Hãy tưởng tượng một cuộc sống hoàn hảo với một ngôi nhà khang trang, môt khu vườn được chăm sóc cẩn thận và một gia đình hạnh phúc. Nhưng bên dưới lại là sự trống rỗng, cô đơn và một khát khao tự do một cách tuyệt vọng. Cuộc sống lý tưởng này chỉ là một cái mặt nạ để che giấu sự bất hạnh bên dưới.
Đây là thế giới trong phim American Beauty (1999), do Sam Mendes đạo diễn.
Lester Burnham, nhân vật chính của phim là một người đàn ông trung niên tưởng như có tất cả: một công việc ổn định, một ngôi nhà khang trang và một gia đình hoàn hảo. Nhưng bên trong, ông cảm thấy ngột ngạt. Cuộc sống của Lester bị bóp nghẹt bởi những kỳ vọng xã hội. Ông phải làm một công việc mà ông ghét, mối quan hệ với vợ là sự lạnh nhạt và thiếu thốn tình yêu, mối quan hệ với con gái tuổi teen thì sự xa cách. Lester tìm cách giải thoát bằng cách nổi loạn: ông từ bỏ công việc, bắt đầu tập thể hình, mua chiếc xe mới và những món đồ đắt tiền. Đỉnh điểm là theo đuổi Angela Hayes, bạn thân của con gái ông. Nhưng những gì ông làm chỉ là sự thỏa mãn nhất thời vô nghĩa.
Carolyn Burnham, vợ của Lester, là một người ám ảnh với sự thành công và vẻ ngoài hoàn hảo. Carolyn tin rằng vật chất và sự kiểm soát có thể bù đắp cho cảm giác bất an và cô đơn bên trong mình. Bà lao vào công việc, xây dựng hình ảnh một gia đình kiểu mẫu và đắm chìm trong những mối quan hệ hời hợt. Nhưng sâu thẳm, Carolyn cảm thấy trống rỗng và thất bại. Nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo khiến bà đánh mất kết nối với chính mình và những người thân yêu.
Jane Burnham, con gái của Lester và Carolyn thì cảm thấy lạc lõng và không được yêu thương. Jane sống trong cảm giác tự ti và hoài nghi về giá trị của bản thân, luôn cho rằng mình không đủ đẹp, không đủ đặc biệt, không xứng đáng được yêu thương. Sự thờ ơ của cha mẹ càng làm cô cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn.
Angela Hayes, bạn thân của Jane Angela thì luôn sợ hãi việc trở thành một người tầm thường, không đáng được chú ý nên cô tự giả vờ mình là một cô gái quyến rũ và tự tin. Nhưng bản thân cô cũng luôn cảm thấy tự ti và hoài nghi về chính mình giống như Jane.
Hầu hết các nhân vật trong American Beauty đều mắc kẹt trong vấn đề của riêng họ nhưng không thể chia sẻ với ai. Nhưng thay vì đối mặt với sự thật, thì họ khoác lên mình vỏ bọc giả tạo của hạnh phúc để che giấu nỗi đau và sự bất an. Tất cả bọn họ bị ngộp thở trong chính cuộc sống của mình và cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm kiếm sự giải thoát. Họ cố gắng lấp đầy sự trống rỗng của mình bằng vật chất, bằng danh tiếng, bằng sự hoàn hảo. Nhưng càng cố gắng, họ càng cảm thấy lạc lối.
Trong American Beauty, vẻ đẹp không được miêu tả như sự thể hiện niềm vui hay sự thỏa mãn, mà là sự giả tạo do các chuẩn mực xã hội áp đặt. Các nhân vật bị ám ảnh bởi việc duy trì hình ảnh hoàn hảo, che giấu những bất an, sợ hãi và khao khát của họ sau lớp vỏ bọc hoàn mỹ. Bộ phim sử dụng sự ám ảnh này để phê phán những lý tưởng nông cạn, nơi mà vẻ bề ngoài và vật chất quan trọng hơn mọi thứ.
Ricky Fitts, người hàng xóm bí ẩn và kỳ lạ là sự đối lập với những ảo tưởng này. Ricky không chạy theo vẻ đẹp hào nhoáng hay những giá trị vật chất, anh cũng không quan tâm đến định kiến của xã hội.
Ricky nhận thức được mình khác biệt với mọi người và anh tự hài lòng với chính mình. Với chiếc máy quay của mình, anh ghi lại vẻ đẹp trong những điều tầm thường mà mọi người thường bỏ qua. Trong đó nổi bật là hình ảnh chiếc túi nhựa bay lượn trong gió, thứ mà Ricky mô tả là "khoảnh khắc đẹp nhất mà tôi từng thấy" Hình ảnh chiếc túi nhựa nhẹ nhàng bay trong gió là biểu tượng của tự do tuyệt đối. Nó không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì, không có hướng đi cụ thể, và không bị điều khiển. Nó là đại diện cho vẻ đẹp tồn tại ngay trong những thứ nhỏ bé và bình thường nhưng thường bị mọi người phớt lờ.
Qua đó nhấn mạnh rằng vẻ đẹp thật sự của cuộc sống là sự mong manh, không bền vững tồn tại trong những khoảnh khắc ngắn ngủi.
Đối với Ricky vẻ đẹp thực sự không phải là những điều lớn lao, mà là những thứ nhỏ nhặt, bình thường mà ta tưởng như vô nghĩa.
Điều này đối lập hoàn toàn với cuộc sống của các nhân vật khác trong phim, những người mắc kẹt trong vòng lặp của những áp lực xã hội, những kỳ vọng và sự giam cầm tâm lý.
American Beauty hé lộ sự giả dối của giấc mơ Mỹ, cho thấy rằng sự hoàn hảo chỉ là một lớp vỏ che giấu những bất hạnh bên trong. Sự trống rỗng không thể được lấp đầy bằng vật chất hay danh tiếng. Và sớm hay muộn thì lớp vỏ nãy cũng sẽ vỡ vụn.
Hành trình của Lester chính là phản ứng trực tiếp với sự trống rỗng mà cuộc sống tưởng như hoàn hảo đó mang lại.
Bộ phim xoay quanh khao khát, hám muốn tự do của con người. Sự ham muốn của Lester đối với Angela ko chỉ là dục vọng thông thường mà còn là mong muốn tìm lại tuổi trẻ và sức sống. Cuộc ngoại tình của Carolyn sự khao khát quyền lực và hoàn hảo, còn Jane thì khao khát sự kết nối và chấp nhận từ gia đình lẫn những người xung quanh.
Cuối cùng thì American Beauty nói về vẻ đẹp. Thứ mà ai cũng khao khát tìm kiếm nhưng chỉ vài người có được. Angela, đối tượng khao khát của Lester, đại diện cho vẻ đẹp bề ngoài mà xã hội tôn sùng. Tuy nhiên, khi câu chuyện tiến triển, sự xấu xí trong cuộc sống của các nhân vật và những nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo giả tạo của họ dần lộ ra. Lester nhận ra những ham muốn phù phiếm của mình là vô nghĩa và nhân ra vẻ đẹp trong những khoảnh khắc bình thường (như hình ảnh chiếc túi nilon bay trong gió).
Chỉ khi chúng ta học cách tìm thấy vẻ đẹp trong những khoảnh khắc bình dị, chúng ta mới có thể thoát khỏi vòng lặp của những ảo tưởng xã hội và tìm thấy tự do thực sự.
Đây có lẽ cũng là thông điệp chính của phim.Trong một đoạn phim Lester nói về cuộc đời của mình, về những điều mà ông đã bỏ lỡ, về vẻ đẹp của cuộc sống mà ông từng phớt lờ. Ông không tức giận. Không hối hận. Mà chỉ biết ơn vì mình đã nhận ra vẻ đẹp ấy, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Như Lester từng nói: "Bạn chắc chắn không hiểu tôi đang nói gì, tôi chắc chắn. Nhưng đừng lo. Một ngày nào đó, bạn sẽ hiểu."
img_0