Gần đây tôi có đọc một cuốn sách nhưng không thể nhớ tên tác giả. Chỉ nhớ một trích đoạn mà tôi rất ấn tượng kể về một người sống trên tòa chung cư 20 tầng. Nhà của người đó có trồng một bệ cỏ với lớp đất rất dày, mỗi khi thấy thiếu năng lượng hay cần phải suy nghĩ chuyện gì quan trọng, người ấy sẽ đứng lên bệ cỏ ấy, để có kết nối với đất mẹ. Lúc ấy mọi luồng năng lượng hỗn tạp sẽ dần được thanh lọc. Tấm hình này tôi vô tình chụp được trong triển lãm của Thầy Thích Nhất Hạnh ở Hải An gallery, bắt được khoảnh khắc hai nhà sư đi ngang qua tấm thư pháp ghi “ Peace is every step “ an lạc từng bước chân của Thầy. Nếu mọi người có quan tâm thì chắc đều biết đến câu :
“Hãy đi những bước chân như hôn vào mặt đất
Hãy đi những bước chân như vỗ về trái đất..."
Thực chất đây là câu ẩn ý nói về lối sống trong chánh niệm của triết lý nhà Phật. Nhưng để hiểu đơn giản thôi, thì đang có ngụ ý về "sống chậm" đang phổ biến hiện nay. Trên mạng xã hội không thiếu các định nghĩa cho ý niệm này, một loạt các bài phân tích hành vi thế nào mới được gọi là "chậm". Phải biết thiền định hay tập Yoga, hay ăn uống thực phẩm hữu cơ, hay biết tu tập, đến đúng cửa chùa để hành lễ mới đúng quy trình của lối sống ấy. Dẫu sao thì thế nào cũng tốt, miễn là người thực hành đấy biết cách an trú trong chính những hành động họ chọn làm. Với tôi thì đơn giản hơn, sống chậm chỉ là tập bước đi chậm, ăn cơm nhai chậm, uống từng ngụm nước, đứng trước việc bất bình thì bình tĩnh quan sát trước khi buông lời cay đắng, hay lúc giận lên với người yêu thì chọn cách im lặng, hoặc đang trực tiếp cãi nhau thì chủ động đếm số trong đầu từ 1 đến 10 rồi hẳn nói thêm câu nào đấy. Tôi chứng kiến nhiều người từ mặt nhau chỉ vì hiểu lầm trong câu chữ, hay bản thân cũng đã từng trải qua chuyện đấy rồi. Sống chậm đôi khi chỉ là làm mọi thứ chậm lại theo đúng nghĩa đen, lúc đấy cơ hội để xoay chuyển tình thế hay kết cục của một câu chuyện đôi lúc chỉ dựa vào đôi ba giây khựng lại đấy thôi.