Anatomy of sadness
Tình cờ đọc được tên chủ đề một buổi triển lãm nghệ thuật thị giác như trên, nên tôi mượn tạm làm tiêu đề của bài mình. ...
Tình cờ đọc được tên chủ đề một buổi triển lãm nghệ thuật thị giác như trên, nên tôi mượn tạm làm tiêu đề của bài mình.
Ý nghĩ viết về nỗi buồn được gieo vào đầu tôi khi một buổi sáng đi làm chạy xe ra đầu ngõ và tôi gặp ông hàng xóm của tôi đang lót dép ngồi trên lề đường và nhìn mông lung vào dòng người trước mặt. Dưới cái nắng gắt của một sáng tháng 11 đô thị, ông mặc kệ chẳng đổi vị trí, cái khẩu trang tụt dưới mũi, ông cứ ngồi đó, 2 cánh tay đan lại,
gác lên 2 chân dang ra, đôi bàn chân gầy đen đặt xuống đường thoải mái như đang trên nền nhà, đôi dép tổ ong màu cam ngả màu thì lót dưới mông.
Tôi nghĩ ông buồn, vì ánh mắt của ông cứ xa xăm,
tôi nghĩ ông buồn vì đứa cháu mới mất tháng trước, gia đình ông là gia đình tình thương, chắp vá lay lắt qua ngày nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm, ai cho gì ăn nấy, ông người Hoa, tâm thần nhẹ, nuôi đứa cháu bị down, gọi đứa vì nó mãi chỉ ở tuổi lên 3, không nói rành chữ, bị mẹ bỏ rơi khi lên 6 tháng, ông nuôi nó, tuổi thơ của tôi lớn lên với âm thanh ọ ẹ của nó lẫn với tiếng lầm bầm của ông những đêm trở trời không ngủ được. Một ngày trong chuỗi ngày mệt nhọc khi về nhà, bà tôi thông báo rằng nó mất rồi, tôi và bà đều im lặng, xong bà kể tiếp vài thông tin bà lượm nhặt được, tôi chỉ nhớ mỗi chi tiết bà kể khi phát hiện ra thì xác nó đã lạnh, ông cứ ôm nó trong tay, vẫn lầm bầm những điều không ai hiểu, nhưng ông ôm nó như thế, suốt một ngày một đêm, bà nói, thiệt tội nghiệp. Sau đó, đọc tờ cáo phó dán không chặt phất phơ trước căn nhà xập xệ, tôi mới biết rằng, nó bằng tuổi tôi, và nó cũng chẳng phải họ hàng ruột rà gì của ông hàng xóm, ông ấy nhặt nó ở đâu đó trên đường nhiều năm về trước, rồi gọi nó là cháu, biết vậy thôi.
Có lần tôi với bà tôi cũng ngồi ngoài lề đường ngày nắng chang chang như vậy khi tôi còn bé, rất bé, đủ để không thể nào còn sức cất bước đi tiếp nên tôi năn nỉ bà cho tôi ngồi nghỉ, bà chỉ cách tôi “soạn” cho mình một chỗ ngồi cũng y như cách ông hàng xóm ở trên, lót đôi dép mình đang mang xuống mông, ngồi bẹp xuống, bàn chân chống bằng gót, rồi gác tay lên chân. Tôi cũng không hiểu sao hình ảnh ấy lại mang tôi về lại một chiều nắng ở quê cách đây mấy chục năm rõ nét đến vậy, tôi ngồi bệt xuống đường, nghĩ chắc mình sẽ chết nếu đi tiếp nữa quá, khát, mệt, tuyệt vọng vì bà tôi chả có ý định gì là sẽ gọi xe ôm hay huỷ chuyến đi cả, bà thì khoẻ, còn đi vẩn vơ xung quanh những ngôi nhà xa lạ có hàng rào bông bụp, miệng lẩm bẩm bảo không tìm thấy chủ nhà để xin chiết vài cây về trồng trên mộ mẹ.
Hôm đó là một trong nhiều ngày tôi và ngoại liên tiếp đi thăm mẹ suốt những năm tôi tiểu học, những năm mẹ “mới” mất, ngoại không thể nguôi được nỗi đau nên tìm đủ mọi cách để được gần với mẹ hơn, trong đó có việc cứ nghỉ hè nghỉ tết sẽ mang tôi về lại quê, và vì bà không có nhiều tiền, nên 2 bà cháu lóc cóc lội bộ một quãng thật xa từ nhà bà đến mộ.
Bất giác tôi ước gì có cỗ máy thời gian, tôi của hiện tại sẽ chạy xe ngang qua 2 bà cháu và đề nghị một cuốc xe miễn phí, chắc là tôi năm tuổi nhỏ ấy sẽ vui mừng biết mấy, chắc nó sẽ được cứu rỗi khỏi sự tuyệt vọng nhiều biết mấy, chắc biết đâu đó lại là một kỷ niệm đẹp trong nó, chứ không phải một nỗi buồn mênh mang trong nắng gắt được gợi nhớ như ngày hôm nay.
Tôi trộm nghĩ, trong muôn vàn xúc cảm phức tạp của loài người, nỗi buồn có lẽ là phức cảm mang tính “chánh niệm” nhất, vì nó dễ làm mình chìm đắm trong nó rồi tách rời khỏi hiện tại, điều này tôi nghĩ không xấu, vì từ khi dậy thì, tôi đã ý thức được mơ hồ rằng chắc một phần nào đó trong tôi được cấu thành từ sự buồn, khi lớn, rồi già (như hiện tại) nỗi buồn nó hiển nhiên tồn tại trong vũ trụ quan của mình, đôi khi nó mênh mông như sông
"Một nỗi buồn sa như sóng xô”
Huy Cận
Đôi khi nó thâm trầm uyên bác như tiếng mưa rơi đêm khuya mất ngủ
“Bây giờ đã canh ba
và tiếng cơn mưa đá
đánh vào cội tre già
trên giường tôi nằm thức
lắng nghe đời đi qua”
Taigu - Ẩn sĩ người Nhật
Và cũng như một ngày nắng tràn trề trước mắt, nỗi buồn cũng xâm chiếm tâm thức của một người trưởng thành hay quên, để nhắc cho họ nhớ về sự mong manh vô thường của chính họ, về nỗi cô đơn thưởng trực có lẽ đã là một phần bản sắc của chính tôi, tôi vẫn còn mang theo cô bé ngồi bệt trên đường năm ấy, không nỡ buông.
"Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu."
Nguyễn Ngọc Tư.
kết.
“Tonight I can write the saddest lines.”
Pablo Neruda
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất