Họ nói: "Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài!". Chiếu theo nhận định này, đây hẳn là hành vi sai trái. Vậy hãy xét thêm một lớp nữa của hành vi này. Trong trường hợp ai đó phán xét người khác ngay lần đầu gặp mặt, liệu anh ta có đáng bị đánh giá là kẻ xấu?

Đó là thắc mắc mà tôi dành cho một nhân vật phụ trong phim                       The Intern (2015). Anh ta tên Lewis, một chàng trai trẻ xuất hiện lần đầu với tư cách nhân viên của công ty About The Fit. 
Ngồi cạnh anh, là bố già học việc thực tập sinh 70 tuổi Ben Whittaker, người có ngày làm việc đầu tiên ở chốn văn phòng bận rộn, hiện đại, nhốn nháo điển hình cho một công ty kinh doanh quần áo phụ nữ. Tất nhiên, Ben chẳng thể hòa nhập với những người sinh ra sau ông nửa thế kỉ. Ông mặc com-lê thay vì quần bò áo thun, sử dụng chiếc cặp từ những năm 60, tác phong không quá nhanh nhẹn và bối rối với việc khởi động chiếc Macbook.
Nghe chuyện Ben may mắn được sắp xếp làm việc trực tiếp với chủ công ty Jules Ostin, một bên miệng của Lewis nhếch lên, anh xoay chiếc ghế đang ngồi, đồng thời thốt ra lời xuýt xoa trước khi quay trở lại làm việc: "Thật không may!" (Unfortunately!). Dù Ben từng nhận thái độ tương tự trong suốt quá trình phỏng vấn, đây là lần đầu ông bị coi thường về khả năng của mình đến vậy. Ben không bận tâm tới lời châm chỉa này cho lắm, ông giúp đỡ mọi người và thậm chí còn chỉ dẫn cậu thanh niên phong cách đứng đắn để gặp Jay-Z và Beyoncé. Sau cả hành trình của Ben ở công ty, hẳn Lewis là một tên khốn!
Theo một hướng khác, Ben có thể đã nghĩ vậy, ông có thể đã phán xét thái độ khinh khỉnh này và mối quan hệ giữa hai người chấm dứt chỉ sau năm phút gặp mặt. Trong trường hợp này, đánh giá Lewis qua một hành động riêng lẻ liệu có đúng đắn? Liệu có chút phiến diện, nhất là khi nhìn lại câu nói ở đầu bài viết?
Một lý do dẫn tới hành vi này, đó là xu hướng chung của xã hội. Con người là loài động vật sống thành bầy, do đó khi bạn ở trong một cộng đồng, bạn cố hòa nhập với số đông và bất giác làm theo những thói quen chung. Khi một hành vi xấu trở nên quá phổ biến, tiêu chuẩn của xã hội hạ xuống, chấp nhận sự hiện diện quen thuộc của hành vi đó nhưng vẫn tiếp tục chỉ trích. Do đó mỗi người dù đả kích một hành vi nhưng vẫn có thể mắc phải nó, do sự dễ dãi của xã hội cho phép anh ta làm vậy. Điều này lí giải cho việc bạn tham gia kêu gọi bảo vệ môi trường nhưng vẫn lãng phí năng lượng điện hàng ngày; bạn không ý thức được vì đó được số đông công nhận, nó không đáng quan tâm. Vì vậy Lewis dễ dàng bị lên án một cách vô thức, bất cẩn, thiếu xuy xét và được chấp nhận như lẽ thường tình.
Trong trường hợp của Lewis, một lý do khác là thành công sau cùng của Ben khiến khán giả chỉ trích thái độ của những người đánh giá thấp ông. Con người sẽ dễ dàng không xem trọng những người được đánh giá là kém cỏi, hay không thể hiện được tiềm năng; nhưng lại hoàn toàn yêu mến khi anh ta trở nên giỏi giang. Nhưng trong thời điểm bắt đầu, họ không nghĩ vậy, chỉ đơn giản là anh ta không đáng coi trọng. Cách Lewis đánh giá Ben và cách ta đánh giá Lewis qua hành động đánh giá của anh ta đều dựa trên quy luật khó hiểu này.
Sau cùng, chuyện phán xét người khác là một điều không nên, dù cho việc ấy có vẻ rất xứng đáng. Bởi vì bạn sẽ không thể biết trước được điều gì sẽ thay đổi ở con người ấy, hoặc anh ta chưa bộc lộ phẩm chất nào đó lấn át cả cái ấn tượng được đánh giá sai lầm ban đầu. Sống mà không đánh giá, không có ý kiến riêng là không thể, nhưng cần xuy xét kỹ càng và biết giữ trong lòng. 
Đó là phần kết của bài viết này. Cá nhân người viết xin đính kèm link gồm những câu danh ngôn về việc phán xét mà đã làm người viết ngộ ra một số điều. Mong rằng nó có ích với bạn: http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/87/strcats/313/sw/p/charmode/true/default.aspx