Giữa ồn ào của những tranh cãi về việc có nên hay không bãi bỏ một án lệ hợp pháp hóa quyền phá thai đã tồn tại 49 năm qua, điều rất cần lúc này là nhìn vào một trong những lập luận quan trọng nhất của Tối cao Pháp viện Hoa Kì về một trong những quyền tự dongười dân, đặc biệt là phụ nữ Mỹ thế kỉ XXI.
Nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
Nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
Ngày mùng Hai tháng Năm vừa rồi, trang tin Politico rò rỉ một bản dự thảo (draft opinion) của Tối cao Pháp viện được chắp bút bởi thẩm phán Samuel Alito về vụ án Dobbs v. Jackson Women’s Health Organisation. Bản dự thảo này cũng đã được xác minh là thật từ chính Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kì John Roberts. Theo bản dự thảo này, án lệ Roe v. Wade năm 1973, án lệ hợp pháp hóa phá thai trên toàn nước Mỹ sẽ bị bãi bỏ sau bốn mươi chín năm tồn tại. 
Chẳng cần nói cũng biết, quyết định này mang đến tranh cãi như thế nào. Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra rất quan ngại về vấn đề này, cho rằng, quyền lựa chọn của phụ nữ (women’s right to choose, ý nói bao gồm cả quyền phá thai) là “cơ bản” (fundamental), và rằng “sự công bằng cơ bản và sự ổn định của luật pháp (của Mỹ) yêu cầu nó (án lệ Roe) không thể bị bãi bỏ”. Hàng ngàn người ủng hộ quyền phá thai biểu tình bên ngoài thủ đô D.C của Mỹ để gây sức ép trước việc án lệ Roe có thể bị lật ngược.
Nhưng có lẽ không phải tất cả những nhà hoạt động bảo vệ quyền phá thai và ngay cả chính vị tổng thống Hoa Kì đã soi xét cho kĩ càng bản dự thảo này. 
Trong 98 trang của bản dự thảo bị rò rỉ, Thẩm phán Alito đưa ra những lập luận ủng hộ việc bãi bỏ án lệ Roe. Nhìn chung, có thể tóm tắt lại những ý chính của bản dự thảo như sau:
1. Ở thời điểm án lệ Roe, 30 tiểu bang của Hoa Kì vẫn cấm phá thai trong toàn bộ thai kì. Phán quyết Roe do đó đã áp đặt một chế độ nghiêm ngặt trong cả nước, cấm đoán pháp luật về phá thai của từng tiểu bang. Ngài Alito cũng dẫn chiếu lời của cựu Thẩm phán Byron White tại thời điểm đó, rằng đây là một “hành vi của quyền lực tư pháp thô” (exercise of raw judicial power), làm nảy sinh tranh cãi trên cả nước và làm căng thẳng thêm văn hóa chính trị trong suốt nửa thế kỉ. (Trang 2, 3, 40)
2. Quyền phá thai không phải là quyền được dẫn chiếu trong Hiến pháp Hoa Kì, cũng không được ngụ ý bảo vệ (implicitly protected) trong bất cứ điều khoản hiến định nào. Rằng lí lẽ mà Roe dựa vào - “diễn biến công bằng” trong Tu chính án thứ Mười bốn cũng không hợp lí, bởi nó không “xuất phát sâu xa từ lịch sử và truyền thống của quốc gia” (deeply rooted in this Nation’s history and traditions) và được “ngụ ý trong khái niệm về sự tự do” (implicit in the concept of ordered liberty) như trong án lệ Washington v. Glucksberg (1997). Phán quyết Roe đã sai trầm trọng (egregiously wrong) ngay từ đầu. (Trang 5, 6)
3. Nguyên tắc “stare decisis” (xét xử theo tiền lệ) không phải một mệnh lệnh không lay chuyển được (not an inexorable command). Thế nên, trong vụ án lần này, không nhất thiết áp dụng Roe, và Roe cũng có thể bị bãi bỏ. (Trang 35, 37)
4. Án lệ Roe không chấm dứt được cuộc tranh luận về quyền hiến định đối với phá thai hay không. Mà trong Dobbs, có 26 bang đã yêu cầu tòa hủy bỏ Roe. Và đã đến lúc, quyết định về tay người dân và “những đại diện dân cử” (elected representatives). Tòa cũng không thể biết được hệ thống chính trị và cả xã hội sẽ phản ứng như thế nào với quyết định này, nhưng tòa chỉ làm việc của mình: giải thích luật, áp dụng nguyên tắc xét xử theo tiền lệ pháp và xét xử vụ án này cho phù hợp. (Trang 64, 65).
Thẩm phán Alito đã bám vào những yếu tố rất cơ bản về một án lệ: Thẩm quyền của chủ thể tạo ra án lệ (Tối cao Pháp viện), tính hợp hiến của án lệ, tác động của án lệ đến xã hội, nguyên tắc cơ bản của thủ tục tư pháp. 
Án lệ Roe thời điểm đó là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử tư pháp Mỹ bởi nó phân định một vấn đề gây tranh cãi ngay khi nó sinh ra - vấn đề nạo phá thai trên toàn nước Mỹ. Và con số quá bán (30 tiểu bang cấm phá thai) đủ để thấy phán quyết Roe cũng là một vấn đề gây tranh cãi ở thời điểm đó. Khi cấm phá thai được ban hành hay quyền phá thai được đảm bảo thì tranh cãi vẫn nổ ra vì một vấn đề xã hội nhạy cảm về cả luật pháp, tôn giáo, đạo đức, y tế như nạo phá thai chưa bao giờ hết tranh cãi ở bất cứ xã hội nào. Thế nhưng có lẽ vị thẩm phán đáng kính sẽ không còn mạnh dạn như khi viết nên những lập luận ấy khi nhìn vào sự phản ứng của người dân Mỹ thời điểm này. Qua cuộc thăm dò của CBS News, có đến 64% người tham gia cho rằng không nên bác bỏ án lệ Roe. Và ngay cả đại diện của nhánh hành pháp, người có khả năng tác động cả vào quyết định của nhánh lập pháp Hoa Kì, đương kim tổng thống Joe Biden cũng công khai thể hiện sự không đồng tình với việc bãi bỏ Roe.
Ngài Alito lấy phán quyết tại án lệ Washington v. Glucksberg năm 1997 để dẫn chiếu một phán quyết của án lệ năm 1973 là chưa hợp lí. Vì chính tại thời điểm năm 1973, các thẩm phán tối cao cũng rất lúng túng trong việc phân định quyền phá thai có phải là một quyền được hiến pháp bảo vệ hay không, khi đó cũng chưa có án lệ năm 1997 để mà dựa vào. Mà thực tế thì, như chính thẩm phán Alito viết, thì nguyên tắc “stare decisis” không phải là không thể xoay chuyển. Tức là việc tòa có dựa vào phán quyết từ án lệ Washington v. Glucksberg hay không hoàn toàn nằm ở quyết định của các thẩm phán mà không cần thiết phải có sự phá vỡ nguyên tắc tư pháp nghiêm trọng nào cả. 
Phân định một quyền dân chủ (như quyền phá thai) có hợp hiến hay không là rất khó khăn, hầu như là không có cách nào khác ngoài dựa vào những hiểu biết pháp lí và phán đoán ngoài pháp lí của từng người, thế nên tất sẽ có những xung đột về quan điểm. Thực ra đây chẳng phải lần đầu tiên Tối cao Pháp viện gây tranh cãi khi viện dẫn một quyền là hợp hiến hay không. Ngay trong án lệ nổi tiếng Lochner v. New York, Tòa án khi đó cho rằng quyền “tự do hợp đồng” là một quyền được hiến pháp bảo vệ trong khi cũng không hề có căn cứ cụ thể nào cho thấy “tự do hợp đồng” được hiến định mà chỉ là do cách giải thích và áp dụng pháp luật của Tối cao Pháp viện thời điểm đó quan niệm như vậy mà thôi. Tối cao Pháp viện khi đó dựa vào lập luận: “Không ai… bị tước đoạt mạng sống (life), tự do (liberty), hoặc tài sản (property), mà không thông qua diễn biến công bằng (without due process)” (Tu chính án thứ 5). Tu chính án 14 lặp lại quy định này theo hướng cấm các bang tước đoạt của công dân mình mạng sống, tự do, hoặc tài sản mà không có “diễn biến công bằng”. Trong Roe, những thẩm phán của Tối cao Pháp viện thời điểm đó cũng dựa vào “diễn biến công bằng” và cho rằng quyền phá thai là một quyền được hiến định. Sau gần nửa thế kỉ, những thẩm phán khác lại không nghĩ như vậy nữa. Về cùng một vấn đề là giải thích hiến pháp và phân định xem một quyền dân chủ có hợp hiến hay không thì Tối cao Pháp viện tại thời điểm khác nhau đã có cách lí giải khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Việc này đương nhiên gây tranh cãi. Vì không thể nào trong những trường hợp khác nhau của cùng một vấn đề, các thẩm phán đáng kính lại thay đổi nguyên tắc và cách hành xử của mình như vậy. Nếu ai đó cho rằng pháp luật phải thay đổi theo sự chuyển biến của thời đại thì có lẽ không hiểu rằng đó là điều mà những công thần lập quốc Hoa Kì lo sợ nhất vì nó biểu hiện cho một hệ thống pháp luật đầy lỗ hổng. Án lệ là cốt tủy tư pháp của thế giới thông luật. Một án lệ càng giá trị thì càng có sức trường tồn với thời gian. Nếu quyết định của Tối cao Pháp viện hôm nay không thỏa đáng nhưng vẫn trở thành một án lệ, rất có thể trong tương lai, án lệ này lại bị lật ngược. Bản dự thảo này, nếu có thể thông qua để trở thành một án lệ, sẽ không chỉ quyết định đến số phận của hàng triệu người Mỹ mà còn định hình cho bộ mặt của Tối cao Pháp viện, rộng ra là ngành tư pháp Mỹ hiện tại và tương lai. Liệu Tối cao Pháp viện có thể giữ vững hình ảnh đầy tự hào với vai trò bảo vệ quyền dân chủ của từng người dân Mỹ hay không?
Nói đến đây, rất có thể bạn đọc sẽ cho rằng người viết không đứng về phía Tối cao Pháp viện Hoa Kì về vấn đề bãi bỏ án lệ Roe, nhưng sự thật không phải vậy. Người viết muốn chỉ ra cả những điểm thuyết phục và chưa thuyết phục trong lập luận tại dự thảo của Tối cao Pháp viện. Và những điểm không thuyết phục trong lập luận của Tối cao Pháp viện cũng không đồng thời hợp lí hóa những lập luận và cách hành xử của những người ủng hộ quyền phá thai, chống đối bản dự thảo của Tối cao Pháp viện. 
Người dân (đặc biệt là dân Mỹ) thường quá nhạy cảm về thứ được gọi là quyền tự do, dân chủ của họ. Ngay trong án lệ Lochner, ông chủ tiệm bánh đã quá lo lắng cho quyền “tự do hợp đồng” của mình, dẫn đến sự ra đời của một án lệ khét tiếng đánh dấu thời kì quá năng động của Tối cao Pháp viện Hoa Kì. Thời điểm đó, phe đa số tại Tối cao Pháp viện có lẽ không nghĩ rằng, việc quy định số giờ tối đa của công nhân có ý nghĩa rất quan trọng mà “quyền tự do hợp đồng” (đáng ra) phải nhường bước. Vì thực tế, quy định hạn chế giờ làm của nhân công là cách chính quyền tiểu bang New York bấy giờ bảo vệ quyền được bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người lao động trước sự bóc lột từ ông chủ của họ, theo khía cạnh nào đó cũng là một quyền tự do, dân chủ, không phải với nhà nước, mà với sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và sự lên ngôi của thị trường tự do lúc bấy giờ. Hơn một thế kỉ trước, có lẽ đa số thẩm phán Tối cao Pháp viện và một bộ phận người dân Mỹ cho rằng sự tự do trong giao kết hợp đồng còn quan trọng hơn sự ảnh hưởng về sức khỏe của công nhân và sự bóc lột thái quá của những ông chủ tư bản với nhân công của mình. Và bây giờ, có lẽ một bộ phận người dân nữa cũng cho rằng quyền tự do đối với thân thể còn quan trọng hơn cả sức khỏe của bà mẹ và những giá trị đạo đức, tinh thần không cổ vũ cho hành vi phá thai. Ai cũng biết phá thai để lại không ít hệ lụy kể cả về mặt sức khỏe, phần nào đó cũng giống như hậu quả của việc công nhân làm việc kiệt sức tại các nhà máy. Người viết cho rằng, nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của công dân và những giá trị ngoài luật pháp vì sự phát triển chung của toàn xã hội. Pháp luật công nhận và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân nhưng không phải trong mọi trường hợp và với mọi mức độ. Hơn hết, nhiều khi người dân còn không nhìn ra mình đang được bảo vệ mà phản ứng thái quá một cách không cần thiết. Dư luận xã hội, dù gay gắt đến đâu cũng chỉ là một trong nhiều tiêu chí khác để quyết định xem điều gì sẽ trở thành luật pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội vì không phải lúc nào ý kiến của số đông cũng đúng. Điều đó là lí do để hình thành nên các cơ quan dân cử, đại diện nhân dân để đưa ra những quyết sách quan trọng mà toàn xã hội phải noi theo. Họ là những bộ óc xuất chúng với tầm nhìn xa trông rộng, trong nhiều trường hợp, đủ để biết được việc gì nên làm cho sự phát triển chung, lâu dài của một quốc gia. 
Mà thực tế thì, cuộc tranh biện về hợp pháp hóa hay không quyền phá thai không phải là câu hỏi nhị nguyên của hai phe “pro-choice” (ủng hộ phá thai) và “pro-life” (phản đối phá thai). Có nhiều sắc thái hơn trong ý kiến của người dân về vấn đề này. Theo những khảo sát của Pew Research Center, thì gần 1/5 người trưởng thành ở Hoa Kỳ (19%) nói rằng phá thai nên hợp pháp trong mọi trường hợp, không có ngoại lệ. Ít hơn (8%) nói rằng phá thai là bất hợp pháp trong mọi trường hợp, không có ngoại lệ. Ngược lại, 71% nói rằng việc phá thai hợp pháp hoặc phần lớn là bất hợp pháp, hoặc nói rằng có những ngoại lệ đối với việc họ ủng hộ hoặc phản đối phá thai hợp pháp. Ngay cả những người phản đối phá thai cũng có những ngoại lệ cho quan điểm của mình: Gần một nửa (46%) nói rằng việc phá thai là hợp pháp nếu việc mang thai đe dọa đến sức khỏe hoặc tính mạng của người phụ nữ. Thêm 27% nói rằng “điều đó còn tùy thuộc” trong tình huống này, trong khi 27% nói rằng phá thai là bất hợp pháp ngay cả trong những trường hợp đe dọa đến sức khỏe hoặc tính mạng của thai phụ. Hơn một phần ba những người phản đối việc phá thai (36%) nói rằng việc mang thai là hợp pháp nếu việc mang thai là do bị cưỡng hiếp, với 27% cho rằng “điều đó còn tùy thuộc” và 37% bày tỏ phản đối việc phá thai hợp pháp ngay cả trong tình huống này. Và nhiều khảo sát khác. Thống kê cho thấy, hợp pháp hóa phá thai hay không đặt người dân vào một song đề rất khó xử, điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố với nhiều mức độ khác nhau: nguyên nhân của việc mang thai, quan niệm về sự khởi nguồn của sự sống hay thời điểm phá thai trong cả thai kì,...
Theo: pewresearchcenter.org
Theo: pewresearchcenter.org
Thẩm phán Alito cũng kết lại phần lập luận của mình khá thuyết phục bằng việc nhấn mạnh chức năng của Tối cao Pháp viện với toàn thể người dân Mỹ với đại ý: chúng tôi chỉ có chức năng giải thích hiến pháp theo những nguyên tắc tư pháp thôi, với vụ này thì chúng tôi cứ xét xử cho phù hợp theo những nguyên tắc đó, những tác động chính trị - xã hội khác chúng tôi không chịu trách nhiệm hoặc cũng không cần phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, để tránh “mang tiếng” áp dụng “quyền lực tư pháp thô” như trong quá khứ, tòa “trao quyền lực cho người dân và những đại diện dân cử”, tức là tòa tối cao quy định thế, còn việc áp dụng cụ thể ra sao là ở cơ quan dân cử của từng tiểu bang. Những người la ó về dự thảo rất có thể trở thành án lệ này có lẽ cũng được “vuốt ve” đôi chút vì lập luận ấy có vẻ rất dân chủ, tạm thôi không tranh cãi về sự bất nhất trong cách giải thích hiến pháp của Tối cao Pháp viện. Vì có trách phải chăng trách những tổ phụ của hiến pháp Mỹ đã không minh định quyền lợi cho người dân Mỹ(?!). Ngài Alito có lẽ cũng đã dự liệu cả những tranh cãi khủng khiếp nổ ra trên mọi mặt trận khi án lệ được thông qua và cũng đủ khôn ngoan để tránh cho Tối cao Pháp viện “tai bay vạ gió” khi chẳng may không được lòng số đông và những chóp bu trong các nhánh quyền lực khác. Các thẩm phán tối cao về nguyên tắc thì cắt đứt những ảnh hưởng ngoài luật pháp, chỉ làm việc dưới ánh sáng của công lí và lẽ phải, dù biết rằng không phải ai cũng độc lập về phe cánh. 
Sau cùng thì bản dự thảo bị rò rỉ không phải là cuối cùng, nó vẫn có thể không trở thành án lệ vì các thẩm phán hoàn toàn có thể thay đổi ý kiến của mình. Nhưng khả năng điều đó xảy ra là rất mong manh. Cụ thể trong bản dự thảo này, có đến bốn thẩm phán thiên về Cộng hòa đã nhất trí với thẩm phán Alito rồi. Chánh án John Roberts là một người thiên về phe bảo thủ, rất tôn trọng nguyên tắc “stare decisis”, cũng rất khó để nói ông có dùng lá phiếu của mình để lật ngược án lệ Roe hay không. Xin nhớ rằng việc những thẩm phán cùng một thiên hướng chính trị có lá phiếu giống nhau không nhất thiết phải thể hiện sự phân cực nặng tính chính trị trong một phán quyết cần độc lập khỏi những toan tính phi luật pháp. Với vai trò to lớn của Tối cao Pháp viện với ngành tư pháp Mỹ, thật đáng trông chờ những gì họ sẽ làm với án lệ về quyền phá thai của phụ nữ Mỹ. 
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Nguyễn Duy Hậu, “Thời đại Lochner, “chính phủ ông tòa” và khi Tối cao Pháp viện Hoa Kì (lại) là kẻ xấu”, https://www.luatkhoa.com/2020/11/thoi-dai-lochner-chinh-phu-ong-toa-va-khi-toi-cao-phap-vien-hoa-ky-lai-la-ke-xau/
2. Các án lệ:
3. “Press Releases - Pr_05-03-22 - Supreme Court of the United States.” Press Releases - Pr_05-03-22 - Supreme Court of the United States, www.supremecourt.gov, https://www.supremecourt.gov/publicinfo/press/pressreleases/pr_05-03-22. Accessed 15 May 2022.
4. “Biden Says Access to Abortion Is a ‘Fundamental’ Right.” Time, time.com, https://time.com/6173002/joe-biden-abortion-fundamental-right/. Accessed 14 May 2022.
5. “Most Who Support Roe See an Overturn as a Danger to Women, Other Rights — CBS News Poll.” Most Who Support Roe See Supreme Court’s Potential Overturn as a Danger to Women, Other Rights — CBS News Poll - CBS News, www.cbsnews.com, 9 May 2022, https://www.cbsnews.com/news/roe-v-wade-supreme-court-overturn-opinion-poll-2022-05-08/.
6. “Exclusive: Supreme Court Has Voted to Overturn Abortion Rights, Draft Opinion Shows.” Exclusive: Supreme Court Has Voted to Overturn Abortion Rights, Draft Opinion Shows, www.politico.com, 2 May 2022, https://www.politico.com/news/2022/05/02/supreme-court-abortion-draft-opinion-00029473.
7. “Read Justice Alito’s Initial Draft Abortion Opinion Which Would Overturn Roe v. Wade.” Read Justice Alito’s Initial Draft Abortion Opinion Which Would Overturn Roe v. Wade, www.politico.com, 2 May 2022, https://www.politico.com/news/2022/05/02/read-justice-alito-initial-abortion-opinion-overturn-roe-v-wade-pdf-00029504.
8. Barnes, Robert, et al. “Inside the Supreme Court Deliberations on Abortion - The Washington Post.” Washington Post, www.washingtonpost.com, 7 May 2022, https://www.washingtonpost.com/politics/2022/05/07/supreme-court-abortion-roe-roberts-alito/.
9. “America’s Abortion Quandary.” Pew Research Center’s Religion & Public Life Project, www.pewresearch.org, 6 May 2022, https://www.pewresearch.org/religion/2022/05/06/americas-abortion-quandary/.
10. “Abortion Rights Activists Gather in D.C. to March, Protest Potential Roe v. Wade Reversal.” Abortion Rights Activists Gather in D.C. to March, Protest Potential Roe v. Wade Reversal - CBS News, www.cbsnews.com, https://www.cbsnews.com/video/abortion-rights-activists-gather-in-dc-to-march-protest-potential-roe-v-wade-reversal/. Accessed 16 May 2022.
Mikodmi.