Tiếp nối sự thành công của bộ phim mang đậm chất điệp viên “Captain America:The Winter Soldier”, Marvel Studio bắt đầu phát triển một dự án xoay quanh nhân vật Nick Fury. Vào ngày 21/06/2023, mùa 1 của series này chính thức ra mắt với tựa đề “Secret Invasion”, được lấy cảm hứng từ đầu truyện cùng tên của Marvel Comic. 
     Theo chân Fury xuyên suốt 6 tập phim, đạo diễn đã cho chúng ta thấy sự thâm độc trong kế hoạch xâm lăng của giống loài Skrull và cuộc chiến vì sự sống trên Trái Đất. Cụ thể hơn, đây là cuộc chiến giữa loài người do Nick Fury lãnh đạo và phe khủng bố Skrull được cầm đồng bởi Gravik. Liệu bộ phim đang thành công trong việc xây dựng cuộc chiến này? Hay đây chỉ là một màn rush out đến từ nhà làm phim? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.

I/. Phân tích nhân vật

     Ở phần này, mình xin phép sẽ chỉ phân tích về phe chính diện và phản diện với hai nhân vật đại diện là Gravik và Nick Fury. Sở dĩ, mình lựa chọn hai nhân vật này vì đây là hai nhân vật nổi bật và xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim này. Với bộ đôi này, ta sẽ có cái nhìn tổng quát về việc xây dựng tuyến nhân vật đang gặp vấn đề. Và giờ, chúng ta tới nhân vật đầu tiên nào.
1. Gravik
    Trước hết, chúng ta được biết rằng: Từ nhỏ, Gravik đã là một Skrull vô cùng thông minh. Cha mẹ hắn đã bỏ mạng trong cuộc chiến với giống loài Kree. Tên Skrull này trốn thoát trên chiếc phi thuyền và tới được Trái Đất. Tại đây, Gravik nhỏ đã có cuộc gặp định mệnh với Nick Fury và Talos. Từ đó, Gravik cùng giống loài của mình tại đây đã tham gia bảo vệ Trái Đất, đổi lại Fury hứa sẽ tìm cho họ một mái nhà mới. Nhưng lời hứa đó chưa kịp thành hiện thực thì Gravik đã mất niềm tin và quay lưng lại với thủ lĩnh của mình. Hắn muốn tự tay tận diệt loài người và biến Trái Đất thành “tổ ấm” mới cho giống loài.
    Chúng ta có thể nhận ra rằng mục tiêu này tương đồng với mục tiêu của nữ hoàng Skrull trong truyện tranh. Nhưng đến cuối phim, đạo diễn đã bóp méo động cơ của chính nhân vật Gravik. Hắn ta từ một kẻ chiến đấu vì dân tộc lại bị biến thành một kẻ khủng bố không hơn không kém. Có thể khẳng định rằng chính việc đẩy nhanh ở cuối phim và sai lầm của biên kịch mà Gravik trở thành một trong những phản diện tệ hại của MCU. Giá như, việc khắc họa biến chuyển trong nội tâm nhân vật được khai thác một cách chậm rãi, không gượng ép như Marvel đã từng làm với Bucky Barnes thì mình dám khẳng định rằng Secret Invasion sẽ đáng xem hơn. 
2. Nick Fury
     Well, biết nói gì đây nhỉ, mình không hiểu nhà làm phim đang muốn xây dựng gì về Nick Fury ở series này cả. Họ cho chúng ta biết về người vợ bí mật của ông, một chút flashback về quá khứ của bản thân. Điều đáng nói hơn hết, Nick vẫn là Nick của sau cú búng tay. Một người lập ra biệt đội siêu anh hùng lớn nhất trên hành tinh, nhưng lại cực kỳ bị động và thiếu quyết đoán. Để mình chứng minh cho điều này, chúng ta hãy nhớ lại tập đầu tiên của bộ phim.
     Tại đây, Gravik đã dắt mũi Nick Fury một cách dễ dàng như thế nào. Hắn ta liên tục thay đổi diện mạo và Fury chỉ biết đi theo mà không hề có phản ứng gì. Cho đến khi, kẻ thù đứng đó và cho nổ tung cuộc hội chợ thì đã không còn kịp để Nick Fury ra tay. Điều làm mình thấy tiếc nhất cho nhân vật Nick Fury này đó là cách khai thác về khả năng lên kế hoạch của ông. Nó chỉ được thể hiện ở đoạn cuối của series, khi cuộc chiến với Gravik đi tới hồi kết. Thực sự, nếu chúng ta so sánh với trong truyện thì Nick Fury bị nerf một cách thảm hại. Trong comic, ông ta dẫn dắt đủ bao nhiêu nhóm siêu anh hùng, sử dụng vô số robot thế thân cho mình phòng những trường hợp xấu, thậm chí mưu mô đến mức Tony Stark cũng phải kiêng nể ông ở khoản chiến thuật.  
     Sau khi xem phim, mình có thể khẳng định chắc chắn rằng khi mà vấn đề về sức mạnh của nhân vật không được thể hiện quá rõ ràng thì ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của Nick trong phim cũng vì thế mà tương đối mờ nhạt. Hãy nhìn lại chặng đường 6 tập đã qua. Nick Fury đã kéo chúng ta đi quanh quẩn rất nhiều vấn đề mà không hề có giải pháp hợp lý. Điều đó vô tình làm giảm tác động của nhân vật chính lên toàn thể series. Cũng chính vì điều đó mà series mới bị cho là lan man và không có trọng tâm cụ thể.
     Nhìn chung, Ali Selim đã cho chúng ta phải thất vọng. Một series xây dựng cả hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện một cách tệ hại. Chính vì điều này mà số điểm của bộ phim cũng khó lòng chấp nhận chỉ sau 6 tập phim. Liệu chúng ta vẫn có thể hy vọng ở mùa sau không? Chắc chắn rồi, đây là một sự kiện có quy mô vô cùng lớn. Để có thể xây dựng được tầm cỡ tương xứng với trong comic thì series này còn cần thêm nhiều hơn một mùa. Có lẽ, việc đáng để tâm hơn cho Marvel Studio chính là chắt chiu hơn ở khâu biên kịch. Chứ không phải rush out phục vụ fan để rồi cho ra nhiều tác phẩm tệ hại như bây giờ. 
     Vậy thì, khi đã thất bại trong việc xây dựng nhân vật rồi thì liệu về mặt hình ảnh, Marvel có tiếp tục lặp lại lỗi lầm như trước? Chúng ta sẽ tiếp tục ở phần dưới đây. 

II/. ”Mổ” hình ảnh

     Đây chắc chắn là phần mình hứng thú nhất vì bên cạnh mặt nội dung, mình thường chú tâm vào phần hình ảnh hơn. Có thể nói, một bộ phim hay đối với mình nằm rất nhiều ở visual. Được rồi, chúng ta cùng bắt đầu phần đầu tiên nào!
1. Màu sắc 
     Trước hết, chúng ta có thể thấy nhà làm phim đã sử dụng rất nhiều những màu sắc liên kết(Associative color) với khung cảnh và nhân vật,.. Ví dụ: 
     Đây là nhân vật Sonya Falsworth. Chúng ta có thể thấy gắn liền với Sonya xuyên suốt cả bộ phim này chính là bộ quần áo màu đỏ thẫm. Mỗi lần bà ta xuất hiện, mình luôn cảm thấy một sự quyền quý nhưng cũng bạo lực, chết người. Có thể thấy công việc của điệp viên MI6 này đòi hỏi tính chính xác, hiệu quả cũng như phải dùng “biện pháp mạnh” nếu như tội phạm không chịu mở miệng. Do vậy, Sonya phải tạo cho mình một vỏ bọc của một quý bà trìu mến, nhẹ nhàng nhưng thực ra là sâu bên trong là hiện thân ác mộng đích thực của mọi tội phạm. 
     Bên cạnh đó, chúng ta còn có: 
     Tất nhiên rồi, ai mà không nhớ tới bộ suit màu đen ưa thích của Nick Fury cơ chứ. Mình có thể khẳng định rằng nhân vật Fury rất hợp với màu đen bởi nó toát lên sự nam tính, trang trọng và bí ẩn. Với một điệp viên ngầm, mặc đồ đen cũng giúp họ có thể dễ dàng che dấu thân phận. 
     Nhìn chung, màu sắc được thể hiện trong series này đối với mình chưa thực sự ấn tượng. Bởi vì sao? Bởi trong nhiệm vụ “kể”những gì nhà làm phim muốn truyền tải, màu sắc trong Secret Invasion chưa thực sự phục vụ nhiều. Lấy đại một ví dụ cho vấn đề này đi. Chúng ta hãy nhìn ở phân cảnh dưới:
     Trong cuộc gặp gỡ của cô bé người Nga với Nick Fury, chúng ta không hề cảm thấy sự bất an hay nghi ngờ gì cả. Bởi màu sắc xung quanh cô bé được phối màu theo cách Analogous( phối màu cạnh nhau trong bánh xe màu). Màu vàng, cam và đỏ được phối hợp hài hòa tạo cảm giác ngây thơ, thân thiện. Đồng thời đạo diễn cũng đánh lừa chúng ta đây không phải một Skrull giả dạng. Hãy nhìn tiếp vào phân cảnh sau đó.
     Cô bé này thực chất là Gravik giả dạng. Nhưng, đáng lẽ ra cảnh này sẽ bất ngờ hơn nếu quả bóng lúc này hắn ta cầm được phối màu theo cách hoàn toàn khác biệt là Complementary ( Đối lập). Nếu là mình, mình sẽ lựa chọn màu vàng và màu tím. Bởi, màu tím cho ta cảm giác bí ẩn, kỳ lạ còn màu vàng lại vẫn giữ tính ngây thơ nhưng cũng báo hiệu điều chẳng lành sắp ập đến. Hai quả bóng được sử dụng giống y hệt nhau đã vô tình làm người xem không cảm nhận được chủ ý của đạo diễn. Chắc chắn nếu được thay đổi một chút, người xem sẽ phải ồ lên vì bất ngờ.
     Nhìn tổng quát trong cả series, mình thấy đạo diễn chưa sử dụng màu sắc một cách hiệu quả. Có lẽ, nếu muốn hiểu màu sắc phục vụ như nào trong nhiệm vụ biểu đạt thì mình khuyến khích mọi người nên xem bộ phim “American Beauty” của Sam Mendes. Có thể nói, muốn người xem hiểu hết ý đồ của mình trong phân cảnh, người làm phim cần sử dụng màu sắc một cách hợp lý và hài hòa. Những gì “phần nhìn” thể hiện tốt, cũng giúp “phần kể” trở nên ấn tượng hơn. 
2. Setup camera
     Trái ngược hoàn toàn với màu sắc thì phần góc quay làm mình khá ấn tượng. Để chứng minh cho điều này, chúng ta hãy cùng nhau xem qua phân cảnh sau: 
Tập 1 Secret Invasion
Tập 1 Secret Invasion
     Đầu tiên, trong cuộc rượt đuổi giữa Talos và điệp viên Everett Ross, đạo diễn đã sử dụng góc quay boom shot đưa lên từ từ. Đồng thời, ta có thể thấy sự tương phản tài tình giữa ánh sáng-bóng tối ngay giữa khung hình. Có thể thấy, chủ ý của đạo diễn muốn người xem dồn toàn bộ chú ý ngay từ những phút ban đầu bởi đây sẽ là một series với tông màu đen tối, giật gân. Cuộc truy đuổi này cũng đã góp phần mở ra cú twist đầu tiên của bộ phim: Everett Ross là một Skrull biến hình. Mình sẽ không khẳng định là mình không ấn tượng với phần mở này đâu. Mình rất ấn tượng ở đằng khác. Bởi, nó không hề tệ ở mặt hình ảnh và giới thiệu vừa đủ những gì sắp diễn ra trong series. Có thể nói sự căng thẳng, giật gân của cả series được thể hiện rất tốt ở giai đoạn tiền đề. 
     Tiếp đến, mình sẽ nói về phân cảnh này trong tập 3:  
Đầu tiên, trong cuộc đối thoại giữa hai nhân vật là Talos và Gravik. Chúng ta thấy được rằng nhà sản xuất đã đặt góc quay hướng nghiêng lên phía lãnh đạo cũ của Skrull.
    Thứ hai, nhân vật Gravik lại được đặt camera một cách đối diện.
    Vậy thì việc setup như vậy có ý nghĩa gì nhỉ? Nếu như suy ngẫm một chút, ta nhận thấy đạo diễn đang muốn truyền tải rằng: Talos đang là người là “cửa trên” trong cuộc đối thoại này. Ngược lại, trong mắt ông ta, Gravik chẳng khác gì một tên nhóc nổi loạn. Có thể nói, việc mở đầu cuộc đối thoại như vậy đang tạo ra một nội cảnh với không khí ngột ngạt và gay gắt dễ dàng được đẩy cao. Đỉnh điểm là lúc Gravik nhắc đến con gái của ông-G’iah. Thế nhưng, một cú twist đã làm tất cả ngã ngửa.
     Arc shot được khéo léo sử dụng cùng tiếng kèn bất ngờ nổi lên. Có thể nói, đạo diễn Ali Selim đã thành công trong việc tạo ra bất ngờ. Đồng thời ông muốn chúng ta thấy khung cảnh lúc này: giống loài Skrull đang bao vây xung quanh người lãnh đạo cũ của họ-Talos. Tình huống bỗng chốc thay đổi một cách ngoạn mục. 
      Ta có thể nhận thấy điều khác lạ, góc cam lúc này được để một cách song song như Gravik.
     Gravik đang từ kẻ “cửa dưới”. Vậy mà, giờ đây hắn ta đang là kẻ ngang hàng với chính thủ lĩnh cũ của mình. Tình huống lúc này bất lợi cho Talos hơn bao giờ hết. Hiện tại, chỉ có rút lui là nước đi an toàn cho ông ta. 
     Nhìn chung, về việc bố trí camera trong nhiệm vụ “kể”, mình đánh giá khá ổn trong bộ phim này. Một lời khen dành cho đạo diễn hình ảnh Remi Adefarasin. Nếu để nói, khi chúng ta tham chiếu với bộ phim có cùng chủ đề trước đây: Captain America 2. Mình mong muốn có nhiều cảnh quay được sử dụng với dạng random movement hơn. Với việc camera bị rung lắc có thể tạo ra một không khí chênh vênh, bất ổn trong bộ phim đang hướng tới.
     Nếu ai tò mò muốn biết về lợi ích của việc sử dụng cam này như nào thì hãy xem ngay mùa I của Breaking Bad. Xuyên suốt mùa này, mình thấy đây là chuyển động camera được sử dụng nhiều nhất. Chúng ta tưởng rằng phần hình ảnh liên tục bị rung là lỗi của nhà làm phim. Nhưng không! Đây chính xác là góc cam random movement mà mình đang nói tới. Với việc sử dụng camera như thế khiến chúng ta cảm nhận rõ sự bấp bênh và khó khăn trong cuộc sống ở tuổi 50 của nhân vật Walter White. 
3. Ánh sáng
     Sau khi xem xong Secret Invasion, đọng lại trong đầu mình không có nhiều về phần ánh sáng. Chúng ta hãy xem sự đối lập trong hai ngoại cảnh dưới. 
     Khởi đầu series, nơi ở mới của loài Skrull được bố trí quay vào lúc nhiều ánh sáng tự nhiên. Một nơi ở đầy hi vọng và hứa hẹn cho họ.
     Ở phân cảnh trong tập cuối, nơi đây lại ngập tràn u tối.
     Nhìn chung, việc xây dựng sự đối lập như vậy đối với mình vẫn chưa là bước đột phá khi đã có nhiều series trước đây đã làm. Có vẻ như, ánh sáng chỉ dừng ở mức tròn vai và không được đạo diễn ưu tiên quá nhiều. 

III/. Nhận xét

    Tựu chung lại, mình muốn nói rằng series này thực chất mới chỉ là mở màn cho một sự kiện lớn hơn. Điểm sáng của Secret Invasion có lẽ là nằm ở phần hình ảnh. Ngược lại, phần nội dung chưa được đầu tư kỹ lưỡng và khiến tổng thể series này bị đánh giá thấp. Theo quan điểm của mình, mình sẽ để series này ở mức điểm 4/10 cho những gì nó làm được và không làm được. Chắc chắn nếu muốn giữ chân người xem ở lại, Marvel phải cải thiện rất rất nhiều ở những dự án sau. Nếu không, họ sẽ lãng phí một tài nguyên to lớn trong tương lai của mình.