Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Tuần này vì Spiderum mở bán "Suy tưởng" nên mình cũng dành thêm thời gian cho Stoicism, và tình cờ nghe được cái interview với Massimo Pigliucci cực kỳ bổ ích, highly recommend cho các bạn mới biết đến trường phái nhé.
Trong đấy có 2 ý mà mình thấy rất ấn tượng: một là cái cách người xưa, chỉ từ quan sát và chiêm nghiệm, mà hiểu ra được 2 điểm quan trọng nhất để từ đó dẫn đến mọi triết lý, cách sống sau này: (1) chúng ta có lý trí, và phải biết sử dụng nó; và (2) chúng ta là những sinh vật cộng đồng. Hai là cái nhấn mạnh rằng thực ra Stoicism, hay triết nói chung hồi đó, là để hướng đến thực hành. Tức là để trở thành một người có phẩm cách thực ra chỉ cần: một chút lý thuyết, một tấm gương/người thầy giỏi, và rất rất nhiều rèn luyện trong chính cuộc sống (trong video có so sánh nó giống như việc tập đàn vậy). Tức là bạn không cần biết quá nhiều các lý thuyết triết học, cũng chẳng cần phải bàn luận đến nơi đến chốn về chúng mọi lúc mọi nơi, mà hãy nhìn thẳng vào những hành động của bản thân mình mỗi ngày, xem thử xem trong hành động ấy phần nào là phần mình có quyền kiểm soát (thuật ngữ Stoicism là in/under your control), và với phần ấy thì mình phải hành động thế nào là đúng phẩm cách. Cứ như vậy, từng hành động một, từng ngày một trong cuộc đời. Chỉ vậy thôi.
Không bao giờ hành động mà bị ép buộc, bởi vị kỷ, không có cân nhắc trước, hay khi còn nghi ngại. Không một lời thừa, hay một hành động không cần thiết. - trích Suy tưởng, Marcus Aurelius, quyển 3, #5
Về đọc, mình đang cày cuốn “4000 weeks”, có lẽ là cuốn hay nhất về quản lý thời gian và hiệu quả công việc (time management & productivity) mà mình từng đọc. Trong đấy có một đoạn rất hay bàn về cuộc sống tiện nghi bây giờ:
Lược dịch: Mọi thứ đúng là ngày càng thuận tiện và trôi chảy hơn. Nhưng thuận tiện là một thứ ưu điểm đáng ngờ, vì thường thì chính những sự không thuận tiện là thứ khiến cuộc đời này đáng sống, giúp nuôi dưỡng những mối quan hệ và đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của ta, cũng như sự liên kết của cộng đồng … Nghĩ thử về một tấm bưu thiếp, giờ có đầy những trang web cho bạn chọn và gửi đi ngay lập tức một tấm bưu thiếp sinh nhật hay giáng sinh. Nhưng cả người nhận lẫn người gửi đều hiểu rằng nó là một sự thay thế nghèo nàn cho tâm ý đi mua bưu thiếp, về viết những dòng chữ tay vào đó, rồi ra bưu điện gửi đi. Vì chính những tâm ý đó mới là thứ quan trọng – hay nói cách khác, những sự không thuận tiện đó. Khi chúng ta làm cho một quá trình trở nên thuận tiện hơn, chúng ta đang làm mất đi ý nghĩa của nó. Và cứ thế, càng ngày chúng ta càng thấy mình chọn những sự thuận tiện mà trống rỗng vô nghĩa, thay vì những thứ đã từng giúp kết nối, bện chặt lại cộng đồng này, nhưng giờ đã trở nên bất tiện.
Đọc xong không thể không so sánh sự tương phản với một đoạn trong "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh mình mới đọc tuần trước:
Những buổi tối mùa hè mất điện nóng như hầm phải ra sân ngồi hóng gió tới khuya, hoặc những khi cùng bà con chầu trực trước cái vòi máy nước độc nhất cho cả ba tầng tứ mùa khốn khổ khốn nạn tóc tách từng giọt, còn thiếu chuyện gì nữa về đời sống trong nhà ngoài phường mà Kiên chưa được nghe … Đối với Kiên vang vọng lâu bền nhất của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường chứ tuyệt nhiên không phải là tiếng rền động của các biến cố thời chiến, mặc dù cái đời thường xa xưa ấy đã bị bão tố lật trời của chiến tranh quét sạch.
P.s. Và một chút nhạc nhẹ, chúc mọi người cuối tuần thảnh thơi nhé!
A Dreamer