“Ơ bài này tiếng guitar hay vậy”, đó là cảm nghĩ của mình vào một chiều hoàng hôn nào đó, với bài hát ngẫu nhiên mà mình không nhớ rõ. Thú thật, ban đầu mình và cũng như rất nhiều người, nghe một bài hát chỉ vì độ bắt tai của nó, hay vì lời nhạc hay, … mà chẳng mảy may để ý đến nhạc cụ. Chẳng biết cơ duyên đưa đẩy như thế nào, từ sau khi nghe bài hát ấy, mỗi khi nghe nhạc mình đều chú tâm hơn để lắng nghe tiếng nhạc cụ. Càng ngày mình càng cảm nhận được sự đa màu đa sắc trong những ca khúc mình nghe hơn, và điều gì đến cũng phải đến, mình quyết định học chơi guitar. Mới vào thì tui cũng ngây thơ, xin mẹ mua cho cây đàn, về cũng quyết tâm lắm, tự học được đâu một vài ngày cái nó nản lắm mọi người ạ! Ui cảm giác bất lực khi ấy, thiệt không diễn tả được luôn, vừa thất vọng bản thân vừa hơi “tiếc tiếc” cây đàn mới mua. Nhưng mà lỡ bòn rồi, thì mình bòn nốt luôn, lại mặt dày xin tiền mẹ đi học đàn (vì lúc này mình vẫn còn học cấp 3). Mình cũng trải qua quá trình “gian khó”, tập ngày này tháng nọ (thiệt ra mặc dù rất thích nhưng mình lại lười tập vô cùng, làm cho tiến độ học tập kéo khá dài). Và vẫn là suy nghĩ mình ngây thơ, học đàn với mục đích ban đầu là để “cua cẩm”. Nói đùa vậy thôi, chứ mình muốn dùng âm nhạc để giao tiếp, hòa nhập tốt hơn và để thể hiện bản thân, và “cua cẩm” cũng chỉ là một mục đích phụ thôi nha! E hèm, nhắc lại chỉ là MỤC ĐÍCH phụ thôi nha.
Và sẵn đây mình cũng xin chia sẻ vài thứ thú vị xảy ra trong quá trình học guitar của mình luôn. Suy nghĩ lúc vừa mới tập của mình cũng khá kiên định, việc mình bắt đầu tập bằng dây kim loại chứ không phải dây nilon làm mình cảm thấy khá nản, bởi những ngón tay mình lúc nào cũng đau rát, ê ẩm nữa chứ. Nhưng bù lại mình lại có cái nhìn thiện cảm hơn đối với âm thanh của dây kim loại, âm thanh sáng và trong trẻo hơn, không bị “kì cục” một số chỗ như dây nilon. Thầy dạy mình rất là tâm huyết, và tất nhiên là chơi siêu hay luôn. Thầy chơi fingerstyle cứ phải gọi là đỉnh của chóp. Với bạn đọc thắc mắc fingerstyle là gì, thì mình giải thích nôm na là chơi “kỹ thuật về ngón tay” nhiều hơn, không đơn thuần là dùng hợp âm như đệm hát. Mình cũng không biết giải thích thế nào cho cụ thể, các bạn có thể tìm hiểu thêm trên những nền tảng như Youtube chẳng hạn. Thầy giải thích cho mình rất tường tận về những khái niệm cơ bản trong guitar, và sau nhiều lần nhìn thầy mình “chơi đùa với cây đàn” thì mình đã quyết định theo đuổi phong cách fingerstyle. Tiết lộ với các bạn luôn là mình bây giờ chơi khá tệ cả fingerstyle và đệm hát. Lý do là mình học guitar trong giai đoạn cấp 3 tương đối căng thẳng, nên mình đã bỏ lỡ việc chơi guitar khá lâu. Anyway, quay lại với vấn đề chính. Ban đầu học guitar, như đã nói, mình rất lười tập, nên tiến độ để mình vượt qua những phần cơ bản là khá lâu, may mắn là nhờ niềm yêu thích nên mình không bị nản và tiếp thu cũng nhanh hơn. Nhưng dần về sau, mình càng bị “cuốn” vào guitar, mình chơi cũng thường xuyên hơn và tần suất mình gặp thầy cũng nhiều hơn. Thời gian cứ thế trôi, trình độ mình cũng cứ thế tăng theo. Những kĩ thuật khó khăn hay những bài hát phức tạp mình phần lớn có thể chinh phục được. Nhưng không chỉ khả năng chơi guitar của mình được cải thiện, mà cảm xúc đối với từng âm sắc, niềm thỏa mãn mà tiếng guitar mang lại cho mình cũng rất nhiều. Và mình đã “đi sai hướng” so với mục đích ban đầu, càng chơi nhiều, biết nhiều, mình lại càng ít muốn thể hiện bản thân hay dùng cây đàn để hòa nhập. Tiếng đàn dần trở thành âm thanh thân thiết với tâm hồn mình, tiếng đàn dần trở thành “công cụ” để thỏa lấp những thiếu xót nhất thời, như dòng nước tuôn trào, lấp đầy những chỗ trống nơi trái tim và cuốn đi những “bụi bẩn” cuộc đời. Cũng thật lạ kỳ, trước khi chơi đàn mình rất ít tiếp xúc và nói chuyện, kể cả bạn bè hay người thân thì mình cũng không nói gì quá nhiều, nhưng sau khi tiếp xúc với tiếng đàn, mình lại rất hay trò chuyện, về đủ thứ trên đời, như thể lần đầu tiên mình được nói. Thật khó diễn tả chính xác cảm giác ấy, chỉ biết nói rằng cây đàn đã lan tỏa âm thanh của chính nó đến mình, một âm thanh với nhiều cung bậc, và âm thanh ấy là xúc tác để mình lan tỏa âm thanh của bản thân đến mọi thứ xung quanh. Bởi lẽ lúc bấy giờ, mình mới nhận ra rằng, một vật vô tri lại có thể trò chuyện với mọi người, tại sao một cá thể đang sống, đang tồn tại như mình lại không?
Ảnh bởi
Jefferson Santos
trên
Unsplash
Đúng vậy, guitar đã thay đổi bản thân mình khá nhiều, từ phong thái giao tiếp đến sự tự tin vào bản thân, … Chính sự tiếp xúc lâu dài với guitar cùng chút ít nghiên cứu, mình đã giành được cho bản thân một góc nhìn khách quan hơn về âm nhạc nói chung và nhạc cụ nói riêng. Nhiều người, kể cả mình ban đầu, như mình đã nói, khi nghe một bài hát thường ít chú ý vào “phông nền” nhạc cụ phía sau. Họa chăng người ta chỉ để ý đến những “con beat” cháy bỏng, sôi động, chứ mấy ai nghe nhạc “chill” lại để ý đến tiếng đàn. Nhưng hãy một lần, bạn dừng lại và lắng nghe thật chi tiết bài hát nào đó, bài hát yêu thích của bạn chẳng hạn. Lắng nghe từng âm sắc, mình cá rằng bạn sẽ có cảm nhận thật khác. Bạn cảm thấy ấm áp, như được vỗ về bởi âm bass trầm, hay năng lượng vui tươi và có phần hơi điên rồ của guitar điện, dồn dập đến nghẹt thở bởi tiếng trống cao trào, hay đôi khi đơn giản chỉ là tiếng thở nhẹ lấy hơi của ca sĩ; hay đôi khi là âm “phô” nơi tiếng guitar, một giây lạc nhịp của tiếng trống, một chút nghẹn ngào ở đoạn cao trào, … Càng nghe bạn sẽ càng phát hiện ra những âm thanh mới lạ trong bài hát, và tất cả như hài hòa mới khiến cho bài hát trở nên hoàn thiện. Chính vì vậy, với cá nhân mình nhìn nhận, chơi guitar nói riêng, không chỉ là “làm nền” cho bài hát, hay đơn thuần phục vụ mục đích cá nhân, mà vai trò của guitar cũng vô cùng quan trọng, có thể trở thành dấu ấn cá nhân, hay thỏa mãn được đam mê, xoa dịu tâm hồn của bất kỳ ai. Và guitar đã mang lại cho mình một tâm hồn “thi vị” hơn, yêu đời hơn, cây đàn trở thành “người bạn thân thiết”; mình cũng khẳng định được bản thân nhiều hơn trước. Nhưng cũng có cái hại, chính là đôi lúc mình “quên ăn quên học” để ngồi mò mẫm guitar, làm mình tốn khá nhiều thời gian.
Ảnh bởi
Annie Spratt
trên
Unsplash
Và có một sự thật khá “ích kỷ” của riêng mình, chính là Wanni.K bây giờ thường chỉ chơi guitar cho bản thân mình nghe mà thôi, chỉ trừ những khi quây quần bên bạn bè thân thiết hay gia đình. Mình biết nhiều người sẽ nghĩ rằng chẳng phải mình học guitar để chứng minh bản thân hay sao? Mình cũng không phủ nhận mục đích học guitar của mình là đúng như vậy, nhưng khi đã thể hiện đủ những gì bản thân mình có thể làm được, mình lại càng muốn thỏa mãn bản thân nhiều hơn. Bởi lẽ, bản thân mỗi người lại chính là rào cản lớn nhất cho sự nỗ lực. Nghĩa là bạn càng thỏa mãn điều gì đó thì chính sự thỏa mãn sẽ ngăn cản bạn phát triển đến những tầm cao mới. Với mình, “biểu diễn” cho bản thân mình “lắng nghe”, vừa khiến mình được xoa dịu vừa tạo động lực lớn lao để mình tiếp tục phát triển. Và như mình đã nói, mình cũng có chơi guitar cho những ai thân thiết, vì họ lắng nghe, động viên và đồng thời có những lời góp ý chân thật nhất. Cũng một phần do mình chưa đủ trình độ, cũng như những trải nghiệm nhất định để biểu diễn trước đám đông, hay lớn hơn là kiếm tiền từ cây đàn guitar, nên mình có phần hơi “khép kín” về cái mà mình gọi là “âm nhạc biểu diễn”.
Vây đó các bạn ạ, guitar đã mang đến cho mình những trải nghiệm đáng nhớ, thay đổi phần nào tính cách mình và cũng là “công cụ” cho tâm hồn mình được thỏa mãn. Những trải nghiệm này Wanni.K xin được chia sẻ thật lòng nhất đến bạn đọc, giúp các bạn dù có biết chơi guitar hay không, cũng sẽ có cái nhìn khách quan hơn về loại nhạc cụ thú vị này. Cảm ơn các bạn đã giành chút thời gian trân quý để quan tâm, ủng hộ mình và mọi người trong tập thể Sput NiKk. Chúc bạn đọc có một trải nghiệm thú vị. Xin chào và tạm biệt mọi người!