ nó chán :|
Về đọc, tuần này mình đang cày 2 cuốn “Inner Engineering” của Sadhguru và “Anam Cara”, nghĩa là "soul friend", mà một người bạn tặng khi mình rời Belfast. Dù đã được 25% mỗi cuốn mà vẫn chưa thấy ý tưởng nào mới, thì việc thỉnh thoảng lật giở 1 cuốn tâm linh mình nghĩ cũng rất hữu ích, ít nhất là ở điểm nó sẽ khiến bạn để ý nhiều hơn đến dòng chảy cũng như những thay đổi bên trong bản thân mình.
Hay tựu lại, vẫn là cái ý tưởng: Để có thể cảm nhận được những gì thiêng liêng, cái toàn thể, thực ra bạn phải hướng sự chú ý của mình vào bên trong, chứ không phải bên ngoài.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
P.s. Và một chút nhạc nhẹ, chúc mọi người tối chủ nhật thảnh thơi thư thái nhé!
A Dreamer