Ám ảnh quá khứ - bệnh tâm lý vô hình
Tại sao con người thường sợ hãi đối mặt quá khứ ?
Nỗi ám ảnh sợ quá khứ còn được gọi là Mnemophobia (nỗi sợ ký ức). Ám ảnh sợ quá khứ là một rối loạn tâm lý khá thường xảy ra do phải trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện có tính chất nghiêm trọng, gây tổn thương về mặt tâm lý và đôi khi có thể ảnh hưởng cả về thể chất. Mỗi người có một sức bền tinh thần khác nhau nên sự tác động của một sự kiện nào đó đến mỗi người là khác nhau. Một sự kiện đối với người này có thể là bình thường nhưng đối với người khác lại trở thành nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi không thể nào quên được.
Nguyên nhân
Chẳng hạn, có những người luôn mang trong mình nỗi ám ảnh với tình trạng tẩy chay, bắt nạt, bạo lực học đường. Sau này, dù đi học ở những ngôi trường khác cũng rất sợ hãi các tình huống bị bắt nạt, mà đôi khi nó chỉ là sự trêu đùa bình thường. Họ có thể trở nên thiếu tự tin, không dám kết bạn. Hay những người đã từng ly hôn có thể sẽ luôn ám ảnh rằng mình không thể có một gia đình hạnh phúc dài lâu nên không dám bắt đầu một mối quan hệ mới.Con người là sinh vật mạnh mẽ nhất nhưng cũng là sinh vật yếu đuối nhất . Theo các nghiên cứu khoa học, ám ảnh sợ quá khứ thường bắt nguồn từ những sự kiện có tính chất sang chấn. Tùy theo ngưỡng chịu đựng của não bộ và kinh nghiệm sống của từng người, mức độ ám ảnh về những sự kiện quá khứ sẽ có sự khác biệt rõ rệt.
Các yếu tố ngoại ảnh liên quan được chỉ ra bởi các chuyên gia tâm lý bao gồm
Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nỗi ám ảnh về quá khứ. Những người trải qua tuổi thơ êm đềm và cuộc sống không có biến cố hầu như không có khả năng phát triển chứng bệnh này. Trong khi đó, người phải đối mặt với các sự kiện có tính chất sang chấn sẽ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề tâm lý.Các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ như gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn, ly thân, bị lạm dụng thể chất, tình cảm, từng bị bắt cóc, cưỡng hiếp, chứng kiến tai nạn khủng khiếp và những hành vi man rợ sẽ để lại tổn thương tâm lý sâu sắc. Trong đó, sẽ có một số trường hợp phát triển chứng ám ảnh sợ quá khứ.
Gen di truyền
Hầu hết các vấn đề tâm lý đều có khả năng di truyền và nỗi sợ ám ảnh quá khứ cũng vậy. Các chuyên gia nhận thấy, người mắc các chứng ám ảnh và sợ hãi thường có hạnh nhân hoạt động quá mức. Bên cạnh đó, những cơ quan bên trong não bộ cũng có một số điểm bất thường. Điều này có thể khẳng định vai trò của gen di truyền đối với nỗi sợ quá khứ
Đặc điểm tính cách
Tính cách là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ngưỡng chịu đựng stress của não bộ. Những người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và bản lĩnh có thể đối mặt, vượt qua stress một cách dễ dàng. Trong khi đó, người có tính cách yếu đuối, nhút nhát và tự ti thường sẽ bị tổn thương sâu sắc hơn.Bên cạnh đó, những người thiếu kinh nghiệm sống sẽ rất chật vật trong việc vượt qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đây cũng là lý do ngoài việc nâng cao kiến thức, gia đình cần phải bồi dưỡng nhân cách và hướng con cái để những phẩm chất tốt đẹp. Có như vậy, trẻ lớn lên mới có đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn và thử thách.
Một số yếu tố khác
Ngoài những yếu tố trên, bị ám ảnh sợ quá khứ còn có thể xảy ra do một số yếu tố như:
- Liên tục phải đối mặt với các biến cố trong cuộc sống - Là nữ giới (nam giới thường có tính cách mạnh mẽ hơn nên ngưỡng chịu đựng stress sẽ tốt hơn phái nữ) - Người có sẵn các vấn đề tâm lý, tâm thần - Người sống cô độc, không có gia đình và bạn bè xung quanh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý vì không nhận được sự động viên, quan tâm khi cần thiết.
Các biểu hiện thường gặp ở người mắc chứng ám ảnh sợ quá khứ:
- Bản thân luôn chìm đắm trong ký ức về những sự việc đã xảy ra - Mặc dù sự kiện đã xảy ra khá lâu nhưng họ cảm nhận nỗi đau, sự mất mát và các cảm xúc rõ rệt như sự việc mới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn - Họ có thể nhớ rõ chi tiết về sự việc đã xảy ra trong quá khứ hoặc quên mất một vài chi tiết quan trọng - Họ có thể giả vờ vui vẻ nhưng khi ở một mình, thường dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra cùng với tâm trạng buồn bã, chán nản, bi quan, uể oải,…
Tuy nhiên, cũng có một số người bộc lộ nỗi sợ của bản thân khi đối diện với những tình huống gợi nhắc đến sự kiện trong quá khứ. Những trường hợp này thường được những người xung quanh quan tâm, đồng cảm, chia sẻ nên tinh thần thường tốt dần lên theo thời gian. Tuy nhiên, các trường hợp này chiếm tỷ lệ không nhiều.
Khi đối diện với những tình huống tương tự như sự kiện đã xảy ra, bệnh nhân thường thể hiện nỗi sợ thông qua trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, mất bình tĩnh và gần như không thể kiểm soát hành vi hay lời nói. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân gần như không biểu hiện bất cứ cảm xúc nào nhưng trong lòng là sự sợ hãi quá mức, có cảm giác và cảm xúc đã bị đóng băng
Ảnh hưởng của bệnh tâm lý đến cuộc sống
Thật khó để nói một sự kiện như thế nào có thể trở thành nỗi ám ảnh quá khứ tuy nhiên không khó để nhận thấy sức ảnh hưởng từ tình trạng tâm lý này đến sức khỏe. Sống trong quá khứ khiến họ luôn nghĩ đến những điều tiêu cực, lo lắng, sợ hãi không thể nào thoát ra được. Càng ngày họ càng trở nên đau khổ, vô vọng hơn, mất tự tin vào bản thân, nghi ngờ người xung quanh, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, tinh thần ngày càng kiệt quệ.
Có những người sẽ biểu lộ những cảm xúc của mình ra bên ngoài và những lời an ủi có thể làm họ vơi bớt buồn phiền phần nào. Nhưng lại có những người chỉ giấu tất cả mọi tâm tư trong lòng, muốn giấu đi quá khứ đau thương và tự mình chịu đựng. Bề ngoài dù họ có thể vui cười nhưng bên trong tâm hồn đã có những vết cứa rất sâu, khó có thể chữa lành. Nỗi ám ảnh về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ khiến bệnh nhân né tránh những tình huống xã hội và không gian gợi nhắc đến sự kiện. Điều này khiến quá trình học tập, làm việc và các mối quan hệ cá nhân của bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Sống trong nỗi ám ảnh sợ quá khứ còn có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần chẳng hạn như rối loạn lo âu, hội chứng ám ảnh nỗi sợ hay trầm cảm,… Đây là những vấn đề tâm lý cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến những trạng thái bị kích thích, hoảng loạn khi gặp những hình ảnh, tình huống gần tương tự trong nỗi sợ quá khứ hoặc có thể họ có xu hướng tự làm đau mình để làm giảm sự căng thẳng, sợ hãi.
Tỷ lệ tự tử có liên quan đến các nguyên nhân này cũng đang có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, mức độ nguy hiểm của tình trạng tâm lý ám ảnh, sợ hãi quá khứ là không hề nhỏ.Người mang trong mình những ám ảnh từ quá khứ có xu hướng ngày càng mất đi niềm tin vào cuộc sống, họ sống nhưng cảm giác như chỉ đang tồn tại về thể xác. Tương lai của họ cũng rất mơ hồ bởi chính họ cũng không biết nên làm gì và tiếp tục bị đánh bại bởi những đau buồn từ quá khứ. Vòng xoáy tiêu cực cứ bủa vây xung quanh khiến bạn không thể nào thoát ra được.
Cách vượt qua nỗi ám ảnh sợ quá khứ
Để chiến thắng được những ám ảnh từ quá khứ, quan trọng nhất chính là bản thân bạn. Bạn cần phải thực sự hiểu được vấn đề của bản thân, quyết tâm cố gắng, mở lòng hơn để người khác có thể giúp đỡ bạn. Trong trường hợp bạn không thể nào thoát khỏi những nỗi ám ảnh sợ quá khứ, hãy sớm đến gặp chuyên gia tâm lý trị liệu để được hỗ trợ.
Học cách chấp nhận và buông bỏ, tha thứ cho bản thân và đối diện chính mình
Quá khứ là những gì đã diễn ra và bạn không thể đảo ngược thời gian để thay đổi nó. Tuy nhiên, bạn có thể quyết định hiện tại và tương lai mình sẽ sống như thế nào. Bởi vậy, thay vì chìm đắm trong quá khứ đau thương, bạn hãy biến nó thành động lực để biến đổi hiện tại và tương lai trở nên tốt đẹp hơn.Nghịch cảnh chỉ đến một ngày, sao bạn lại ở đó cả đời. Hãy học cách chấp nhận và buông bỏ quá khứ. Chấp nhận rằng sự kiện đó đã diễn ra, dù là vô tình hay hữu ý, dù bạn có lỗi hay không có lỗi. Hãy chấp nhận sự kiện đó là một hành trình để mình học những bài học và sống tốt hơn mỗi ngày. Chỉ suy nghĩ thôi sẽ không thể nào có ích và cần phải bắt tay thực hiện nó ngay lập tức. Bài học từ khóa khứ sẽ trở thành kinh nghiệm để bạn thay đổi chứ không phải rào chắn tương lai của bạn, đây là điều bạn cần thực sự hiểu. Bên cạnh đó, hãy tha thứ cho bản thân mình hoặc tha thứ cho người đã mang tới sự kiện đó đến với mình. Tha thứ để tự giải thoát mình khỏi những cảm xúc tiêu cực (ám ảnh, sợ hãi, giận dữ, trốn chạy) để chào đón nhận những điều mới mẻ tốt đẹp hơn.
Viết nhật ký cũng là cách giúp bạn giải tỏa tâm trạng và buông bỏ quá khứ.
Nếu không thể buông bỏ những nỗi đau trong tâm tưởng, bạn có thể viết nó ra. Khi viết hết ra thì chắc chắn tâm trạng cũng sẽ tốt hơn phần nào và sau đó thì đốt chúng, hoặc cất giấu chúng ở một nơi nào đó mà bạn không thể nào tìm thấy. Giống như bắt đầu một trang sách mới, sau khi những dòng chữ về quá khứ biến mất bạn cũng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới tươi sáng hơn rất nhiều.
Làm bản thân bận rộn để quên đi nỗi ám ảnh sợ quá khứ
Khi bản thân bạn bận rộn vào một điều gì đó sẽ không còn thời gian để nghĩ đến những nỗi buồn. Tuy nhiên, đây không hẳn là một giải pháp tuyệt vời nếu bạn chỉ kiếm một công việc để làm quên ăn quên nghỉ, điều này sẽ chỉ làm hại cả thể xác và tinh thần của bạn hơn. Thay vào đó, hãy tìm kiếm sự bận rộn từ những công việc bạn yêu thích, từ những trải nghiệm mới mà bạn chưa thử bao giờ hoặc những công việc mang tính chất cho đi. Ví dụ làm thiện nguyện hoặc thực hiện một dự án, một công việc mang lại giá trị cho cộng đồng.Niềm vui từ công việc có thể làm mờ nhạt phần nào những ám ảnh sợ hãi trong quá khứ. Đặc biệt, nếu công việc đó có thể đem lại cho bạn thành công. Tất nhiên khi rảnh rỗi, bạn có thể vẫn nhớ về quá khứ nhưng sẽ cảm thấy bản thân đã ổn hơn rất nhiều, không còn quá đau khổ như trước. Những lúc nghĩ về quá khứ như vậy, hãy cố gắng hướng suy nghĩ của mình về hiện tại và tương lai, về những điều tốt đẹp mình đã đạt được trong thời gian vừa qua, về những mục tiêu mình đang nỗ lực phấn đấu. Việc chỉ ở trong 4 bức tường để gặm nhấm nỗi đau khổ, sự sợ hãi sẽ khiến bạn không thể nào thoát nỗi ám ảnh sợ quá khứ. Vì vậy, hãy đứng lên và bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
Biến nỗi ám ảnh trở thành động lực
Thay vì cứ mãi trốn chạy, sao bạn không thử đối diện trực tiếp với nỗi ám ảnh sợ quá khứ và biến nó trở thành một động lực để thay đổi. Có những người chọn vượt qua ám ảnh quá khứ bằng cách biến chúng thành những tác phẩm văn học, những bài hát, những lời thơ văn hay những tác phẩm hội họa. Điều này vừa giúp bạn tìm được một định hướng mới trong cuộc sống vừa là cách để vượt qua những ám ảnh hiệu quả hơn.Hãy biến những nỗi ám ảnh sợ quá khứ trở thành một cơ hội, một động lực tốt đẹp hơn cho chính bạn
Thiền và Yoga giúp bạn bình tâm và thư giãn hơn
Để tránh việc suy nghĩ quá nhiều, bạn có thể học cách ngồi thiền hay tập yoga. Đây cũng là một biện pháp để thanh lọc tâm lý, loại bỏ những điều tiêu cực và hấp thụ những năng lượng tích cực. Bất cứ khi nào cảm thấy quá áp lực căng thẳng bạn cũng có thể thử ngồi thiền, ngồi hít thở sâu trong khoảng 15 – 20 phút chắc chắn sẽ thấy tinh thần thoải mái nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Mở lòng hơn với những mối quan hệ
Sẽ thật là khó khăn nếu bạn cứ giữ mãi những nỗi buồn trong lòng và chịu những nỗi ám ảnh một mình. Quá khứ sẽ ngày càng gặm nhấm niềm vui, khiến bạn trở nên khép kín hơn và làm bạn cô đơn hơn. Vì vậy bản thân bạn cần phải mở lòng ra, tiếp nhận những điều mới, những người bạn mới để thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị.
Gặp gỡ những người bạn mới và thực sự mở lòng hơn bạn sẽ thấy cuộc đời này còn nhiều niềm vui
Không ai có thể giúp bạn nếu bạn không chịu nói ra, không chịu chia sẻ bởi bản thân bạn vốn đã tiêu cực rồi thì không thể giải quyết điều gì một cách đúng đắn được. Giống như việc một người bị tai nạn giao thông và không dám qua đường vậy, bạn chỉ dám đi ở một bên đường. Tuy nhiên khi có một, hai người đồng hành bên cạnh, cùng khuyến khích bạn, thì chắc chắn bạn cũng tự tin hơn khi qua đường.Một người đồng hành đáng tin cậy sẽ là điểm tựa vững chắc giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Vậy người ấy có thể là ai? Đó chính là cha mẹ, anh chị, những người thân trong gia đình hay chính là người bạn thân thiết từ thuở nào. Hoặc cũng có thể là một người đặc biệt luôn âm thầm giúp đỡ bạn từ đằng sau. Hãy tin rằng trên thế giới này sẽ luôn có một người yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ bạn bất cứ lúc nào, chỉ là có thể chưa đến lúc để bạn tìm ra họ mà thôi.
Vận động mỗi ngày giúp vượt qua nỗi ám ảnh sợ quá khứ
Thể dục thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn là cách để vượt qua nỗi buồn vô cùng hiệu quả. Các nghiên cứu đã chứng minh vận động giúp loại bỏ được những năng lượng tiêu cực hiệu quả đồng thời hấp thụ những năng lượng khác để lấp đầy những nỗi buồn. Tập luyện thể dục thể thao đúng cách còn giúp bạn có một cơ thể khỏe khoắn, một thân hình đẹp hơn và điều này cũng có thể mang lại nhiều niêm vui cho bạn.Thay vì đau khổ với những nỗi buồn trong quá khứ và không thể đi ngủ được khiến ngày hôm sau dậy muộn, cảm thấy cả ngày mệt mỏi không còn năng lượng thì bạn hãy thử dậy sớm hơn để tập thể dục. Hít thở không khí trong lành của sớm mai, chạy bộ vài vòng, thả hồn mình trong thanh âm buổi sáng bạn cảm nhận được một nguồn sinh lực tươi mới. Đừng quên đi ngủ sớm hơn vì thức khuya sẽ chỉ làm bạn nghĩ về những gì xảy ra trong quá khứ nhiều hơn mà thôi.
Gặp gỡ chuyên gia tâm lý trị liệu
Nếu bạn đã làm tất cả những giải pháp trên mà bạn không thấy có sự tiến triển tốt hoặc vấn đề còn trở nên trầm trọng, nặng nề hơn, bạn có ý định làm đau bản thân hoặc muốn tự tử, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ, đồng hành của chuyên gia tâm lý trị liệu. Họ là những người có chuyên môn về vấn đề tâm lý, tâm trí của con người. Họ hiểu mối quan hệ, sự tác động giữa ý thức và vô thức nên họ sẽ có những giải pháp phù hợp với tình trạng của bạn, giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi một cách khoa học và triệt để nỗi ám ảnh sợ quá khứ.Nếu thực sự cảm thấy bản thân không ổn, hãy sớm đi gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Các chuyên gia sẽ đóng vai trò như một người bạn, một người lắng nghe những điều khó nói mà bạn đang chôn dấu trong lòng, từ đó đưa ra những định hướng để bạn giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Với sự chuyên môn của mình, các chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ biết cách làm thế nào để thoát khỏi nỗi sợ hãi trong quá khứ và có được sự bình an thực sự từ bên trong. Đồng thời giúp bạn học được kỹ năng để đối phó với những tình huống khó khăn tương tự trong cuộc sống, học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Gặp gỡ chuyên gia tâm lý càng sớm càng giúp bạn có thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản hơn, tránh để lại những hệ lụy xấu về sau này.Tất nhiên, trị liệu tâm lý cũng không phải là ngày một, ngày hai có thể khỏi mà cũng cần có thời gian phù hợp. Điều này phụ thuộc vào tình trạng tâm lý của bạn, quyết tâm nỗ lực của bạn để vượt qua nỗi ám ảnh trong quá khứ. Bản thân bạn cần phải tin tưởng và hợp tác với chuyên gia để việc trị liệu thực sự có hiệu quả
Những tổn thương tâm lý tuy vô hình nhưng lại để lại hậu quả khó lường
"Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu."
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện năm 2016 ở những người bệnh từ 45 tuổi bị trầm cảm, có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do người bệnh cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Chúng ta cần quan tâm hơn đến mọi người xung quanh bởi có những tổn thương và ám ảnh không được thể hiện ra bên ngoài, ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất