Trong một dịp nào đó bác sếp cũ của mình có nói rằng để coi trọng cuộc sống không có gì khó cả. Khi tao ngồi ở nhà sau một ngày thì tao sẽ thấy có bao nhiêu thứ không có lý do gì phải đúng mà nó vẫn cứ đúng. Ví dụ như tao đã đi qua bao nhiêu ngàn người phóng xe máy ngược chiều mà chỉ cần một trong số những người đó trật tay lái thôi là mình đã đi tong rồi. Trong số những kẻ tham gia giao thông, chỉ cần có một người không tuân thủ vượt đèn đỏ thì tao đã toi. Trong một ngày, mình tiếp xúc với bao người, có bao nhiêu việc chỉ cần người khác có ý định muốn hại mình là mình đã sạt nghiệp. Trong một ngày, mình đi ăn ngoài có bao nhiêu người có thể chẳng may cho chất độc vào những gì ta ăn, thế mà ta vẫn sống. Thế nhưng vì lý do nào đó, những việc đó diễn ra đúng hết ngày này đến ngày khác. Việc đánh đổi một chút rủi ro lấy niềm vui, những gì tiện lợi trong cuộc sống là điều chúng ta làm hàng ngày, mặc dù chúng ta không thường nghĩ như vậy. Khi ra đường, khi làm ăn với người khác, chúng ta đều đặt một niềm tin vô cùng lớn vào những người ta không hề quen biết là họ làm đúng.
Mình nghĩ việc không xem nhẹ dịch là một việc cần thiết, nhất là ở nước đông dân như Việt Nam (đặc biệt ở các thành phố lớn). Nhưng trong lúc đó, mình cũng nghe mẹ kể ở toà nhà cao tầng bố mẹ mình ở thì mọi người ai cũng phải đeo khẩu trang bất kể là có liên quan gì đến bệnh hay không. Việc đeo khẩu trang là việc mà cả WHOCDC, đều vẫn đang khuyến cáo không nên làm, trừ khi nghĩ là mình có khả năng đang bị bệnh. Như vậy là cả xã hội, tất cả mọi người đang trả một cái giá tương đối đắt cho sự an toàn mà một số người lo lắng nhất nghĩ là cần phải làm.
Một trong những điều mình học được là những hiểu biết của mình về thế giới rất có hạn. Những hiểu biết của nhân loại, và đặc biệt cá nhân mình về virus, nhất là virus mới như thế này là rất hạn chế. Mình nghĩ công cụ đáng giá nhất của con người là việc hiểu ra rằng người khác biết hơn mình. Các khuyến cáo ở các tổ chức uy tín trên thế giới là những tổ chức những người đã dành cả đời để nghiên cứu về bệnh dịch và biết điều gì nên làm, mình nghĩ điều quan trọng nhất là lắng nghe và làm theo họ. Khi ta chọn việc không lắng nghe họ và làm theo cái ta nghĩ rằng đúng vì ta đọc báo (hay tệ hơn là xem Facebook) thấy abcxyz, đó là một việc mình nghĩ là việc không khôn ngoan. Việc cảnh giác cực đoan trong việc làm ngược lại những gì WHO hay CDC khuyến cáo như thế mình nghĩ là gần với sự mê tín hơn là sự khôn ngoan.
Đeo khẩu trang không làm cho mình không nhiễm bệnh mà chỉ làm cho bệnh của mình khó lây lan cho người khác. Khi ta có luật là bắt tất cả mọi người đeo khẩu trang tức là ta không tin ai là không bị bệnh cả. Mình nghĩ đó là sự cảnh giác một cách cực đoan. Niềm tin vào việc người khác làm việc đúng là một con dao hai lưỡi, người ít tin vào người khác, ít phụ thuộc vào người khác là người khó phạm phải sai lầm, nhưng làm được việc gì đều lâu, khó và đắt. Sống một cuộc sống có ít niềm vui để đổi lấy những sự an toàn (superficially) không phải là điều tất cả mọi người đều muốn.
Việc trẻ con người lớn ở nhà không được làm gì trong nhiều tháng cho một căn bệnh cũng có giá của nó. Giá của cả nước đình trệ, nhiều người lo sợ hoang mang, nhiều người khủng hoảng tinh thần vì phải ở nhà quá lâu, doanh nghiệp phá sản, hàng hóa khan hiếm vì những biện pháp quá cực đoan -- với cá nhân mình, là một cái giá phải trả không hề nhỏ một tí nào.
Và chúng ta đều góp một tiếng nói, một lá phiếu tham gia trong cuộc trao đổi giữa sự rủi ro và niềm vui trong cuộc sống như thế. Có người sống liều hơn, có người sống ít liều hơn. Mình chắc chắn sẽ có người nghĩ khác hẳn với mình và mình nghĩ rằng miễn là chúng ta không áp đặt thứ chúng ta tin cho người khác thì chúng ta không có vấn đề gì cả.