Sáng hôm nay, ngày 12/06/2018, Quốc hội thông qua dự luật An ninh mạng với tổng số phiếu tán thành 86.86%. Wow đây là con số thật đẹp, theo như các thầy phong thủy phán thì đây là số "phát lộc phát lộc", một dấu hiệu cực tốt, hẳn sẽ đem đến may mắn công thành danh toại cho tất cả chúng ta ! Ụa mà đã thông qua rồi thì không còn là Dự luật nữa, vì chắc chắn nó sẽ được áp dụng chứ không phải "dự định" được áp dụng nữa rồi !
Lúc đang đọc tin này, tôi đang chat với hai cô bạn thân qua Messenger Facebook, tôi vu vơ rằng bây giờ nói năng phải cẩn thận nhé, đùa rằng cái đoạn chat của ba con dở hơi này xem chừng đang bị theo dõi đấy nhé, rồi cả bọn phá lên cười !
Tôi lướt dọc Facebook, thấy vài ba người bạn hoảng loạn không biết tài khoản Facebook của họ có bị khóa không ? Thông tin của họ có bị bắt đổi không ? Và quan trọng là bây giờ họ nên chuyển sang app nào dùng để đảm bảo "an toàn" ? Ô hay, chẳng phải cái Luật an ninh mạng ra đời để giúp cho người dùng an tâm hơn sao ? Mà thay vì đó, phần lớn ai cũng nháo nhào lo lắng vì không còn thấy an toàn nữa ?
Tôi nghĩ ra vài tình huống buồn cười khi mà một ngày đẹp trời nọ, tôi đăng tải một ảnh đại diện lên trang cá nhân nào đó thì nhà mạng báo lỗi "Hình ảnh không đúng với thực tế. Xin vui lòng chọn ảnh khác !". Hoặc khi tôi và bạn trai chat chit vài chuyện nhạy cảm nóng bỏng cho thõa "nỗi lòng" thì tin nhắn báo không thể gửi vì "Câm tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy !". Hay đơn giản hơn là tôi đăng vài câu chửi thề phong long nào đó cũng sẽ nhận tin kiểm điểm "Nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục" ???
Tôi thừa nhận tôi không hiểu rõ về Luật an ninh mạng này cho lắm và tôi chắc rằng tôi không phải là người duy nhất. Nhưng theo suy nghĩ của tôi khi vừa nghe tên thì Luật này kiểu như đặt ra để mọi người "suy nghĩ kĩ hơn và có trách nhiệm hơn với những phát ngôn của mình trên internet", phải vậy không nhỉ ? Nếu quả thật là như vậy thì đây chưa hẳn là một Luật xàm xí như mọi người nói. Hơn thế nữa, khi mà các điều Luật được áp dụng quá nhiều thì người dùng internet sẽ chán, sẽ bớt "sống ảo", sẽ ra đường nhiều hơn, thế là chúng ta bớt đi rất nhiều các thành phần chỉ biết sống và gõ bàn phím, cơ hội người gặp người sẽ tăng lên, thế thì quá tốt, chúng ta phải đội ơn Quốc hội đã thông qua dự luật này mới phải !
Nhưng mọi chuyện có đơn giản như vậy không ?
Nếu nó đơn giản như vậy thì mấy ngày qua đã không có chuyện dân tình phản đối, thậm chí biểu tình (chung với dự luật cho thuê đặc khu Vân Đồn)

Tại sao chúng ta lại lo lắng ?

Tôi xin quay lại với vấn đề bên trên: tôi không hiểu rõ về Luật này ! Vâng, và rất nhiều người cùng câu hỏi như vậy !
Chi tiết Luật này là như thế nào ? Chúng tôi - những người dùng internet được lợi gì từ Luật này ? Chúng tôi cần lời trình bày và giải thích, mà khi đã không rõ ràng thì chúng tôi luôn thấy bất an và giận dữ. Rốt cuộc Luật an ninh không khiến chúng tôi thấy an ninh hơn.

Vấn đề về trách nhiệm cho lời nói và hành động

Tôi thừa nhận mỗi người dùng internet đều phải có trách nhiệm trước những phát ngôn của mình, đặc biệt là khi mạng lưới internet ngày càng phát triển thì hiểm nguy đến từ một phát ngôn "sai trái" là rất lớn và điều này cũng không hề dễ. Tuy nhiên, không thể quy chụp cho tất cả người dùng hiện giờ đều là "mầm mống của một hiểm họa an ninh mạng", và tôi đặt câu hỏi ngược lại "Thế nào là một phát ngôn sai trái ? Và phát ngôn như thế nào mới là đúng và không bị phạt ?"

Hay sự sợ hãi và nhu nhược ?

Năm 2005, khi cúm H5N1 hoành hành, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn đại dịch hoàn toàn một cách nhanh chóng nhất. Cả nước vỗ tay hoan hô, người dân vui mừng khôn xiết ! Vâng, vì lúc ấy có bao nhiêu con nhiễm bệnh, có nguy cơ hay không có nguy cơ, Việt Nam đều lôi ra giết sạch đốt sạch, bảo sao không "sạch hoàn toàn và chính xác", trong khi các nước láng giềng còn tốn thời gian để cân nhắc, kiểm tra và chọn ra cá thể nào có thể giữ lại, cá thể nào phải loại bỏ ... người ta sợ giết sạch thì con dân lấy gì sống !??
Năm 2018, để "ngăn chặn dịch bệnh", Luật mang tên An ninh mạng ra đời. 
Có người nói rằng, một đất nước càng nhiều Luật pháp càng thể hiện rõ sự bất tài trong việc quản lý người dân. Như Công ty càng nhiều quy định càng thể hiện rõ sự bất cập trong quản lý nhân sự, trường học đặt nhiều nội quy càng thể hiện sự yếu kém trong quản lý học sinh, cha mẹ đặt nhiều quy tắc càng thể hiện sự bất lực trong cách dạy dỗ con cái. Tôi không nói Luật hay nội quy là xấu vì nó vẫn là quan trọng và cần thiết để giáo dục và chế tài con người, nó xuất hiện như một sự hiển nhiên trong suốt quá trình tiến hóa của con người. Cho nên nhiều người lấy "sự quan trọng và cần thiết" đó ra để áp chế và các bộ Luật ra đời nhiều hơn; tuy nhiên xét về một khía cạnh nào đó, nếu chúng ta đủ tinh anh và đủ thông minh để quản lý thì Luật chỉ là biện pháp cuối cùng. Ở một nơi mà người dân luôn cảm thấy an tâm và hạnh phúc thật sự thì chính quyền không cần phải ban hành nhiều luật lệ, bởi cơ bản điều đó là không cần thiết !
Đó là chưa kể ý kiến của cộng đồng mạng không phải lúc nào cũng xấu và sai trái. Người ta chỉ nói như vậy khi họ chưa từng tìm thấy người thân nhờ những chia sẻ của cộng đồng mạng; họ chưa thấy những động thái tích cực của các bạn trẻ kêu gọi mọi người ngưng hôi của vài vụ tai nạn xe bất ngờ và nó có tác dụng thật; họ chưa thấy các dự án phá hoại Sơn Đoòng bị lên án như thế nào và xem chừng cộng đồng mạng góp phần không nhỏ trong việc can ngăn và trì hoãn những sự việc kia (tôi không dám nói rằng chúng tôi - chúng ta đã đóng góp thật lo lớn trong việc bảo vệ Sơn Đoòng vì các dự án kia vẫn chưa dừng lại và trong lương lai, khi Luật an ninh mạng được phê duyệt thì những nỗ lực kêu gọi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn). Nếu không có cộng đồng mạng thì vụ án ấu dâm của lão yêu râu xanh Nguyễn Khắc Thủy chỉ dừng lại ở 18 tháng tù treo, không có cộng đồng mạng thì không ai biết chạy xe ôm hay bán chổi ở Yên Bái vẫn có thể xây biệt phủ, không có những tiếng nói lan truyền trên mạng xã hội thì sẽ không ai biết phong trào #metoo là gì, Phạm Anh Khoa cũng sẽ không biết anh ấy đã làm sai những gì, ...
Chúng ta đang sống ở Thế kể 21, nơi mà sự kết nối và lắng nghe rất quan trọng. Sự ổn định trong đời sống cần đến từ hai phía, chính quyền và người dân tích cực hỗ trợ nhau, hãy nói "chúng ta" thay vì "chúng tôi và các bạn". 
Tôi không biết Luật mới này sẽ tác động như thế nào đến chúng ta, nhưng tôi tin rằng công lý không đứng về những kẻ thiếu hiểu biết và độc tài, dù họ có đông cỡ nào đi chăng nữa !